Tháng 3 về, Hà Nội lại ngập tràn sắc trắng tinh khôi, hương thơm ngào ngạt của hoa bưởi trên những gánh hàng rong, len lỏi khắp các con phố. Người ta chờ đợi mùa hoa bưởi, như chờ đợi cả khúc giao mùa với chút lãng đãng, bình yên trên những chùm hoa trắng muốt…

Gánh hoa bưởi đi tới đâu vương lại sự mê đắm tới đó. Những cánh hoa màu trắng muốt uốn quanh đài hoa, phô toàn bộ nhụy vàng, xen lẫn màu lá xanh mướt khiến người Tràng An chẳng thể không động lòng. Trong cái vồn vã của ngày mới, ồn ã của phố thị, hương thơm bình dị, nồng nàn mà sâu lắng ấy khiến người qua đường ban sớm bỗng muốn chậm lại những guồng quay, nán lại một chút với hương quê đi ngang phố, khiến những người con xa quê lâu ngày cũng thấy nao lòng.

Người xưa chơi hoa thường “chuộng hương hơn chuộng sắc”. Bởi thế nên các cụ vẫn thường nói những thứ hoa rực rỡ như mẫu đơn, hải đường, phù dung, thược dược… “hữu sắc vô hương”, giống như cô gái đẹp mà không duyên dáng. Hoa bưởi thì ngược lại, không khoe sắc rực rỡ, không kiêu sa đài các, nhưng nhẹ nhàng tinh khiết tựa như người thiếu nữ mộc mạc, trong sáng, mang nét duyên thầm, tỏa ra hương thơm dịu dàng mà say đắm lòng người.

Ảnh chụp màn hình: phunutoday.

Trong cái nắng hiu hắt nhè nhẹ của mùa xuân, giữa những ồn ã của phố phường, Hà Nội bỗng dịu dàng hơn biết mấy với những gánh hoa bưởi theo chân người xuống phố, những nhịp sống mưu sinh bỗng chậm lại, thong dong, an yên đến lạ lùng. Chẳng cần rao bán, hương thơm của hoa đã tựa như một lời mời gọi…

Mỗi người chọn lấy đôi chùm hoa mang về, như mang cả mùa xuân trong trẻo vào căn nhà bé nhỏ. Chẳng biết thú chơi hoa bưởi có tự bao giờ, chỉ biết rằng đến nay người Hà thành vẫn giữ nếp chơi hoa như muốn giữ một nỗi nhớ, muốn lưu lại hương tháng ba: dung dị mà lưu luyến…

“Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”

(Tô Hùng)

“Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”

Có những loài hoa trở nên bất tử vì một bài thơ hay một bài hát. Đó là “hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “màu tím hoa sim” trong thơ của Hữu Loan, “hoa sứ nhà nàng” trong nhạc của Hồng Phương… và tất nhiên, không thể quên “hoa bưởi” trong Hương thầm của thơ Phan Thị Thanh Nhàn, đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc.

“Tháng 3 về, hỏi nắng có còn xanh?
Hoa bưởi rụng, qua những mùa thương nhớ
Khung cửa sổ, cuối phố có còn mở?
Bài “Hương thầm” ai khẽ hát ru ai?”

“Hương thầm” là bài thơ tác giả Thanh Nhàn sáng tác để tặng người em trai Phan Hữu Khải dựa trên câu chuyện tình có thật của cậu. Hồi ấy nhà bà ở Yên Phụ, trong sân có cây bưởi, cứ độ tháng ba về là hương thơm ngào ngạt. Em trai thường hái hoa cho vào túi để chị xách đi làm.

Ở lớp, có một bạn gái rất gắn bó với Khải nhưng anh không hay biết, chỉ có người chị đa cảm là để ý. Rồi anh lên đường đi bộ đội, ở chiến trường có lần được nghe Đài phát thanh ngâm bài thơ, anh viết thư về kể cho chị. Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm rằng bà sáng tác bài thơ ấy từ chuyện của anh thì anh đã hy sinh. Anh ngã xuống mà không hề biết rằng mình đã được chị gái tặng riêng cho một bài thơ, và cũng chẳng biết rằng cô bạn cùng lớp đã thương thầm mình tự bao giờ…

Ảnh: pixabay.

Nhà thơ Thanh Nhàn từng đau xót chia sẻ: “Hương thầm cứ lặng lẽ, đến người đưa tiễn cũng không hay biết, ngay cả khi nằm xuống đất lạnh rồi vẫn không hay biết”.

“Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ,
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”

“… Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa…”

Những rung động đầu đời chưa kịp gửi trao thì chàng trai đã phải ra trận. “Của tin gọi một chút này làm ghi”, cô bé hái một chùm hoa bưởi, giấu trong khăn tay định tặng người ra trận – ngập ngừng, bẽn lẽn như chính nét duyên thầm của người thiếu nữ dịu dàng.

“Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Thời ấy, tình yêu sao mà trong sáng đến thế: “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chàng trai, đứng trước cuộc sinh ly tử biệt, dù trong lòng có tình cảm cũng phải kìm nén, sợ nói ra nhỡ có bề gì, lại trở thành gánh nặng cho người ở lại.

“Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin
Cô gái chẳng dám trao”…

Một chuyện tình đẹp như mơ đã được thể hiện… bằng thơ, bằng ca. Cô gái muốn đem tặng chàng trai một chiếc khăn tay, giấu trong đó một chùm hoa bưởi. Chàng trai không dám xin, cô gái cũng chẳng dám trao. Họ cứ im lặng nhìn nhau trong bối rối, chỉ có hương bưởi khe khẽ cất lời, thay cho những nỗi niềm của đôi lứa… Tình yêu cách đây nửa thế kỷ, sao mà thương, mà yêu, mà nồng nàn, lãng mạn đến thế? Không biết bây giờ, liệu còn ai “nhờ hương thơm nói hộ tình yêu” nữa hay không…

Video xem thêm: Người thành công luôn nhìn vào thiếu sót bản thân, kẻ thất bại luôn bình phẩm lỗi lầm người khác

videoinfo__video3.dkn.tv||b340ea7fe__