Thời cổ đại, có một số người nhờ kỳ duyên mà được cao nhân chỉ điểm qua giấc mộng, từ đó mở mang trí tuệ, trở thành bậc kỳ tài trong xã hội. Câu chuyện về họ được ghi chép trong các thư tịch cổ còn lưu lại tới ngày nay. 

Hoàng Trạch nằm mộng được Khổng Tử truyền dạy

Trong Nguyên sử Nho học truyện có ghi chép về một danh thần triều Nguyên tên là Hoàng Trạch.

Hoàng Trạch, tự Sở Vọng, là chuyên gia giáo dục nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Vào những năm Đại Đức triều Nguyên (năm 1297-1307), ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ là Cảnh tinh thư viện và Viện trưởng Đông Hồ thư viện.

Thời trẻ Hoàng Trạch là người có chí hướng học tập, rất chăm chỉ đọc các kinh sách của Nho gia và đặc biệt say mê nghiên cứu triết học. Cũng nhờ có ý chí ham học, ông đã nhiều lần được Khổng Tử điểm hóa qua giấc mộng. Trong mơ ông thấy Khổng Tử tới truyền dạy cho mình rất nhiều đạo lý, tri thức, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến Lục Kinh (6 cuốn sách: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu). Đến khi tỉnh giấc, ông vẫn có thể nhớ rõ ràng nội dung của tất cả các kinh sách ấy.

Cũng nhờ các bài học trong mộng, Hoàng Trạch mới biết rằng rất nhiều kinh sách đang lưu truyền ngoài xã hội đều không đầy đủ nội dung, thậm chí còn “tam sao thất bản” và có nhiều sai sót, lầm lẫn. Ông đã chỉ ra hơn một ngàn nghi vấn nan giải trong Lục Kinh, đồng thời tu bổ và giải thích cho giới học sĩ.

Về sau, Hoàng Trạch sáng tác “Tư cổ ngâm” gồm 10 chương, ca ngợi đạo đức của các bậc thánh nhân thời xưa.

Hoàng Trạch nằm mộng được Khổng Tử truyền dạy. (Ảnh minh họa theo nghiencuulichsu)

Trịnh Huyền gặp kỳ mộng, học vấn tăng tiến như hổ thêm cánh

Thái Bình nghiễm ký cuốn 276 chép rằng: Trịnh Huyền, tự Khang Thành, là vị đại thần thời Đông Hán xuất thân từ vùng Cao Mật nước Bắc Hải (nay là huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Đương thời, Trịnh Huyền cùng với Yến Anh và Lưu Dung Tịnh được ca ngợi là “Cao Mật tam hiền”. Vào những năm Trinh Quán nhà Đường (năm 627-649), Hoàng đế Đường Thái Tông xếp Trịnh Huyền vào hàng hai mươi hai vị “Tiên sư” được thờ cúng ở Khổng Miếu.

Trịnh Huyền vốn là người có thiên tư thông minh, không chỉ thuộc lòng “Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu” của Ngũ Kinh, mà còn tinh thông các môn như thiên văn, toán học. Với học vấn uyên bác của mình, ông có thể giải thích bất cứ cuốn cổ thư nào của Nho giáo một cách rõ ràng và thấu đáo.

Thời trẻ, Trịnh Huyền từng bái đại danh sư Mã Dung làm thầy. Lúc ấy Mã Dung có rất đông đệ tử theo học, nhưng ông chỉ chủ yếu truyền dạy cho những trò mà ông cho là có trí thông minh thiên bẩm. Trịnh Huyền theo học thầy Mã Dung đã 3 năm nhưng không được thầy coi trọng, bản thân ông cũng cho rằng mình không học hỏi được điều gì nên quyết định trở về nhà.

Một ngày khi đang nằm ngủ dưới bóng cây, Trịnh Huyền mơ thấy có người dùng đao mở toang lồng ngực của mình rồi nhét kinh sách vào, sau đó nói rằng: “Nhà ngươi hoàn toàn có thể trở thành người có học vấn cao thâm!”. Sau khi tỉnh dậy, Trịnh Huyền bỗng nhận ra mình đã tinh thông toàn bộ kinh sách, ngay cả những ẩn đố khó hiểu trước kia nay cũng trở nên đơn giản và rõ ràng trong mắt ông.

Quê nhà của Trịnh Huyền nằm ở phía đông. Không lâu sau khi ông xin cáo biệt thầy để về quê, sư phụ Mã Dung đã cảm thán thốt lên rằng: “Thi thư lễ nhạc, tất cả đều đến phương đông cả rồi!”.

Trịnh Huyền gặp kỳ mộng. (Ảnh minh họa: bjzihua.com)

Hứa Thúc Vi tinh thông y thuật nhờ nằm mộng

Câu chuyện dưới đây được chép trong sách Dũng tràng tiểu phẩm, cuốn 23:

Hứa Thúc Vi, tự Tri Khả, hiệu Cận Tuyền, là một danh y nổi tiếng thời Nam Tống. Ông là người vùng Bạch Sa, tỉnh Chân Châu (nay là huyện Nghi Chinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).

Khi chưa thành danh, Hứa Thúc Vi từng tham gia khoa thi mùa xuân nhưng không đạt, nên đành ngồi thuyền trở về nhà. Khi con thuyền đi qua vùng Bình Vọng của Ngô Giang, Hứa Thúc Vi nằm mộng thấy một người mặc đồ trắng đến nói với ông rằng: “Nhà ngươi không tích âm đức nên không thể thi đậu được”. Hứa Thúc Vi nói: “Gia cảnh tôi bần hàn, làm gì có tiền của để bố thí cho người khác?”. Người mặc đồ trắng lại hỏi: “Vì sao ngươi không học làm thầy thuốc chữa bệnh cho người? Nếu ngươi học, ta sẽ khai mở trí tuệ giúp ngươi sớm tinh thông y thuật”.

Hứa Thúc Vi bừng tỉnh khỏi giấc mơ, nhưng câu nói ấy vẫn còn văng vẳng bên tai. Về đến nhà, ông bắt đầu nghiên cứu và học hỏi các loại sách y dược theo gợi ý trong giấc mộng. Quả nhiên, ông nhanh chóng nắm vững y đạo, hơn nữa trình độ y thuật còn có thể sánh ngang với các thần y như Biển Thước và Trương Trọng Cảnh thuở xưa.

Phàm là người bệnh đến khám, bất luận nghèo khó hay giàu sang, Hứa Thúc Vi đều tận tình cứu chữa. Nếu gặp người nghèo khổ, ông sẵn sàng chữa bệnh không lấy tiền. Số người được ông trị hết bệnh nhiều vô số kể.

Về sau, Hứa Thúc Vi thi đậu kỳ thi hương rồi đến Lễ bộ tham gia thi hội. Khi ngồi thuyền xuôi qua vùng Bình Vọng của Ngô Giang, ông lại nằm mộng thấy người mặc đồ trắng năm xưa. Vị ấy tặng ông bốn câu thơ: “Thầy thuốc công đức lớn, vào ở trong Trần lâu, trên điện được gọi tên, từ sáu trở thành năm”. Tỉnh dậy, Hứa Thúc Vi suy đi nghĩ lại nhiều lần mà vẫn không sao hiểu được ý nghĩa của bốn câu thơ ấy, nên đành tạm tác lại trong lòng.

Hứa Thúc Vi tinh nhiều lần nằm mộng gặp cao nhân. (Ảnh minh họa: ntdtv.com)

Năm Thiệu Hưng thứ hai (năm 1132) Hứa Thúc Vi thi đỗ tiến sĩ hàng thứ sáu. Nhưng không lâu sau đó, người đỗ hàng thứ hai vì không đạt yêu cầu nên bị hạ thứ hạng, Hứa Thúc Vi được thăng lên hàng thứ năm. Dựa theo bảng thứ, người xếp hàng thứ tư là Trần Tổ Ngôn, hàng thứ sáu là Lâu Tài, đều là những người đã cùng ông ở trọ tại Trần lâu. Đến lúc này ông mới hiểu được ý nghĩa bốn câu thơ của vị cao nhân trong giấc mộng.

Hoàng Trạch nằm mơ thấy được Khổng Tử truyền dạy, nhờ đó học vấn uyên bác, thông hiểu kinh sách; Trịnh Huyền tư chất thông minh, gặp qua kỳ mộng, tri thức không ngừng tăng tiến, cuối cùng trở thành bậc Nho gia nổi tiếng của thời Đông Hán; Hứa Thúc Vi vốn là một nho sinh, nhờ được chỉ điểm trong giấc mộng mà có được y thuật sánh ngang cùng Biển Thước, Trương Trọng Cảnh… Trong số họ: một người chăm chỉ đèn sách, một người thiên tư thông minh, một người phát nguyện chữa bệnh giúp đời – Đây được xem là kỳ duyên nhân quả mà có được phúc phần, khiến người người phải ước ao.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Phúc biên dịch