“Thai giáo” không phải là phương pháp đến thời hiện đại mới xuất hiện, mà đã có từ rất sớm, trong những sách thuốc hay các tài liệu lịch sử cổ đại đều đã có những ghi chép.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ coi trọng vấn đề “thai giáo”. Trước đây, một số chuyên gia cho rằng, khi người phụ nữ mang thai, nếu thường xuyên nghe nhạc của Mozart sẽ giúp não bộ của thai nhi phát triển, giúp cho đứa trẻ sinh ra được thông minh; hoặc là tập yoga, nghe nhạc nhẹ, đọc sách… cũng mang lại những hiệu quả ưu việt cho thai nhi.

Mặc kệ là có hiệu quả hay không, hay hiệu quả như thế nào, những ông bố bà mẹ tương lai sẽ dốc lòng tin tưởng và thực hiện, chính là mong muốn con mình sẽ là một đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh, khí chất và tài năng hơn người. Tuy nhiên “thai giáo” không phải là phương pháp đến thời hiện đại mới xuất hiện, mà đã có từ rất sớm.

Vậy người xưa nhìn nhận “thai giáo” như thế nào?

Người xưa cho rằng “thai giáo” là cần phải đoan chính từ lời nói đến hành vi

Người có phương pháp thai giáo nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc là Thái Nhâm, mẹ của Chu Văn Vương. Trong cuốn “Liệt nữ truyện – Chu thất tam mẫu” miêu tả: Khi Thái Nhâm mang thai thì mắt không nhìn những cảnh xấu xa, miệng không nói lời ngạo mạn, nằm ngủ tư thế ngay ngắn đoan chính, cũng coi trọng thế đứng dáng ngồi, tuyệt đối không thể nghiêng lệch thân thể dù chỉ một chút. Bởi vì bà rất chú ý trong quá trình mang thai, cho nên con của bà, chính là Chu Văn Vương sau này, ngay khi còn nhỏ đã có biểu hiện tài năng phẩm hạnh hơn người, chẳng những phẩm hạnh đoan chính, mà trí tuệ thông minh, năng lực học tập vượt trội, chỉ cần dạy một thì có thể hiểu một trăm. Vì thế người đời sau cho rằng Chu Văn Vương được như vậy chính là nhờ vào công lao bà Thái Nhâm áp dụng “thai giáo” thành công.

Người đời sau cho rằng Chu Văn Vương được như vậy chính là nhờ vào công lao bà Thái Nhâm áp dụng “thai giáo” thành công. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Theo cuốn “Tân Thư” của chính trị gia nổi tiếng Giả Nghị đời Tây Hán và “Liệt nữ truyện” của Lưu Hướng, có thể thấy vào thời nhà Hán có những yêu cầu nghiêm khắc đối với phụ nữ mang thai. Trong đó viết rằng: phụ nữ mang thai khi ngủ không được nằm nghiêng mà phải nằm ngửa; khi ngồi hay đứng thì thân thể phải ngay thẳng; không được ăn những thức ăn lạ, mùi vị khó chịu; tai mắt không nên nghe nhìn những việc dâm tà; khi cười thì phải nhẹ nhàng êm ái; cho dù có tức giận thì miệng không nên nói lời ác; buổi tối đọc sách cho đứa trẻ trong bụng nghe. Cứ theo phương pháp này mà dưỡng thai, thì tương lai đứa trẻ là một người có hành vi lời nói đoan chính, tài đức vẹn toàn.

Ngoài ra, theo cuốn “Y tâm phương – Cầu tử”, là một sách thuốc cổ xưa, thì có ghi chép tường tận nội dung đối với vấn đề “thai giáo”, cũng đưa ra lời khuyên phụ nữ mang thai nên thường xuyên nghe âm nhạc. Điều này cũng trùng hợp với phương pháp thai giáo thời hiện đại. Nhưng người xưa không phải dùng âm nhạc để tác động lên thai nhi, mà là nhằm để cho người mẹ bình ổn tinh thần, lấy tinh thần của người mẹ ảnh hưởng tích cực lên thai nhi. Có thể nói đây là một phương pháp rất khoa học.

Phương pháp giáo dục không được bỏ gốc lấy ngọn

Theo những sách cổ kể trên, có thể thấy người xưa rất coi trọng “giáo dục đạo đức”, từ khi bắt đầu mang thai cho đến 9 tháng 10 ngày sinh hạ, người làm cha mẹ phải cẩn trọng, gương mẫu trong lời nói hành vi, để cho thai nhi nhận thức được ở trạng thái thuần khiết nhất.

Người xưa cho rằng: Để thai nhi được ở trạng thái thuần khiết nhất thì cha mẹ cần tu dưỡng nội tâm và hành vi. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Xem qua kinh nghiệm của người xưa, thì nhận thấy rằng, sự thành công của giáo dục đạo đức không chỉ là làm cho trẻ phát triển về mặt trí tuệ, học hành xuất sắc, mà còn có thể làm cho trẻ trưởng thành với nhân cách đáng trân quý. Một người có phẩm hạnh, chính trực, thì có thể chuyên tâm học hành, không bị những cám dỗ dục vọng lôi kéo sa ngã; sẽ theo đuổi sự nghiệp, ước vọng của mình cho đến cùng mà không nản lòng thoái chí bỏ dở. Nếu nhìn xa hơn, những đứa trẻ được giáo dục đạo đức từ khi còn nhỏ, đến khi trưởng thành sẽ là một công dân tốt đẹp của xã hội, cho dù không phải là tinh anh xuất sắc, thì cũng sẽ là những con người gìn giữ đạo đức và văn hóa.

Ngày nay, cha mẹ luôn mong muốn con mình phải có đủ tài năng, phải đạt thành tích xuất sắc hơn người, nhưng có hay không ngẫm lại xem, ngoài tiền tài và danh lợi, thì rốt cuộc cha mẹ cho con được những gì? Phải giáo dục con trẻ như thế nào mới tốt? Có lẽ nên ngẫm lại những kiến thức “thai giáo” của người xưa, chúng ta mới có thể tìm ra đáp án.

Theo epochtimes.com
Minh Phúc biên dịch