Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã từng nói: “Một người cho đi quá ít nhưng lại yêu cầu cho bản thân quá nhiều thì người đó thật tồi tệ”. Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui là mang trong mình nghĩa vụ đạo đức, chủ động giúp đỡ người khác một cách vô tư, qua đó cảm nhận niềm vui và niềm hạnh phúc.

Thực ra, khi con biết giúp đỡ người khác cũng chính là con đang giúp chính mình. Khi giúp người khác, kiến thức và kỹ năng của con cũng được nâng cao, đồng thời lại có thể nhận được những đánh giá tích cực của người khác.

***

Chuyện “Bốn năm cõng bạn đi học” có lẽ nhiều người đã biết, đó là câu chuyện về Nguyễn Trường Thành ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Thành bị liệt từ năm lên hai tuổi, đôi chân của em dần dần teo lại, phải lết đi nhưng em rất hiếu học và liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Năm Thành lên cấp II, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cha mẹ không thể đưa đón em đi học hằng ngày. Nhưng một người bạn rất tốt của em tên là Trần Hòa Hậu đã giúp em. Bốn năm liên tục Hậu cõng Thành đi học. Đưa được bạn lên yên xe đạp đã khó, gặp những chiếc cầu dốc, người bạn nhỏ 12 tuổi ấy đã gò lưng đạp xe vì không muốn bạn xuống xe lết qua cầu.

Đến trường, gửi xe xong, Hậu đến bên bạn khom lưng thật sát đất cho tay Thành vòng qua cổ mình để cõng bạn vào lớp học.

Thi tốt nghiệp trung học cơ sở, hai bạn Thành và Hậu đều đỗ với kết quả cao, nhưng chỉ có Thành học tiếp lên lớp 10 vì nhà Hậu nghèo quá nên em phải nghỉ học để giúp gia đình trong cuộc mưu sinh.

Ai cũng cảm động trước nghĩa cử cao đẹp và hoàn cảnh của Hòa Hậu.

***

Những người lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui không chỉ nhận được sự yêu mến của bạn bè mà còn nhận được sự đánh giá cao của những người xung quanh. Nếu cha mẹ hy vọng con của mình có phẩm chất này thì hãy thử những cách sau:

Cho con cơ hội giúp đỡ người khác

Có rất nhiều trẻ em khi thấy người khác cần sự giúp đỡ thì lại tỏ ra hờ hững hoặc lúng túng. Cũng không thể trách các con được, bởi vì con cũng muốn giúp đỡ họ nhưng lại không biết giúp bằng cách nào và không tin mình có khả năng giúp đỡ họ. Vì thế, cha mẹ hãy để cho con giúp đỡ mình, để tăng sự tự tin cho con.

Trong cuộc sống, cha mẹ hãy thường xuyên thông qua những sự việc cụ thể để con cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác. Lúc thích hợp, cha mẹ có thể giúp con hiểu trong cuộc sống có những việc tự mình không làm được mà cần sự giúp đỡ của người khác mới có kết quả tốt. Tất nhiên, khi con làm tốt thì nhất định phải khích lệ để con có thêm động lực.

Cha mẹ hãy thường xuyên thông qua những sự việc cụ thể để con cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác… (ảnh: anyv.net.)

Để con nhìn thấy nhu cầu cần giúp đỡ của người khác

Khi người khác cần giúp đỡ, một số trẻ có thể nhanh chóng phát hiện và giúp đỡ họ, nhưng lại có trẻ coi như không thấy. Nếu con bạn có biểu hiện thờ ơ như thế, bạn hãy bày tỏ nhu cầu cần giúp đỡ của mình và yêu cầu con giúp. Cha mẹ hãy tận dụng những sự việc trong cuộc sống, dạy con nhận biết nhu cầu của đối phương thông qua nét mặt và hành vi để trẻ quan tâm người khác và kịp thời giúp đỡ.

Giao nhiệm vụ cho con

Để con làm những việc có ích trong gia đình hoặc trường học có thể bồi dưỡng cho con tinh thần giúp đỡ người khác. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tự giác làm những việc này, chúng cần có người chỉ dạy, khích lệ, thậm chí là thúc giục.

Biết tự lượng sức

Đôi khi, trẻ không kịp thời giúp đỡ người khác không phải không muốn giúp mà vì con nghĩ mình không đủ sức để giúp. “Sức” ở đây chính là kỹ năng giúp đỡ người khác. Nếu muốn giúp người khác buộc dây giày thì bản thân phải biết buộc dây giày. Muốn đỡ bà xuống cầu thang thì bản thân phải bước thật vững. Trẻ không những có khả năng ứng biến mà còn phải có khả năng tự xử lý. Những khả năng này cần cha mẹ chỉ dẫn và bồi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày.

Thực ra, những đứa trẻ ưu tú đều có chung một ưu điểm, đó là khi chúng còn rất nhỏ đã được cha mẹ bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, đặc biệt là ý thức và khả năng tự chủ. Vì vậy, muốn giáo dục trẻ thì phải bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ, như vậy trẻ mới gặt hái được nhiều thành công.

Hồng Ân

Video xem thêm: Dạy con giống như chăm hoa, phải biết cắt cành, nhổ gốc, trồng lại

videoinfo__video3.dkn.tv||8ef00bcd7__