Ở mỗi quốc gia lại có cách tôn vinh, ghi nhớ công ơn của đấng sinh thành khác nhau. Trong Ngày của mẹ, ở Nhật những người con sẽ về sum họp và ôn lại kỷ niệm bên mẹ, trong khi người Mexico cho mẹ nghỉ ngơi, ra ngoài thưởng thức các món ăn tại nhà hàng.

Mỹ

Ngày của Mẹ được tổ chức vào Chủ nhật thứ hai của tháng năm có nguồn gốc từ Mỹ. Trở thành ngày lễ chính thức nhờ sự kiên nhẫn đấu tranh và tấm lòng của một cô gái có tên Anna Jarvis tại bang Philadelphia. Sau khi mẹ mất, Anna luôn day dứt vì còn nhiều điều chưa làm được cho mẹ. Thấy thái độ thờ ơ của người dân Mỹ đối với người mẹ của mình, cô đã quyết tâm đấu tranh đề nghị Thượng nghị viện Mỹ tổ chức ngày của Mẹ trên toàn quốc.

Chủ nhật thứ hai của tháng 5 được chọn làm ngày của Mẹ tại Mỹ. Những món quà tặng mẹ là hoa, chocolate, bánh kẹo, quần áo, đồ trang sức đắt giá hay những chuyến du lịch, gói spa chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe.

(Ảnh: empowher.com)

Anh

Ngày của Mẹ bắt nguồn ở Anh vào thế kỷ 17, gọi là Mothering Sunday. Lễ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật cách ngày Lễ Phục Sinh 40 ngày.

Ngày này ở Anh trùng vào ngày Chủ Nhật, mọi người tới nhà thờ làm lễ. Sau buổi cầu nguyện tưởng nhớ Đức mẹ Mary, trẻ em mang quà và hoa đến tặng mẹ. Hoa hồng, cẩm chướng và hoa cúc là những loài hoa được ưa chuộng trong dịp này. Món ăn yêu thích là bánh hạnh đào Simnel.

Các thành viên trong gia đình ở xa cũng sẽ cố gắng họp mặt đông đủ trong ngôi nhà của cha mẹ. Họ thường tổ chức một buổi tiệc có thiệp mừng, bánh gato, hoa quả, rượu và tặng quà cho những người mẹ.

(Ảnh: khoahoc.tv)

Pháp

Người Pháp biết đến ngày của Mẹ vào thế kỷ thứ 19. Năm 1806, Hoàng đế Napoléon sáng lập ngày lễ chính thức vào mùa xuân, nhưng cũng không được thống nhất như tại Mỹ trước đây.

Năm 1950, Pháp ra luật quy định ngày Fête des Mères là ngày của Mẹ, diễn ra vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 5. Người Pháp kỷ niệm ngày này bằng các loại hoa cùng những chiếc bánh có hình bông hoa.

(Ảnh: keywordlister.com)

Mexico

Ngày của Mẹ là lễ quan trọng ở Mexico, tổ chức vào ngày 10/5. Mọi người thường đưa mẹ đi ăn ở các nhà hàng. Đây cũng là ngày bận rộn tại các nhà hàng nước này.

Vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng trong xã hội Mexico. Mẹ là người lao động, nấu nướng, dọn dẹp chính trong gia đình, nên ít nhất một ngày trong năm phải cho mẹ nghỉ ngơi, ra ngoài thưởng thức các món ăn do người khác nấu.

Ấn Độ

(Ảnh: shutterstock.com)

Ấn Độ coi ngày của Mẹ là dịp để họ suy nghĩ về sự quan trọng của các bà mẹ trong cuộc đời mỗi người.

Người Ấn Độ gọi ngày này là Durga Puja, trong đó “Durga” là tên của một nữ thần bảo vệ cho người dân khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc sống. Họ tổ chức ngày của Mẹ như lễ hội lớn vào tháng 10. Những người con sẽ vào bếp trổ tài nấu ăn và tặng quà cho mẹ của mình.

Nhật Bản

(Ảnh: thelilactree.org)

Cũng giống Mỹ, ngày của Mẹ ở Nhật Bản là Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Ngày lễ này chỉ phổ biến từ sau Thế chiến II, trước đó xứ Phù Tang cấm mọi hoạt động có ảnh hưởng từ phương Tây.

Trong ngày của Mẹ, người Nhật thường chọn những món quà như hoa, thiệp handmade, bánh truyền thống gửi kèm lời chúc ý nghĩa cho đấng sinh thành. Những người con sẽ sum họp bên mẹ, uống trà và ôn lại những kỷ niệm trong gia đình.

Trẻ em nước này thường vẽ tranh dành tặng cho mẹ và tập hợp những bức ảnh đó thành triển lãm nhỏ để kể về sự hy sinh thầm lặng của các bà mẹ Nhật.

Thái Lan

(Ảnh: sabai.tv)

Ngày của Mẹ ở Thái Lan là 12/8 – ngày sinh của hoàng hậu Sirikit, vợ vua Bhumibol Adulyadej. Vào ngày này, người ta thường mua những vòng hoa nhài tặng mẹ, quỳ lạy mẹ và treo những bức chân dung của hoàng hậu.

Nhiều chùa chiền cũng tổ chức kỷ niệm ngày này để những người con có cơ hội thể hiện tình yêu với mẹ.

Việt Nam

Ở Việt Nam, ngày của Mẹ vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5 và được nhiều người quan tâm. Những món quà ý nghĩa dành tặng mẹ là hoa, quà, thiệp chúc mừng hay một bữa cơm do chính tay người con nấu cũng thiết thực.

Minh Lan

Xem thêm: