Hơn 50 năm về trước cha đẻ của phương pháp tư duy sáng tạo hiện đại, ông J. P. Guilford đã từng chia sẻ một câu chuyện có thật của mình trong một buổi hội thảo. Câu chuyện ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người và khiến ông ấy phải đánh giá lại vai trò của sự sáng tạo trong việc phát triển bản thân cũng như việc duy trì hiệu quả sự vận hành của một tổ chức.
Khi chiến tranh thế giới thứ II diễn ra, ông Guilford được giao nhiệm vụ thiết kế các bài kiểm tra để lựa chọn phi công ném bom cho không quân Mỹ. Với những kiến thức mà mình có được ông bắt tay vào xây dựng một bài kiểm tra trí lực và khả năng ứng biến cho các phi công. Tuy nhiên, Guilford rất bực mình vì Không quân Mỹ còn chỉ định thêm một ông phi công về hưu chẳng có chút kiến thức nào về tâm lý học hỗ trợ ông trong công tác tuyển chọn. Ông cho rằng kinh nghiệm của một người phi công dù có dày dạn đến đâu cũng không thể bằng những kiến thức khoa học đã được kiểm nghiệm.
Trong quá trình tuyển chọn, hai người đàn ông này xuất hiện những ý kiến khác nhau về các tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên. Dù có bất đồng về kết quả, họ vẫn đồng ý cho hai nhóm người độc lập tham gia nhiệm vụ thực tế để xác nhận hiệu quả tuyển chọn. Và bất ngờ thay, nhóm phi công được Guilford chọn bị bắn hạ nhiều hơn nhóm của người phi công về hưu. Sau này, Guilford đã chia sẻ rằng, giấy phút đó ông chỉ muốn tự tử vì tình trạng thảm hại của phi đội do chính tay ông tuyển chọn.
Nhưng cuối cùng ông quyết định từ bỏ ý tưởng đó và bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân thất bại lần này của mình
Khi được hỏi về phương pháp của mình, người phi công về hưu nói rằng ông chỉ hỏi duy nhất các phi công một câu hỏi: “Anh sẽ làm gì nếu máy bay bị súng phòng không Đức tấn công trong địa phận Đức?”. Tất cả những người trả lời rằng họ sẽ bay lên cao, đều sẽ… bị loại. Thực ra, câu trả lời này rất đúng, tất cả các sách hướng dẫn bay đều ghi như vậy, nhưng nó là câu trả lời tệ trong thực tế chiến tranh.
Các phi công trả lời ngoài sách vở kiểu như, bay vòng quanh, lao đầu xuống phía dưới hoặc lạng lách theo đường zic zac… (hoàn toàn sai lý thuyết) đều sẽ được tuyển lựa. Điều này khiến Guilford rất bất ngờ.
Guiford luôn chọn những người làm theo sách vở, đó chính là lý do mà nhóm này hy sinh nhiều như vậy. Quân Đồng Minh biết mẹo bay lên cao để thoát làn đạn thì quân Đức cũng biết, vì vậy họ sẽ chuẩn bị sẵn một loạt các máy bay tiêm kích đón đầu phi đội ném bom của Mỹ, cái bẫy tử thần được giăng sẵn trên đầu các phi công đi theo lỗi mòn từ lúc nào không hay. Nói cách khác những người phá vỡ quy định bay thường sống sót nhiều hơn những người tuân thủ.
Những người có tư duy khác biệt, bất ngờ và sáng tạo chính là một dạng tài năng hiếm có. Vì vậy Guilford bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về khía cạnh này. Ông dành nhiều thời gian để xây dựng các bài kiểm tra đánh giá khả năng ứng biến tình hình của các phi công. Một trong những câu hỏi đầu tiên mà Guilford sử dụng chính là: “Hãy nêu tất cả những công dụng của một cục gạch mà anh có thể nghĩ ra được.”
Câu hỏi kỳ quặc này đã phân loại khá đúng những người có óc sáng tạo và trong khi một số người có thể liệt kê một danh sách dài các công dụng của cục gạch, một số người nghĩ cả buổi cũng chỉ được dăm ba công dụng. Và sau này, những nhà tuyển dụng cũng dựa vào thủ thuật đó để xây dựng bộ câu hỏi đánh giá khả năng xử lý tình huống của các ứng viên. Một số công ty còn nâng cấp câu hỏi lên một tầm cao mới, vừa đánh giá được mức độ sáng tạo vừa đánh giá đươc kỹ năng phân tích logic của họ.
Xin đừng xem nhẹ tư duy sáng tạo
Những phát kiến và cải tiến trong xã hội hiện nay đều đến từ những con người sáng tạo chứ không phải là những người chỉ biết đi theo sau người khác. Khi đứng ở vị trí phỏng vấn các bạn sinh viên năm nhất đại học, tôi cũng đưa ra một câu hỏi tương tự cho các ứng viên: “Bạn nghĩ rằng có bao nhiêu cách sử dụng chiếc kẹp giấy”. Một người sáng tạo có thể nghĩ ra từ 10 – 20 ý tưởng trong 5 phút, nhưng đó chỉ là thống kê của nước ngoài. Đối với các bạn sinh viên năm nhất ở Việt Nam, con số này thấp hơn rất nhiều…
Có thể nói kiến thức sách vở dập khuôn trong hệ thống giáo dục hiện đại đang bóp nghẹt những cái đầu sáng tạo của nhiều bạn trẻ. Rất ít nhà giáo dục đánh giá đúng vai trò của sức sáng tạo trong việc đào tạo các em. Hầu hết chúng ta đều được dạy rằng, cần cù bù thông minh. Trong khi đó, tất cả mọi thứ chúng ta từng học đều có sẵn trên Internet. Những nhà tuyển dụng cũng chẳng hề muốn tìm những nhân viên chỉ răm rắp làm theo những gì đã được dạy như thế.
Chính vì vậy nhiều công ty đã xây dựng bộ câu hỏi đánh giá ứng viên của riêng mình để đánh giá khả năng tư duy của họ. Tiêu biểu trong đó phải kể đến những câu hỏi của Google kiểu như: “Bạn sẽ tính phí bao nhiêu khi lau chùi tất cả cánh cửa sổ ở Seattle?” hay “xác suất [ai đó] bẻ một cái que thành 3 phần và xếp thành hình tam giác là bao nhiêu?”… những câu hỏi không có đáp án chính xác nhất, mà chỉ để đánh giá khả năng tư duy logic và năng lực sáng tạo của các ứng viên.
Một Nhà khoa học đôi khi vẫn thua một người phi công già
Một nhà khoa học đôi khi vẫn bị chính những lý thuyết rắc rối của họ bó buộc nhận thức chân thực về cuộc sống. Trong trường hợp của Guilford, hậu quả của nó chính là sinh mạng những người lính trẻ phải chết dưới làn đạn của máy bay Đức. Nhưng ít nhất thì Guilford còn dũng cảm chấp nhận điều đó, để rồi sau này gây dựng lại thanh danh của mình bằng những nền tảng tâm lý học mới.
Còn đối với chúng ta, liệu chúng ta có đủ dũng cảm để đương đầu với sai lầm của mình, liệu chúng ta có đủ tỉnh táo để chấp nhận rằng sự sáng tạo trong mỗi con người là vô giá và coi đó như một phẩm chất mà mỗi đứa trẻ đều nên được rèn luyện? Và bạn có đủ dũng cảm để phá bỏ cái khung sách vở, lý thuyết bị nhồi nhét trước đây để đón nhận những cơ hội mới của cuộc sống hay không? Tất cả đều phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi người.
Trọng Đạt