Phép lịch sự là điều tối thiểu mà một người cần phải biết và làm được trước khi nói đến những chuyện lớn lao trong đời.

Có những quy tắc bất thành văn trong ứng xử mà vì lý do nào đó, nhiều người thường né tránh hoặc làm khác đi, để đổi lại là sự khó chịu, bực mình, hoặc thậm chí là chê cười từ người khác.

1. Đừng có cái gì cũng đưa lên Facebook

Nhiều thanh niên, có xích mích gì cũng phải đưa lên mạng, đi chỗ nào cũng phải ghi dấu lại trên “Tường cá nhân”, thấy cái gì đẹp cũng phải chụp để cho lên Facebook hoặc Insragram, lại còn tranh đua “Top” bình luận các quán “trà đá” của thế giới mạng. Tuy vậy, bất kể facebook được ưa chuộng đến đâu thì có một sự thật không thể thay đổi: nó chỉ là cuộc sống ảo. Dù bạn có nhiều “Like” đến mấy thì các vấn đề trong cuộc sống thật vẫn nằm đó… chờ bạn giải quyết.

Hơn nữa, chuyện của bản thân thì vẫn nên giữ lại tự suy ngẫm, người trong cuộc hiểu rõ chứ người ngoài sao mà thấu được. Rồi mỗi người bình luận mỗi ý còn làm bản thân mình hoang mang hơn. Đôi khi tốt hơn cả là cứ im lặng mà sống; khoe khoang, than phiền trên Facebook thì cũng chẳng được gì.

Đôi khi tốt hơn cả là cứ im lặng mà sống; khoe khoang, than phiền trên Facebook thì cũng chẳng được gì (ảnh minh họa: mofiin).

“Những năm tháng tuổi trẻ, tôi đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Tôi từ chối những cuộc đi chơi cùng bạn bè vì lười, tôi chỉ biết dán mắt và nhìn cuộc đời qua chiếc màn hình bé xíu. Những dòng status tâm trạng, nó là bằng chứng tố cáo một nội tâm bất ổn của một người trẻ, nhạy cảm, sống khép mình, chưa tìm được hướng đi đúng đắn cho mình, chưa định hình về mặt tính cách. Phơi bày nội tâm của mình ra để mong người khác có thể hiểu được ư? Không! Ngoài kia có biết bao nhiêu con người, mỗi người có một cuộc sống riêng và họ không có thì giờ để quan tâm đến tâm trạng của bạn đâu. Họ chỉ nghĩ bạn là đứa rỗi hơi, không có việc gì để làm ngoài việc lên Facebook kể lể. Còn người thật sự quan tâm đến bạn thì không cần phải dõi theo bạn qua Facebook. Nhưng dù sao trưởng thành cũng là cả một quá trình, để bạn nhận ra những điều này cũng là một quá trình” – Một người dùng từng nghiện Facebook chia sẻ.

2. Dù là ai, khi bạn bước vào phòng, hãy là người đầu tiên chào hỏi mọi người

Phép lịch sự dạy chúng ta tôn trọng người khác: con người họ, tuổi tác, địa vị xã hội, nghề nghiệp, giới tính, tài sản của họ, cuộc sống riêng tư của họ… Đó là một điều tế nhị và hoàn toàn tự nguyện chứ không thể cưỡng cầu. Bạn không thể vì mình là cấp trên, vì mình tài giỏi mà buộc người khác phải lịch sự và tôn trọng bạn. Ngược lại, nếu ở vị trí cao mà tỏ ra khiêm tốn với người xung quanh, với người cấp dưới, chủ động chào hỏi, trò chuyện với họ thì bạn sẽ nhận được rất nhiều thiện cảm và sự ủng hộ từ đối tác.

Dù là ai, khi bạn bước vào phòng, hãy là người đầu tiên chào hỏi mọi người (ảnh minh họa: nhatngukohi).

Sự tôn trọng người khác gắn với việc tôn trọng bản thân, thể hiện việc bảo vệ danh dự cá nhân và ý thức tự trọng. Vậy nên, dù là ai, khi bạn bước vào phòng, hãy là người đầu tiên chào hỏi mọi người.

3. Tiền bạc sòng phẳng sẽ giúp tình cảm bền chặt

Chuyện tiền bạc luôn là chuyện được gắn mác “tế nhị” trong tất cả các mối quan hệ, đặc biệt là tình yêu. Phần lớn nam giới cho rằng, họ rất sẵn lòng chi trả cho những bữa ăn, những món quà trong những cuộc hẹn hò với người yêu. Nguyên nhân dẫn đến hành động đó một phần vì họ muốn chứng tỏ sự ga-lăng, lịch sự của mình, một phần vì họ quan niệm rằng, khi đã có tình cảm, yêu thương một ai đó thì mọi sự “tính toán” gần như “biến mất” hoặc không tồn tại.

Nếu không muốn đánh mất một mối quan hệ thì đừng nợ tiền của họ, nếu không muốn tình cảm sứt mẻ thì đừng nợ tiền của người thân (ảnh minh họa: tintuc).

Thậm chí, nhiều người quan niệm rằng đã là người thân, bạn bè thân thiết thì không nên câu nệ tiền bạc, đừng quá sòng phẳng. Họ lo sợ rằng quá sòng phẳng sẽ khiến mối quan hệ căng thẳng, nhiều người còn cảm thấy thật khó khăn để rạch ròi chuyện tiền bạc với những người thân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân định rõ ràng trong vấn đề tài chính mới là cách để giữ mối quan hệ bền chặt nhất. Nếu chẳng may có mâu thuẫn xảy ra, hai người ít nhất sẽ giảm bớt được một mối bất hòa về tiền bạc. Người xưa có câu: “Đồng tiền đi liền khúc ruột” , thế nên, nếu không muốn đánh mất một mối quan hệ thì đừng nợ tiền của họ, nếu không muốn tình cảm sứt mẻ thì đừng nợ tiền của người thân.

4. Người văn minh không chia tay qua tin nhắn

Mặc dù ai cũng mơ về một tình yêu vĩnh cửu nhưng đáng buồn thay, không phải cặp đôi nào cũng có kết thúc giống như trong chuyện cổ tích. Người ta có quá nhiều lý do để chia tay nhau, hoặc vì điều này, hoặc vì điều khác, thế nhưng, không nhiều người biết cách chia tay sao cho văn minh và phải phép.

Nên nhớ, một bàn tay vỗ không thành tiếng, một tình yêu kết thúc không hẳn là lỗi hoàn toàn của một người. Nếu hai bạn thực sự không thích hợp để ở bên cạnh nhau, hãy gặp nhau một lần để thẳng thắn nói hết lòng mình ra. Mặt đối mặt là hình thức giao tiếp hiệu quả nhất vì huy động tất cả giác quan vào cuộc đối thoại. Cuộc gặp gỡ có thể sẽ không giúp bạn xóa tan mọi hiểu lầm nhưng ít ra cũng thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho đối phương.

Có thể ngày nay tin nhắn rất tiện lợi để truyền đạt thông tin. Tuy nhiên, việc nói chia tay qua tin nhắn được xem là một trong những cách chia tay tồi tệ nhất. Một tin nhắn hay email chia tay lạnh lùng, sắt đá sẽ càng khoét sâu lên vết thương của người kia. Nếu đã từng yêu thương thật lòng, mong bạn hãy gặp mặt và chia tay một cách “tử tế”, trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ người kia một cách dịu dàng và thành thật nhất có thể, đừng làm tổn thương nhau bằng một câu “tạm biệt” cụt ngủn qua điện thoại.

5. Nếu ai đó xúc phạm bạn, hãy mỉm cười với họ

Trên thế gian này có một hình thức kinh doanh luôn lỗ vốn, đó chính là bực tức. Khi chúng ta nóng giận, sự khôn ngoan cũng theo đó mà biến mất. Khi lý trí bị che phủ, thì chúng ta sẽ giải quyết sự việc theo cảm tính. Không những chúng ta gây tổn thương cho chính mình, mà cũng vô tình gây thù chuốc oán với người khác.

Nếu biết nhẫn nhịn, bỏ qua, coi những sầu đau, khổ não vô cùng nhẹ nhàng, không để trong tâm, bạn chắc chắn sẽ được sống một cuộc đời hạnh phúc, an vui (ảnh minh họa: Minh Huệ).

Vậy nên, ngay cả khi ai đó xúc phạm, vu khống, hãm hại bạn, thì mong bạn hãy đối đãi một cách thiện lành nhất. Nếu trong lòng không chứa đựng hận thù, một nụ cười của bạn của bạn có thể tạo nên những phép màu kỳ diệu mà chính bạn cũng không thể ngờ tới.

Nếu biết nhẫn nhịn, bỏ qua, coi những sầu đau, khổ não vô cùng nhẹ nhàng, không để trong tâm, bạn chắc chắn sẽ được sống một cuộc đời hạnh phúc, an vui.

Bạn đang đọc bài viết: “5 nguyên tắc bất thành văn trong ứng xử các vấn đề thường nhật” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||43b74712a__