Trà từ lâu đã trở thành thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam. Không hào nhoáng như trà Trung Hoa, không câu nệ lễ tiết như trà đạo Nhật Bản nhưng chúng ta cũng có những nét độc đáo của văn hoá trà Việt.
Uống trà, thưởng trà là thú vui tao nhã từ nhiều đời nay của người Việt Nam ta từ Vua chúa, quan lại cho tới những người nông dân chân lấm tay bùn. Trà gắn liền với mỗi người con đất Việt từ khi mới ra đời cho đến khi về với đất mẹ. Khi mới sinh ra, những đứa trẻ được cha mẹ tắm bằng nước trà xanh, đến khi nhắm mắt xuôi tay người ta lại được nằm trên một lớp trà.
Từ xưa, các tiền nhân sành sỏi nghệ thuật uống trà đã từng nói: Trà có nhiều nước. Nước đầu tiên là nước thiếu nữ, thanh khiết, ngọt ngào. Nước thứ hai là nước thiếu phụ, đượm đà nồng nàn, sâu thẳm. Đó mới thực sự là ngon nhất trong một ấm trà. Dư vị trong cổ họng cứ đọng lại mãi.
Trà Việt Nam rất sâu sắc, không thua kém gì bất cứ nền văn hóa trà nào trên thế giới. Đặc biệt, trà ướp hoa truyền thống với nguyên liệu là trà mạn truyền thống ướp với hoa tự nhiên, mang nét tinh tuý rất riêng của văn hoá trà Việt. Hương hoa được đem vào từng ấm trà để khi thưởng thức mùi hương của hoa hòa quyện cùng hương trà ngan ngát khiến người thưởng trà như được uống cả tinh hoa của đất trời.
Nguồn gốc của trà đã có lịch sử từ rất xa xưa nhưng đáng tiếc rằng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một tài liệu nào cụ thể đề cập và nghiên cứu chính xác về văn hóa uống trà ướp hoa truyền thống.
Vào các thời kỳ lịch sử, văn hóa trà ở nước ta chủ yếu chia thành hai xu hướng. Người nghèo, người dân lao động thường uống trà tươi, nụ vối. Người giàu hay tầng lớp quan lại thường uống trà khô từ Trung Quốc mang sang hoặc các loại trà cổ thụ trên mạn ngược.
Vì phải trải qua một hành trình rất dài từ Trung Quốc sang Việt Nam nên giá trà khi đến tay người dùng cũng không hề rẻ nên bản thân những người có tiền mua trà Trung Quốc thì cũng phải sử dụng một cách dè sẻn, chỉ dùng cho bản thân hoặc khi có khách quý đến nhà. Cũng vì thời gian vận chuyển và lưu trữ rất dài dẫn đến các loại trà bị mất đi mùi hương đặc trưng của trà, có thể do sự nuối tiếc trà quý mà một số người đã tìm cách ướp một loại hương của hoa vào trà đem lại một sức sống mới cho những loại trà cũ.
Dù chưa thể biết rõ nguồn gốc ra đời nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận đó là truyền thống làm trà ướp hoa vẫn được lưu truyền qua hàng trăm năm lịch sử, từ thế hệ này qua thế hệ khác và đến nay, các loại trà ướp hoa truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa trà của người Việt.
Người Việt Nam rất thích uống trà ướp hoa truyền thống, đặc biệt phải kể đến 6 loại trà ướp hoa tiêu biểu đặc sắc sau đây:
1. Trà ướp hoa sen
Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen toả ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ”
(Qua áng hương trà của Vũ Hoàng Chương)
Trà ướp hương hoa sen là đỉnh cao của nghệ thuật ướp trà với hoa truyền thống và là một sản phẩm trà gần như chỉ có tại Việt Nam. Không phải đơn giản chỉ cho trà vào trong bông sen gói lại ủ qua 1 đêm hoặc 1 ngày là có thể thưởng thức được. Công việc ướp trà sen đòi hỏi rất cầu kỳ từ công đoạn chọn trà, thu hái sen, ướp trà và sấy khô.
Nguyên liệu làm trà sen được đa số người dùng yêu thích vẫn là trà xanh có thể là trà xanh thái nguyên hoặc trà xanh cổ thụ hay trà shan của các vùng núi phía Bắc. Về xa xưa hơn thì nguyên liệu dùng ướp trà sen thường là trà shan đóng bánh để lâu năm cho hoai, lên men tự nhiên trong thời gian dài. Nhưng do loại trà này có nước đỏ, tuy hương sen rất thơm, vị trà khác biệt với gu uống trà xanh có vị chát nhẹ thông thường nên lâu dần loại trà này đã gần như bị mai một.
Về phần sen ướp trà phải là loại sen bách hoa gồm hàng trăm cánh hoa sen úp lại bao bọc lấy nhụy hoa, gạo sen và hương sen. Hiện nay, sen Hồ Tây là giống sen được đánh giá cao nhất trong việc ướp trà bởi hoa ở đây rất to, nhiều cánh, lượng gạo sen trong mỗi bông hoa thu được cũng nhiều hơn so với các vùng khác. Hương sen thơm ngát quyện trong trà tạo nên hương thơm dịu nhẹ, toát lên sự thanh tao trong phong cách của người thưởng trà.
2. Trà ướp hoa nhài
Trà hoa nhài hay còn gọi là Trà hoa lài cuốn hút với hương vị ngọt ngào tinh tế và được xem là loại trà ướp hoa phổ biến nhất. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trà hoa nhài cũng rất được ưa chuộng nhưng cách ướp trà nhài của nước ta cũng có nhiều điểm khác biệt. Điểm khác biệt này đến từ cách uống trà và loại trà được chọn phải là trà xanh cao cấp. Còn ở các quốc gia khác, nguyên liệu ướp trà nhài thường chủ yếu là các loại trà đã lên men theo nhiều mức độ khác nhau.
Hoa Nhài được lựa chọn là nhài quế thơm, bông nhỏ nhưng hương thơm đậm. Thu hoạch hoa nhài phải chọn thời điểm nụ từ màu xanh chuyển sang màu trắng đục như gạo nếp, nụ hoa căng tròn mũm mĩm (thời gian thu hoạch 2-4h chiều). Thời gian ủ là 8h-9h tối khi hoa nhài bắt đầu nở và tỏa hương thơm ngát. Khi ủ cần chú ý để trà ngậm hết hương hoa, hoa nhài lúc này chuyển từ màu trắng tinh khiết sang màu trắng trong thì mới đem sấy cho trà bớt ẩm.
Do dùng trà xanh để ướp hoa nên thành phẩm của trà nhài Việt Nam có vị chát nhẹ đặc trưng của trà xanh xen lẫn hương thơm nhẹ nhàng của hoa nhài. Hương trà xanh quyện với hương hoa thanh khiết trong lành giúp tâm trí bạn trở nên thư thái. Ngoài ra, trà hoa nhài còn có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người như giúp chúng ta cảm thấy thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, giúp giảm đau đầu, ho, cải thiện hệ tiêu hóa và một số bệnh khác liên quan tới nóng trong…
3. Trà ướp hoa bưởi
Hoa bưởi thường nở vào tháng 3, hoa cho một hương thơm nồng nàn quyến rũ một thứ hương thơm đặc trưng của mùa xuân. Vì vậy, trà ướp hoa bưởi cũng đem lại cho người thưởng trà nhiều thi vị.
Ướp trà hoa bưởi vốn là công việc tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Khi chọn hoa phải chọn hoa nở trắng tinh khôi, cánh xòe vừa tầm, không dập nát, không héo, nụ căng, chớm nở. Sau khi chọn hoa phải tách lấy nhụy, tách nụ, chỉ lấy riêng cánh và đài để ướp với trà.
Khi ướp trà hoa bưởi thì cứ 2 tiếng phải thông hoa một lần cho hương trải đều, trà không bị ẩm vì đọng hơi. Mỗi một tuần trà ướp khoảng 8 – 10 tiếng là vừa đủ độ ngấm hương. Sau đó nhặt cách hoa, đài hoa bỏ ra, rồi trải đều trà xuống mâm, rồi mới bắc lên bếp sao lại để trà khô. Khi sao phải đến tầm, giữ cho hương hoa ngấm đều và cánh trà săn lại như lúc đầu.
Hoa bưởi tốt nhất dùng để ướp trà là hoa bưởi diễn cánh nhỏ nhưng thơm dịu, hoa có thể ướp với trà cổ thụ hoặc trà Tân Cương đều cho hương rất tốt. Khi nhấp chén trà ướp hương bưởi chúng ta sẽ bất giác cảm thấy như đưa lòng người về với thôn quê qua nơi phố thị, phảng phất đâu đó nỗi nhớ quê của người con xa xứ.
4. Trà ướp hoa ngâu
Hoa ngâu là loài hoa ưa nắng thường được trồng làm hàng rào đường viền hay trồng khóm, trồng bụi ở góc vườn nhà của các gia đình. Hoa nở thành chùm, có màu vàng sáng nhỏ xinh với hương thơm dịu, thoang thoảng.
Trà ướp hoa ngâu gần như chỉ phổ biến tại Việt Nam và không thấy tại các quốc gia khác. Trà ngâu cho hương thơm dịu khi kết hợp với trà, đem lại cảm giác thư thái khi dùng. Bên cạnh đó, theo Đông y thì cây hoa ngâu cũng được dùng trong một số bài thuốc rất công hiệu. Hoa ngâu có vị cay ngọt, có tác dụng làm cho đầu óc thư giãn, sáng mắt, và thanh lọc cơ thể.
5. Trà ướp hoa sói
Trà ướp hoa sói là loại trà khá phổ biến ở Việt Nam, do đặc điểm khí hậu cần thiết để canh tác hoa sói là phải có bóng râm và độ ẩm cao. Hoa sói có màu vàng nhạt nhỏ li ti như những hạt minh châu nên còn có tên gọi khác là Chu lan hoa. Cây thuộc dạng thân thảo, nhiều cành nhánh. Lá của cây hoa sói gần giống với lá trà xanh nhưng to hơn, màu lá nhạt hơn và có rìa răng cưa xung quanh.
Cũng giống như hoa sen và hoa nhài, việc thu hoạch hoa sói cũng cần phải lựa chọn đúng thời điểm thì mới có thể giữ trọn vẹn được hương thơm. Hoa cần được ướp ngay sau khi thu hoạch không hoa sẽ bị héo và mất hương thơm.
Để hoa có mùi hương tốt nhất cần phải ướp với nhiều loại khác như: cam thảo, tiểu hồi, quế chi, đại hồi. Hương trà ướp hoa sói lúc mạnh mẽ, lúc đằm thắm, trà khi trên đầu lưỡi thì có vị chát nhẹ, xuống cổ rồi thì ngọt dịu.
6. Trà ướp hoa mộc
Trong các loại trà ướp hoa tự nhiên thì trà ướp hoa mộc là loại trà đắt đỏ chỉ đứng thứ 2 sau trà sen. Hoa mộc có hương thơm nhẹ nên dùng để ướp hương vào trà cũng khá khó khăn, ít nơi có thể làm được.
Ngay từ những công đoạn chọn trà phải hết sức tỉ mỉ. Loại trà dùng để ướp với hoa mộc cũng khá kén chọn cũng bởi vì hoa mộc có mùi hương nhẹ rất đặc biệt nên nếu trà dùng ướp hương có mùi thơm nồng mạnh sẽ làm át đi hương của hoa mộc.
Trà ướp hoa phải là loại trà shan có nhiều mao, lá dày để lưu giữ hương được tốt hơn. Đối với hoa mộc, hoa phải hái trước 8 giờ sáng, lúc này hoa mới chớm nở, xòe những cánh hoa tinh khôi dưới nắng mai còn hương hoa thì quyến rũ nhất. Khi sao trà, phải chú ý nhiệt độ vừa phải đủ để trà hấp hương hoa. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị cho trà người ta còn ướp thêm các vị thuốc dùng trong đông y như cam thảo, quế chi, đại hồi, tiểu hồi, phá cố. Một mẻ trà ướp hoa mộc đạt khi uống phải có hương thơm nhẹ quấn trong khoang miệng mùi thơm gần như mùi hoa quả cứ quấn quýt mãi.
Trà ướp hoa truyền thống, sự hoà quyện hài hoà giữa trà và hoa như hương vị ngọt ngào của cuộc sống, đắng chát của cuộc đời và triết lý nhân sinh. Sự giao thoa hài hoà giữa trà và hoa mang đến cho người thưởng trà cảm giác nhẹ nhàng, thanh tao nhưng thi vị đến lạ kỳ.
Huệ Nhi