Lão Tử còn gọi là Lão Đam, họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, là một triết gia, nhà tư tưởng, người sáng lập học phái Đạo gia thời Trung Quốc cổ đại, và là tác giả của cuốn “Đạo đức kinh” nổi tiếng.
- Tiếp theo Phần 1
Điểm hóa Dương Tử Cư
Vương thất nhà Chu xảy ra nội loạn, Lão Tử bèn rời cung đình chuẩn bị ẩn cư. Một hôm, ông cưỡi trâu xanh đến ngoại ô nước Lương (Khai Phong, Hà Nam ngày nay), bỗng nghe có người gọi to “Tiên sinh!”. Lão Tử nghe tiếng nhìn theo, phát hiện ra đệ tử là Dương Tử Cư. Dương Tử Cư người nước Ngụy, vào học Thái học ở nước Chu, nghe danh Lão Tử uyên bác, nên đã bái Lão Tử làm thầy. Không ngờ lại gặp được Lão Tử ở nước Lương, Dương Tử Cư vội vàng từ trên lưng ngựa cao to nhảy xuống, quỳ bái lạy trước con trâu xanh mà Lão Tử đang cưỡi. Lão Tử bước xuống, đỡ Dương Tử Cư lên, sóng đôi đồng hành.
Lão Tử hỏi: “Đệ tử gần đây bận việc gì?”. Dương Tử Cư thi lễ nói: “Đệ tử đến đây lễ bái quê cha đất tổ, mua nhà cửa đất đai, sửa sang cột kèo, thuê người phục dịch, chỉnh sửa gia quy”. Lão Tử nói: “Có đất để nằm, có chỗ để ăn uống là đủ rồi, sao phải phô trương như thế?”. Dương Tử Cư nói: “Tiên sinh tu thân, ngồi cần tĩnh mịch, đi cần khoan thai, uống cần nước sạch, ngủ cần yên tĩnh, không có nhà riêng một mình chốn núi rừng sâu, sao có thể được như thế? Ở một mình nơi núi rừng sâu, không thuê người phục dịch, không chuẩn bị đủ đồ dùng, lấy gì để sinh sống? Thuê người phục dịch, chuẩn bị đủ đồ dụng, không lập gia quy, lấy gì để cai quản?”.
Lão Tử cười và nói rằng: “Đại Đạo tự nhiên, sao cần gắng gượng cầu yên tĩnh. Hành xử vô cầu mà tự khoan thai, uống không xa hoa mà tự thanh khiết, ngủ không ham dục nên tự yên. Tu thân đâu cần nhà nơi núi rừng sâu? Bụng đói thì ăn, thân mệt thì nghỉ, mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi. Nhà ở đâu cần nhiều người phục dịch? Thuận theo tự nhiên mà vô vi, thì tâm thần yên thân thể mạnh khỏe. Trái ngược tự nhiên mà lo toan, thì tâm thần loạn mà thân thể tổn hại”. Dương Tử Cư xấu hổ nói: “Đệ tử dốt nát thô tục, đa tạ tiên sinh chỉ giáo”. Lão Tử hỏi: “An cư nơi nào?”. Dương Tử Cư trả lời: “Đất Bái (Huyện Bái, Giang Tô ngày nay)”. Lão Tử nói: “Thật khéo, chúng ta làm bạn đồng hành”. Dương Tử Cư rất vui mừng, vui vẻ cùng thầy đồng hành về hướng đông.
Đi đến con sông, hai người đi thuyền qua. Lão Tử dắt trâu lên thuyền trước, Dương Tử Cư dẫn ngựa lên sau. Lão Tử dung mạo tươi cười hiền từ, nói chuyện, vui cười rất hòa hợp với những hành khách trên thuyền. Dương Tử Cư ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, hành khách trông thấy mời ngồi, chủ thuyền trông thấy bưng trà, khăn lên mời.
Qua con sông, hai người lại cưỡi trâu, ngựa tiếp tục hành trình. Lão Tử than rằng: “Vừa rồi quan sát thần thái của con, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, cao ngạo nhìn người xung quanh, dáng vẻ duy ngã độc tôn, cuồng vọng tự cao tự đại, thì không thể dạy dỗ được”. Dương Tử Cư vẻ mặt đầy xấu hổ, khẩn khoản nói: “Thói quen của đệ tử đã thành tự nhiên rồi, đệ tử nhất định sẽ sửa được!”. Lão Tử nói: “Người quân tử cư xử với người khác, như băng thả trong nước, mưu sự cho người khác, thì khiêm hạ như đứa bé hầu, đức tính phong hậu mà như thấp kém, thông tục bình dị”.
Dương Tử Cư nghe rồi, đã sửa hết những thói quen cao ngạo vốn có, dung mạo không còn nghiêm trang bất kính nữa, ngôn từ không cao ngạo, cũng không nịnh nọt nữa. Lão Tử khen rằng: “Tiểu tử, có chút tiến bộ đó! Con người sinh ra từ thân cha mẹ, đứng ở giữa trời đất, là vật của tự nhiên. Quý trọng mình mà coi thường vật, là trái với tự nhiên, quý trọng người khác mà coi thường mình, là trái ngược với bản tính. Coi mọi vật là như nhau, vật và mình là nhất thể, thuận theo thế thời mà hành xử, mượn thế thời mà dừng, lời nói, hành động thuận tự nhiên, thì đó là hợp với Đạo rồi”.
Thế rồi, Lão Tử ẩn cư ở đất Bái nước Tống, tự cày cấy sinh sống, tự dệt vải để mặc. Người ngưỡng mộ danh Lão Tử nối nhau đến, thỉnh giáo phương pháp tu Đạo, ý nghĩa sâu xa của học thuật, yếu chỉ xử thế. Do đó, đệ tử của Lão Tử khắp nơi trong thiên hạ đều coi việc hoằng dương đạo đức làm sứ mệnh của mình, giúp người đời thiện lương trở lại. Ví dụ, có đệ tử là Canh Tang Sở đắc được Đạo thâm sâu của Lão Tử. Canh Tang Sở ở trên núi Úy Lũy, sống ở đó 3 năm, phong thái dân cư đất Úy Lũy thay đổi lớn: Đàn ông cày ruộng có đủ thóc ăn, phụ nữ dệt vải có đủ y phục mặc, ai nấy đều làm hết chức phận và năng lực, trẻ con, người già không bị ức hiếp, dân chúng hòa thuận, thế gian thái bình.
Lại truyền thụ cho Khổng Tử
Từ khi Khổng Tử cáo biệt Lão Tử, chớp mắt đã là 17, 18 năm. Đến năm 51 tuổi, nghe tin Lão Tử về đất Bái nước Tống ẩn cư, Khổng Tử đem theo đệ tử đến bái kiến Lão Tử. Lão Tử thấy Khổng Tử đến bái kiến, bèn hỏi: “Ly biệt mười mấy năm, nghe nói ông đã thành bậc đại hiền tài khắp vùng phương bắc. Lần này đến đây, ông có gì chỉ giáo?”. Khổng Tử bái lạy nói: “Đệ tử bất tài, tuy chăm chỉ suy nghĩ chuyên cần học tập, nhưng vẫn uổng phí mười mấy năm, chưa vào được cửa của Đại Đạo. Do đó đệ tử đến đây xin được dạy bảo”. Lão Tử nói: “Đạo sâu như biển vậy, cao như núi vậy, có khắp trong vũ trụ vậy, không nơi nào không có, quay tròn không ngừng nghỉ, mà không vật nào không hiện hữu, cầu mà không thể được, đàm luận cũng không thể tới được! Đạo sinh ra trời đất mà không suy bại, giúp vạn vật mà không thiếu hụt. Trời có Đạo nên cao, đất có Đạo nên dày, nhật nguyệt có Đạo nên vận hành, tứ thời có Đạo mà có trật tự, vạn vật có Đạo mà hình thành”.
Khổng Tử nghe rồi, cảm thấy như giữa trời mây, như tận đáy biển, như giữa núi rừng, như thấm vào vật thể, trời và người hợp thành nhất thể, mình cũng là vạn vật, vạn vật cũng là mình, lòng dạ khoáng đạt, thần thái vui vẻ, không nén nổi tán thán rằng: “Rộng lớn làm sao, mênh mông làm sao, vô biên vô tế! Đệ tử sống 51 năm rồi, mà chẳng biết vũ trụ to lớn mênh mông như thế này!”.
Lão Tử nói: “Bậc Thánh nhân xử thế, gặp sự việc mà không làm trái, sự việc đổi thay mà không giữ, thuận theo vật mà lưu chuyển, hành sự theo tự nhiên. Người điều hòa mà thuận ứng theo Đạo, ấy là người có Đức. Người tùy thời thế mà thuận ứng theo, ấy là người đắc Đạo. Hiểu được đại Đạo này, dẫu nhật nguyệt đổi thay, đất trời dẫu chấn động, gió gào biển thét, sấm động chớp lòe, thì vẫn điềm nhiên như không”.
Khổng Tử không nén nổi tâm hồn rộng mở, thần thái khoáng đạt, thốt lên: “Đệ tử 30 tuổi tạo lập được chí hướng vững chắc, 40 tuổi không còn nghi hoặc điều gì, nay 50 tuổi mới biết tạo hóa là thế nào. Tạo hóa tạo đệ tử là con chim khách thì sẽ thuận theo tính chim khách mà hóa, tạo đệ tử là con cá thì sẽ thuận theo tính con cá mà hóa, tạo đệ tử là con ong thì sẽ thuận theo tính con ong mà hóa, tạo đệ tử làm người thì sẽ thuận theo tính con người mà hóa. Chim khách, cá, ong, con người là khác nhau, nhưng thuận theo bản tính tự nhiên biến hóa lại tương đồng. Thuận theo bản tính mà biến hóa, tức là thuận theo Đạo mà hành xử đó. Thân thể ở những chỗ khác nhau, nguyên thần ở cảnh giới đại đồng, ấy là hợp với đại Đạo đó”. Nói xong, Khổng Tử đứng dậy từ biệt.
Truyền thụ cho Doãn Hỷ
Quan đại phu triều Chu là Doãn Hỷ, yêu thích thư tịch cổ, giỏi quan sát thiên văn, từ nhỏ đã có thể biết chuyện thời tiền cổ và chuyện ở tương lai. Một hôm xem thiên tượng, thấy phương đông có khí tía nối liền, biết là có Thánh nhân sẽ đi qua quan ải về phía tây, thế là xin làm quan coi giữ Hàm Cốc Quan. Ở quan ải, ông căn dặn binh sỹ: “Trong mấy ngày tới sẽ có Thánh nhân đi qua cửa quan ải này, các ngươi thấy người có dung mạo thoát tục thì phải lập tức bẩm báo”. Đồng thời, Doãn Hỷ sai người quét dọn đường, thắp hương để nghênh đón Thánh nhân.
Một hôm, Lão Tử muốn đi đến Tây Vực để khai hóa cho thế nhân, chuẩn bị đi qua Hàm Cốc Quan. Doãn Hỷ nghe bẩm báo có ông lão tóc bạc, cốt cách Đạo, dung mạo Tiên, cưỡi xe trâu xanh kéo sắp qua quan ải. Doãn Hỷ lập tức đến nghênh đón, cách xe mấy trượng, quỳ xuống bái lạy, nói: “Quan lệnh Doãn Hỷ khấu kiến Thánh nhân”. Lão Tử nói: “Ta chỉ là kẻ áo vải, hành lễ đặc biệt thế này, không biết có gì chỉ giáo?”. Doãn Hỷ lại khấu đầu bái lạy nói: “Con đã sớm được Thần minh điểm hóa, ở đây cung kính đợi chờ đã nhiều ngày. Nay gặp Thánh nhân, thần thái dung mạo tuyệt diệu, một viên quan nhỏ coi quan ải có đáng kể gì. Con thành tâm mong được Thánh nhân dạy bảo”.
Lão Tử nói: “Ông thấy thế nào mà biết được?”.
Doãn Hỷ nói: “Tháng 10 mùa đông năm ngoái, sao Thiên Thánh đi về phía Tây quá cao, đầu tháng này, gió hòa ái đến, thấy khí tía từ phía đông đến, nên biết là sẽ có Thánh nhân qua quan ải đi về phía tây. Khí tía mênh mông, dài tới 3 vạn dặm, con biết người đi đến chẳng phải Thần bình thường, mà là bậc chí Thánh chí tôn. Trước đám khí tía có sao Thanh Ngưu (trâu xanh) kéo, Thánh nhân ắt sẽ cưỡi xe trâu xanh từ phía đông tới. Cầu xin Thánh nhân chỉ bảo Đạo tu hành, Doãn Hỷ con cảm ân vô cùng”.
Lão Tử cười nói: “Lành thay! Ông đã biết ta, ta cũng đã biết ông rồi. Ông có kiến thức thần thông, thì nên độ thế”. Doãn Hỷ lại bái lạy nói: “Xin hỏi tên họ đại Thánh, con có thể được biết không?”. Lão Tử nói: “Ta họ mịt mùng, từ kiếp kiếp đến đây, không thể nói hết được. Ngày nay họ Lý, tự Bá Dương, hiệu Lão Đam”. Doãn Hỷ nghe nói là Lão Tử, đốt hương khấu đầu, cung kính bái làm thầy.
Doãn Hỷ từ quan theo Lão Tử men theo núi Chung Nam dãy Tần Lĩnh đi khai hóa Tây Vực. Ngày đi đêm nghỉ. Một hôm đến một nơi, thấy vùng đất này có mây lành bao phủ, rồng bay phượng múa, trăm hoa thơm ngát, nước suối réo rắt, quả đúng là vùng thế ngoại đào viên. Lão Tử khen nơi này đúng là phúc địa của thiên hạ. Lão Tử nói rằng: “Đạo, khả đạo, phi thường Đạo…” (nghĩa là, Đạo mà dùng ngôn ngữ diễn tả ra được, thì không phải Đạo trường tồn). Cuốn sách 5000 chữ “Ngũ thiên ngôn” đều là kiến giải của Lão Tử về các phương diện đạo đức, vũ trụ, nhân sinh, xã hội… do Doãn Hỷ chép lại, người đời sau gọi là “Đạo đức kinh”.
Doãn Hỷ thành tâm tu hành theo chỉ dẫn của Lão Tử, đồng thời hoằng dương học thuyết Đạo gia, sau này tu thành đại Tiên, được gọi là Vô Thượng Chân Nhân, cũng gọi là Doãn Chân Nhân. Ngoài ra, câu chuyện “khí tía từ phương đông đến” về Lão Tử đi qua quan ải trở thành giai thoại đẹp trong văn hóa phương Đông, cũng từ đó “khí tía” được coi là dấu hiệu của cát tường, may mắn.
Lão Tử ra khỏi quan ải
Lão Tử và Doãn Hỷ đi về phía các nước Tây Vực hoằng Đạo, vân du khắp thiên hạ, truyền giảng học thuyết Đạo gia để kinh bang tế thế, giáo hóa thế nhân. Lão Tử ra khỏi Hàm Cốc Quan, ngược dòng sông Vị Hà về phương Tây, vào đất Tần, rồi ra khỏi Đại Tán Quan, vượt qua núi Lũng Sơn vào khu vực người Di Địch, sau đó lại trở về Lâm Thao ở Lũng Tây Ấp.
Lão Tử giảng kinh truyền Đạo, cần mẫn dạy bảo thế nhân, nói rõ Đạo thành Thần hóa Tiên, ắt phải coi trọng chân tâm tu luyện mới thành. Lão Tử còn quan tâm đến người làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, hái thuốc luyện đan, chữa bệnh cứu người. Mọi người đều cảm kích đại ân đại đức của Lão Tử, không tranh giành với đời, ôn hòa nhân từ đối đãi mọi người.
Sử sách có chép, Lão Tử cuối cùng ở núi Nhạc Lộc Sơn ở Lâm Thao đã “bạch nhật phi thăng” (ban ngày bay lên Trời). Đây là chỉ người tu luyện sau khi đắc Đạo, ban ngày bay lên Thiên giới thành Tiên. Lão Tử cưỡi phượng hoàng bay lên trên đám mây hoa, thân hiển hiện ánh vàng kim, chiếu sáng khắp 10 phương, mây ngũ sắc còn tụ lại rất lâu không tan. Ngày hôm đó, các con sông trào dâng, núi sông rung động, có ánh sáng ngũ sắc chiếu lên Trời, sao Thái Vi chiếu khắp bốn phương. Người đời sau đã xây “Phi thăng đài” ở nơi Lão Tử đã phi thăng, cũng gọi là “Phượng đài” hoặc “Siêu nhiên đài” để kỷ niệm Lão Tử.
Lão Tử truyền thụ cho Khổng Tử, gợi mở trí huệ cho Khổng Tử. Khổng Tử nhờ đó mà có thành tựu lớn, tập đại thành của Nho gia, hoàn thành đạo “trong Thánh ngoài vương”, cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Lão Từ còn đem Đạo “Thanh tĩnh vô vi”, “Đắc đạo phi thăng” truyền cho các vị Tiên, Chân Nhân như hậu Thánh Doãn Hỷ, Vương Thiếu Dương… đặt định ra văn hóa tu luyện cho người đời sau. Nhờ đó, hậu thế biết được pháp môn “tu Đạo” và “trường sinh” dùng để phản bổn quy chân, siêu phàm chứng Thánh, để thoát khỏi cái khổ luân hồi sinh tử, để mọi người biết, con người thông qua tu luyện có thể thành Thần, càng kiên định cái tâm tín Đạo, tu Đạo, chứng Đạo, tuân theo lẽ Trời, thuận theo đại Đạo.
(Hết)
Theo Soundofhope
Nam Phương biên dịch