Chuyên mục Chữ và Nghĩa chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.

Nhiều thế hệ chúng ta thời còn đi học chắc hẳn sẽ còn nhớ đến những cụm từ như “Kim chỉ nam” hay “Sợi chỉ đỏ” trong các bài văn học đường. Sau này, ta rất hay bắt gặp chúng trong các văn kiện chính trị.

Đại khái, đó là những khái niệm chỉ phương hướng. Đa số chúng ta hiểu là vậy. Tuy nhiên, tìm cho đến gốc tích của những khái niệm này thì chúng ta sẽ có thêm những hiểu biết mới hết sức thú vị. Thông thường, từ ngữ sẽ dễ trở thành sáo mòn vô nghĩa, không có tác dụng đả khai tư tưởng nếu chúng được sử dụng lặp đi lặp lại với tần suất lớn. Nhất là nếu chúng ta không hiểu thấu đáo về ý nghĩa của chúng.

Vậy, “Kim chỉ nam” là gì?

Từ này có liên quan đến lịch sử của chiếc La bàn từ hơn 1000 năm trước công nguyên, người Trung Hoa đã tìm ra nguyên tắc của nó và từ từ phát triển thêm. La bàn từ được phát minh khi họ tìm hiểu từ lực và tìm được đá nam châm trong thời kỳ nhà Chu lập quốc. Khi ấy, nó được gọi là “Kim chỉ nam”. Kim chỉ nam khi ấy có hình dáng một cái muỗng cắt ra từ một miếng nam châm thiên nhiên và được đặt trên một cái đế bằng đồng đã được mài láng để giảm ma sát. Vì đồng là vật liệu không từ tính, không có ảnh hưởng lên từ trường, đó là điều con người thời ấy đã biết được. Phần muỗng tròn láng để chính giữa đế đồng làm trọng tâm thành ra cáng của kim chỉ nam có thể quay xung quanh. Khi muỗng đã ổn định vị trí, thì nó chỉ hướng Nam.

Hướng Nam khi xưa là hướng của đế vương. Bạn đọc thường thấy trong các tác phẩm văn học thời xưa có câu: “Ngoảnh mặt về hướng Nam xưng Cô”, đó là chỉ về vua chúa Trung Hoa thời xưa và cả những nước có chung nguồn gốc về văn hóa như nước Việt…

Người phương Nam bắt đầu biết đến “Kim chỉ nam” có lẽ cũng vào thời Chu Công. Lúc ấy ở phía Nam xứ Giao Chỉ chúng ta có một nước gọi Việt Thường. Trong cuốn “Việt Nam Sử Lược” của sử gia Trần Trọng Kim có chép:

“Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm Tân Mão (1109 trước Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?”.

Vì đường xá quá xa xôi, nhiều sông ngăn núi cách, đi lại khó khăn dễ bị lạc cho nên Chu Công mới ban cho sứ giả Việt Thường những cỗ xe có gắn “Kim chỉ nam” để xác định phương hướng mà về được đến nơi. (Ảnh: britannica.com)

Trang 5, “Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thì Sĩ cũng chép: “Nước Việt ta khi mới vào cống nhà Chu, tự xưng là họ Việt Thường, dâng con bạch trĩ, chín lần đổi trạm mới đến được, ông Chu Công uý lạo cho về, cho 5 cỗ xe đặt kim chỉ nam để chỉ lối về…”.

Ở đây thì sử gia Ngô Thì Sĩ cho rằng Việt Thường cũng là tổ tiên chúng ta. Tuy nhiên, đó không phải chủ đề chính ở bài viết này.

Có lẽ vì đường xá quá xa xôi, nhiều sông ngăn núi cách, đi lại khó khăn dễ bị lạc cho nên Chu Công mới ban cho sứ giả Việt Thường những cỗ xe có gắn “Kim chỉ nam” để xác định phương hướng mà về được đến nơi.

Cho nên, nói đến “Kim chỉ nam” tức là nói đến phương hướng, đường lối để “đi đến nơi, về đến chốn”.

Còn “sợi chỉ đỏ”?

Sợi chỉ đỏ ở đây không phải đồ vật mang ý nghĩa phong thủy mà các bạn trẻ đeo vào tay để lấy may mắn. Câu chuyện về sợi chỉ liên quan đến chiến công của người anh hùng Theseus trong thần thoại Hy Lạp, người đã chiến thắng con quái vật đầu bò Minotaur.

Khi Minos muốn làm vua xứ Crete, ông đã cầu xin thần biển Poseidon. Một con bò trắng tuyệt đẹp đã từ biển đi lên và Minos cần cúng tế con bò ấy cho Poseidon để Minos chứng tỏ lòng thành của mình. Nhưng mê mẩn trước vẻ đẹp của con bò, Minos đã đánh tráo bằng một con bò giả. Tức giận, thần Poseidon đã trừng phạt Minos bằng cách hóa phép cho hoàng hậu của Minos, Pasiphaë, yêu con bò đó và kết quả là sự ra đời của Minotaur.

Minotaur đã gieo rắc kinh hoàng cho toàn đảo Crete nên vua Minos ra lệnh cho Daedalus làm một mê cung để nhốt nó lại. Mỗi năm, ông đem 7 người con trai và 7 người con gái từ Athena vào cho Minotaur ăn thịt.

Anh hùng Theseus tiêu diệt được Minotaur nhờ sự giúp đỡ của Ariadne con gái nhà vua đưa cho cuộn chỉ của cô mà anh đã tìm đường thoát được khỏi mê cung. (Ảnh: greece.mrdonn.org)

Minotaur đã bị tiêu diệt bởi anh hùng Theseus sau khi chàng nghe việc làm tàn ác của vua Minos. Anh đã giết được Minotaur nhờ sự giúp đỡ của Ariadne, con gái vua Minos. Nhờ cuộn chỉ của cô đưa mà anh đã tìm đường thoát được khỏi mê cung. Các sách cổ chỉ nói rằng đó là cuộn chỉ, hoặc cuộn chỉ vàng. Còn cách nói “sợi chỉ đỏ” chỉ được sử dụng riêng tại một số ít quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, “sợi chỉ” cũng là danh từ chỉ phương hướng và đường lối. 

Chúc bạn đọc vui vẻ!

Minh Trí