Cô Vương là một người phụ nữ nghèo khổ, năm nay vừa tròn 40 tuổi. Cuộc đời cô vất vả cực nhọc từ tấm bé. Năm lên 6 tuổi cha mẹ không may lần lượt qua đời, bỏ lại cô và đứa em trai bé nhỏ trong một căn nhà cỏ rách nát.
Hai đứa trẻ mồ côi đành dựa vào lương thực cứu trợ của đội sản xuất để sống qua ngày. Nửa năm sau, khi được mọi người phân tích và khuyên nhủ, cuối cùng cô Vương đành dứt ruột cho em trai đi làm con nuôi. Vào ngày người ta đến đón em đi, thương em cô chỉ biết khóc gào và chạy đuổi theo tới gần 2 km…
Thương cảm cho số phận cực khổ của cô, một người bà con xa cố gắng tìm cho cô Vương một người phù hợp để kết hôn. Tuy nhiên đi mai mối hết người này tới người khác vẫn không ai muốn cưới một cô gái nghèo rớt mồng tơi như thế. Vào một ngày mùa xuân nọ, người chú họ dẫn cô đi gặp mặt. Vừa nhìn thấy người ấy, cô tròn mắt, không nói nên lời. Cô không ngờ được người mình đi gặp mặt lại lùn tịt, ngốc nghếch, ăn nói lắp ba lắp bắp không nên lời.
Nghĩ tới người đàn ông duy nhất chịu lấy mình, trong tim cô như nhỏ máu. Cô muốn từ chối tuy nhiên tình cảnh chua xót không nơi nương tựa, không nhà không cửa của mình ép cô không còn lựa chọn nào khác: “Tô Cường dù hơi ngốc một chút, nhưng dù gì cũng là người hiền lành tử tế. Nếu đây là duyên số, mình sao có thể kén cá chọn canh đây?” Sau một vài đêm suy nghĩ, cô chấp nhận lấy người đàn ông kia làm chồng.
Không lâu sau đó gia đình 10 nhân khẩu của nhà chồng cô phân nhà, hai vợ chồng cô được chia một túp lều ngói rách nát, một cái gường và chiếc mền bông cũ.
Khốn khổ khi cả hai người con trai đều khuyết tật
Năm 1974, hạnh phúc vô bờ bến đến với cô khi sinh được một cậu con trai khỏe mạnh trắng trẻo. Hai vợ chồng chỉ biết trông vào con mà sống, nhìn con lớn lên khỏe mạnh hằng ngày là niềm vui là nụ cười của họ. Dù có phải cực khổ bao nhiêu, công việc đồng áng có vất vả khó nhọc thế nào, cô cũng dành toàn tâm toàn ý chăm lo yêu thương chồng con. Nếu đổi được gạo hay đồ ăn ngon, cô đều nhường hết cho con, cho chồng, còn mình thì chỉ ăn rau dưa qua ngày. Tuy rằng ở trong tình cảnh chạy ăn từng bữa nhưng con trai họ vẫn lớn lên đáng yêu, khỏe mạnh như những đứa trẻ thành phố khác. Điều này với cô đã là quá đủ.
Khi Tiểu Bân cậu con lớn của cô vừa tròn năm tuổi thì trong vùng có dịch sởi. Không may cậu bé mắc bệnh. Chưa bao giờ gặp loại bệnh đó nên cô Vương luống cuống không biết chữa trị cho con thế nào. Vừa khi đó, có một người hàng xóm sang chơi và bảo: “Trẻ con lên sởi là bình thường, chỉ cần vài ngày là tự khỏi thôi”.
Thế nhưng chỉ ngay hôm sau khi cô Vương đang làm đồng, chồng hớt hải chạy ra nói rằng con khóc tới không thành tiếng. Về tới nhà thấy con trai khóc tới khản cổ, môi đã khô nứt chảy cả máu, mồ hôi nhễ nhại, nghi rằng có chuyện lớn, cô vội vàng bế con lên viện.
Tuy nhiên khi mở túi ra chỉ còn vỏn vẹn 2000 đồng, cô đành để con ở nhà và đi tìm các loại thuốc nam. Nhưng dù uống bao nhiêu thuốc thì bệnh tình lại càng nặng hơn. Thương con tới thắt ruột, cô đành chạy đi vay đội sản xuất được hơn 600 nghìn và đưa con vào nhập viện. Nhưng số tiền đó thực cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.
Khi ở vào bước đường cùng, có người đã mách cô bán máu. Cô liền bán đi 300cc máu của mình để có thêm vài đồng bạc. Một tuần sau lại đổi tên khác và tiếp tục bán máu. Dựa vào đó, cô mới có thêm tiền để điều trị cho con. Điều trị tới lui, cuối cùng bác sĩ thông báo: “Chúng tôi rất tiếc, bởi vì cháu bé điều trị muộn quá nên sẽ bị câm không thể bình thường như xưa nữa”.
Nghe bác sĩ thông báo, cô đau buồn tới ngất lên ngất xuống, đành đưa con về nhà chăm sóc. Thương con, cô ân hận tìm đủ mọi cách để bù đắp cho con, cho dù có phải bán máu bao nhiêu lần đi nữa. Con càng khỏe lên cũng là lúc cô dần gầy mòn ốm yếu, nhiều lần bị ngất trong khi làm việc.
Năm 1982, niềm vui lại đến khi cô Vương sinh con trai thứ hai. Đó là một cậu bé thông minh nhanh nhẹn và hoạt bát. Mọi sự kỳ vọng cô dồn hết vào đứa con trai này, mong rằng nhờ con cô có thể nở mày nở mặt.
Được 3 tuổi thì cậu bé bất ngờ gặp tai nạn khi đang chơi ngoài đường với lũ trẻ cùng xóm. Rút được bài học từ lần đầu, cô vội vàng đi vay tiền, cộng thêm khoản bán máu, cô cũng đủ kinh phí đưa con lên viện. Và một lần nữa cô lại nhận được thông báo đau lòng: Con trai cô sẽ phải lớn lên với đôi chân tật nguyền.
Khuôn mặt trắng bệch lo sợ, cô vội quỳ xuống dập đầu nói với bác sĩ: “Bác sĩ tôi xin ông, xin ông hãy cứu vớt con trai tôi, cứu vớt cuộc đời tôi. Con trai đầu của tôi đã bị câm rồi, đừng để đứa thứ hai cũng tật nguyền. Nó là niềm hy vọng duy nhất của tôi, nếu nó có mệnh hệ gì tôi không còn thiết sống nữa”. Thương con, cô lại vội vàng, hoảng loạn đi bán máu. Cứ bình quân một tháng, cô lại bán máu một lần để có tiền lo cho con.
Từ ngày gặp tai nạn, con trai cô không được bồi bổ nên yếu ớt mệt mỏi, ngày nào cũng khóc lóc trong vòng tay mẹ. Tuy nhiên mọi cố gắng của cô cũng không cứu lại được sức khỏe của con trai mình.
Tìm đến cái chết vì tuyệt vọng
Đau đớn tột cùng khi cả hai niềm hy vọng bị dập tắt hoàn toàn, cô đã có ý định tìm đến cái chết. Hôm đó cô mua kẹo bánh cùng rất nhiều đồ ăn ngon cho chồng và hai con. Nhìn hai đứa con thơ dại đang ngây ngô tranh giành kẹo bánh, trong lòng cô ứa lệ, chỉ biết nói với các con: “Con trai, mẹ xin lỗi là mẹ có lỗi với các con”.
Mệt mỏi và không biết nương tựa vào đâu, cô bước đi một cách vô định, lang thang một hồi và quay về nhà nhìn mặt các con lần cuối cùng. Nhìn tình cảnh chồng đang sợ hãi co ro một góc, còn hai đứa nhỏ đang chơi đùa hồn nhiên, trong lòng cô lại đau đớn vô hạn, ánh mắt đầy thương xót.
Đau khổ cùng cực, cô tự nói với mình: “Mình đang làm gì thế này? Mình chết đi rồi thì ba cha con sống sao đây? Gia đình này sẽ như thế nào nếu không có mình đây?”. Thương con, thương chồng, cô gạt nước mắt quyết tâm làm lại cuộc đời.
Đây là 20.000cc máu của mẹ
Vào năm 1993, trong một lần vào thành phố bán rau, cô Vương tình cờ nghe được thông tin về một ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật. Trong lòng cô nghĩ: “Mình nhất định phải cho con vào đây học, cho dù còn đang nợ bao nhiêu tiền cũng phải dành lấy cơ hội thay đổi cuộc sống này cho con”.
Thấy gia đình cô hoàn cảnh, mọi người trong thôn đều đồng cảm khuyên can: “Con người ta lành lặn học còn chẳng ăn thua nữa là con chị như vậy. Chị đừng nên gánh nặng thêm lên thân mình nữa. Chị không biết rằng tiền phí sinh hoạt mỗi tháng ở đó lớn thế nào đâu”.
Có đôi chút kinh ngạc về số tiền quá lớn nhưng cô vẫn muốn con được học, cô nói với hàng xóm: “Con tôi đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ bình thường khác rồi. Giờ chỉ còn cách đi học mới có thể tìm được lối thoát cho nó, chỉ có đi học con mới có được chỗ đứng trong xã hội. Nếu không có tiền tôi sẽ tiếp tục đi bán máu, nhất định tôi sẽ nuôi con học thành người”.
Bệnh viện từng là nơi ai cũng quen mặt gọi tên cô. Nhưng lần này, cô Vương loanh quanh một hồi không dám vào, bởi cô đã tới đây bán máu quá nhiều lần, các bác sĩ đều đã quen mặt. Theo quy định muốn lấy máu cũng phải chờ đủ 3 tháng mới được lấy lần tiếp theo, cô vừa bán máu tháng trước nên lần này sẽ bị từ chối. Quả nhiên khi vào tới nơi, bác sĩ nhận ra cô liền nói: “Này cô kia, không muốn sống nữa à? Sao lại cứ hết lần này tới lần khác bán máu thế?”.
Biết mình không thể trách bác sĩ, cô quỳ gối dập đầu: “Bác sĩ ơi, tình cảnh của tôi ông cũng biết cả rồi, tôi xin ông hãy cho phép tôi lần này. Con trai tôi, đứa con đáng thương của tôi đã chờ đợi rất lâu để được đi học. Tôi không muốn làm chúng thất vọng, xin ông hãy giúp tôi. Xin ông hãy giúp con trai tôi một cơ hội thay đổi cuộc đời”. Nói rồi nước mắt cô chảy dài. Bác sĩ thở dài đành đồng ý.
Suốt 1 năm sau đó, cứ cách hai ba tháng, cô lại lặng lẽ tới viện bán máu để có tiền đóng học phí cho con. Cơ thể cô trở nên kiệt quệ, đã nhiều lần bất tỉnh trên đường. Cậu con đầu vội vã đưa mẹ về nhà rồi đi tìm cha và hàng xóm tới giúp. Cậu con thứ hai Tiểu Kiếm hay tin thì vội vàng xin nghỉ học về nhà thăm mẹ. Nghe hàng xóm nói, vì lo cho mình ăn học, mẹ cậu đã liên tục bán máu, cậu đau khổ xin mẹ cho phép mình nghỉ học.
Cô nói với con: “Con không được làm vậy, chỉ có học tập con mới có tương lai, chỉ có thành tích học tập của con mới xua tan mọi bệnh tật của mẹ. Chỉ bằng cách học tập con mới có thể làm chỗ dựa cho gia đình mình”.
Hiểu được giá trị từng đồng tiền mồ hôi nước mắt, những đồng tiền được mẹ “dùng máu và tính mạng” mang lại cho mình cơ hội học tập, Tiểu Kiếm càng nỗ lực hơn nữa. Mỗi lần về nhà cậu lại chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ. Trong một cuộc thi cấp tỉnh về môn toán, Tiểu Kiếm đã đạt giải nhất.
Đây chính là món quà ý nghĩa cậu bé dành cho người mẹ cực khổ của mình. Thành tích học tập xuất sắc của cậu đã giúp cha mẹ có lại nụ cười và niềm vui trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Trong vòng 17 năm trời, để có tiền nuôi con ăn học, cô Vương đã bán tất cả 20 nghìn cc máu. Sự hy sinh đó đã được đền đáp xứng đáng.
“Xin chị từ nay về sau hãy giữ lại máu cho bản thân”
Câu chuyện cô Vương bán máu nuôi con ăn học đã làm cảm động tới mọi người dân trong vùng. Tấm lòng chất phác của người mẹ nghèo hết lòng vì con cái đã làm lay động những nhà hảo tâm và ngay cả những người có cuộc sống không mấy khá giả.
Đặc biệt có một lá thư của nhà hảo tâm vô danh gửi đến cô Vương, trên đó viết: “Chúng tôi cũng nghèo khổ, nhưng có lẽ gia cảnh của chị còn khổ gấp ngàn lần chúng tôi. Số tiền ít ỏi này xin chị hãy nhận lấy. Xin gửi chị, người mẹ 17 năm bán máu nuôi con ăn học. Xin chị từ nay về sau hãy giữ lại chút máu còn lại đó cho bản thân mình”.
Đọc được những dòng thư khích lệ của người hảo tâm tốt bụng, nước mắt cô tràn mi, cứ tuôn rơi mãi. Cô cảm nhận được sự ấm áp của tình người vẫn còn hiện diện trong cuộc đời. Ở đâu đó, ánh sáng tình yêu vẫn còn rọi chiếu giữa thế gian tưởng như hỗn độn và tối tăm này.
Kiên Định biên dịch
Nỗi sợ hôn nhân, ai mà không có?