Nhân dịp kỷ niệm 7 năm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế tại The Hague vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và đại sứ quán của họ đã ca ngợi phán quyết mang tính bước ngoặt, đồng thời tái khẳng định các quyền hàng hải của Philippines.
Ngày 11/7, tờ Philsta cho biết, các nước thành viên EU đã ra tuyên bố gọi phán quyết trọng tài là “một cột mốc quan trọng, có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên liên quan, và là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình”.
Tổng thống Philippines khi đó là ông Benigno Aquino III đã đệ trình vụ kiện lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2013 để phản đối cái gọi là yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Bắc Kinh.
Cố cựu ngoại trưởng Albert del Rosario đã lãnh đạo Philippines đưa vấn đề này ra trước tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để xác định các quyền lợi kinh tế trên biển của nước này, thách thức một cách hiệu quả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc.
EU nhắc lại tầm quan trọng cơ bản của việc duy trì các quyền tự do, quyền và nghĩa vụ được thiết lập trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đặc biệt là các quyền tự do hàng hải và hàng không.
Khối này cho biết: “EU cam kết bảo đảm các tuyến đường hàng hải rộng mở, tự do và an toàn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Trong phán quyết mang tính bước ngoặt ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với các khu vực được tòa xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.
Tuy nhiên, Trung Quốc hoàn toàn không tuân theo phán quyết và có những hành động hung hăng và bành trướng hơn. Philippines dưới thời chính quyền Duterte như đã chắp thêm cánh cho ông Tập, khi ông Duterte đã gạt phán quyết sang một bên như một phần trong chiến lược xoay trục sang Trung Quốc.