Việc lớn bao gồm nhiều chi tiết nhỏ. Nếu cải thiện mỗi phần nhỏ ấy, cho dù rất ít, thì khi cộng dồn sự khác biệt là rất lớn. Việc cải thiện từng chút một ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh từ nhỏ đến lớn. Từ tu dưỡng cá nhân, đến thành công của một tập thể, lớn nữa là an định xã hội và thịnh vượng của quốc gia…
Một bài viết trên trang mạng 24h nói về “Lý thuyết chi tiết” do David Brailsford, Giám đốc điều hành của đội đua xe đạp Vương quốc Anh, đề xướng có ghi như sau: Màn trình diễn của VĐV thể thao là sự kết hợp của rất nhiều chi tiết nhỏ. Để một nhà thể thao chơi với hiệu suất 100%, thì từng phần trăm nhỏ trong số đó là kết quả của một nỗ lực hết mình ở chi tiết nào đó, rất nhỏ, nhưng có ích cho màn trình diễn.
Theo đó, Brailsford không chỉ chú ý đến việc tập thể lực và những gì diễn ra trên đường đua. Ông còn chăm chút đến cả… hướng nằm ngủ của VĐV, cách họ gối đầu, vệ sinh bàn tay, và các ngón tay: “Nếu làm đúng cách, bạn sẽ ít mắc bệnh hơn một chút. Tất cả là những chi tiết nhỏ thôi, nhưng nếu cộng lại nhiều chi tiết nhỏ, thì sự khác biệt là rất lớn”.
Dưới đây sẽ là những ví dụ cụ thể về những tập thể đã áp dụng việc cải tiến từng chút những chi tiết nhỏ để tạo nên khác biệt.
Liverpool là đội bóng thú vị và đáng xem
Đáng xem bởi họ có một lối chơi tấn công rực lửa và đẹp mắt. Thú vị ở chỗ, Jurgen Klopp và tập thể của ông đang tối ưu hóa cách vận hành và chơi bóng từ những chi tiết nhỏ.
Liverpool của HLV Jurgen Klopp đang thể hiện bộ mặt ấn tượng trong mùa giải 2019-2020 với thành tích bất bại tính đến thời điểm hiện tại. Lữ đoàn đỏ thể hiện một bộ mặt ổn định. Các bàn thắng không đơn giản là tình huống cá nhân, chúng là thành quả của những bài tập bài bản và đứng đằng sau đó là đội ngũ phân tích số liệu hay tâm lý đối thủ ở các tình huống cố định và cả HLV dạy… ném biên.
Cựu cầu thủ Andy Gray nói về ném biên: “HLV ném biên ư, chẳng cầu thủ nào cần phải dạy việc này làm gì! Chỉ cần nhặt quả bóng, cầm bằng hai tay, đưa nó ra sau đầu và ném đi với đôi chân giữ trên mặt đất. Chấm hết”. Nhưng HLV ném biên người Đan Mạch Thomas Gronnemark không nghĩ như vậy. Ông nói để có được pha ném biên thành công phải có khoảng 20 đến 30 khía cạnh cấu thành. Và nhờ sự chỉ dạy của Thomas các cầu thủ Liverpool đã cải thiện khả năng ném biên và tận dụng những tình huống bóng cố định từ phân tích của các chuyên gia.
Khả năng ném biên và phối hợp tấn công dẫn đến bàn thắng thể hiện rõ trong bàn thắng thứ 3 (trong chiến thắng 3-1) của Lữ đoàn đỏ trước Man City ở vòng 12 Ngoại hạng Anh. Arnold có một pha ném biên vừa đủ để Firmino thoát khỏi sự kèm cặp rồi nhả bóng lại cho hậu vệ này để thực hiện đường chuyền cho Henderson. Đội trưởng Liverpool có pha đột phá dũng mãnh rồi tạt cánh cho Mane đánh đầu. Từ pha ném biên đến lúc bóng vào lưới chỉ tốn 10s.
Còn về tận dụng tình huống cố định thì theo thống kê, 34 bàn thắng, chiếm 1/3 số bàn thắng mà Liverpool ghi được trong mùa giải 2018-2019 đến từ các tình huống cố định. Về việc tham khảo ý kiến chuyên gia thì trận lội ngược dòng 4-0 trước Barca trong Bán kết lượt về Champions League mùa 2018-2019 là một minh chứng.
Theo tờ Independent, sau thất bại 0-3 của The Kop trước Barca ở bán kết C1 rạng sáng ngày 2/5 (giờ Việt Nam), các chuyên gia phân tích dữ liệu của Liverpool đã vào cuộc. Họ đưa ra nhận định, các cầu thủ Barca thường có những biểu hiện phân tâm và luôn phàn nàn về các tình huống đá phạt hay ném biên. Klopp đã ghi chú, và phần còn lại là lịch sử. Liverpool đã tạo ra một trong những cuộc lội ngược dòng ấn tượng trong lịch sử Champions League.
Bàn thắng của Divock Origi vào lưới Barca phút 79, ngày 8/5 là kết quả cho sự phân tích tỉ mỉ ấy. Nó đến từ sự quan sát tốt của Arnold trong quả phạt góc và cả cậu bé nhặt bóng của sân Liverpool lúc bấy giờ nữa.
Một điểm thú vị khác là trong đội ngũ phân tích ở Anfield còn có sự xuất hiện của một Tiến sĩ Vật lý năng lượng, một nhà Vật lý Thiên văn, một Cử nhân Toán học từng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng. Họ là các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Có thể Tiến sĩ Vật lý năng lượng nghiên cứu phương pháp tập luyện và nghỉ ngơi cho cầu thủ, nhà Vật lý thiên văn phân tích lực sút và quỹ đạo bay của quả bóng, còn Cử nhân Toán học thì phân tích các số liệu.
Theo tờ Scouting Report, tính đến trước trận chung kết C1 mùa 2018-2019, Tottenham để thủng lưới 38% ở những tình huống cố định. Đồng thời ở Premier League, Spurs để thủng lưới 23% ở những tình huống phạt góc. Để rồi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 ở Champions League của Origi cũng là tình huống xuất phát từ quả phạt góc…
Họ phát huy điểm mạnh hiện có, nghiên cứu điểm yếu đối thủ, áp dụng những thống kê và tối ưu hóa các tình huống cố định.
Thành công của Liverpool trong hai năm gần đây có đóng góp không nhỏ của những chi tiết. Từ sự xuất hiện của kỷ lục gia ném biên, đến các chuyên gia phân tích dữ liệu, tâm lý, Vật lý, Toán học… thậm chí cả những cậu bé nhặt bóng cũng nằm trong tính toán. Liverpool quả thật là một đội bóng thú vị. HLV Klopp muốn cải thiện từng chút từng chút kỹ năng của đội bóng. Và như ta thấy, những cải thiện nhỏ ấy đem đến hiệu quả đáng kể trong cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh và cả Champions League. Đây cũng là minh chứng cho câu nói của Brailsford: “Tất cả là những chi tiết nhỏ thôi, nhưng nếu cộng lại nhiều chi tiết nhỏ, thì sự khác biệt là rất lớn”.
Bóng đá đỉnh cao như vậy, trong công việc và làm người cũng nên chú ý tỉ mỉ trong những chi tiết nhỏ để tạo nên hiệu quả lớn.
Kaizen
Nếu như ở trên gọi là Lý thuyết về chi tiết, thì người Nhật cũng có một điều tương tự gọi là Kaizen (改善 – Cải thiện). Từ bề mặt con chữ, cải (改) nghĩa là thay đổi; thiện (善) có nghĩa là tốt, giỏi (như thiện xạ: bắn giỏi, thiện chiến: sức chiến đấu tốt). Như vậy, kaizen là thay đổi để làm tốt hơn.
Việc cải tiến liên tục giúp ta tối ưu hóa hệ thống. Vì là người trực tiếp làm việc, nên ta hiểu công việc gồm bao nhiêu công đoạn và mất bao lâu để hoàn thành nó. Cải thiện hiệu suất làm việc chính là cải thiện từng phần nhỏ trong đó. Cho nên, kaizen cũng có nét tương đồng với việc cải thiện 1% mà Brailsford nói ở trên.
Kaizen như chìa khóa thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản trong chiến lược cạnh tranh toàn cầu. Có nhiều công ty áp dụng kaizen, nhưng vì phạm vi có hạn nên bài viết chỉ giới thiệu về việc cải tiến của Toyota.
Toyota là công ty áp dụng Kaizen rộng rãi trong chiến lược kinh doanh của mình. Toyota có khoảng 9 nhà máy tại Bắc Mỹ và cuối năm 2007 hãng tiếp tục mở một nhà máy mới ở Mississippi. Trong số đó, 75% các xe ô tô được lắp ráp tại Bắc Mỹ có bộ phận và nguyên liệu được sản xuất tại đây. Chỉ có khoảng 25% xe ô tô là nhập từ Nhật và các nơi khác. Vậy mà, Toyota vẫn kiếm hơn 14 tỷ USD vào năm 2006 trong khi các nhà sản xuất xe ô tô của Mỹ phải chuyển tới Trung Quốc và Ấn Độ để tiết kiệm chi phí.
Thay vì phải chuyển nhà máy đến Ấn Độ và Trung Quốc để có nguồn nhân công rẻ, Toyota sẵn sàng trả cho công nhân trên nước Mỹ cao hơn nhưng bù lại, họ giảm lãng phí trong các khu vực như hàng hóa tồn kho, thời gian chờ đợi, vận chuyển, đi lại của người công nhân. Khi thấy được những điểm bất cập trong hệ thống, nhờ có kaizen mà Toyota đã tối ưu hóa hệ thống sản xuất của mình.
Trong bóng đá và sản xuất thì như vậy, còn thực hành tỉ mỉ chi tiết trong cuộc sống hàng ngày như thế nào?
Có một câu chuyện trong “Hậu Hán thư” như sau. Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên tự cho mình hơn người, vậy nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn. Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy anh sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn mình: “Nho tử sao không quét dọn để tiếp đãi khách?”. Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo một nhà?”. Tiết Cần liền lập tức đáp lại: “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”. Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào.
Không chú trọng tiểu tiết như việc cầm chổi quét nhà thì sao có thể “quét thiên hạ”. “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước chân”, muốn làm việc lớn thì trước tiên phải làm tốt những việc nhỏ. Ví như người xưa dạy: Trăm thiện, hiếu đứng đầu. Một người hiếu kính cha mẹ, tôn trọng người trưởng bối và nhường nhịn kẻ hậu sinh thì khi ra xã hội họ cũng hiếu kính cha mẹ người khác, tôn trọng người lớn và nhường nhịn người nhỏ cho dù không là ruột thịt. Đây là “tu thân” từ những điều nhỏ nhặt bình dị. Khi có được tấm lòng bao dung rộng lớn mới bắt đầu nghĩ đến việc “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Nói như trong tôn giáo phương Tây, người ta đến giáo đường sám hối tội lỗi hay thiếu sót của mình, để lần sau tránh phạm sai lầm và làm tốt hơn, đây chẳng phải là cải thiện (làm tốt lên) sao. Còn người không đến giáo đường nhưng trong tâm lúc nào cũng muốn làm tốt hơn, có sai sót thì sửa chữa, thế thì họ cũng là đang tu dưỡng từ những việc nhỏ. Nếu ai cũng làm người tốt thì xã hội sẽ an định, đây cũng là cải thiện trong việc làm người.
Trong công việc, ta tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ từ đó nâng cao hiệu suất làm việc, thì bản thân ta và tập thể đều thu được lợi. Thói quen tỉ mỉ chi tiết, mang lợi cho bản thân, tập thể lớn hơn nữa là đội bóng, doanh nghiệp, quốc gia… đồng thời thông qua việc cải thiện từng chút một, thì ta tránh phạm phải sai lầm, từ đó khiến đạo đức hồi thăng. Cho nên, từ việc làm tốt việc nhỏ, cho đến lợi mình và lợi người thì việc đó rất đáng làm vậy.
Mạn Vũ
Ghi chú: Bài viết có tham khảo từ video Youtube của BLV Anh Quân
(https://www.youtube.com/channel/UCQqSJr6WYH0Bq7mrlFhzWDw)
Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm