Smartphone Việt vẫn gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với thương hiệu nước ngoài, nhưng điều đó có thể sớm thay đổi.
Bài viết dưới đây là quan điểm của Ralph Jennings, Forbes.
Smartphone “Made in Vietnam” có khá nhiều lợi thế về mặt kinh tế. Một đất nước phụ thuộc chủ yếu vào việc sản xuất trong 30 năm qua đang tiến lên những bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khi bắt đầu sản xuất hàng điện tử. Lấy ví dụ, hãng smartphone Samsung đã đầu tư 17,3 tỷ USD vào các nhà máy có trụ sở tại Việt Nam . Các trường công lập rất chú trọng dạy khoa học. Sinh viên tốt nghiệp làm việc cho một công ty công nghệ nước ngoài sẽ biết nhiều hơn về cách làm ra một chiếc điện thoại.
Sính hàng ngoại hơn hàng nội
Các công ty Việt Nam đã đưa ra một danh sách các mẫu điện thoại của riêng họ, chủ yếu là các mẫu Android giá rẻ. BPhone là một trong những cái tên đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Vinsmart, một công ty con của tập đoàn Vingroup hiện đang bán những chiếc điện thoại dưới thương hiệu Vsmart với cái giá khoảng 100 USD.
Vấn đề là, hầu hết người Việt Nam không mua điện thoại nội địa vì họ có thể mua được những chiếc điện thoại thương hiệu nước ngoài nổi tiếng hơn trong cùng tầm giá.
Thương hiệu nước ngoài có vị thế cao hơn so với nội địa, theo Maxfield Brown, cộng tác viên cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh.
“Xu hướng chung hiện nay của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng điện tử là hướng đến các sản phẩm quốc tế, và tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi mức chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên”, ông nói. Tiền lương đang gia tăng ở Việt Nam mặc dù vẫn chỉ ở mức khá thấp, khoảng 171 USD/tháng (khoảng 4 triệu VND).
Tóm lược lịch sử điện thoại “made in Vietnam”
Hãng công nghệ Việt Nam Bkav đi đầu trong việc phát triển một số mẫu smartphone đầu tiên của Việt Nam vào năm 2017. Hai mẫu Bphone và Bphone 2 của hãng không được đánh giá cao, theo báo cáo của Vietnamnet. Họ đã bán tổng cộng 12.000 đơn hàng, báo cáo cho hay. CEO Nguyễn Tử Quảng thừa nhận thua lỗ nhưng đã mô tả tầm nhìn của hãng trở thành “Apple hoặc Samsung của Việt Nam”.
Chiếc Bphone 3 với mức giá 6 triệu 9 ra mắt năm ngoái đã giành được sự khen ngợi từ các chuyên gia với tốc độ xử lý nhanh và khả năng chống nước của mình, bản báo cáo tháng 10 cho hay.
Tuy nhiên, các cửa hàng điện tử trong các khu phố sầm uất của trung tâm thành phố Hồ Chí Minh không bán bất kỳ chiếc Bphone nào. Những người bán cho biết họ không biết mua BPhone ở chỗ nào. Hai công ty Việt Nam là Masstel và Mobiistar cũng bán ra thị trường một số mẫu điện thoại. Nhưng điện thoại của các thương hiệu nước ngoài như Oppo, Samsung và Sony xuất hiện nhiều hơn tại các cửa hàng điện tử ở trung tâm thành phố.
Công ty con VinSmart của Vingroup đã đặt mục tiêu xoay chuyển cục diện này. Kể từ năm 2017, hãng điện thoại mới nổi đã bán được khoảng 300.000 chiếc smartphone từ 5.200 cửa hàng. Nhà máy hiện tại của nó có công suất 25 triệu chiếc mỗi năm và hiện đang xây dựng một nhà máy khác với công suất lên tới 100 triệu chiếc, theo văn phòng quan hệ nhà đầu tư của Vingroup.
Vsmart đã ký kết một thỏa thuận vào tháng 7 với hãng smartphone BQ của Tây Ban Nha để bắt đầu bán 4 mẫu smartphone dưới thương hiệu Vsmart vào tháng 12, theo báo cáo của tạp chí Vietnam Investment Review . Yếu tố chất lượng rất quan trọng, theo văn phòng quan hệ nhà đầu tư của Vingroup. “Vsmart đang theo chiến lược đa dạng hóa các dòng sản phẩm ở các phân khúc thị trường khác nhau, tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm với chất lượng cao hơn ở trong cùng phân khúc”.
Theo Thanh Vo, nhà phân tích thị trường cao cấp của hãng phân tích IDC, thương hiệu smartphone nội địa chiếm không quá 1% tổng số smartphone bán ra tại Việt Nam trong quý vừa rồi. Con số này đã đạt mức 5% vào 15 tháng trước. Thương hiệu đến từ Hàn Quốc Samsung chiếm 42,8% thị phần, theo sau bởi Oppo với 23,2% và Xiaomi ở mức 6,5%, nhà phân tích từ IDC cho biết.
Người tiêu dùng mới nổi sẽ muốn mua các thương hiệu nước ngoài trước
Các nhà phân tích ở Việt Nam ví xu hướng “sính” điện thoại ngoại của người Việt giống với thị trường Trung Quốc hai thập kỷ trước đây khi thu nhập của họ tăng lên. Đầu tiên họ ưu tiên sắm thực phẩm, rượu vang và đồ điện tử từ nước ngoài, Brown nói, nhưng sau đó lại quay trở lại với các thương hiệu nội địa. Tất nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua hàng hóa nước ngoài nếu họ muốn đồ chất lượng cao hơn và sợ hàng giả, theo báo cáo của tạp chí Practical Ecommerce . Nhưng khi chất lượng hàng nội địa trở nên tốt hơn, người tiêu dùng tại nước này sẽ thể hiện lòng yêu nước bằng cách mua hàng nội địa. Các nhà phát triển smartphone Trung Quốc như Huawei, Oppo và Xiaomi có thị phần chủ yếu tại thị trường nội địa.
“Tôi có thể thấy điều gì đó tương tự xảy ra ở Việt Nam”, ông Brown nói.
Các thương hiệu smartphone hải ngoại chiếm thị phần lớn cũng bán với mức giá đủ thấp để thúc đẩy những người tiêu dùng Việt Nam nhạy cảm với giá chịu rút hầu bao. Người tiêu dùng “coi trọng mức giá hơn là nguồn gốc thương hiệu”, ông Thanh Võ cho hay. “Có nghĩa là nếu một thương hiệu có thể cung cấp mức giá rẻ nhất với chất lượng tốt, họ sẽ bán được hàng”. Người mua hàng đang tìm kiếm những mẫu máy chất lượng ở pin, camera, màn hình và hệ điều hành, ông nói thêm.