Một ngày nọ, cậu bé học sinh tên là Glenn Cunningham bị kẹt trong một vụ nổ ở trường học. Cậu và anh trai cậu – Floyd, đều bị bỏng nặng. Không may thay, Floyd đã qua đời.
Các bác sĩ đề nghị cắt cụt cả hai chân của Glenn, nhưng cậu bé đã đau buồn tới nỗi cha mẹ cậu quyết định ngăn không cho họ tiến hành ca phẫu thuật. Các bác sĩ thông báo cho gia đình Glenn biết rằng cậu bé rất có thể sẽ không bao giờ đi lại bình thường được nữa. Cậu đã mất tất cả da thịt trên đầu gối và cẳng chân, mất tất cả các ngón chân trên bàn chân trái, và vòm ngang chân của Glenn gần như đã bị phá hủy.
Tuy vậy, Glenn 8 tuổi không gục ngã. Cậu quyết chí tìm lại sức mạnh cho đôi chân của mình. Với nỗ lực không ngừng nghỉ và không biết bao nhiêu giờ trị liệu nhẫn chịu đau đớn, cậu bé cuối cùng đã có thể sử dụng lại đôi chân. Vào đầu hè năm 1919, khoảng 2 năm sau vụ tai nạn, Glenn bắt đầu bước đi trở lại.
Cậu bắt đầu đi bộ tới trường. Và rồi cậu bắt đầu chạy đến trường, nơi tình yêu đối với môn chạy bộ của cậu ngày càng phát triển. Năm 12 tuổi, Glenn đã đánh bại tất cả các đối thủ tại trường học địa phương trong môn điền kinh. Ở trường đại học, Glenn tham gia đội tuyển điền kinh của trường.
Và rồi vào tháng 2 năm 1934, tại Madison Square Garden, Glenn – cậu bé năm xưa đã bị cho rằng sẽ không thể sống nổi, rằng cậu sẽ không bao giờ có thể bước đi một lần nữa – đã chạy quãng đường đua 1 dặm nhanh nhất hành tinh.
Năm 1934, Glenn Vernice Cunningham đã lập kỷ lục thế giới khi hoàn thành chặng đua 1 dặm với thời gian 4 phút 6.8 giây, kỷ lục này không bị phá trong ba năm liền. Ông cũng lập kỷ lục thế giới chặng đua 800 mét vào năm 1936 và chặng đua 1 dặm trong nhà vào năm 1938.
Dù vậy, đôi chân của Glenn không bao giờ hoàn toàn lành sẹo. Trong suốt cuộc đời mình, ông phải mát-xa chúng và tập luyện các động tác làm nóng trong thời gian dài trước khi chạy để duy trì sự vận động của xương khớp. Thêm vào đó, những vết thương tuổi thơ khiến cho ông không bao giờ có thể chạy một cách trơn tru và hiệu quả nhất; ông đã bù đắp điều đó bằng sức nhẫn chịu và sức mạnh phi thường.
Theo Nelson and Quercetani – tác giả của “The Milers”, Glenn Cunningham ngưỡng mộ đức tính nhẫn nại chịu đựng, ông từng nói rằng: “Nếu bạn tham gia vào cuộc đua – nếu bạn phải nhẫn chịu – bạn nhất định sẽ chiến thắng những ai không phải nhẫn chịu điều gì” (Nguyên văn: “If you stay in the running – if you have endurance – you are bound to win over those who haven’t”).
Điều khiến cho một cậu bé với đôi chân gần như bị phá huỷ trở thành một vận động viên điền kinh vĩ đại không chỉ là một thái độ tích cực, mà còn là một đức tin mạnh mẽ. Câu Kinh Thánh yêu thích của Glenn Cunningham là Ê-sai 40:31: “Nhưng những người phụng sự Chúa sẽ tái tạo sức mạnh của họ, họ sẽ đứng lên với đôi cánh như đại bàng, họ sẽ chạy và không mệt mỏi, họ sẽ bước đi và không nản chí” (Nguyên văn: “But those who wait on the Lord shall renew their strength; they shall mount up with wings like eagles, they shall run and not be weary, they shall walk and not faint”).
Cunningham đã thi đấu trong Thế vận hội Mùa hè 1932 và 1936. Trên con tàu đi từ Hoa Kỳ đến Đức vào năm 1936, ông đã được các vận động viên Olympics bầu chọn là “Vận động viên được yêu thích nhất”.
Giờ đây, được biết đến là vận động viên điền kinh cự ly 1 dặm vĩ đại nhất mọi thời đại, câu chuyện của Glenn Cunningham đã truyền cảm hứng cho biết bao người trong những giờ phút tăm tối nhất. Nếu bạn có ý chí, quyết tâm và nỗ lực thực hiện, thì không có gì mà bạn không thể đạt được.
Lần tới khi bạn buồn rầu, chán nản, hay cảm thấy tuyệt vọng, hãy nhớ tới câu chuyện của Glenn Cunningham. Hãy nhớ tới niềm đam mê của ông, lòng quyết tâm, ý chí của ông và thành quả ông đã đạt được. Bây giờ thì hãy ghi nhớ rằng trong tim bạn có tất cả những điều đó. Tất cả những gì bạn cần làm, là kiên trì thực hiện nó.
Thanh Ngọc