Triều Minh thời vua Long Khánh Tân Vị (1571) có một vị trạng nguyên tên là Trương Nguyên Biện, là người Thiệu Hưng, Chiết Giang. Khi còn trẻ thường đọc sách trong căn phòng thắp hương của các tăng nhân ở Kê Sơn Môn Ngoại, và tự đặt tên cho phòng sách là: “Tráng Đồ”. Ở đây anh gắng sức học hành, hơn 10 năm không ra bên ngoài.
Có một hôm, anh đột nhiên mơ thấy một giấc mộng kỳ lạ. Trong giấc mơ anh gặp một ông lão hướng đến anh hành lễ một cách rất cung kính, sau đó ông lão nói: “Tôi là con rồng ở ngọn núi này, âm thầm tu luyện đã hơn 1000 năm rồi. Vào một ngày năm ngoái đáng lẽ tôi nên xuất lai, nhưng chỗ ngồi của ngài lại ở trên đầu tôi. Ngài là đại quý nhân, nếu tôi bất chấp tất cả mà vùng vẫy ra ngoài, thì sẽ làm ngài bị thương, như vậy tôi cũng sẽ bị thiên thượng trừng phạt, do đó tôi đành đợi một năm để ngài thay đổi vị trí, vậy mà đến hôm nay ngài vẫn không có ý định muốn rời đi. Buổi trưa ngày kia, sẽ là ngày mà tôi nên bay ra. Nếu như lại tiếp tục bỏ lỡ cơ hội, sẽ phải đợi thêm 300 năm nữa. Ngài có thể tạm dừng học tập nửa ngày, rời đi chỗ khác, để cho tôi được bay lên trời xanh được không? Nếu như ngài có thể giúp tôi, ngày sau nhất định sẽ xin báo đáp.”
Trương Nguyên Biện đồng ý nói: “Việc báo đáp tôi không cần, chỉ là người dân ở nơi này, thường xuyên phải chịu khổ vì không có nước, ông có thể tặng tôi một chút nước không?” Ông lão nói: “Văn chương của ngài đã bắt đầu lộ ra vẻ chói lọi, đối với người không ở đây lâu dài như ngài, dẫu có nước thì cũng không hưởng thụ được lâu. Tuy nhiên vì ngài đã có nguyện vọng ấy, tôi cũng đành tuân mệnh.”
Trương Nguyên Biện hỏi ông lão về vị trí mà ông ta ở hơn 1000 năm nay, ông lão chỉ vào chỗ ngồi của anh ta nói: “Chính là ở phía dưới này.” Trương lại nói: “Nghe nói rồng nếu như muốn xuất đầu lộ diện, thì sẽ là nước tuôn núi lở, sấm vang chớp giật, hủy hoại biết bao căn nhà và hoa màu của người dân, mong ngài từ nay về sau đừng như thế nữa. Coi như là ban ân huệ lớn cho những lão bá tánh ở đây.”
Ông lão nói: “Ngài động niệm này, đã gia tăng âm đức vô hạn, tôi không dám không làm theo. Tuy nhiên, đến lúc ấy vẫn cần ngài giúp đỡ tôi một tay.” Nói xong, liền cáo biệt mà rời đi.
Trương Nguyên Biện sau khi tỉnh dậy cảm thấy rất kỳ lạ. Sang ngày thứ hai, anh liền rời chỗ ngồi tới chỗ khác. Đến thời khắc hẹn trước, đúng vào giữa trưa, bỗng nhiên mây đen từ bốn phương kéo tới, sấm chớp chói lòa. Nhìn lại vị trí của mình ngồi hàng ngày, anh quả nhiên thấy một dòng nước từ dưới đất phun lên.
Một con rắn nhỏ như con giun, thuận theo dòng nước chui ra. Ra đến ngoài cửa, bị lan can cửa chặn lại. Trương Nguyên Biện dùng một vật ở dưới lan can đào một lỗ nhỏ, con rắn thuận theo dòng nước chảy đi ra ngoài phòng. Vừa mới ra đến bậc thềm, một tiếng sét vang lên, mưa đổ xuống như trút.
Con rắn nhỏ chớp mắt hóa thành một con rồng dài hơn một trượng, đầu có sừng, trên thân có vảy, phát ra ánh sáng chói lòa. Con rồng quay người lại, hướng đuôi vào phía đông góc miếu, khoan sâu xuống đất vài thước. Chiếc đuôi xoay chuyển rồi rút ra, hướng đến Trương Nguyên Biện mà gật đầu chào, sau đó bay vút lên trời cao rồi dần dần biến mất, cơn mưa thuận theo đó cũng ngớt. Tình hình lúc đó, rất nhiều người ở dưới núi đều nhìn thấy.
Sau khi con rồng đi mất, xung quanh căn phòng, hoa màu, cây cối đều không bị tổn hại chút gì. Chỗ đuôi rồng khoan xuống tạo thành một giếng nước, nước trong đó vừa trong vừa ngọt. Nước ở trong giếng ấy mãi cho đến đời nhà Thanh vẫn còn trong đến mức nhìn thấy đáy, ước chừng sâu khoảng 3,4 thước. Trương Nguyên Biện năm đó đã viết một bia ký dựng thẳng đứng bên cạnh cái giếng đó.
Con rồng trong bài ghi chép này, đã tu luyện hơn 1000 năm, cho đến ngày tu thành xuất lai, đã bị chỗ ngồi của Trương Nguyện Biện chặn lại khiến không ra được. Nó cũng biết được Trương Nguyên Biện là đại quý nhân, văn chương cũng đã lộ ra vẻ chói lọi, là người không ở lâu tại chốn này. Sau đó Trương Nguyên Biện quả nhiên thi trúng cử Trạng Nguyên năm thứ năm Minh Long Khánh, tu soạn giảng dạy ở viện hàn lâm. Làm quan tới Hàn Lâm thị độc, Tả Dụ Đức.
Tác giả: Thái Nguyên, NTDTV
Biên dịch: Tuệ Minh
Xem thêm:
- Số mệnh con người có phải đã được định sẵn từ trước? Hứa Sinh – Lâm Nghệ
- Số mệnh của con người có phải đã được định sẵn từ trước? – Trần Cẩn
- Số mệnh con người có phải đã được định trước? – Diệp Tổ Hiệp
- Số mệnh của con người có phải đã được định sẵn từ trước? Hà Chấp Trung
- Số mệnh của con người phải chăng đã được định sẵn? – Đường Huyền Tông