Đôi khi trong cuộc sống, quan hệ phu thê, mẫu tử sung khắc đến khó hiểu. Có câu rằng: “Vợ chồng là oan gia, con cái là quỷ đòi nợ”, không biết bạn đã từng nghe hay chưa?

Ít nhất thì mấy câu chuyện được ghi chép lại trong lịch sử dưới đây phần nào phù hợp với câu nói sau cùng, con cái nhiều khi như thể đến là đến để đòi cha mẹ món nợ trước đây vậy.

Chủ nợ đầu thai đến cửa nhà

Thời hoàng đế Khang Hy nhà Thanh đã từng phát sinh một vụ việc lạ lùng. Khương Quân Bật ở vùng Hải Vệ, thị trấn Thái Thương mở tiệm gạo. Có một người khách tên Mã Thuần Khê ký gửi hơn trăm lạng vàng cho Khương Quân Bật coi như góp vốn làm ăn. Hai năm sau số tiền kiếm được cũng không đến nỗi tệ.

Đến năm thứ ba, Khương Quân Bật mượn cớ nói là số tiền mua gạo đã cho người ta vay, không ngờ đối phương lại khất nợ, ẩn ý trong lời hiển nhiên là không muốn trả tiền cho Mã Thuần Khê.

Mã Thuần Khê vì điều này mà ủ dột sinh bệnh, chẳng bao lâu thì qua đời.

Khương Quân Bật vốn trước đó chưa có con cái, chẳng bao lâu, vợ ông lại mang thai. Đến ngày sinh sở, người hàng xóm bỗng nhìn thấy Mã Thuần Khê đi vào nhà họ Khương, bèn đến hỏi thăm thì mới biết Mã Thuần Khê đã mất cũng gần một năm rồi.

Một lúc sau, bà đỡ từ trong phòng đi ra, vui vẻ nói: “Chúc mừng lão gia, phu nhân đã hạ sinh được một cậu con trai”.

Ba lần đầu thai để báo thù

Thời nhà Thanh, vùng Đồng Thành tỉnh An Huy có một thư sinh tên Diêu Đông Lang có cậu con trai tên Tam Bảo. Năm Tam Bảo được 9 tuổi, bỗng mắc bệnh nặng, ba ngày ba đêm không ăn cơm, chỉ uống một chút nước, miệng không ngớt tụng niệm kinh Phật.

Bỗng nhiên, giọng của Tam Bảo biến thành giọng vùng Hà Nam, người trong nhà đều cảm thấy rất quái lạ. Tam Bảo nói với cha mình rằng: “Đời trước tôi là một hòa thượng ở vùng Hà Nam, đã từng ở chung phòng với một đạo nhân. Khi đó, trên người tôi có 30 lạng vàng, đạo nhân hỏi mượn tiền của tôi, khi đó tôi đã cự tuyệt.

Đêm khuya hôm đó, đạo nhân đó đã lấy hết tất cả số tiền của tôi trốn đi, ngay đến cả chứng từ chứng minh thân phận hòa thượng của tôi cũng bị lấy mất, sau đó lại còn giết tôi để diệt khẩu.

Sau khi tôi chết oan liền chuyển sinh đến nhà ông đây, khi đó tôi là em trai của ông, đứa em tên Tung Thiếu đó chính là tôi. Vị đạo nhân đó sau khi chết cũng chuyển sinh đến nhà ông làm con gái của ông, giờ đã được gả vào nhà họ Phan ở Lật Dương, cô ta chính là tên đạo nhân đời trước đã giết hại tôi chuyển sinh.

Năm cô ta được sáu bảy tuổi, tôi thấy cô ta vẫn còn quá nhỏ, không nhẫn tâm giết cô ta báo thù. Năm nay tôi đã 18 tuổi, dương thọ phúc lộc đã tận, đành phải chuyển sinh lần nữa, chính là tôi của bây giờ, con trai của ông.

Còn cô ta hiện giờ đã gả chồng xa, tôi lại không cách nào báo thù được, đành phải chuyển sinh lần nữa mới có thể trả mối thù giết người cướp của đó.

Ông đời trước là huyện lệnh vùng Hà Nam, tên đạo nhân đó cũng từng hối lộ cho ông, nên ông đã không điều tra án mạng giết người cướp của. Tôi đã liên tục hai lần chuyển sinh đến nhà ông, các khoản chi phí ăn mặc tiêu xài trong 27 năm này tính ra cũng đã ngang với số tiền hối lộ đời trước ông đã nhận”.

Diêu Đông Lang nghe xong, mặt cắt không còn giọt mắt, hối hận không thôi, vội hỏi rằng: “Món nợ oan trái này có thể hóa giải hay không? Nếu được thì rốt cuộc phải làm thế nào đây?”.

Tam Bảo nói: “Chỉ có mượn nhờ sức mạnh của Phật Pháp mới có thể hóa giải”. Nói xong liền qua đời, khi đó là tháng 6 năm Ất Mão.

Diêu Đông Lang bèn vội đi đến núi Hoa Sơn cầu kiến pháp sư Nguyệt Luật. Gặp được pháp sư, Diêu Đông Lang đem tiền nhân hậu quả hết thảy nói ra một lượt, khẩn xin pháp sự giúp làm pháp sự sám hối, Pháp sư thấy ông thật lòng hối cải, liền giúp ông tổ chức nghi thức Từ Bi Thủy Sám.

Diêu Đông Lang thành khẩn làm theo, sau khi sám hối xong, biết được cô con gái đang mang thai ở Lật Dương đã sảy thai, tuy nhiên thân thể lại không có bệnh tật gì. Đêm trước đó, cô con gái nằm mộng thấy một tăng nhân, miệng la hét đòi đạp cửa xông vào, khắp người toàn lửa, rất lâu sau mới chịu rời đi.

Mọi người lúc này mới biết được rằng, chỉ có sức mạnh của Phật Pháp mới có thể hóa giải được ma nạn này (theo cuốn An Sĩ Toàn Thư).

Hòa thượng đầu thai đòi nợ xưa

Bất kỳ khoản nợ nào đều là phải hoàn trả. Nếu kiếp này không trả thì kiếp sau sẽ phải trả, thậm chí phải hoàn trả gấp nhiều lần. Đây là nhân quả thiên lý! Hãy cùng xem câu chuyện được ghi trong cuốn Khuê Xa Chí dưới đây để hiểu thêm về điều này.

Vào triều đại nhà Minh, ở Võ An, Hà Bắc có người đàn ông tên là Lục Đại Lang là người giàu có. Tuy đã nhiều tuổi và có ba người vợ nhưng ông vẫn chưa có người con nào. Ông ta có một căn nhà khang trang ở trên một ngọn núi dùng để kinh doanh khách sạn.

Lục Đại Lang có quen biết với một vị lão hòa thượng. Hai người họ thường xuyên qua lại với nhau nên thời gian lâu dần trở nên thân thiết. Vì để có tiền xây dựng chùa nên hòa thượng hàng ngày đều đi khất thực để quyên góp. Toàn bộ số tài sản mà hòa thượng quyên góp tích lũy được đều gửi ở chỗ Lục Đại Lang bởi vì mang theo sẽ bất tiện.

Mấy năm trôi qua, số tài sản mà hòa thượng tích lũy được đã tăng lên rất nhiều. Lúc này, hòa thượng muốn lấy lại toàn bộ số tài sản đã gửi ở chỗ Lục Đại Lang. Không ngờ, Lục Đại Lang vì lòng tham nổi lên đã chiếm luôn số tài sản ấy. Hòa thượng đã nhiều lần hỏi Lục Đại Lang nhưng đều bị từ chối trả. Cuối cùng hòa thượng không còn cách nào khác đành phải kiện lên quan phủ.

Vì Lục Đại Lang nhiều lần dùng tiền hối lộ quan phủ nên hòa thượng không những không đòi được tài sản mà còn bị khép tội vu cáo lừa dối. Hòa thượng phẫn uất trong lòng, một thời gian sau lâm bệnh rồi mất.

Không lâu sau khi hòa thượng mất, một hôm đang ngủ trưa, Lục Đại Lang nằm mơ thấy hòa Thượng đến đòi nợ. Trong mơ, hòa thượng nói: “Ta đến để đòi nợ ngươi đây!”

Vừa mơ đến đây thì ngoài cửa, người hầu báo chạy đến báo: “Lão gia! Nhị thái thái đã sinh hạ rồi!”.

Lục Đại Lang đang lúc hoảng sợ vội hỏi lại: “Là con trai hay con gái?”.

Người hầu trả lời: “Là con trai!”.

Lục Đại Lang vừa vui mừng lại vừa lo lắng, không biết đứa trẻ này có liên quan gì đến giấc mơ mà ông vừa mơ thấy không.

Lục Đại Lang đặt tên cho con trai là Tiểu Đại Lang. Bởi vì đến tận tuổi già mới sinh được người con trai nối dõi nên Lục Đại Lang hết sức yêu chiều con. Đứa bé này đến 4 tuổi mà vẫn không nói cười. Một hôm, người hầu trong nhà vô tình đánh rơi chiếc chén, Tiểu Đại Lang nghe thấy liền bật cười. Đến tuổi thanh niên, Tiểu Đại Lang ham chơi, giao du với đám bạn xấu, tiêu tiền của không tiếc tay khiến cho tài sản gia đình bị vơi đi ít nhiều. Nhưng Lục Đại Lang cũng không vì thế mà cấm đoán, nghiêm khắc dạy bảo con.

Mấy năm sau, Tiểu Đại Lang càng sa vào ăn chơi bài bạc khiến cho gia sản trong nhà toàn bộ đều cạn kiệt, ruộng đất cũng phải bán hết để trả nợ. Đến năm ngoài 20 tuổi, Tiểu Đại Lang vì mắc bệnh nặng, lại không còn tiền chữa trị nên qua đời. Cha của Tiểu Đại Lang lúc này đã già yếu nhưng không còn tài sản, đành phải hàng ngày đi ăn xin ngoài đường sống qua ngày.

Mọi người ở trong thôn đều nói, Tiểu Đại Lang là do vị hòa thượng kia đầu thai đến làm con để đòi món nợ kiếp trước. Chứng kiến tình cảnh của gia đình Lục Đại Lang, nhiều người đã thốt lên rằng: “Thiện ác có báo là thiên lý! Nợ kiếp này không trả thì kiếp sau hoàn trả còn nặng hơn!”

Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch

Video: Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường

videoinfo__video3.dkn.tv||266fb0fc4__