Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng thế giới người Đan Mạch chuyên viết truyện cổ tích. Truyện của Andersen vừa mơ mộng tưởng tượng lại vừa hiện thực. Thế giới nhân vật trong truyện của ông vừa có những con người trong đời thực ở mọi tầng lớp, vừa có những nhân vật tưởng tượng hoặc lạ lùng như: nàng tiên cá, Bà Chúa Tuyết…, vừa có những đồ vật, đồ chơi ngộ nghĩnh như chú lính chì, đồng silinh bạc, con lợn ống tiền…, lại có cả động thực vật như chim họa mi, chim thiên nga, cây lúa mạch, cây thông…
Phong cách ấy biến những câu chuyện cổ tích của ông thành một dạng giống như ngụ ngôn. Truyện của ông đầy chất thơ và tưởng tượng phong phú nên cuốn hút trẻ nhỏ. Nhưng dưới hình thức mơ mộng ấy, nó hàm chứa cái nhìn sâu sắc và nhân ái của Andersen về cuộc đời, về con người, về tôn giáo với những triết lý nhân sinh rất thâm thúy hấp dẫn cả người lớn. Đó là yếu tố biến truyện cổ tích Andersen trở thành độc nhất vô nhị trong kho tàng cổ tích của nhân loại. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài giới thiệu và phân tích những tác phẩm tiêu biểu của ông.
Đồng silinh bạc
Phần I:
Ngày xưa có một đồng silinh. Khi ở nhà tiền ra, nó sáng loáng. Nó nhảy lên kêu leng keng: “Ái chà chà, thế là ta đã xông ra thế giới bao la!”. Và quả nhiên, nó sẽ chu du rất lắm xứ sở.
Nó qua tay nhiều người. Đứa trẻ con thì giữ chắc lấy nó trong lòng bàn tay nóng hổi. Anh keo kiệt bóp chặt lấy nó trong bàn tay lạnh toát. Những người già lật đi lật lại, có trời biết là bao nhiêu lần, trước khi buông tha nó. Thanh niên thì quăng nó ra không cần suy nghĩ.
Đồng hào của chúng ta, bằng bạc đúng tuổi, gần như không pha gì cả. Nó chạy trong thiên hạ có đến một năm nay chưa rời xa cái nước đã đúc ra nó. Sau cùng, có một hôm nó đi du lịch nước người. Chủ nó vô tình mang nó đi. Ông ta chỉ định đem trong túi thứ tiền của nước ông đến, nên ông ta lấy làm ngạc nhiên khi lại thấy đồng hào lạc lõng ấy. Ông nói:
– Thôi thì cứ giữ lấy nó, sang đến đấy nó sẽ làm cho ta nhớ đến quê hương.
Thế là ông ta thả đồng hào rơi xuống đáy túi tiền. Nó nhảy lên mừng rỡ kêu leng keng.
Thế là nó ở giữa vô số là bạn nước ngoài. Họ chỉ đi đi lại lại thôi, luôn có những anh mới đến với những hình lạ trên mặt. Họ chẳng hề đứng yên. Trái lại, đồng silinh của chúng ta không động đậy. Vì thế, người ta chú ý ngay đến nó. Đó là một điều vinh dự.
Nhiều tuần lễ trôi qua, đồng silinh đã đi lắm đường đất trong thế gian nhưng chẳng biết đâu vào đâu cả. Những đồng tiền mới đến, bọn này bảo nó rằng mình là tiền Pháp, bọn kia cho biết chúng là tiền Ý. Tiền này đến thì nó biết rằng mình đang ở thành phố này, tiền khác tới thì nó biết nó đã tới thành phố khác. Như thế cũng chưa đủ để nó có một quan niệm về cuộc du lịch đang tiến hành. Nằm trong đáy túi thì chẳng còn nom thấy gì cả, đó là trường hợp đồng silinh của chúng ta.
Một hôm nó thấy là túi tiền không thắt chặt lắm. Nó luồn về miệng túi để cố xem có nhìn thấy gì không. Tò mò quá đâm ra có hại. Cu cậu rơi ngay ra túi quần. Đến tối khi chủ nó cởi quần áo, ông ta rút tiền ra, nhưng để sót lại đồng silinh. Chiếc quần được để ở buồng ngoài với các quần áo khác để cậu bồi khách sạn chải lại. Đồng silinh rơi ra khỏi túi lăn xuống đất, không ai nghe thấy và cũng chẳng ai trông thấy nó.
Hôm sau, bộ quần áo được mang trả vào phòng. Người du khách mặc vào, rời thành phố bỏ lại ở đấy đồng silinh đánh rơi, có một người bắt được, cho vào hầu bao, nghĩ rằng sẽ dùng đến nó.
Đồng silinh nói:
– Thế là mình sắp được giao lưu và nhìn thấy người, những phong tục tập quán khác với nước mình.
Khi sắp sửa được chuyển sang tay người khác, nó nghe thấy nói:
– Đồng tiền gì thế? Tôi không biết loại tiền này. Chắc là một đồng tiền giả, tôi không lấy đâu. Nó không có giá trị gì hết.
Đó là lúc thực sự bắt đầu cuộc phiêu lưu của đồng silinh và ít lâu sau nó kể lại với chúng bạn những gian truân nó phải trải qua như sau:
Phần II:
Đồng silinh kể rằng:
“Nó là đồng tiền giả và không có giá trị gì hết!”. Nghe những tiếng ấy, tôi run lên vì tức giận. Dễ thường tôi không biết rằng tôi làm bằng bạc thật, kêu xoang xoảng, và hình tích tôi chính cống là tiền thật hay sao? Tôi nghĩ rằng họ đã lầm, hoặc họ đang nói về tôi đấy, họ đang đổ riệt cho tôi là một đồng tiền giả!
Người đã nhặt được tôi tự nhủ: “Để đêm tối, thừa lúc chập choạng mình sẽ đẩy nó đi”.
Quả nhiên anh ta làm đúng như vậy. Đến tối người ta nhận tôi không một lời. Nhưng hôm sau thì người ta bắt đầu mắng nhiếc tôi thậm tệ. Họ bảo: “Đồng tiền giả, liệu mà tống nó đi thôi”.
Tôi run lên trong những ngón tay của những người tìm cách lén lút tuồn cho kẻ khác.
Tôi tự than rằng: “Khốn nạn cho cái thân tôi! Tôi được đúc với những nét rõ ràng và bằng bạc thật làm gì cho phí công! Trên đời này người ta không được đánh giá theo chân giá trị, mà chỉ do ý kiến của mọi người về ta thôi. Có lương tâm đầy tội lỗi thì chắc là ghê tởm lắm thay, bởi vì dù vô tội mà chỉ có vẻ có tội thôi, người ta cũng phải chịu khổ sở đến thế này!”.
Mỗi lần người ta trao cho nhau giữa ban ngày ban mặt là tôi sợ run lên. Tôi nơm nớp chờ cho người ta xem đi, xem lại, soi mói từng li từng tí, cân cân nhắc nhắc, quẳng tôi xuống bàn rồi khinh bỉ và nguyền rủa tôi như sản phẩm của dối trá và lừa đảo.
Cứ như thế tôi rơi vào tay một bà cụ già nghèo khổ. Người ta đem tôi trả công một ngày làm việc vất vả cho cụ. Không thể dùng tôi vào việc gì được cả. Chẳng ai muốn nhận tôi. Đó là một thiệt thòi lớn cho bà cụ. Cụ nói:
– Thành ra ta bắt buộc phải đi lừa người khác bằng cách tiêu đồng tiền giả này. Ta không muốn thế nhưng ta không có gì và cũng không thể nào ăn tiêu sang như người ta mà giữ lại một đồng tiền giả. Thôi thì ta sẽ đành trả cho ông hàng bánh, ông ta giàu thế chắc chẳng đến nỗi bị thiệt như bất cứ một người nào khác đâu. Tuy nhiên, mình xử sự như thế cũng là làm một việc xấu.
Tôi thở dài tự nhủ: “Tôi còn khổ sở đến nỗi phải đè trĩu lên lương tâm bà cụ già trung hậu này nữa ư? Ôi! Ai đã trông thấy tôi sáng loáng lên trong thời trai trẻ chắc không ngờ đâu ngày nay tôi lại xuống dốc như thế này”.
Bà cụ già vào cửa hiệu lão hàng bánh giàu có. Lão này biết quá rõ các loại tiền thông dụng nên không bị mắc lừa. Hắn ném tôi vào mặt bà cụ đáng thương, bà xấu hổ ra về, không có bánh ăn. Việc đó đối với bà cụ là một sự vô cùng nhục nhã. Tôi ngậm ngùi đau khổ, bùi ngùi với số phận một đồng silinh bị khinh bỉ không ai thèm nhận.
Tuy nhiên bà cụ tốt bụng lại cầm lấy tôi và, về đến nhà, cụ nhìn tôi bằng đôi mắt khoan dung và nói rằng: “Thôi, ta không lừa lọc ai nữa, ta sẽ đục cho mi một lỗ để ai cũng biết mi là một đồng tiền giả. Nhưng ta chợt nghĩ rằng: biết đâu đấy, biết đâu mi chẳng là một trong những đồng tiền có phước? Hình như có linh tính mách bảo cho ta như vậy. Phải, đúng rồi, ta sẽ chọc cho mi một lỗ vào giữa và xỏ vào một sợi dây vải, ta sẽ đeo mi vào cổ con bé con nhà bên cạnh và mi sẽ đem lại hạnh phúc cho nó”.
Bà cụ chọc thủng tôi ra như bà cụ đã nói và đối với tôi việc đó cũng chẳng đem lại cho tôi một cảm giác sung sướng gì. Dù sao, việc làm có động cơ tốt thì có khổ mấy cũng chịu được. Bà cụ luồn dây vào lỗ. Thế là tôi biến thành một loại dây chuyền và người ta đeo tôi vào cổ em bé. Nó vui mừng mỉm cười với tôi và hôn tôi. Ban đêm, tôi nằm trên ngực em bé thơ ngây.
Đến sáng mẹ nó nhón tay cầm lấy tôi và ngắm đi ngắm lại. Tôi đoán ngay là bà có ý định riêng về tôi. Bà lấy kéo cắt dây vải và nói: À! Thì ra mày là một đồng tiền có phước. Rồi xem!
Bà ta ngâm tôi vào dấm. Ôi chao! Tôi phải chịu đựng một trận tắm rửa khốn khổ. Do đó mà tôi đã ngả sang màu xanh. Bà nhét ma-tít vào lỗ và sẩm tối bà đến bà bán vé số mua một vé. Tôi sẵn sàng chờ đón một sự sỉ nhục mới. Người ta sẽ quẳng tôi khinh bỉ trước vô số đồng tiền hãnh diện vì sáng loáng. Nhưng tôi đã thoát được sự sỉ nhục đó. Nhà người bán vé số đông khách lắm, ông ta không biết ai vào với ai cả, ông ta quẳng tôi vào giữa các đồng tiền khác, và vì tôi phát ra tiếng kêu cạch thật, thế là ổn cả. Tôi cũng không biết được tấm vé số của bà láng giềng có trúng độc đắc hay không, nhưng cái mà tôi rõ nhất là sáng hôm sau người ta phát hiện ra tôi là tiền giả và được để riêng để đánh lộn sòng.
Cuộc du hành khốn khổ của tôi lại bắt đầu. Tôi lăn từ tay này qua tay khác, nhà này qua nhà khác, bị thoá mạ và bị mọi người bạc đãi. Không ai tin tôi cả, và cuối cùng tôi đâm ra nghi ngờ cả giá trị bản thân tôi nữa. Trời ơi! Thời gian ấy sao mà cực nhục đến thế!
Có một khách du lịch nước ngoài tới, tất nhiên là người ta vội vã trao ngay cho ông đồng tiền giả. Ông ta không nhìn, cầm lấy. Nhưng khi ông trả tôi cho người khác thì ai cũng lại kêu lên: “Tiền giả đấy, nó không có giá trị nào hết!”. Đó là những lời đau đớn mà tôi bị kết tội, phải nghe đến hàng trăm lần.
“Thế mà họ lại bảo tôi là tiền thật”. Người khách nước ngoài vừa nói vừa chú ý ngắm tôi. Bất chợt, ông nở một nụ cười trên môi. Thật là quái lạ, khác hẳn với cảm tưởng tôi đã thường gây ra cho mọi người khi nhìn thấy tôi. Ông reo lên: “Ô này, đây là một đồng tiền của nước tôi, một đồng silinh thật và hiền lành. Người ta đã chọc thủng nó, người ta đã đối xử với nó như với một đồng tiền giả. Tôi sẽ giữ nó và đem về nước”.
Tôi được bọc vào giấy lụa, để khỏi lẫn với các đồng tiền khác, và khi người chủ tôi gặp các bạn đồng hương, ông đem tôi ra phô với họ. Ai cũng khen tôi và còn cho rằng câu chuyện của tôi thật là lý thú.
Cuối cùng tôi về đến tổ quốc, tất cả buồn phiền đã hết và tôi lại tìm thấy một niềm vui thích mới trong cuộc sống. Tôi không gặp phải những điều ngang trái, không phải chịu đựng những sự sỉ nhục nữa. Trông tôi có vẻ giống một đồng tiền giả vì bị người ta chọc thủng một lỗ, nhưng điều đó cũng không sao, người ta lập tức tin tôi ngay là bạc thật và đâu đâu người ta cũng nhận tôi một cách vui thích.
Điều này chứng tỏ rằng có kiên tâm chờ đợi thì cuối cùng bao giờ cũng vẫn được người ta đánh giá đúng với giá trị thực tế của mình.
Đồng silinh nói để kết luận câu chuyện này: “Đó chính là lòng tin chắc nịch của tôi”.
Lời bàn:
Đọc xong câu chuyện trên, người viết bất giác sờ tay vào ví tiền, kiểm đếm những tờ giấy bạc. Nếu chẳng may mà có một tờ bạc giả thì sao nhỉ?
Đồng silinh bạc trong câu chuyện không phải là bạc giả, đấy là oan khuất mà dư luận ác ý và mù quáng tạo ra cho nó. Cái chất của nó vẫn là bạc đấy, có giả đâu. Chỉ có hình thức của nó khác lạ so với xung quanh mà thành ra bị kết án. Đồng bạc không giả mà chỉ có con người không thật với nhau. Từ khi bị vu oan, ai ai cũng coi nó như một sự không may, một thứ của nợ của mình. Ai cũng nghĩ mình bị người khác lừa và cũng tìm cách chuyển cái “quả đắng” này cho nạn nhân tiếp theo. Vì có ai chịu thiệt đâu.
Không có đồng silinh bị mang tiếng là giả ấy, sao có thể nhìn thấy thật giả của lòng người?
Thường cứ đến đêm là đồng silinh lại gặp được người chủ bất đắc dĩ tiếp theo vì khi người ta làm một việc ám muội thì cũng phải chọn một thời điểm nhập nhèm. Đồng silinh được tạm yên thân cho đến khi ngày mới tới và các hoạt động trao đổi buôn bán lại bắt đầu. Sự việc cứ lặp đi lặp lại như vậy với đồng silinh bạc.
Còn gì đau đớn, còn gì ê chề hơn nữa? Nó đau đớn vì nó có giá trị, chỉ vì sự xuẩn ngốc của người đời không biết tự mình đánh giá mà luôn dựa dẫm vào trí xét đoán của người khác nên nó bị khinh bỉ, nguyền rủa, oán ghét. Đồng silinh còn ê chề vì qua sự việc của nó, nó còn thấy rõ sự giả dối của người ta đối với nhau.
Người ta còn nỡ lừa cả những người nghèo mạt, một bà cụ già khốn khổ, mà đối với bà một đồng silinh cũng là cả một gia tài. Một đồng silinh có giá trị, có tự trọng làm sao có thể chịu nổi một việc như thế mà không đau lòng? Người ta đã lợi dụng nó để làm cả những việc như thế.
Bắt bà cụ lương thiện cùng khổ phải lựa chọn: Hoặc phải tiếp tục xuôi theo cái dòng chảy lừa đảo hoặc giữ mình lương thiện nhưng thiệt thòi và không có bánh ăn cũng là một thứ tội ác nữa. Nhưng người chưa bao giờ đi lừa ai như bà cụ thì sao lừa nổi kẻ tiếp xúc với các ngón nghề của thiên hạ hàng ngày như lão chủ hàng bánh giàu có.
Từ đó đồng silinh được tạm nghỉ, và được bà cụ nghèo khổ đặt cho một cái tên mới: “Đồng tiền có phước”. Đang lăn lóc khổ nhục như thế, dẫu có bị xuyên một lỗ làm đồ chơi cho một đứa nhỏ thì cũng là có phước rồi.
Nhưng vở bi hài kịch chưa dừng lại ở đấy. Vì bị cho là “có phước” nên đời nó chưa yên được. Vì “có phước” nên lại tiếp tục bị lợi dụng để mang đi đánh bạc lấy may. Rồi lại từ đó tiếp tục lăn lóc vào dòng đời đen bạc. Chữ “đen bạc” hiểu theo nghĩa nào cũng được. Một đồng bạc đen đủi, có phước nỗi gì.
Một người có giá trị, có năng lực, có đạo đức mà cứ luôn bị xung quanh phủ nhận, chê bai, gièm xiểm thì ắt hẳn đến một lúc niềm tin cũng phải lung lay, tự cho mình là kém cỏi thật. Đồng silinh cũng thế, nó cũng đến lúc tự nghi ngờ chính mình.
Ai bảo đấy chỉ là số phận của một đồng silinh?
Nhưng phải chăng khổ tận đến ngày cam lai? Sự đời xoay vần, không có gì tồn tại mãi, kể cả sự bất hạnh hay tội lỗi. Niềm tin kiên định vào chân giá trị cũng sẽ đến ngày được đền đáp. Cuối cùng thì đồng silinh bạc lại tìm được một người chủ mới biết được giá trị đích thực của nó. Và những khổ đau trong cuộc đời nó đã trải qua lớn bao nhiêu thì giờ đây giá trị của nó lại lớn bấy nhiêu, lớn hơn cả cân lạng vốn có của một đồng silinh bạc. Đó là sự trân trọng của cuộc đời dành cho nó. Đấy là một đồng silinh đã được tôi luyện giữa dòng đời, như một người tu hành trải qua cuộc vân du khổ nhục, nay thành tựu đắc chính quả.
“Điều này chứng tỏ rằng có kiên tâm chờ đợi thì cuối cùng bao giờ cũng vẫn được người ta đánh giá đúng với giá trị thực tế của mình”. Đấy là lòng tin chắc nịch của đồng silinh.
Hình như đó cũng là tiếng nói âm vang trong lòng chúng ta.
Lý Chình