“Người đã có ý muốn bố thí không còn là người nghèo; người có tâm biết hổ thẹn thì tức là đã mặc được Pháp y. Đó là hai vật báu hiếm có trên đời, mà hiện tại bà đã có được thì chắc chắn bà không phải là kẻ hạ tiện nghèo khổ nữa rồi!”

Cuốn sách “Mười vị đệ tử lớn của Phật” (nguyên tác Hán văn: Tinh Vân pháp sư) có ghi lại cuộc đời của Tôn giả Đại Ca Diếp, vị trưởng lão tu khổ hạnh mẫu mực bậc nhất. Với uy đức cao dày, Tôn giả đã được kế thừa y bát của Đức Phật khi Ngài nhập niết bàn, trở thành người lãnh đạo tăng đoàn.

Mỗi khi đi khất thực, Tôn giả Đại Ca Diếp chỉ tìm đến những nhà nghèo chứ không bao giờ đến những nhà giàu. Tôn giả từng nói với bạn đồng tu Tu Bồ Đề rằng: “Chúng ta thọ nhận sự cúng dường của thí chủ là tạo cơ hội cho họ làm tăng trưởng phước huệ. Sở dĩ tôi chỉ đến khất thực ở những nhà nghèo là vì tôi muốn cho họ gieo trồng phước đức, nhờ đó mà họ sẽ thoát được cảnh nghèo khổ trong kiếp vị lai”.

Mỗi khi đi khất thực, Tôn giả Đại Ca Diếp chỉ tìm đến những nhà nghèo chứ không bao giờ đến những nhà giàu. (Ảnh minh họa: steemkr.com)

Lúc bây giờ, trong kinh thành Vương Xá có một bà lão cực kỳ nghèo khổ, không người thân thích, đến nỗi một túp lều để ở cũng chẳng có. Ban ngày bà lang thang từ phố đông sang chợ tây, đêm đến gặp xó hẻm nào thì nằm ngủ ở đó. Y phục của bà chỉ là một mớ lá tre chằm lại, không đủ che kín thân. Đã thế, một ngày nọ bà lại bị bệnh trầm trọng, phải trốn một nơi chờ chết. Lúc đó, một người nô lệ của một nhà giàu nọ đem nước vo gạo đến đổ bên cạnh chỗ bà nằm. Bà lập tức lấy cái bát bể hứng lấy nước gạo ấy để uống cho đỡ đói.

Biết được bà lão đang trong tình trạng như vậy, Tôn giả Đại Ca Diếp lập tức tìm đến thăm bà. Từ khi bị bệnh nằm ở đây, chưa hề có ai đến thăm hỏi bà. Nay vừa có nghe tiếng động, bà liền ngồi dậy nhìn, thì ra là một vị tỳ kheo đi xin ăn. “Có lẽ vị tỳ kheo này lại còn nghèo hơn mình?”, bà thầm nghĩ.

Tôn giả Đại Ca Diếp nói:

– Thưa bà! Trên thế gian này, người đáng tôn quý nhất, người có lòng nhân từ nhất, chính là Phật, và sau đó là những người được gội nhuần ơn giáo hóa của Người. Hôm nay tôi đến đây xin ăn là để cứu giúp cái nghèo khổ sở của bà. Tôi cũng đã nghĩ tới việc đem của cải vật chất đến giúp đỡ bà, nhưng làm như thế thì chỉ giúp bà đỡ khổ trong chốc lát, rồi sự bần cùng lại càng gia tăng, chẳng ích lợi gì. Chi bằng, hiện giờ bà có được bất cứ chút ít gì, xin hãy đem bố thí cho tôi, thì nhờ công đức ấy mà bà sẽ hưởng được hạnh phúc giàu sang trong kiếp sau, hoặc còn hơn thế nữa, bà sẽ được sinh lên các cõi trời, hưởng thọ phước báo dài lâu.

Bà lão chăm chú lắng nghe và cảm thấy lời nói của Tôn giả chứa đựng sự khuyên dạy tràn đầy tình thương, nên vô cùng xúc động; nhưng bà tìm mãi bên mình mà đâu thấy có thứ gì để cúng dường! Bà rất tủi thân, vừa khóc vừa nói:

– Kính bạch vị sa môn cao thượng! Lời dạy bảo quý báu của đại đức tôi xin khắc ghi vào tâm khảm! Nhưng thưa đại đức, như ngài thấy đó, tôi là một kẻ hạ tiện nghèo khổ, một chút thức ăn cũng không có sẵn bên mình, quần áo cũng không có một manh lành lặn, muốn cúng dường ngài mà đâu biết phải làm sao!

– Thưa bà! Người đã có ý muốn bố thí không còn là người nghèo; người có tâm biết hổ thẹn thì tức là đã mặc được Pháp y. Đó là hai vật báu hiếm có trên đời, mà hiện tại bà đã có được thì chắc chắn bà không phải là kẻ hạ tiện nghèo khổ nữa rồi! Bà biết không? Ở trên thế gian này, những người giàu có, vàng bạc châu báu ê hề, mà không biết gì là bố thí, là hổ thẹn, thì họ mới chính là những kẻ hạ tiện nghèo khổ.

Một lần nữa bà lại cảm thấy niềm pháp hỷ dâng lên tràn đầy. Bà bỗng quên mất sự nghèo khổ dơ dáy hiện tại của mình, lập tức lấy chỗ nước gạo vừa hứng được dâng lên cúng dường Tôn giả Đại Ca Diếp. Tôn giả cung kính tiếp nhận và đưa lên miệng uống hết ngay. Cử chỉ chân thành ấy của Tôn giả đã làm cho bà hết sức vui mừng.

Sau đó không bao lâu, bà lão từ trần. Bà được vãng sinh lên cõi trời Đao Lợi và trở thành một vị thiên nữ diễm lệ. Một hôm, nhân nhớ lại tiền kiếp của mình, để đáp đền ơn đức của Tôn giả Đại Ca Diếp, vị thiên nữ ấy đã hạ giáng, tung rải hoa trời khắp người tôn giả để cúng dường.

Tôn giả và bà lão. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Lời bàn:

Bà lão nghèo khổ rách rưới chỉ cúng dường một bát nước vo gạo, mà được sinh lên cõi trời hưởng phước báu dài lâu, lại còn trở thành một vị thiên nữ muôn phần xinh đẹp. Theo thiển ý của người viết, đó là vì ba lý do sau:

Thứ nhất, bà lão đã cúng dường tất cả những gì mình đang có với tâm ý thuần tịnh, thành kính nhất. Có người cũng làm từ thiện rất nhiều, nhưng chỉ là trích ra một chút từ gia tài của họ, lại lẫn vào tâm lý hiển thị, ban ơn… thì hiển nhiên phước báo không bằng bà lão ăn xin trong câu chuyện trên.

Thứ hai, bà lão đã hoàn toàn tiếp nhận giáo lý nhà Phật mà Tôn giả Đại Ca Diếp từ bi giảng giải. Một người trong tâm có Phật Pháp, thì sao có thể bị đoạ vào cõi thấp đây?

Thứ ba, bà lão đã cúng dường cho một người tu hành đạo hạnh cao thâm, một vị A-la-hán trong cõi người. Trong thời Mạt Pháp hôm nay, trong chùa chiền không dễ tìm được một người chân tu như Tôn giả Đại Ca Diếp.

Vậy thì giả sử ngày hôm nay, bạn có duyên gặp được một người tu luyện Phật Pháp chân chính đang cầu mong bạn giúp đỡ, thì thực ra người ấy đang tạo cơ hội cho bạn đi về một tương lai tốt đẹp! Chỉ một lời nói thiện lương, một cử chỉ khích lệ đầy nghĩa khí, cũng có thể sẽ mang lại cho bạn phước báu bất khả tư nghị!

Thanh Ngọc