Một chiếc ấn ngọc có từ thời Hy Lạp cổ đại khiến các chuyên gia kinh ngạc khi được chạm khắc tinh xảo đến mức một số chi tiết chỉ có thể nhìn rõ dưới ống kính máy ảnh cực nhạy.
Theo Nationalgeographic, chiếc ấn ngọc được mô tả là một trong những tác phẩm đẹp nhất của Hy Lạp thời tiền sử này được các nhà khảo cổ học ở Đại học Cincinnati (UC), Ohio, Mỹ phát hiện trong quá trình khai quật một lăng mộ cổ. Những hình khắc trên ngọc mã não tinh xảo đến mức khiến người ta phải hoài nghi về trình độ kĩ nghệ thời Hy Lạp cổ đại đang được giảng dạy trong trường.
Ấn ngọc mang tên “Pylos Combat Agate” có bề rộng chỉ 3,6 cm, đặc tả cảnh một chiến binh đang đâm kiếm xuyên qua cổ họng một đối thủ, bên cạnh là một đối thủ khác đang gục ngã dưới chân. Cảnh chiến đấu gợi nhắc tới những trận chiến trong thiên sử thi Illiad của Homer về cuộc chiến thành Troy. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, hình ảnh chạm khắc phỏng theo một truyền thuyết quen thuộc với người Hy Lạp cổ đại từ nền văn minh Mycenae và Minoa.
Đây là đồ vật mới nhất và đáng chú ý nhất khai quật từ lăng mộ chiến binh Griffin, kho báu bao gồm hơn 3.000 đồ tạo tác được đánh giá là phát hiện tuyệt vời nhất ở Hy Lạp trong hơn nửa thế kỷ. Các nhà nghiên cứu tìm thấy lăng mộ gần thành phố cổ đại Pylos vào năm 2015.
Lăng mộ chứa hài cốt bảo quản hoàn hảo của một chiến binh hoặc thầy tu Mycenae hùng mạnh chết vào khoảng năm 1.500 trước Công nguyên, chôn cùng nhiều đồ tạo tác quý hiếm. Dù phát hiện lăng mộ từ hai năm trước, các chuyên gia bảo tồn mất hơn một năm để làm sạch đá vôi bám trên ấn ngọc, từ đó xác định thiết kế tinh xảo của nó.
Tuy có kích thước nhỏ xíu, nhưng những gì trên đó thực sự khiến người ta phải thán phục. Dưới ống kính máy ảnh hoặc kính hiển vi chụp ảnh cực nhạy, các đường nét chạm khắc hiện lên vô cùng tinh tế. Một số chi tiết trên đó chỉ lớn bằng nửa milimet, nhỏ đến mức khó tin với trình độ công nghệ được biết đến vào thời kỳ đó.
“Điều thú vị là cách thể hiện cơ thể người ở mức độ chi tiết tới từng bắp thịt như vậy không thể tìm thấy ở đâu cho tới thời kỳ cổ điển của nghệ thuật Hy Lạp ở 1.000 năm sau. Đây là một phát hiện ngoạn mục”, nhà nghiên cứu Jack Davis cũng ở UC nhận xét.
Các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu chiếc ấn để có thêm thông tin. Họ không loại trừ khả năng người Hy Lạp cổ đã sở hữu công nghệ kính hiển vi và đạt được trình độ cao trong lĩnh vực giải phẫu thân thể. Nếu điều này là sự thật, lịch sử khoa học và nghệ thuật của Hy Lạp cổ thực sự cần được viết lại, nó sẽ khác xa so với những gì chúng ta được học trong trường.
Hoài Anh