Bạn đã bao giờ tự hỏi trong hoàn cảnh bạn bị mất phương hướng trong khi không hỏi được ai, cũng không có các thiết bị định vị, la bàn,… có phương pháp nào giúp bạn tìm ra hướng đi đúng mà không cần sự trợ giúp của các thiết bị ‘hiện đại’ kia không?

Việc xác định chính xác phương hướng là rất quan trọng cho những người đi biển hoặc băng rừng. Nó cũng rất được coi trọng trong các ngành xây dựng xưa kia. Chính bởi vậy, trước khi có la bàn, con người đã tích lũy được rất nhiều kiến thức quý báu về kĩ thuật định hướng. Bạn có thể tham khảo 5 cách đơn giản và hiệu quả dưới đây:

1.Định hướng theo sao Bắc Cực

Sao Bắc Cực là tên gọi cho ngôi sao nằm gần thiên cực trên thiên cầu bắc. Ngôi sao phù hợp nhất hiện nay là sao Polaris trong chòm sao Tiểu Hùng. Chòm sao này mang hình dáng một chiếc gáo và sao Bắc Cực là ngôi sao cuối cùng. Vị trí của nó chỉ ra hướng chính Bắc.

Nằm gần Tiểu Hùng là chòm Đại Hùng, có hình dáng tương tự được dân gian hay gọi là Bắc Đẩu Tinh.

Sao Bắc Cực trong lịch sử đã được các nhà thám hiểm, hàng hải, người đi rừng sử dụng để xác định phương hướng và vĩ độ của họ trên Trái Đất, đặc biệt chính xác cho khu vực Bắc bán cầu. Vì nó nằm gần cực nên vị trí của nó gần như cố định qua các mùa. Từ một điểm bất kỳ trên bán cầu bắc, giá trị của góc từ đường chân trời tới sao Bắc Cực (cao độ của nó) là bằng vĩ độ của người quan sát trên Trái Đất. Ví dụ, người quan sát nhìn thấy sao Bắc cực nằm cách chân trời 30°, thì người quan sát đang có mặt tại vĩ tuyến 30°.

2. Định hướng theo chòm sao Nam Thập

Ở Nam bán cầu, chòm sao Nam Thập (Nam Tào) có thể dùng để xác định hướng Nam. Chòm sao này gồm năm ngôi sao, và bốn sao sáng nhất tạo thành hình cây thập tự).

Tìm hai ngôi sao tạo thành chiều dài của cây thập tự, tưởng tượng một đường thẳng kéo dài gấp 5 lần chiều dài cây thập tự.
Khi đến cuối đường thẳng tưởng tượng đó, bạn hãy vẽ một đường thẳng khác xuống mặt đất. Đại khái đây sẽ là hướng Nam.

3. Xác định phương hướng bằng “Gậy và Mặt trời”

Một phương pháp đơn giản mà hiệu quả khi trời có nắng được nhà thám hiểm Oweb Doff phát minh được thực hiện như sau:

  • Cắm một cây gậy xuống đất khi trời nắng, vuông góc với mặt đất, đánh dấu vị trí đỉnh bóng ban đầu của gậy bằng một viên đá.
  • Đợi khoảng 15 phút sau, bóng gậy sẽ khác đi. Đặt tiếp 1 viên đá khác tại đỉnh bóng của gậy lúc này.
  • Nối đỉnh bóng trước và sau lại ta sẽ có một đường thẳng chỉ hướng Đông Tây, điểm đầu tiên đại diện cho hướng Tây, và điểm thứ hai đại diện cho hướng Đông. Xác định được hướng Đông/Tây thì sẽ dễ dàng xác định được hướng Bắc/Nam.

4. Định hướng bằng đồng hồ kim

Với một chiếc đồng hồ có kim và 12 số chỉ giờ, ta vẫn có thể xác định phương hướng như sau:

  • Đặt đồng hồ nằm ngửa trên lòng bàn tay (theo phương nằm ngang) sao cho kim giờ chỉ về hướng của Mặt Trời hiện tại.
  • Chia đôi góc do chiếc kim chỉ giờ và đường 6-12 tạo nên. Đường phân giác này sẽ chỉ hướng Bắc – Nam (góc nhỏ nhìn về hướng Nam – góc lớn nhìn về hướng Bắc). Ví dụ trong hình vẽ là 13g00, tức 1g00 chiều.

Nguyên lý của phương pháp này dựa trên hiện tượng Mặt Trời mọc và lặn đối với Trái Đất, tạo thành một đường tròn xung quanh Trái Đất, trong 24 tiếng đồng hồ. Kim giờ của đồng hồ thì quay một vòng tròn trong 12 giờ, nghĩa là trong cùng một thời gian, kim đồng hồ vạch cung lớn hơn 2 lần.

Tuy nhiên, phương pháp này không chính xác cho lắm, sai số có thể lên đến hàng chục độ. Nguyên nhân chính là vì mặt đồng hồ được đặt song song với mặt phẳng chân trời, còn đường di chuyển hàng ngày của Mặt Trời chỉ ở cực mới nằm trên mặt phẳng nằm ngang. Còn ở các vĩ độ khác, đường đó tạo nên với đường chân trời những góc khác nhau, góc đó có thể lớn hơn 90 độ (ở Xích Đạo).

Vì lẽ đó, chỉ có ở vùng gần cực thì mới có thể dùng phương pháp này để xác định phương hướng cho kết quả chính xác. Tất nhiên, nếu bạn chỉ cần định hướng di chuyển thì đây cũng là một giải pháp hữu dụng rồi.

5. Quan sát địa hình, địa vật

Mặc dù việc quan sát cây cối không được cho là khoa học và chính xác, nhưng bạn cũng có thể dựa vào đó để xác định phương hướng một cách tương đối. Ở bán cầu Bắc, mặt trời thường ở hướng Nam trên bầu trời, và hiện tượng này sẽ ngược lại khi ở bán cầu Nam. Như vậy khi ở bán cầu Bắc, lá cây và các tán lá mặt Nam của cây hoặc bụi cây thường dày hơn và sum suê hơn. Ở bán cầu Nam thì ngược lại, cây sẽ phát triển tươi tốt hơn ở mặt Bắc của cây.


Nhiều sách hướng dẫn ghi chú rằng rêu chỉ mọc ở mặt Bắc của cây khi sống ở bán cầu Bắc, nhưng điều này không đúng. Tuy nhiên, mặc dù rêu mọc ở mọi hướng trên cây, nhưng đúng là rêu thường mọc dày hơn ở nơi nhiều bóng mát (phía Bắc khi ở bán cầu Bắc, và phía Nam khi ở bán cầu Nam).

Hi vọng các phương pháp trên đây sẽ hữu dụng và có ích cho bạn vào một dịp nào đó trong tương lai!

Hoài Anh