Những đồi cỏ xanh mướt, trải dài như những thảo nguyên rộng lớn cùng không khí mát mẻ của vùng khí hậu ôn đới, con người, thiên nhiên hoang sơ và những bãi đá cổ nằm rải rác với những hình thù kỳ quái khiến du khách kinh ngạc với vẻ đẹp của cao nguyên cách Hà Nội hơn 100 km.
Được ví như Tam Đảo, Mẫu Sơn của Bắc Giang, cao nguyên Đồng Cao, xã Thạch Sơn (Sơn Động) trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong những ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Vào mùa đông, nhiều bạn trẻ đam mê trải nghiệm lại cùng bạn bè đốt lửa, cắm trại đêm và ngóng sương giá phủ trắng Đồng Cao vào buổi sáng, theo Báo Bắc Giang.
Nằm cách thị trấn An Châu gần 20 km, Đồng Cao là điểm nối liền giữa hai xã Thạch Sơn và Vân Sơn (cùng huyện Sơn Động). Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, trên nền bãi cỏ mênh mông trải dài như tấm thảm là những phiến đá nâu xám lớn, nhỏ nằm rải rác.
Không khí trong lành, mát mẻ, điểm giao thoa giữa núi non, mây trời, Đồng Cao là điểm đến thư giãn những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ của các gia đình; là điểm chụp ảnh cưới lãng mạn, độc đáo của các bạn trẻ. Và là điểm dừng chân, khám phá mới lý tưởng của các phượt thủ, các thợ săn ảnh chuyên nghiệp.
Không chỉ có cảnh quan hoang sơ, thơ mộng, Đồng Cao còn gắn liền với những huyền sử, huyền tích mang đậm màu sắc tâm linh. Đó là hang Vua, nơi gắn với câu chuyện huyền bí về ba vị tướng tài giỏi của nhà Lý bàn bạc việc quân đánh giặc Tống.
Cho đến giờ vẫn chưa có ai khám phá hết được vẻ huyền bí của hang Vua. Người dân ở đây coi hang Vua như một di tích linh thiêng giữa chốn rừng thiêng. Họ còn lập nên một ngôi đền để thờ 3 vị Vua, càng tôn thêm vẻ đẹp tâm linh hòa trong vùng sinh thái, theo Báo Dân Trí.
Được ví như Tam Đảo, Mẫu Sơn của Bắc Giang, thế nhưng cao nguyên Đồng Cao vẫn còn như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi vẫn ít du khách biết đến. Có lẽ đó cũng chính là điểm hấp dẫn nhất của vùng đất đặc biệt này.
Năm 2016, tuyến đường liên xã qua Đồng Cao vừa hoàn thành tạo nhiều thuận lợi cho đồng bào đi lại. UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho huyện Sơn Động mời chuyên gia lập quy hoạch phát triển du lịch Đồng Cao, theo báo ANTĐ.
Đã có nhiều ý tưởng đề xuất trồng những cánh đồng hoa, cây cỏ đặc trưng của địa phương, đầu tư phim trường, studio, chụp ảnh cưới, ảnh nghệ thuật…
Bên cánh rừng Đồng Cao, những bản làng của bà con dân tộc ít người cũng tô điểm thêm cho vẻ đẹp nơi này. Sống quanh cao nguyên Đồng Cao là các hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Tày. Họ chủ yếu sinh sống bằng cách trồng lúa và trồng cây ăn quả. Đời sống nơi đây cũng còn nghèo nàn, lạc hậu, không có điện, không có nước sạch, không đường bê tông…
Những ngôi nhà nằm chênh vênh bên sườn đồi hay cheo leo ở lưng chừng con dốc. Bản Đồng Cao là nơi quần cư của các hộ dân đồng bào dân tộc Dao với những nét văn hóa đặc sắc riêng có.
Chính yếu tố thiên nhiên hòa quện cùng giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số đã làm nên bản sắc Đồng Cao, làm nên một điểm đến hấp dẫn của miền sơn cước này.
Ánh Tuyết (Tổng hợp)