Mục đích ban đầu của ông Sten Gustaf Thulin khi phát minh ra túi nilon là muốn cứu trái đất. Tuy nhiên, túi nilon hiện đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, cần hạn chế sử dụng.
Nilon – phát minh làm thay đổi thế giới
Kỹ sư người Thụy Điển Sten Gustaf Thulin phát minh túi nilon vào năm 1959. Thulin cho rằng, việc sử dụng túi giấy buộc chúng ta phải chặt phá rừng, điều đó sẽ không tốt cho môi trường. Nilon là một hợp chất cao phân tử – một loại chất dẻo với những phân tử nặng, siêu dài hợp thành bởi những thành tố nguyên tử tuần hoàn liên tục, theo báo Vietnamnet.
Chiếc túi của ông Thulin đã được cấp bằng sáng chế và đến giữa thập niên 1960, túi nilon đã phổ biến khắp châu Âu, dần dần thay thế cho túi giấy và túi vải.
Phát minh của ông quả thực rất tiện lợi, so với túi giấy, túi nilon chắc chắn hơn và có thể sử dụng nhiều lần. Với ưu điểm mềm, mịn nhưng bền, không thấm nước, chịu được các hiện tượng thời tiết và đặc biệt, nó có thể kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc hay côn trùng.
Từ lúc ra đời cho đến nay, loại vật liệu này đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình và nhanh chóng phủ sóng hầu hết trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đặc biệt là ngành sản xuất túi nilon.
Hiểm họa cho môi trường
Thulin không thể ngờ được rằng, ông phát minh ra túi nilon nhằm giải cứu thế giới nhưng hiện nay nó lại trở thành một trong những vấn nạn lớn nhất mà cả trái đất và đại dương phải đối mặt. Liên Hiệp Quốc ước tính, túi nylon hiện đang được sản xuất với tốc độ một nghìn tỷ chiếc mỗi năm. Và cho tới năm 2050, số lượng rác nylon trong đại dương sẽ nhiều hơn cả số lượng cá.
Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 – 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại sử dụng khoảng 500-1.000 tỷ chiếc túi nilon. Túi nilon đang bị coi là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm gây “ô nhiễm trắng” cho môi trường.
Raoul Thulin, con trai của ông Sten Gustaf Thulin cho rằng, bản thân cha mình có lẽ cũng rất sốc khi mong muốn ban đầu của ông nhằm cứu lấy trái đất, nhưng nay lại trở thành một vấn nạn lớn mà cả thế giới và đại dương đang phải đối mặt.
“Mỗi khi ra ngoài, trong túi cha tôi thường mang một cái túi nylon. Nhưng có lẽ ông không thể ngờ rằng mọi người lại có thể tùy tiện vứt bỏ túi nylon như vậy”, Raoul Thulin nói.
Đạo luật “nặng nhất thế giới”: phạt tù nếu sử dụng túi nilon
Trang Môi Trường cho biết, nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khoẻ cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này như: Ban hành lệnh cấm sản xuất túi nilon khó phân huỷ, đánh thuế nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất túi nilon; hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền túi nilon khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi nilon hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Thậm chí, quốc gia Kenya tẩy chay túi nilon đến mức đưa ra một đạo luật được đánh giá là “nặng nhất thế giới”: cấm sử dụng túi nilon. Bất kỳ ai vi phạm sẽ phải ngồi 4 năm tù, hoặc đóng $40.000 tiền tại ngoại – tương đương gần 900 triệu đồng. Đạo luật này mới được công bố vào ngày 28/8/2017.
Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, gồm Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi và Mauritania.
Trên thực tế, có khoảng 40 quốc gia trên thế giới có luật cấm sử dụng túi nhựa. Chỉ có điều, lệnh cấm của Kenya ở một “đẳng cấp” hoàn toàn khác, trong khi các nước khác chỉ dừng ở mức răn đe và khuyên nhủ.
Rốt cuộc thì ban đầu khi phát minh ra túi nilon, Thulin cũng là vì muốn thay thế những chiếc túi giấy không ‘đủ’ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay. đồ thay thế túi nilon thường gặp nhất lại chính là túi giấy và túi vải. Điều này thật trớ trêu!
Tuy nhiên, quá trình sản xuất túi giấy cũng phải tiêu hao một lượng nước và năng lượng rất lớn, còn hao phí rất nhiều chi phí vận chuyển.
Túi bông dệt từ bông trông thì có vẻ bảo vệ môi trường, nhưng trong quá trình trồng bông, chế tạo túi bông, cũng phải tiêu tốn rất nhiều nước và tài nguyên.
Như vậy, để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon, người dân cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách tái sử dụng chúng nhiều lần.
Bên cạnh đó, bạn không nên dùng túi ni lông rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng hoặc có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy trình an toàn.
Sử dụng túi nilon rất thuận tiện và hữu ích nhưng chúng ta nên sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất để giảm thiểu rác thải ra môi trường cũng như làm theo đúng nguyện vọng của người phát minh ra chiếc túi này nhằm bảo vệ môi trường, cứu trái đất của chúng ta bạn nhé!
Video xem thêm: Ô nhiễm môi trương đang giết dần các loài vật và thậm chí cả con người