Nhiều bà mẹ đã chọn phương pháp mổ đẻ vì để giảm sự đau đớn, chọn giờ sinh con theo ý muốn. Tuy vậy nhiều bà mẹ phương Tây lại có xu hướng sinh con tự nhiên: liên sinh (Lotus Birth) – thay vì cắt rốn cho trẻ khi vừa sinh ra họ vẫn để dính liền với nhau thai cho đến khi dây rốn khô và rụng một cách tự nhiên.

Dây rốn như là sợi dây kết nối giữa mẹ và trẻ sơ sinh. Dân gian còn lưu truyền phong tục treo dây rốn trẻ lên đèn với mong muốn trẻ nhỏ sau này sẽ sáng dạ, thông minh. Nhau thai cũng được xem là món ăn bổ dưỡng.

Cắt dây rốn chậm đã được khẳng định còn liên sinh thì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Những năm gần đây, việc chậm cắt dây rốn sau khi trẻ chào đời được chứng minh là mang lại những lợi ích to lớn cho sức khỏe của mẹ và bé. Bởi như vậy sẽ cung cấp thêm khoảng 30% máu cho trẻ sơ sinh, giảm các nguy cơ như thiếu máu do thiếu sắt, xuất huyết não thất và nhiễm khuẩn máu.

Vì vậy mà năm 2014, Bộ Y tế Việt Nam đã chính thức yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi thai sổ) trong Quyết định số 4673/QĐ-BYT, trừ trường hợp như mẹ bị mất máu trầm trọng sau sinh hoặc bé cần phải cấp cứu ngay lập tức.

Trào lưu “liên sinh” đang được nhiều bậc cha mẹ áp dụng vì tin rằng sẽ mang lợi ích cho con mình. Ảnh: Emma Jean Photography/Mercury Press.

Thời gian gần đây, một người mẹ đã đăng tải bài viết cùng hình ảnh vô cùng xúc động ghi lại khoảnh khắc một em bé sơ sinh ngủ ngon lành bên bọc nhau thai và còn giữ nguyên dây rốn xếp hình chữ “LOVE”. Chị Emma Jean Nolan, 30 tuổi đến từ Brisbane (Úc) mẹ của em là một người Maori – đây là dân tộc có truyền thống trân trọng nhau thai và dây rốn.

“Khi sinh ra là người Maori, nhau thai và cuống rốn của con bạn sẽ được chôn xuống đất”, Người mẹ trẻ cho biết việc này thể hiện sự gắn bó giữa những đứa trẻ và đất mẹ thiêng liêng.

Ở Việt Nam, nhau thai và dây rốn cũng rất được coi trọng. Các gia đình thuở xưa thường lựa chọn nơi mát mẻ, yên lành chôn phần nhau thai và dây rốn đó để cho đứa trẻ sau này lớn lên dù có đi đâu cũng nhớ đến cha mẹ, quê hương nguồn cội của mình.

Mặc dù những hình ảnh sinh con còn giữ nguyên dây rốn như thế này khá lạ lẫm ở Việt Nam nhưng với các bà mẹ Mỹ và các nước phát triển nó không còn xa lạ.

Phương pháp liên sinh có ưu điểm gì? (Liên sinh – bánh rau hình hoa sen)

Thay vì cắt cuống nhau cho bé khi chào đời thì bà mẹ sẽ lựa chọn lưu giữ nhau thai trong một túi vải lụa và để nó rụng tự nhiên. Trước khi trở nên phổ biến vào những năm 1970, phương pháp “liên sinh” được quan sát thấy ở loài tinh tinh. Đến năm 1974, một bác sĩ đã áp dụng cách này khi sinh cậu con trai của mình và từ đó đến nay, Lotus birth được quan tâm nhiều hơn.

Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng việc để nhau thai tự rụng sẽ giúp trẻ có thêm thời gian (thường là từ 3 đến 10 ngày) sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như giúp trẻ tiếp tục tiếp nhận và hấp thu những dưỡng chất từ bánh rau cho đến khi chúng khô hoàn toàn, trẻ sẽ có cảm giác an toàn hơn, mối liên kết giữa hai mẹ con cũng được tăng cường đáng kể, hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn… Ngoại trừ việc hơi bất tiện khi tắm rửa, làm vệ sinh cho bé và cha mẹ phải đảm bảo khu vực bao quanh dây rốn sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Mặc dù có nhiều ưu điểm tích cực cho em bé tuy nhiên cho đến nay, phương pháp liên sinh vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới y học cũng như các bậc cha mẹ.

Lo ngại lớn nhất là nếu bánh rau vẫn được giữ lại sau khi sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng và từ đó lây lan sang cơ thể bé. Bánh rau lại đặc biệt dễ bị nhiễm trùng vì nó chứa máu, và sau khi dây rốn ngừng đập, thì nhau thai không còn có sự lưu thông, cơ bản là đã “chết”…

Tuy vậy đã có nhiều bà mẹ lựa chọn và áp dụng phương pháp này thành công vì họ tin rằng đây là điều tốt lành cho đứa con của mình. Trước khi có khẳng định chắc chắn từ giới khoa học, chúng ta cùng nhìn lại một số hình ảnh của phương pháp sinh hoa sen đặc sắc này:

Một người mẹ đã phải rắc muối và cánh hoa hồng khô vào bánh rau để giữ cho nó có mùi dễ chịu.
Bánh rau còn được cất cẩn thận trong túi lạnh tránh nhiễm bẩn.
Cô Vale đã áp dụng phương pháp không cắt dây rốn cho cả 2 đứa con của mình.

Mặc dù rất kinh ngạc thế nhưng sau khi tìm hiểu, Vale đã áp dụng phương pháp mới mẻ này trong ca sinh nở của chính mình. “Tôi đã rất lo lắng bởi suy nghĩ liệu rằng tôi có đánh rơi bánh nhau khi bế con mình hay không. Thế rồi, chúng tôi luôn chăm sóc con thật cẩn thận và nhẹ nhàng. Từ đó, tôi nghĩ có lẽ phương pháp này giúp bé đến được với thế giới một cách thật nhẹ nhàng”, Vale chia sẻ.

Em bé bên chậu nhau thai với đủ các loại cánh hoa (Ảnh: Internet)

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.