Rau răm còn có tên là thủy liễu, nó có hương thơm đặc biệt, vị cay tính ấm, không độc, có nhiều tinh dầu, là một loại gia vị được sử dụng phổ biến trong việc chế biến thức ăn như: cháo lươn, gà nộm…
Trong Đông y, rau răm là vị thuốc có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc. Rau răm được dùng cả lá, cả cây, được dùng riêng hoặc phối hợp cùng những vị khác thành bài. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, giã sống vắt lấy nước uống, bã đắp, dùng khô sắc uống…
Theo kinh nghiệm dân gian, rau răm không độc, còn được sử dụng để phòng và trị nhiều chứng bệnh khác nhau.
Rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm. Người ta thường dùng rau răm ăn với trứng vịt lộn. Rau răm có mùi thơm hắc, ăn với trứng vịt lộn vừa giúp để khử mùi tanh, vừa làm dịu tính dương quá mạnh của trứng lộn, làm cho món ăn dễ tiêu hơn, tránh cảm giác ì ạch đầy bụng.
Tác dụng của rau răm khi ăn sống thì ấm bụng, tiêu thực, sát trùng, tán hàn. Rau răm làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt.
Rau răm có vị cay ấm, khu hàn, trừ thấp, ôn ấm tỳ vị, tiêu thực, trừ chướng thống, cầm tả lỵ. Trong sách Bản thảo cương mục nói: rau răm trừ độc trong tôm cá.
Nam dược thần hiệu nói: Trừ cước khí sưng chân, chữa rắn, rết, côn trùng cắn, chàm, ghẻ (để đắp, rửa).
Các sách về sau còn dùng rau răm để trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt, điều hòa kinh nguyệt. Người dân Campuchia cũng dùng rau răm làm gia vị, ngoài ra còn dùng để lợi tiểu, hạ sốt, chống nôn…
Một số bài thuốc từ rau răm trong Đông y:
1. Đầy hơi trướng bụng, tiêu hoá kém
Dùng một nắm rau răm rửa sạch giã nhỏ vắt lấy nước uống. Bã đem xoa vào bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
2. Cảm cúm
Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống. Hoặc rau răm 20g, tía tô 20g, kinh giới 16g, xương bồ 16g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g. Kiện 10g. Sắc uống.
3. Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh
Rau răm (khô) 16g, bạch truật 12g, kinh giới 16g, lương khương 12g, quế 10g, gừng nướng 4g. Đổ nước 2 bát, sắc còn 1 bát. Chia 2 lần uống trong ngày
4. Chữa rắn cắn
Rau rắm một nắm giã nhỏ vắt lấy nước cho nạn nhân uống. Bã đắp vào nơi vết cắm băng lại (cần làm sớm thì có kết quả tốt).
5. Nước ăn chân
Rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm)
Một vài lưu ý khi dùng rau răm:
– Theo các bác sĩ Đông y thì ăn rau răm nhiều sẽ sinh nóng rét, giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, suy yếu chức năng sinh lý ở cả 2 giới nam và nữ. Phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
– Phụ nữ những ngày thấy tháng (kinh nguyệt) không nên ăn rau răm dễ bị rong huyết.
– Người có thai không nên ăn nhiều rau răm, vì có thể gây sảy thai.
– Những người máu nóng, ốm gầy đặc biệt không nên ăn rau răm.
Minh Thành t/h
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.