Tuy thường xuyên phải đối mặt với môi trường ô nhiễm, song phổi với bộ máy hô hấp vận hành chặt chẽ đã bảo vệ chúng ta suốt ngày đêm bằng cách thổi bay hầu hết bụi bặm ngay từ “vòng gửi xe đạp”…

Trong suốt cuộc đời, một công nhân mỏ than có thể hít tới 1.000g bụi vào phổi. Nhưng các bác sĩ khám nghiệm phổi của một công nhân sau khi người này qua đời, họ phát hiện chỉ có chưa tới 40g bụi trong phổi.

Lượng chất cặn bã ít như vậy cho thấy khả năng phòng ngự đặc biệt quan trọng và hiệu quả của phổi. Tuy nhiên, dù phổi có thể tự thanh lọc, nhưng việc hít quá mức bụi bặm vẫn có thể gây hại.

Phân biệt các loại bụi

Bụi hiện ra dưới tia nắng

Bụi là tên chung cho các hạt chất rắn có đường kính nhỏ cỡ vài micrômét đến nửa milimét, tự lắng xuống theo trọng lượng của chúng nhưng vẫn có thể lơ lửng trong không khí một thời gian sau. Bụi có hai dạng:

  • Bụi vô cơ xuất phát từ kim loại hay khoáng vật như đá, sỏi.
  • Bụi hữu cơ đến từ cây trồng và vật nuôi, các hóa chất hữu cơ như thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, khí thải …

Trong phạm vi bài này không đề cập tới những loại bụi hóa học gây ung thư hoặc các dạng bụi độc.

Chuyện gì xảy ra khi ta hít bụi?

Bụi sẽ được phổi đẩy ra ngoài theo nhiều cách (Ảnh: Bigstockphoto.com)

Hệ hô hấp có một bộ máy bảo vệ nằm rải rác khắp đường ống dẫn khí. Khi bạn hít thở, các hạt lơ lửng trong không khí sẽ chui vào mũi. Nhưng mũi lại là một máy lọc rất năng suất. Phần lớn bụi bặm sẽ phải dừng lại ở đó, cho đến khi bạn hỉ mũi hoặc hắt xì.

Một vài hạt nhỏ hơn sẽ vượt qua rào cản của mũi để chui vào khí quản và các ống dẫn khí tới phổi. Tuy nhiên trên đường đi, chúng sẽ bị các niêm dịch giữ lại gần hết. Niêm dịch này sau đó bị đẩy lên cuống họng để bạn khạc, nhổ ra ngoài hoặc nuốt trở lại nhưng sẽ vào đường tiêu hoá.

Những hạt bụi “lì lợm” nhất sẽ vào đến phế nang và phần sâu của ống dẫn khí. Tại đây, chúng bị những tế bào đặc biệt gọi là “đại thực bào” tấn công. Các đại thực bào là bộ phận phòng thủ rất quan trọng của phổi, góp phần giữ các phế nang sạch sẽ. Đại thực bào sẽ nuốt bụi rồi được đẩy trở lên cuống họng, chờ bị khạc ra ngoài hoặc bị nuốt trở lại một lần nữa.

Hít thở không khí trong lành để lá phổi không bị gánh nặng (Ảnh minh hoạ: Internet)

Bên cạnh đại thực bào, phổi cũng có một khả năng khác giúp tống khứ bụi. Hai lá phổi có thể chống lại những hạt bụi mang mầm bệnh bằng cách sản xuất một số protein nhất định. Các protein này sẽ bám vào hạt bụi và trung hòa tác nhân gây hại.

Kích cỡ của bụi là yếu tố chính quyết định nó sẽ bị loại bỏ tại bộ phận nào của đường hô hấp. Thành phần cấu tạo là một yếu tố quan trọng khác quyết định số phận của hạt bụi. Một số hạt bụi rất độc, chẳng hạn bụi khói thuốc có thể phá hủy chức năng tự bảo vệ của phổi. Nếu bạn thường xuyên hít thở với hơi dài và sâu hoặc dùng miệng, bụi cũng sẽ xâm nhập vào đường hô hấp nhiều hơn.

Bụi gây ra bệnh gì?

Phim chụp X-quang phổi (Ảnh minh hoạ: Internet)

Điều này còn phụ thuộc vào việc bụi nằm lại ở đâu trong cơ thể. Nếu nó dừng lại ở mũi, chúng ta có khả năng bị viêm mũi. Nếu bụi tấn công đến các đường dẫn khí, bạn có thể bị viêm khí quản hoặc viêm phế quản. Hậu quả lớn nhất mà bụi gây ra cho phổi là khi nó xâm nhập đến phần sâu trong cơ quan này, cụ thể là phế nang hoặc gần tận cùng của ống dẫn khí.

Nếu số lượng bụi lớn, các đại thực bào có thể không hấp thụ hết. Bụi và các đại thực bào chứa bụi sẽ tích tụ trong mô phổi, khiến phổi tổn thương. Số lượng bụi và loại bụi ảnh hưởng rất lớn đến mức độ tổn thương của phổi.

Chẳng hạn, sau khi các đại thực bào nuốt những hạt bụi silica, chúng sẽ chết và giải phóng chất độc. Các độc chất này làm hình thành mô sẹo hoặc mô xơ. Các mô này là cách thức tự chữa lành thông thường của cơ thể.

Bụi có thể gây ra tổn thương ở não, thận và những bộ phận khác (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, trong trường hợp của bụi silica, mô sẹo và mô xơ được hình thành quá mức khiến chức năng phổi bị suy yếu. Một số hạt bụi có thể xâm nhập vào đường máu. Máu sẽ đưa chúng đi khắp cơ thể và gây ra những tổn thương ở não, thận hoặc các bộ phận khác.

Do đó, để giảm tải hoạt động cho 2 lá phổi, bạn nên hạn chế di chuyển trong vòng khói bụi, ra đường nhớ bịt khẩu trang cẩn thận. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường là vô cùng quan trọng để cải thiện tình trạng khói bụi trong môi trường sống. Bạn tích cực bảo vệ môi trường sống ngay từ bây giờ thì thế hệ sau này sẽ được nhờ rất nhiều đấy.

Hoàng Kỳ tổng hợp

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.