Sở Y tế Hà Nội cho biết, tình trạng ngập lụt ở Chương Mỹ (Hà Nội) kéo dài nhiều ngày khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gia tăng các dịch bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp, nước ăn chân…

Suốt 2 tuần vừa qua, cuộc sống của người dân huyện Chương Mỹ bị đảo lộn, phải gồng mình đối phó với nước lũ.

Mưa lũ gây ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân gây nên các bệnh về da, tiêu hóa…

Theo số liệu ngày 1/8, đã có 10 bệnh nhân mắc các vấn đề về da liễu, 6 bệnh nhân bị tiêu chảy và 40 bệnh nhân đang trong tình trạng bị đau mắt đỏ.

Gia tăng bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp mùa mưa bão

Dưới đây là những bệnh người dân các vùng ngoại thành Hà Nội sẽ phải đối mặt với bệnh gì khi nước đang lênh láng khắp nơi?

Bệnh tiêu chảy cấp

Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp có thể là do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng như E.coli, trực khuẩn tả, rotavirus, Norwalk virus… thông qua ăn uống.

Biểu hiện bệnh là da xanh xao, đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn, đổ mồ hôi lạnh… Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh nhanh chóng bị mất nước, điện giải, suy tuần hoàn, truỵ tim mạch và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Đau mắt đỏ

Khi bão lụt, điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm, hơn nữa thời tiết ẩm tạo điều kiện cho virus gây bệnh đau mắt đỏ.

Gia tăng bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp mùa mưa bão

Bệnh đau mắt đỏ phát tán nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch. Bệnh lây khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay.

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Bệnh có thể lây và bùng phát trên diện rộng.

Để phòng bệnh cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp.

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp sau những ngày mưa bão như đau họng khi nuốt, rát cổ họng sốt, khàn tiếng, ho, sổ mũi, khó thở…

Gia tăng bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp mùa mưa bão

Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Nước ăn chân

Bác sĩ Nguyễn Thành, bệnh viện Da liễu Trung ương trao đổi TTXVN, nước ăn chân còn gọi là bệnh nấm kẽ chân, thường xảy ra ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt…

Biểu hiện của bệnh là ở các kẽ ngón chân có hiện tượng bong xước da có màu hơi vàng, chảy dịch, có thể có các mụn nước. Bệnh phổ biến trong những vùng bị lũ lụt, vùng bị ngập nước kéo dài mà nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên nguồn nước bị ô nhiễm.

Gia tăng bệnh đau mắt đỏ, tiêu chảy cấp mùa mưa bão

Để trị nước ăn chân, người bệnh cần phải rửa thật sạch chân bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm.

Bên cạnh đó có thể sử dụng các loại lá để chữa nước ăn chân như lá chè xanh, lá trầu không… Trường hợp nếu bị nặng như kẽ chân lở loét, nóng, đỏ, có mủ… người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Để phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

– Ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

– Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

– Bảo đảm vệ sinh môi trường: Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

– Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm… đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

​​​​​​

Lan Phương