Dưới đây là cuộc phỏng vấn với bác sỹ y khoa Michael Greger (MG) được thực hiện bởi ký giả Shelley B.Blank (SBB) của tờ Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh. Cuộc phỏng vấn này xoay quay vấn đề ảnh hưởng của ngành chăn nuôi công nghiệp hiện đại tới sức khỏe con người.
Michael Greger là giám đốc của một tổ chức Nhân đạo về Sức khỏe Cộng đồng và Chăn nuôi Nông nghiệp Mỹ. Ông cũng là tác giả của một số sách về sức khỏe và là người sáng lập của NutritionFacts.org – một trang web về khoa học thực phẩm dinh dưỡng phi thương mại, được lập ra vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng.
SBB: Thưa bác sỹ Greger, thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày được cung cấp bởi các trang trại công nghiệp qua các siêu thị có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Michael Greger: Theo thống kê, hàng năm có gần 50 triệu người Mỹ bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân của các trường hợp ngộ độc này thường đến từ 5 mầm bệnh: vi khuẩn Campylobacter và Salmonella trong thịt gà , ký sinh trùng Toxopalasma, Yerisina trong thịt lợn và vi khuẩn Listeria trong các loại thịt ở cửa hàng đồ ăn nhanh và các thực phẩm từ sữa. Trong đó Salmonella là tác nhân số 1 gây nhập viện và tử vong do thực phẩm. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Mỹ (FDA) ước tính chỉ riêng trứng nhiễm Salmonella đã làm ngộ độc 142.000 người Mỹ mỗi năm.
Theo những gì tôi được biết thì một trong những lý do khiến các sản phẩm này bị nhiễm nhiều độc tố là do điều kiện chăn nuôi ở các trang trại công nghiệp quá chật chội và không hợp vệ sinh. Ví dụ: việc lấy trứng từ những con gà bị nhốt trong những chiếc lồng quá nhỏ hẹp, hẹp tới mức chúng không thể giang được đôi cánh sẽ khiến cho tỷ lệ nhiễm Salmonella của những con gà này luôn cao hơn những con gà được nôi nhốt trong môi trường rộng rãi.
Tương tự như vậy, gần 100.000 người Mỹ bị bệnh mỗi năm bởi thịt lợn bị nhiễm Yerisina – một tác nhân gây bệnh từ phân lợn và có mối liên quan chặt chẽ với phương pháp nuôi công nghiệp. Cụ thể, khi lợn bị nhốt trong những chiếc lồng quá chật hẹp, đến nỗi chúng không thể quay người sẽ gây nên sự căng thẳng ức chế sự hoạt động của hệ miễn dịch từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng và lây sang người.
Như Ủy ban về Trang trại Chăn nuôi Động vật Công nghiệp đã kết luận: “Phương pháp nuôi nhốt giới hạn sự vận động tự nhiên sẽ gây ra sự căng thẳng cao độ cho động vật, đe dọa đến sức khỏe của chúng và đến lượt nó có thể quay sang đe dọa sức khỏe của con người”.
SBB: Có phải những gì ông nói đang là mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta?
Michael Greger: Tôi cho rằng mối đe dọa lớn nhất tới sức khỏe cộng đồng có thể là một đại dịch cúm ở người phát sinh từ cúm gia cầm. Lần cuối cùng một loại virus cúm gia cầm đã lây nhiễm cho người và lây lan dễ dàng từ người sang người là vào năm 1918. Đại dịch cúm gia cầm này đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người chỉ trong chớp mắt.
Tôi tin rằng chúng ta không cần biết về việc virus đã đột biến như thế nào để lây từ gia cầm sang người, nhưng nếu càng nhiều gia cầm bị nhiễm bệnh thì chắc chắn virus càng có nhiều cơ hội biến đổi gen, và việc một ngày nào đó chúng sẽ có được các đột biến cần thiết để kích hoạt các đại dịch ở người ngày càng có khả năng trở thành sự thực.
SBB: Ông có thể đưa ra vài ví dụ được không?
Michael Greger: Khi chúng ta nuôi nhốt hàng triệu con gia cầm trong những cái chuồng chật chội, bẩn thỉu đến nỗi chúng nằm mỏ chạm mỏ ngay trên đống chất thải của mình, thì đó chỉ có thể là nơi sản sinh ra bệnh dịch.
Việc sống trong một môi trường chật chội, thiếu ánh sáng mặt trời, không khí trong lành, hít thở amoniac từ chất thải sẽ làm tổn thương phổi và tê liệt hệ thống miễn dịch của các con động vật. Đặt tất cả những yếu tố này lại với nhau thì những gì bạn có thực sự là một môi trường hoàn hảo cho sự xuất hiện và lây lan của các chủng siêu virut cúm mới. Tôi nghĩ ngành công nghiệp chăn nuôi cần phải cấp cho những con động vật này những cái chuồng dễ thở hơn.
SBB: Vậy chúng ta đã làm những gì để ngăn chặn chuyện này?
Michael Greger: Liên Hiệp Quốc từng tuyên bố trong năm 2005: “Các chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan quốc tế cần đóng một vai trò ngày một lớn trong cuộc chiến với trang trại công nghiệp… nơi đã tạo ra các điều kiện lý tưởng cho những virus cúm lây lan và đột biến thành loại nguy hiểm hơn”.
Có thể nói những trang trại công nghiệp chính là các “lò ấp” của những chủng cúm nguy hiểm. Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Mỹ đã kêu gọi tạm dừng hoạt động của các trang trại công nghiệp từ hơn một thập kỷ trước, nhưng đáng tiếc là chúng ta không định phòng chống cho tới sau khi thảm họa xảy ra.
SBB: Tại sao cộng đồng lại không chú ý nhiều tới vấn đề này?
Michael Greger: Ngành công nghiệp này đã thành công trong việc che giấu sự thật về thực phẩm sản xuất từ thịt, sữa, trứng. Đó cũng là lý do tại sao ngành công nghiệp này lại tha thiết muốn thông qua những đạo luật khiến ngay cả chụp ảnh tại những nơi sản xuất cũng trở thành bất hợp pháp. Cần phải biết rằng các sản xuất công nghiệp chuẩn sẽ không dám đương đầu với sự giám sát công khai. Họ hoạt động trái ngược lại với chính những giá trị cơ bản của Hiến Pháp Mỹ, nên cách duy nhất để hoạt động kinh doanh này được tiếp tục vận hành bình thường là khiến cả cộng đồng phải mù quáng trước cách các loài động vật được nuôi dưỡng trong các trang trại sản xuất ngày nay.
SBB: Hình như ông có viết sách về những vấn đề này. Cuốn sách mới nhất của ông đề cập đến vấn đề gì?
Michael Greger: Tôi đã viết một cuốn sách tên là “Cúm gia cầm: Một loại viurs do chính chúng ta ấp nên” (tạm dịch) giờ đang sẵn có và miễn phí và có thể download từ trang web www.BirdFluBook.org. Cuốn sách này nói về những dịch bệnh truyền nhiễm trên người mà có liên quan tới ngành chăn nuôi nông nghiệp được công nghiệp hóa.
Còn cuốn sách mới của tôi tên “Làm thế nào để không chết” sẽ được phát hành vào ngày 08/12 tới, và hiện có thể đặt qua trang www.NutritionFacts.org/book. Nó đi sâu vào những bệnh mãn tính có liên quan với hệ thống thực phẩm hiện đại của chúng ta, khám phá vai trò của chế độ ăn uống lành mạnh trong việc ngăn chặn, kiểm soát, thậm chí đảo ngược tình thế của rất nhiều nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết và tàn tật như bệnh tim và tiểu đường loại 2.
SBB: Cả cộng đồng đã sa vào tình trạng này như thế nào thưa ông?
Michael Greger: Sự thành công của việc công nghiệp hóa trong ngành nông nghiệp chăn nuôi sau Thế chiến II đã thúc đẩy chúng ta ăn nhiều thịt, sữa và trứng hơn. Cũng dưới tác dụng của ngành này, chúng ta ngày càng hấp thụ nhiều chất béo, đường, muối thông qua các thực phẩm được chế biến hơn.
Trên đây là đồ thị liệt kê các thức ăn tốt cho sức khỏe và không tốt cho sức khỏe. Các thức ăn lành mạnh nhất xếp ở hàng trên cùng (Rau, trái cây, nấm rơm…) và các thức ăn ít lành mạnh nhất xếp ở hàng dưới cùng (nước ngọt, thức ăn nhanh…). Nhìn vào biểu đồ chúng ta có thể thấy, những thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể không được người Mỹ chú ý thay vào đó họ ăn những thực phẩm ít lành mạnh hơn, được chế biến sẵn từ ngũ cốc đã qua tinh chế, dầu, và đường bổ sung cũng như các loại có nguồn gốc từ động vật.
SBB: Cảm ơn Tiến sĩ Greger.
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: