Khoảng 70.000 năm trước một ngôi sao từ nơi khác đến đã bay qua Hệ Mặt trời của chúng ta và để lại những hiệu ứng có thể quan sát được cho đến ngày nay.
Nó được biết đến với tên gọi ‘ngôi sao của Scholz’ (ngôi sao này được phát hiện ra bởi nhà thiên văn học Ralf-Dieter Scholz vào năm 2013). Khối lượng của ngôi sao này chỉ bằng 9% khối lượng Mặt Trời của chúng ta.
Năm 2015, các nhà thiên văn học đã nhận định rằng người hàng xóm này sẽ không có ảnh hưởng gì lớn với chúng ta khi phát hiện nó băng ngang qua Hệ Mặt trời.
Nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên thực tế chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những tác động của chuyến viếng thăm này ngay trong hiện tại.
Quan sát kỹ hơn các vị trí của các vật thể trong Đám mây tinh vân Oort đã khiến chúng ta phải xem xét lại về kết luận đã đưa ra trước đó. Nó cho thấy cuộc chạm trán ở khoảng cách rất gần với một ngôi sao bay qua và để lại những dấu ấn mờ nhạt ở giới hạn cực hạn của hệ mặt trời.
Các nhà thiên văn học thuộc Đại học Cambridge và Đại học Complutense tại Madrid đã phân tích tọa độ của khoảng 340 vật thể phía ngoài Hệ mặt trời với quỹ đạo rộng và tìm thấy hàng tá trong số chúng không còn ở những vị trí mà họ mong đợi.
Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, ông Carlos de la Fuente Marcos, từ Đại học Complutense Madrid chia sẻ: “Về nguyên tắc, người ta hy vọng rằng các vị trí đó sẽ được phân bố đều trên bầu trời, đặc biệt nếu các vật thể này đến từ đám mây tinh vân Oort. Tuy nhiên, những gì chúng ta tìm thấy lại không như vậy: có những vị trí quy tụ nhiều ánh sáng hơn.”
Nếu như chúng ta quay ngược lại thời gian và đặt các vật thể vào nền của chòm sao Gemini, dường như một ngôi sao lùn đỏ tên là ‘sao của Scholz’ có thể là nguyên nhân của sự phân bố lại các vị trí một cách rất tinh vi.
Ngay bây giờ, vật thể nhỏ bé với ánh sáng mờ nhạt này đang ở cách xa chúng ta tới 20 năm ánh sáng.
Nhưng chỉ 70.000 năm trước nó đã tiến tới và va chạm với rìa của hệ mặt trời của chúng ta tại nơi nào đó cách chúng ta 0,8 năm ánh sáng. Khoảng cách này tương đương với 7.6 nghìn tỷ kilômét hoặc khoảng 50.000 AU (1 AU là khoảng cách từ trái đất đến mặt trời)
Đó là những con số khá lớn nhưng trong những giới hạn của ngân hà, đó là một sự xâm nhập mang lại những ảnh hưởng nhất định. Lớp vỏ ngoài Mặt trời được bao phủ bởi thứ vật chất đông lạnh có tên đám mây tinh vân Oort (Oort Cloud) trải rộng đến 100.000 AU.
70000 năm trước đây, trong cuộc di cư lịch sử của những người tinh khôn (Homo Sapien) tổ tiên của chúng ta, chắc hẳn họ đã thấy được trên bầu trời ánh sáng đỏ rực rỡ của ngôi sao này.
Nhưng những gì họ không thể nhìn thấy là một người bạn đồng hành nhỏ bé – một ngôi sao lùn nâu mờ nhạt hơn với khối lượng bằng hai phần ba khối lượng ngôi sao ‘sao của Scholz’.
Trong khi nghiên cứu vô số các quỹ đạo lặp lại, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một số ít các sao chổi ở trên các quỹ đạo thiết đặt nguồn gốc của chúng quanh một ngôi sao khác.
Các cuộc điều tra tiếp theo có thể cho biết chi tiết hơn về nguồn gốc thực sự của chúng, nhưng nó nêu ra một số câu hỏi thú vị về việc có bao nhiêu vật chất của Hệ Mặt trời của chúng ta đã dành thời gian ở đâu đó trong thiên hà.
Các nhà thiên văn học đã cho rằng một ngôi sao song sinh đen tối của mặt trời của chúng ta có thể đã gây ra một số rắc rối khi nó đi bay ngang qua 65 triệu năm trước, chỉ một mảnh của nó thôi cũng đã làm cho cuộc sống của các loài sinh vật trên địa cầu khi đó trở nên rất khó khăn. Vậy nên sao của Scholz vẫn là một sự va chạm nhẹ nhàng hơn nhiều.
Tuy nhiên những nhiên cứu về cách mà những ngôi sao hàng xóm của chúng ta ảnh hưởng đến Hệ Mặt Trời của chúng ta có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các cuộc va chạm tiềm tàng trong tương lai.
Trong khoảng thời gian bất kỳ trong hàng triệu năm, có thể có tới 600 ngôi sao đi qua trong khoảng cách 16,3 năm ánh sáng với của Mặt trời của chúng ta. Đó là một mật độ khá dày đặc, và chúng ta thực sự phải biết ơn thứ vật chất dày đặc bao phủ bên ngoài hệ mặt trời nhiều thế nào.
Nhật Quang