Nếu bạn đã từng đọc bài “5 gợi ý trong lịch sinh hoạt một ngày của hoàng đế Đại Thanh”, có lẽ sẽ có nhiều điều khiến bạn phải cảm thấy ngạc nhiên.
Ngoài những việc gấp, hoàng đế Khang Hy đều xử lý việc triều chính vào lúc sáng sớm và buổi sáng trong ngày. So với dân công chức hiện nay thì thời gian làm việc của ông khá ít. Là vua của một nước, Hoàng đế Khang Hy có được hiệu suất làm việc cao như vậy, đã khai sáng thời thịnh thế của Khang Hy Càn Long lưu danh sử sách.
Thời gian họp hành (“ngự môn nghe chính sự”) mỗi ngày của Hoàng đế Khang Hy là không quá 1 tiếng rưỡi. Những việc chính sự khác ông đều hoàn thành trong buổi sáng, thời gian còn lại thì đọc sách trong thư phòng, thưởng thức âm nhạc, ca múa; sáng sớm và tối muộn ông tự phản tỉnh bản thân và kính bái Thần Phật.
Dẫu vậy, ông vẫn có thể thành công trong việc mở rộng và bảo vệ biên cương của Trung Quốc, thúc đẩy giao dịch với phương Tây, chỉnh sửa 900 cuốn “Toàn Đường Thi”, một cuốn “Tự điển Khang Hy” thu thập được 49.000 chữ, cùng rất nhiều các bộ sách như “Đại Thanh hội điển” (Sách ghi chép văn vật điển hình và quy trình pháp lệnh nhà Thanh), “Bội Văn Vận Phủ” (Từ điển điển cố lớn thời nhà Thanh), “Lịch Đại đề họa thi loại” (Thơ họa các thời đại), “Cổ kim đồ họa tập thành” (Tuyển tập thư họa kim cổ)…
Quả thực, bên cạnh thiên tử có rất nhiều đại thần phò tá giúp ông hoàn thành đại sự, nhưng theo tư liệu sử sách thì bản thân Hoàng đế Khang Hy rất giỏi tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình.
Những gợi ý nhỏ dưới đây cũng có thể giúp bạn mở rộng ‘vương quốc’ của bản thân mà không bị mệt mỏi vì vắt kiệt tinh lực.
1. Tận dụng tốt thời gian làm việc hiệu suất cao nhất
Có thể nói việc tĩnh tâm đọc sách và kính lễ trời đất là “Bài tập định kỳ sớm tối” của hoàng đế Khang Hy, cụ thể là 2 tiếng sau khi thức giấc vào buổi sáng và 4 tiếng trước khi đi ngủ vào buổi tối. Những hoạt động này giúp hoàng đế giữ được tư duy minh mẫn, từ đó ông có thể chú tâm giải quyết những việc quan trọng nhất. Giới công chức ngày nay hễ thức giấc là vội vội vàng vàng ra khỏi cửa tới công sở, điều này đương nhiên không phải là “kế hay trong ngày” của chúng ta.
Ngày nay những chuyên gia nghiên cứu về làm việc hiệu suất cao cũng cảnh báo rằng: Ngay sau khi thức giấc bạn đừng vội kiểm tra hòm thư điện tử. Bởi vì điều này đồng nghĩa với việc bạn đang để người khác thỏa sức chi phối mình, hăm hở chạy theo tiến độ, mất đi sự tích cực, làm lãng phí thời gian tư duy sáng suốt nhất trong ngày của mình.
Chuyên gia nghiên cứu về làm việc hiệu quả cao cũng từng áp dụng cách thức sử dụng thời gian như Hoàng đế Khang Hy: Mở đầu một ngày mới, họ tập trung vào những việc quan trọng cần làm. Công việc quan trọng nhất của Khang Hy là đọc tấu sớ báo cáo về tình hình cả nước, xác định những vị đại thần nào mà ông muốn triệu kiến. Buổi sáng là giai đoạn hoàng kim để Khang Hy tiến hành việc tư duy sáng tạo và ra quyết sách.
3h chiều là thời gian mà giới công chức ngày nay vẫn đang ngái ngủ, nếu không uống cà phê thì không thể mở mắt ra được. Hoàng đế Khang Hy cũng không xử lý sự vụ cụ thể vào khoảng thời gian này. Buổi chiều, ông sẽ khiến mình thư giãn bằng cách đọc thơ, xem kịch. Những ai hay vùi đầu xem giấy tờ hoặc hòm thư điện tử vào thời gian này có lẽ cũng nên điều chỉnh một chút, thử chuyển hứng thú sang các hoạt động khác xem sao.
Trung y cho rằng, lục phủ ngũ tạng và 12 kinh mạch của con người đối ứng với 12 thời thần trong ngày. Tại những múi giờ khác nhau thì những cơ quan nội tạng khác nhau sẽ có thời gian vượng nhất và yếu nhất của mình. Những nhà nghiên cứu ngày nay cũng đã nhận thức được ảnh hưởng về tiết tấu làm việc sớm tối ảnh hưởng rất lớn tới với hiệu suất công việc.
2. Làm việc ít đi, nghỉ ngơi nhiều hơn
Muốn làm việc tốt hơn thì chúng ta phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Điều này nghe có vẻ trái ngược với trực giác của chúng ta, nhưng đây lại là điều vô cùng chân thực.
Qua thực nghiệm, Tiến sĩ Stewart D. Friedman, chuyên gia Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã phát hiện ra rằng, khi nhiều người hơn chú ý tới gia đình, khu chung cư và sự phát triển cá nhân, chứ không phải là công việc thì mức độ hài lòng với toàn bộ cuộc sống cũng được nâng lên một cách đồng bộ.
Hoàng đế Khang Hy không tiếc đầu tư thời gian cho những việc mà ông ưu tiên. Là một vị hoàng đế có tinh thần sâu sắc, có tu dưỡng về văn hóa và được nhiều người yêu mến, đa số thời gian của ông chẳng mấy khi rời xa sách vở. Cũng bởi điều này mà một người xuất thân trong hoàng tộc Mãn Thanh như ông lại có thể kết nối với văn hóa người Hán, và trở thành một vị hoàng đế trị quốc lão luyện.
Có thể thấy rằng điều then chốt là những hoạt động nghỉ ngơi mà chúng ta lựa chọn sẽ phản ánh điều thực sự được chúng ta coi trọng là gì. Những hoạt động nghỉ ngơi đang theo đuổi, những điều không liên quan tới việc vun đắp giá trị nhân sinh quan, thế giới quan cho con người (ví như xem phim truyền hình, chơi điện tử…) sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
3. Làm việc có chọn lọc
Sếp, đồng nghiệp, khách hàng, cha mẹ, hàng xóm, con cái, thậm chí là thú cưng trong nhà bạn, bất cứ lúc nào cũng có thể sẽ chuẩn bị cho bạn một danh sách những công việc dự phòng, đủ để bạn bận rộn từ sáng tới tối. Mà đó chỉ là cuộc sống của riêng cá nhân bạn, chứ chưa kể tới bậc đế vương phải lo lắng cho biết bao thứ việc trong thiên hạ.
Thử nghĩ xem, nếu hoàng đế Khang Hy cũng giống với đa số chúng ta, cố gắng làm hài lòng nguyện vọng của tất cả mọi người, bất kể là việc lớn hay việc nhỏ, thì có lẽ vương triều Đại Thanh sớm đã rơi vào cảnh loạn lạc.
Đây chính là lý do vì sao Khang Hy không để công việc chồng chất. Hàng ngày ông chỉ dùng không quá một tiếng rưỡi để nghe chuyện triều chính, ông cũng không để thời gian phê duyệt tấu sớ chiếm dụng thời gian nghỉ trưa của mình.
Bạn cũng có thể làm như vậy. Bởi lẽ điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải lựa chọn những việc thực sự có ý nghĩa nhất đối với mình.
4. Sách không rời tay
William C. Taylor, người đồng sáng lập Fast Company viết rằng: “Vị lãnh đạo tốt nhất là những người không ngừng học tập”.
Herminia Ibarra, tác giả cuốn “Nhà lãnh đạo hành động và tư duy như vậy” chắc hẳn cũng sẽ đồng ý với quan điểm này.
Cả hai ông đều cho rằng, nhiệm vụ cơ bản của những vị lãnh đạo là liên tục tiếp xúc với những nhóm người, các hoạt động và hoàn cảnh mới nên họ phải liên tục đột phá quan niệm cố hữu, cứng nhắc của mình. Còn chúng ta phải chăng thường dùng những công cụ, tư duy cũ của mình để giải quyết những vấn đề mới mẻ nên thường gặp phải trở ngại?
Hoàng đế Khang Hy suốt đời tự học không mệt mỏi, ông đọc các tuyển tập kinh sử, đọc qua rất nhiều sách về văn học, nghệ thuật, nông nghiệp, chiến lược và trị quốc. Ông cũng thường triệu kiến các bậc ‘thần thánh tứ phương’, gồm cả những giáo sỹ mà người khác tôn kính chỉ dám nhìn từ xa.
5. Nghỉ ngơi thật tốt
Cuối cùng, hoàng đế Khang Hy ngủ 8 tiếng 1 ngày, tính cả thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi là thêm 3 tiếng nữa. Việc nghỉ ngơi và thư giãn rất có ích trong việc duy trì trí nhớ, sự phán đoán, tập trung, tâm trạng tốt đẹp và điều chỉnh những tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể.
Trung tâm phòng ngừa bệnh CDC của Mỹ gọi việc ngủ không đủ giấc là “Bệnh lưu hành về sức khỏe cộng đồng”. Đối với người hiện đại mà nói thì giấc ngủ nhất định phải được đảm bảo dẫu cho chúng ta đang phải cai quản cả một vương quốc của mình.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hiểu Liên biên dịch
Xem thêm:
- Đây là câu chuyện luân hồi từng kinh động đến hoàng đế Khang Hy
- 10 điều bạn nhất định phải làm trong 15 năm hoàng kim của đời người, từ 32 – 47 tuổi
- Tuyệt vọng lên núi Nga Mi tự sát, cuộc gặp gỡ kỳ lạ khiến tôi tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại