Vua Hùng chọn thức quà giản dị của vị công tử nghèo khó, ít quyền thế, thua thiệt đủ bề để dâng cúng tổ tiên cha mẹ. Chiếc bánh dân dã chứa trong đó triết lý nhân sinh của Đất Trời, là lời nhắc nhở của Thần linh về Vương đạo trị quốc khiến dân an thái bình.
Chuyện kể rằng, sau khi phá được giặc Ân, Hùng Vương cho triệu 22 vị quan lang, công tử lại, muốn truyền ngôi cho người nào tỏ được lòng hiếu thuận, cung tiến tổ tiên thức ngon vật lạ.
Bấy giờ có vị công tử thứ 18 tên gọi Lang Liêu, mồ côi mẹ từ nhỏ, xung quanh lại chẳng có nhiều thuộc hạ giúp đỡ. Trong khi các anh em khác đang ra sức phái người đi khắp trong vùng, truy tìm trân cam mỹ vị thì Lang Liêu chẳng biết xoay xở ra sao, đêm ngày lo lắng.
Một đêm kia, mộng thấy có Thần nhân tới nói rằng: “Các vật trên trời đất và mọi của quý của người không gì bằng gạo. Gạo có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán, các vật khác không thể hơn được. Nay đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng hình trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”.
Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ mà nói rằng: “Thần nhân giúp ta vậy!”.
Nói rồi bèn theo lời dặn trong mộng mà làm, chọn thứ gạo nếp trắng tinh, lặt lấy những hạt tròn mẩy không bị vỡ, vo cho thật sạch, lấy lá xanh bọc xung quanh thành hình vuông, cho trân cam mỹ vị vào bên trong để tượng trưng cho trời đất, vạn vật rồi nấu chín, gọi là Bánh Chưng. Lại lấy gạo nếp nấu chín, giã cho nát, nặn thành hình tròn, tượng trưng cho Trời gọi là Bánh Dày.
Đến hạn, Hùng Vương truyền các con bày vật tiến lên. Xem qua khắp lượt, thấy không thiếu thứ gì. Duy có Lang Liêu chỉ tiến dâng bánh chưng và bánh dày. Vua Hùng lấy làm kinh ngạc, Lang Liêu đem giấc mộng thuật lại. Vua đem nếm, thấy ngon miệng không chán, hơn hẳn các thứ sơn hào hải vị khác, tấm tắc khen hồi lâu rồi trao giải nhất cho Lang Liêu trong sự ngỡ ngàng của quần dân. Đến ngày Tết, vua thường lấy bánh này dâng cúng tổ tiên cha mẹ.
Thời Thượng Cổ, con người đạo đức cao thượng, sống hòa nhập với thiên nhiên, kính thờ Trời Đất và Thần linh nên mới có thể giao cảm với thế giới linh thiêng ở tầng cao hơn. Vì thế trong sử sách ta hay bắt gặp những chuyện Thần tiên hiển linh giúp người.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể được gặp Thần và được Thần giúp. Chỉ có những người tu luyện, vua chúa quan lớn hay những người có đạo đức rất tốt đẹp mới được Thần nhân hiển linh giúp đỡ. Gần đây nhất có Lê Thánh Tông, xa hơn nữa là vua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều có ghi lại Thần tích hiển hiện.
Vậy chứng tỏ rằng Lang Liêu chính là “Chân Mệnh Thiên Tử” có Đức cao được Trời bảo hộ và đã an bài để Lang Liêu nối ngôi báu nên mới giúp đỡ ông chu đáo như vậy. Nhưng nếu Thần linh đã nhọc lòng giúp đỡ, thì sao chỉ giúp cho làm có hai chiếc bánh mà không phải là điều gì đó to lớn hơn?
Thời đại Văn Lang là nền văn minh được Thần linh truyền lại qua thể hiện của sự kết hợp giữa Long tộc và Tiên tộc (Long Quân và Âu Cơ). Vì lẽ đó mà các vị lãnh đạo tối cao của nền văn minh này đều là Thần (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân), hay nửa Người nửa Thần (các đời vua Hùng sau Long Quân), hay chí ít cũng là người đạo đức cao thượng và thành kính tu luyện nên lúc nào cũng có thể giao cảm với Thần linh.
Vậy nên nhờ đó mà quốc gia Văn Lang tồn tại gần 2700 năm, lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, chính là nhờ sự lãnh đạo bởi các nhà lãnh đạo đức hạnh cao thượng và Thần linh phù trợ.
Muốn kế thừa quốc gia, ắt phải kế thừa đầy đủ nghệ thuật trị quốc của tổ tiên. Vậy thì lấy gì để biểu hiện sự uyên thâm và ứng dụng được nghệ thuật trị quốc ấy?
“Đại đạo là chí giản chí dị” (Đạo lớn là rất đơn giản, rất giản dị), nên thứ mà chư Thần truyền cho Lang Liêu cũng phải như thế. Nó phải là thứ đơn giản nhất, mộc mạc nhất nhưng gói trọn ý nghĩa to lớn nhất, chung đúc cả một nền văn hóa vào trong đó.
Gốc rễ Vương Đạo cũng là gốc rễ của văn hóa cổ Đông phương. Nó chính là sự vận động của vũ trụ thể hiện qua Âm Dương, Ngũ Hành và quan hệ giữa con người và trời đất thể hiện qua triết thuyết Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân).
Quá trình chuẩn bị làm bánh, gói và nấu chính là quá trình thần thánh miêu tả từ lúc hỗn độn chưa có thời gian mà sinh thành một vũ trụ hoàn chỉnh, tạo ra thế gian con người và quốc gia Văn Lang. Nhà vua chính là một nhân tố làm cho sự thần thánh ấy kéo dài thêm, đó chính là Vương Đạo.
Khi cắt bánh chưng ra (hình vuông tượng trưng cho mặt đất), ta thấy cả một vùng đất trù phú với 5 màu sắc thật hấp dẫn: Màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối và chấm đen của thảo quả, hạt tiêu.
Từ trong ra ngoài của chiếc bánh thể hiện triết lý Âm Dương, Tam Tài, Ngũ Hành vốn là những nguyên tắc trị quốc mà một bậc Thiên tử phải tuân theo khi thực hành Vương Đạo giáo hóa nhân dân. Vương Đạo trị quốc này có nhiều tầng thứ và đẳng cấp tùy theo năng lực và đạo đức của nhà vua.
Màu vàng hành Thổ nằm ở trung tâm tượng trưng cho đất đai cũng như nhà vua và hoàng quyền. Hành Thổ còn tượng trưng cho đức Tín trong Ngũ Đức (Nhân-Lễ-Nghĩa- Trí-Tín). Vì Thiên tử là bậc tôn quý ngự giữa nhân gian, cai trị nhân dân, là cầu nối giữa con người và Thần, là người quản lý sự bình yên của mặt đất bằng cách tuân theo Mệnh Trời mà hành đạo nên Tín là đức đầu tiên phải đạt đến. Do đó mới có câu: “Quân vô hý ngôn” (vua không nói chơi), vì lẽ Tín Nghĩa là gốc để cai trị thiên hạ.
Để đạt Tín thì nhà vua phải có sự trợ giúp của Lễ (hành Hỏa – màu đỏ hồng của thịt lợn) và Nghĩa (hành Kim – mỡ lợn và màu trắng của nếp), một cái tương sinh và một cái sinh xuất giúp cho đức Tín nhà vua đạt đến sự hài hòa, vì trong triết lý cổ, hài hòa mới là mục đích cần đạt đến. Đức Tín của hoàng đế cũng phải hài hòa chứ không nên trở thành cực đoan.
Lễ Nghi giúp phân chia các mối quan hệ xã hội trên dưới rõ ràng minh bạch khiến cho cả xã hội vận hành tốt, Tín Nghĩa giúp duy trì sự ổn định của xã hội và giữ gìn đạo đức cho quốc gia. Ngày nào mà Lễ Nghi và Tín Nghĩa có thể được Hoàng gia duy trì thì ngày đó đất nước vẫn yên bình. Đây là phần căn bản nhất của Vương Đạo.
Ngoài các điều trên ra thì còn có hai đức tính khác nữa quan trọng hơn, nó giúp cho ba hành kia (Thổ, Kim, Hỏa) được cân bằng hoàn hảo và cũng góp phần vào duy trì sự ổn định của xã hội và vương quyền, khi hoàng đế thực hành nó để đạt đến trình độ cai trị cao hơn. Nó chính là Đức Nhân (hành Mộc) và Đức Trí (hành Thủy).
Không giống như các vị vua sau này, coi việc cai trị như một quyền lợi và quốc gia là tài sản, các hoàng đế thời Thượng Cổ coi việc trị quốc là một phần của sự tu luyện để đắc Đạo thành Tiên, thành Chân Nhân vĩnh sinh bất diệt nên họ rất chú trọng đạo đức bản thân và duy trì sự hài hòa trong vạn sự.
Vì thế bánh chưng luôn phải dùng nước (Thủy) để luộc, xong xuôi phải ra được màu sắc ngũ hành và màu xanh lá bên ngoài mới được xem là đạt chuẩn. Nước chính là nguồn gốc của vũ trụ sinh ra vạn vật (Thiên Nhất Sinh Thủy), là thứ thể hiện đặc tính của Đạo (thứ mà người tu nào cũng muốn đắc) rõ nét nhất.
Vì có đặc tính của Đạo, nên nước thể hiện cho trí huệ vô cùng thông suốt mà bậc Quân Vương phải đạt đến để trị quốc. Đun sôi nước để luộc bánh chính là thể hiện sự thăng hoa của trí huệ của nhà vua để thấm hết vào trong toàn thiên hạ, khiến cho ngũ hành ban đầu vốn rời rã (bánh chưa luộc) trở nên biến hóa và hòa quyện vào nhau tạo thành một chiếc bánh ngon tuyệt (thành quả của quá trình cai trị bằng trí huệ). Để có thể thăng hoa về trí huệ, ắt phải dùng củi đốt (củi là Mộc), tượng trưng cho Đức Nhân và cũng là sự tu dưỡng đạo đức của bản thân vậy.
Ngoài ra còn có bánh dày, bánh rất đơn giản chỉ làm từ gạo, màu trắng hình tròn nằm bên cạnh bánh chưng màu xanh hình vuông. Phải chăng đó là thể hiện sự kính cẩn tuân theo Thiên Mệnh của nhà vua, vì Đạo Trời lúc nào cũng rất gần với chúng ta và bao trùm lên tất cả (bánh dày màu trắng và bên trong bánh chưng chủ yếu cũng là màu trắng).
Rộng lớn hơn nữa, nếu nói bánh chưng là tượng trưng cho quốc gia và thành quả của nhà vua, vậy thì nồi luộc bánh (nồi tròn kim loại) chứa cả ngũ hành phải chăng chính là vũ trụ? Nói chính xác hơn nó chính là tượng trưng cho cái lò luyện kim đan của người tu luyện (hoàng đế thời Thượng Cổ) và quốc gia chính là Kim Đan mà ông phải luyện thành. Nếu như lò không đủ lửa (đạo đức không đủ) và nước không trong sạch và không sôi (trí huệ tăm tối và không coi trọng việc tu đức) thì ắt quốc gia sẽ loạn (bánh hư) và kim đan bất thành (tu không đắc Đạo).
Các đời vua Hùng trước vua cha của Lang Liêu đều là những người tu luyện có thành tựu. Cao nhất là Lạc Long Quân sống đến 420 tuổi rồi thành Động Đình Đế Quân. Các vua sau tuy không thành Tiên nhưng cũng sống rất thọ nhờ tu luyện.
Lang Liêu chính là người được chọn vì có trình độ tu luyện cao, có thể câu thông với Thần linh và có khả năng thực thi được ý chỉ của Trời thông qua hình tượng bánh chưng và bánh dày.
Cùng nhau ôn lại chút tích xưa điển cũ bên ly trà dưới gốc mai vàng mà cùng nhớ về thời oanh liệt cổ xưa của tiền nhân. Thời mà con người sống trong Đạo Đức với sự bảo hộ của Thần Phật, quốc gia giàu mạnh vĩ đại với cuộc sống bình an tốt đẹp lâu dài cùng với những vị hoàng đế tu Tiên hóa thân thành bất tử.
Tĩnh Thuỷ