CHƯƠNG ĐẶNG
Người Sáng Lập và Cổ Đông của Chuỗi Cà Phê Kujuz
Sáng Lập và Cổ Đông Nhà Hàng Ru Phở Bar
Chủ Thương Hiệu Áo Dài Kujean by Chuong Dang
Tham Gia Dạy Học
TV Talk Show
và Kênh Youtube Food and Love
Chủ chuỗi nhà hàng, cà phê danh tiếng ở Sài Gòn, Chương Đặng được biết đến như một doanh nhân thành đạt. Nhưng một nửa số khách hàng lại yêu mến anh hơn cả trong vai trò là nhà thiết kế, bởi những chiếc áo dài đầy nữ tính, thanh nhã và tiện dụng. Kết nối tất cả những ý tưởng kinh doanh bằng tâm hồn của một nghệ sĩ và suy tư về những giá trị nhân văn mà anh tin rằng sẽ bất biến, Chương Đặng biến cuộc đời mình thành nguồn cảm hứng sống cho những điều đẹp đẽ ẩn chứa trong tâm hồn mỗi người.
PV: Những chiếc áo dài của anh có gì đó mộc mạc, vẻ sang trọng cũng ẩn trong sự kín đáo và giản dị. Nó khiến tôi nghĩ về những người phụ nữ Sài Gòn xưa, anh có thể chia sẻ về cảm hứng của anh khi thiết kế những chiếc áo dài đó?
Thật tình thì tôi cũng không làm gì nhiều với những thiết kế áo dài. Chỉ là những thay đổi về chi tiết, chất liệu, hay công năng… nhưng vẫn là những phom dáng áo từ thời bà tôi, mẹ tôi vẫn hay mặc.
Bà ngoại tôi là người trọng hình thức, khi bà mất trong tủ áo của bà có đến mấy chục chiếc áo các thể loại, giầy và khăn choàng cũng nhiều… Bà đã gieo vào lòng tôi những rung động đầu tiên của sự tươm tất, và tính tình phóng khoáng. Khi bà đi nhà thờ, đi đám cưới bà đều khiến người khác thấy bà mặc thật đẹp, đầm thấm và dễ gần.
Nhưng mẹ tôi thì ngược lại, bà ít khi mặc áo dài. Một vài dịp hiếm hoi trong những buổi lễ lớn bà sẽ mặc chiếc áo dài lập thể yêu thích của bà và của cả gia đình. Mẹ tôi là người dạy tôi về sự phù hợp; bà không muốn có sự khiên cưỡng nào. Cho nên khi bà mặc chiếc áo dài vào, thì hết thảy mọi thành viên trong gia đình đều biết chắc chắn rằng: lễ hội đã thực sự hiện diện trong mái ấm của chúng tôi.
Sau này, khi có điều kiện tiếp xúc với văn hóa phương Tây, tôi lại muốn những thiết kế áo dài có chút hơi hướng của một đời sống văn minh, thời trang và quý phái. Rất hợp với phụ nữ xứ mình.
(Ảnh: Facebook Chương Đặng)
PV: Phụ nữ là nguồn cảm hứng của bất kì nhà thiết kế nào khi thiết kế áo dài. Mỗi nhà thiết kế cảm nhận về người phụ nữ theo cách của riêng họ và làm ra những sản phẩm thể hiện điều đó. Người phụ nữ trong nguồn cảm hứng của anh như thế nào? Và anh nghĩ gì về vai trò của họ?
Tôi luôn bị ám ảnh về sự nhẫn chịu của phụ nữ. Bên trong vóc dáng nhỏ bé, dịu dàng luôn chứa đựng sức mạnh và sự dẻo dai không ngờ. Nhưng dù có thế nào thì họ vẫn mong manh như giọt sương sớm… nên dễ khiến nam giới mủi lòng và ở cấp độ cao nhất, chính sự mong manh nơi phụ nữ lại đánh thức nam tính nơi đàn ông. Tôi thấy phụ nữ thật mạnh mẽ, vì họ biết cách đóng khung khả năng phi thường của mình trong sự khiêm nhu, lặng lẽ.
(Ảnh: Facebook Chương Đặng)
Tôi thấy phụ nữ thật mạnh mẽ, vì họ biết cách đóng khung khả năng phi thường của mình trong sự khiêm nhu, lặng lẽ.
PV: Vậy theo anh tại sao ngày nay phụ nữ trở nên mạnh mẽ và bình đẳng với nam giới về mọi mặt. Chẳng phải họ đang chứng tỏ giá trị của mình sao?
Thú thật, tôi không tin vào sự bình đẳng. Nếu có thì thế giới này đáng chán biết bao. Phụ nữ càng mạnh, càng hiểu giá trị của mình càng thích dùng nữ tính và sự mềm mại duyên dáng như một giá trị cốt lõi mang tính đặc trưng. Đàn ông và đàn bà được thiết kế khác nhau, và mang những sứ mệnh liên quan đến những đặc tính về sức khỏe, vóc dáng, tính cách và tâm lý đặc trưng. Mọi sự chứng tỏ đều vô nghĩa.
Tôi khuyến khích phụ nữ trở nên độc lập, sử dụng tối đa khả năng của họ để xây dựng giá trị tự thân. Và tôi cũng khuyên nam giới nên làm vậy. Tức là, mỗi chúng ta cần phải trở nên văn minh và bình đẳng, chứ không ai cần phải “vùng lên” làm gì cả.
PV: Vì sao lại là áo dài mà không phải là các trang phục khác?
Vì áo dài thật quá đỗi mong manh!
PV: Áo dài của anh khiến tôi có cảm giác rằng anh nghĩ đến một mẫu người phụ nữ cụ thể cho một chiếc áo mà anh thiết kế. Những chiếc áo ở đó có vẻ gì đó thật lạ. Lặng lẽ, kín đáo, và giản dị, như chờ đợi người phụ nữ là chủ nhân của nó. Và những tà áo dài thanh nhã, mộc mạc ấy trở nên đẹp và sống động không ngờ khi mặc vào người một cô gái phù hợp. Sự hài hòa và hoản hảo đến độ không biết tà áo làm cô ấy đẹp hay cô ấy làm chiếc áo trở nên đẹp lạ lùng nữa?
Tôi thấy phía sau mỗi nỗ lực để tìm kiếm sự đồng cảm là những người cùng cảnh ngộ. Áo dài chọn tôi, và phụ nữ tìm đến tôi như tìm đến một người bạn. Thay vì cố gắng thuyết phục họ về sản phẩm, tôi lại ngồi nghe những câu chuyện đôi khi rất riêng tư của họ. Phụ nữ luôn muốn mình đẹp dù mỗi cá nhân đều có thể có những khiếm khuyết khác nhau. Như có người phẫu thuật ung thư vú, hay vết sẹo bên cánh tay, cơ thể thiếu gọn gàng sau khi thực hiện bổn phận làm mẹ… Tôi lắng nghe họ và khi tôi làm chiếc áo với những khuân rập được chỉnh sửa nhiều lần vì những ý tứ thiết thân với cơ thể của phụ nữ, nên đa phần khi họ mặc chiếc áo vào là có ngay cái cảm giác chiếc áo được may đo cho riêng họ.
(Ảnh: Facebook Chương Đặng)
PV: Dường như sự bao dung với những khiếm khuyết của chính mình khiến anh thấu hiểu và bao dung với những khiếm khuyết của người khác. Phải chăng điều ấy khiến anh trở thành một người khuyết tật thành đạt, hạnh phúc, đầy năng lượng sống và tinh yêu với cuộc đời? Mọi người hay nhắc đến anh với sự cảm phục, ngưỡng mộ và nhiều yêu thương.
Tôi nghĩ mỗi người đều khiếm khuyết theo một cách khác nhau, nghĩa là thấy mình có gì đó thua kém những người khác hoặc thua kém so với kì vọng của chính mình. Nhưng tôi nghĩ khi có thể vượt qua được mặc cảm cá nhân đó thì mình mới có thể có được sự tự tin và tỏa ra vẻ đẹp từ bên trong. Sự khuyết tật về thân thể đối với tôi không phải là điều gì quan trọng, hãy giữ sao cho tâm hồn mình không bị khuyết tật thì tốt hơn.
Những người cảm phục, ngưỡng mộ, và yêu thương tôi mà tôi biết đa phần vì tôi là một người chịu khó, vui tính và lạc quan. Tôi nói điều này với tất cả sự khiêm tốn: “nước chảy chỗ trũng”; không ai muốn tìm đến sự muộn phiền, đau khổ hay thất vọng. Bạn không thể nhân danh sự khiếm khuyết, sự thiệt thòi, sự kém may mắn, phái tính hay quốc tịch của mình để bào chữa cho việc mình xứng đáng là người nhận lấy, chứ không phải cho đi. Bạn chỉ trở nên hấp dẫn khi bạn có thể cho đi, chứ không nên là ngược lại.
Mối quan hệ nào cũng đòi hỏi 2 chiều. Nếu tôi được yêu mến, thì vì tôi là người đáng mến; và đã trọn vẹn phần đóng góp của mình cho mối quan hệ ấy; nếu tôi không chăm chút mà mặc nhiên cho rằng tôi xứng đáng được như thế. Tôi e là tình cảm ấy sẽ chẳng đi đến đâu!
Bạn chỉ trở nên hấp dẫn khi bạn có thể cho đi, chứ không nên là ngược lại.
PV: Bất hạnh trong cuộc đời có ảnh hưởng đến nhân sinh quan và cách sống của anh?
Có! Vì nó giúp tôi hiểu ra rằng: điều đáng sợ nhất không phải là sự bi đát của tình cảnh; mà việc bạn để cho ai đó tự kết luận về cuộc đời của bạn. Như thế là bất công và vô tâm với chính mình.
PV: Tiệm Áo dài trong hẻm, may bằng vải cotton, Linen, hoặc thun – những chất liệu không phải là sang trọng như người ta vẫn hình dung về áo dài; quán cà phê trên những con đường vắng người, thậm chí có một quán không có người phục vụ, nhà hàng Việt Nam với những thiết kế thức ăn độc đáo… có điểm gì chung trong những ý tưởng kinh doanh đó? Và phải hiểu rằng anh đa tài hay là người ham làm giàu với rất nhiều ý tưởng kinh doanh?
Điểm chung là một phong cách sống. Có một thời gian, chúng ta hay tự ti về sản phẩm Việt. Tôi luôn muốn nhắc nhở mọi người rằng bên cạnh áo dài tôn vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, thì từ đất và nước này… nhiều sản vật phong phú và ngon lành cần được trân quý nếu chúng ta chịu khó đầu tư cho sáng tạo, kiên tâm với sự tử tế, và không bị ý tưởng làm giàu lấn át tất cả. Việt Nam có nhiều gạo ngon, cà phê xịn, trà hạng nhất, cacao đặc biệt, tiêu xanh chất lượng … và còn nhiều món ngon khác mà người Việt cứ quên không thưởng thức cho đúng điệu.
(Ảnh: Facebook Chương Đặng)
“Tôi luôn muốn nhắc nhở mọi người rằng bên cạnh áo dài tôn vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, thì từ đất và nước này… nhiều sản vật phong phú và ngon lành cần được trân quý nếu chúng ta chịu khó đầu tư cho sáng tạo, kiên tâm với sự tử tế, và không bị ý tưởng làm giàu lấn át tất cả”.
PV: Nghĩa là phong cách sống của anh là kinh doanh bằng sự tử tế và không bị ý tưởng làm giàu lấn át? Chẳng phải lợi nhuận chính là động lực lớn nhất trong kinh doanh? Ngày nay nếu nói kinh doanh không phải vì để làm giàu thì có vẻ thật khó tin. Và nếu không phải vì làm giàu thì là vì điều gì vậy?
Tôi nghĩ lợi nhuận chính đáng phản ánh sự tử tế của một doanh nghiệp. Mỗi ngày, mỗi thành viên trong một doanh nghiệp đều phải đấu tranh với nhiều cám dỗ để giữ mình là người tử tế. Việc cân đối mọi yếu tố để phát triển sự thịnh vượng chung, từ cá nhân đến cộng động là lý do cốt yếu cho sự tồn tại của một doanh nghiệp – ít nhất thì với riêng tôi là vậy.
PV: Anh còn có nghề dạy học? Anh thường dạy trẻ em điều gì/hay theo cách nào?
Vâng, chủ yếu là các ‘workshop’ tôi làm với các em nhỏ; như một hình thức lắng nghe hoặc cùng làm một việc gì đó. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng đầy màu sắc. Tôi ước mong được phép thâm nhập vào thế giới ấy để hiểu hơn về các em, và cùng với phụ huynh tìm cách nhân rộng những điều hay ho thú vị hay sự tử tế nơi các em.
PV: Kinh doanh dựa trên tử tế, dạy học để giáo dục sự tử tế cho trẻ em. Dường như sự tử tế là triết lý sống của anh? Tại sao nó lại ám ảnh anh nhiều đến thế?
Vì tôi thấy rằng mọi giá trị đều có thể thay đổi với thời gian, nhưng sự tử tế thì không. Tôi bị ám ảnh, vì tôi thấy nó là chân lý để thực hiện, là giáo trình có thể áp dụng với mọi lứa tuổi, mọi môi trường. Tôi biết rằng tôi có thể sai, thầy cô hay cha mẹ tôi có thể sai, chính phủ và máy lap top của tôi cũng có thể sai… nhưng sự tử tế thì không bao giờ!
PV: Anh từng nói “Sức mạnh lớn nhất của con người trong thời đại này là lòng bao dung.” Lòng bao dung liệu còn có chỗ trong một xã hội đang tha hóa với tốc độ khủng khiếp này?
Chính vì vậy nó càng trở thành sức mạnh!
PV: Bài học lớn nhất trong cuộc đời anh?
Là sự tha thứ. Vì cuộc đời ai cũng có những lầm lỡ, và ai cũng cần được có cơ hội để trở nên tốt hơn chính họ của ngày hôm qua. Nếu con người sống bao dung thì mọi thứ chắc chắn sẽ tốt đẹp. Còn ngược lại thì con người chắc chắn sẽ đi đến diệt vong. Sự diệt vong lớn nhất trong tâm hồn của một con người là mảnh đất khô cằn, không có chỗ cho niềm tin và hạnh phúc. Việc tồn tại như thế còn khốn đốn hơn cả cái chết.
PV: Cuốn sách anh thích nhất?
Suối nguồn.
PV: Vì cái tôi cá nhân đầy kiêu hãnh của Howard? hay vì mối tình đẹp một cách hoàn hảo với Dominique?
Vì phía sau bất kì cái đẹp gần như hoàn hảo bên ngoài nào cũng tiềm ẩn sự dối trá, và tận cùng của cái xấu, ví như một tính cách bị xem thường, hay sự yếu đuối tự tư … đều ẩn chứa hy vọng lấp lánh một cái đẹp trong một dạng thức khác.
PV: Cuối cùng, anh quan niệm thế nào là hạnh phúc?
Đó là điều tôi không biết nhiều nhất, đôi khi tôi cảm thấy dường như tôi đang hạnh phúc và tôi đắm chìm vào đấy rồi!
Vì cuộc đời ai cũng có những lầm lỡ, và ai cũng cần được có cơ hội để trở nên tốt hơn chính họ của ngày hôm qua. Nếu con người sống bao dung thì mọi thứ chắc chắn sẽ tốt đẹp.
Lam Thư