Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” (chọn lọc) này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Nuôi không dạy, lỗi người cha

Dạy không nghiêm, lỗi người thầy.

Con không học, lẽ chẳng nên

Trẻ không học, già buồn thêm.

Diễn giải

Là người làm cha làm mẹ, nếu chỉ nuôi dưỡng con cái, cung cấp những nhu cầu cuộc sống vật chất cho con mà không dạy bảo, quản lý tốt con cái thì đó là lỗi của cha mẹ. Cùng đạo lý như vậy, nếu người thầy dạy dỗ học sinh mà không nghiêm khắc đôn đốc, nghiêm túc dạy học, thì đó là sự biếng nhác không tròn trách nhiệm người thầy.

Ở tuổi thiếu niên nhi đồng mà không chăm chỉ học tập thì đó là việc không nên. Tuổi nhỏ không dụng tâm học tập, không hiểu đạo lý làm người, không có học thức phong phú để tạo dựng chỗ đứng trong xã hội, đến khi lớn tuổi rồi thì có thể làm nên chuyện gì nữa đây?

Câu chuyện tham khảo: Vũ Huấn mở trường

Vào đời nhà Thanh, ở huyện Đường Ấp tỉnh Sơn Đông có một người hành khất tên là Vũ Thất. Ông đã đi ăn xin và làm thuê đủ nghề để dành dụm tiền mua đất xây trường học. Vì những đóng góp to lớn của ông trong việc xây trường, người ta đã gọi ông là Vũ Huấn (chữ “Huấn” trong “giáo huấn”).

Cha của Vũ Huấn qua đời khi ông mới năm tuổi, hai mẹ con ông đi xin ăn để sống qua ngày. Mặc dù rất khó khăn, nhưng ông vẫn còn có mẹ để dựa vào nhau mà sống, cuộc sống cũng dễ chịu. Nhưng không may năm Vũ Huấn lên bảy thì mẹ ông lại qua đời. Một mình bơ vơ không nơi nương tựa, Vũ Huấn đã đi khắp nơi để làm thuê cho người khác. Vũ Huấn không bận lòng vì phải sống một cuộc đời cơ cực, nhưng điều làm ông thấy buồn phiền nhất chính là không được đến trường học chữ đọc sách như những đứa trẻ khác.

Trải qua nhiều gian khổ, Vũ Huấn nhận ra tầm quan trọng của việc học. Bản thân phải chịu thiệt thòi vì mù chữ và thất học, không có cách nào làm được những việc lớn, thế nên ông đã quyết định xây dựng một ngôi trường miễn phí để những trẻ em nghèo có cơ hội học tập. Ông không muốn người khác phải chịu thiệt như ông, chỉ vì không có tiền mà đã mất đi cơ hội học tập. Thế là ban ngày ông đi ăn xin, ban đêm ông bện dây thừng. Sau ba, bốn mươi năm liên tục làm việc cật lực, ngôi trường “Sùng Hiền Nghĩa Thục” của ông đã được thành lập, mang lại lợi ích cho nhiều học trò.

Vũ Huấn rất quan tâm đến việc học tập của học trò, và cũng rất kính trọng các thầy giáo. Nếu ông thấy thầy giáo không dạy dỗ học trò cẩn thận, hoặc học trò không học hành chăm chỉ, ông sẽ quỳ gối trước họ và cầu xin họ hãy tận tâm làm tròn bổn phận, nỗ lực gắng sức. Vì vậy, cả thầy lẫn trò đều rất cảm động, không dám lười biếng trễ nải nữa. Tinh thần nỗ lực xây dựng trường học của ông đã làm nhiều người cảm động.

Thực ra, giáo dục có một ảnh hưởng rất to lớn đến cuộc đời mỗi con người. Khi còn nhỏ tuổi, nếu không biết trân quý cơ hội học tập và không biết tận dụng thời gian vàng bạc để tu dưỡng phẩm đức thì khi tuổi tác nhiều lên sẽ hối hận. Tả Tông Đường, một nhà chính trị nổi tiếng đời nhà Thanh, có một thuộc cấp tên là Trương Diệu, người đã nhiều năm theo ông và lập được nhiều chiến công. Tả Tông Đường đã tiến cử Trương Diệu với triều đình để ông làm một chức quan to. Tuy nhiên, Trương Diệu lại không biết đọc, không biết chữ. Triều đình không còn cách nào khác, buộc phải thu hồi chức quan của ông. Vô cùng hối hận, Trương Diệu đã quyết tâm học tập, mời thầy đến, học tập ngày đêm, tu thân dưỡng tính. Cuối cùng ông học hành có được thành tựu và lại được triều đình trọng dụng.

Bài thơ “Trường Ca Hành” thể thơ Nhạc Phủ viết:

Trăm sông đổ ra biển,

Khi nào trở về Tây?

Tuổi trẻ không gắng sức,

Tuổi già sầu thương thay.

Nguyên văn:

Bách xuyên Đông đáo hải,

Hà thời phục Tây quy?

Thiếu tráng bất nỗ lực,

Lão đại đồ thương bi.

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 3: Vũ Huấn mở trường học

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

養不教,父之過

教不嚴,師之惰

子不學,非所宜

幼不學,老何為

Âm Hán Việt

Dưỡng bất giáo, phụ chi quá,

Giáo bất nghiêm, sư chi đọa.

Tử bất học, phi sở nghi,

Ấu bất học, lão hà vi.

Pinyin Hán ngữ

yǎng bù jiào,fù zhī guò

jiào bù yán,shī zhī duò

zǐ bù xué,fēi suǒ  yí

yòu bù xué, lǎo hé wéi

Chú giải

(1) Dưỡng (養):nuôi dưỡng

(2) Giáo (教):dạy dỗ, giáo dục

(3) Phụ (父):cha

(4) Quá (過):lỗi, lầm lỗi

(5) Nghiêm (嚴):nghiêm, nghiêm khắc

(6) Sư (師):thầy

(7) Đọa (惰):bê trễ, lười biếng, không tròn trách nhiệm

(8) Tử (子):trẻ con, nhi đồng

(9) Phi (非):không

(10)  Nghi (宜):nên

(11)Ấu (幼):nhỏ, trẻ

(12)Lão (老):già

(13)Hà (何): gì, sao

(14)Vi (為):làm

Nuôi dạy con cái là trách nhiệm của người làm cha mẹ (Ảnh chụp màn hình video của Chánh Kiến).

Đọc sách bút đàm

Bài mở đầu đề cập đến mục đích căn bản của giáo dục là giữ gìn bản tính thiện lương không bị thay đổi: “Người ban đầu, vốn tính thiện; Nếu không dạy, tính đổi liền”. Do đó, cha mẹ cần gánh vác trách nhiệm giáo dục đức hạnh cho con cái. Nếu cha mẹ chỉ cung cấp hưởng thụ về vật chất thì là hành vi thiếu trách nhiệm.

Vì vậy, người xưa có rất nhiều gia huấn, Nhật Bản gọi là đình huấn, vẫn còn truyền thừa đến ngày nay. Sau thời thống trị của Mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản càng chú trọng giáo dục Nho gia, gia giáo nghiêm khắc, các trường tư thục khắp nơi trong toàn quốc đã bồi dưỡng cho con em lễ nghi ngôn hành đoan chính.

Giáo dục tiểu học hiện đại của Nhật Bản đều có nguồn gốc từ các trường học tư thục Terakoya thời Edo. Tiểu học, trung học không chỉ học tập thơ ca chữ Hán, thậm chí còn học “Luận ngữ” của Khổng Tử. Ngoài ra còn mở các môn học khoa gia đình, phải học nấu ăn, may vá và quét dọn, để trẻ hiểu được cảm ân và đạo lý đối nhân xử thế cơ bản. Có thể nói, giáo dục trẻ dọn dẹp ứng đối thời hiện đại là kế thừa truyền thống giáo dục gia đình và tư thục cổ đại. Đây cũng là lý do tại sao giới doanh nhân Nhật Bản có luân lý nghề nghiệp, coi trọng thành tín, bước đi vững chắc và có chỗ đứng trên thế giới ngày nay.

“Tam tự kinh” ban đầu giảng tôn chỉ của giáo dục, thái độ của người dạy và người học cần phải có đối với giáo dục. Các bài tiếp theo bảo với trẻ từng bước từng bước học tập như thế nào. Vì vậy, có người nói “Tam tự kinh” dường như có thể khiến người ta tự học thành tài, đưa ra phương hướng làm thế nào để trở thành đại gia Nho học. Thảo nào giáo dục đế vương cổ đại đều coi trọng bộ sách này như vậy.

“Tam tự kinh” có tôn chỉ cao minh, quy chính nhân tâm, mà ngôn ngữ lại nông cạn dễ hiểu, đọc lên vần điệu, nên có thể đi sâu vào lòng người. Đây không chỉ là sách vỡ lòng tốt dành cho trẻ em mà còn là bài học cảnh tỉnh, dạy bảo sâu sắc đối với bậc cha mẹ và mọi người.

Muốn con em thành tài lớn, có chí lớn, xin hãy bắt đầu bằng học tập “Tam tự kinh”.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

videoinfo__video3.dkn.tv||23ecf54f2__