(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Ăn uống, đi đứng
Diễn giải
Bất kể là ăn cơm uống nước hay là đi đứng nằm ngồi thì người lớn phải ưu tiên, người nhỏ tuổi hơn phải làm sau.
Khi người lớn gọi ai đó cần lập tức thay cho người lớn đi gọi. Nếu người cần gọi không có mặt thì mình lập tức đến trước mặt người lớn để giúp đỡ.
Gọi người lớn thì không được gọi tên. Không được hiển thị, khoe tài năng của mình trước người lớn.
Câu chuyện tham khảo:
Vương Thị tự ăn cám
Vợ Hạ Thành Minh triều Minh tên là Vương Thị, là một phụ nữ nông dân ở Vô Tích tỉnh Giang Tô, gia cảnh nghèo khổ, lại gặp phải năm mất mùa. Chồng cô đi làm xa, Vương Thị ngày đêm miệt mài dệt vải, dốc hết sức chuẩn bị cơm, thức ăn cho cha mẹ chồng, còn cô thì ăn cám và rau quả dại.
Một lần mẹ chồng ngẫu nhiên đi xuống bếp, nhìn thấy những thứ cô đang ăn, không nén nổi nước mắt tuôn rơi. Sau này Vương Thị sống thọ 80 tuổi, không có bệnh tật gì, yên lành ra đi. Người nhà mộng thấy một đoàn người cầm cờ tấu nhạc đến nghênh đón người phụ nữ hiếu hạnh ra đi. Trong xóm có vị cống sinh, mỗi lần đi qua cổng nhà Vương Thị đều nhất định đứng ngoài cổng kính lễ 3 vái, bày tỏ lòng tôn kính.
Phụ chú
– Mất mùa: do lũ lụt hoặc hạn hán mà thu hoạch không tốt, mùa màng thất thu, xảy ra nạn đói.
– Cống sinh: thời đại khoa cử, chọn học trò có phẩm hạnh tốt được ưu tiên, được tiến cử vào Thái học (Quốc tử giám) ở kinh sư (kinh thành) để học hành. “Cống” nghĩa là tiến cử nhân tài cho vua
1. Nguyên tác
或 飲 食 或 坐 走
長 者 先 幼 者 後
長 呼 人 即 代 叫
人 不 在 己 即 到
稱 尊 長 勿 呼 名
對 尊 長 勿 見 能
2. Âm Hán Việt
Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu
Trưởng giả tiên, ấu giả hậu
Trưởng hô nhân, tức đại khiếu
Nhân bất tại, kỷ tức đáo
Xưng tôn trưởng, vật hô danh
Đối tôn trưởng, vật kiến năng.
3. Pinyin Hán ngữ
Huò yǐn shí,huò zuò zǒu
Zhǎng zhě xiān,yòu zhě hòu
Zhǎng hū rén,jí dài jiào
Rén bú zài,jǐ jí dào
Chēng zūn zhǎng,wù hū míng
Duì zūn zhǎng,wù xiàn néng.
4. Chú thích:
– Hoặc: hoặc, hoặc là, hay là
– Trưởng: người lớn, trưởng bối, bề trên
– Hô: gọi
– Tức: lập tức, ngay
– Đại: thay, thay thế
– Xưng: xưng hô, gọi
– Hiển năng: hiển thị tài năng
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch