(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Không thực hành
Diễn giải
Bất kỳ việc gì nếu bản thân không dốc sức làm, chỉ học tập kiến thức trong sách vở mà không biết ứng dụng, thế thì rất không thiết thực, thiếu thực tế, sau này lớn lên sẽ không biết trở thành người như thế nào.
Nhưng nếu chỉ biết dốc sức mù quáng làm mà không học tập tri thức và kinh nghiệm từ trong sách thì rất cố chấp và tự cho mình đúng, thế thì cũng không thể hiểu rõ được đạo lý chân chính.
Câu chuyện tham khảo:
Đánh trận trên giấy
Năm 262 TCN, nước Tần tấn công nước Hàn, bao vây nước Hàn và ngăn cách nước Hàn với quận Thượng Đảng, vùng lãnh thổ phương Bắc. Các tướng lĩnh quân Hàn ở Thượng Đảng không muốn đầu hàng nước Tần, bèn đem theo bản đồ dâng Thượng Đảng cho nước Triệu. Sau 2 năm, nước Tần lại sai Vương Hột chuẩn bị đánh Thượng Đảng. Triệu Vương nghe được tin bèn sai Liêm Pha dẫn hơn 20 vạn quân đi cứu Thượng Đảng. Quân Triệu mới đến Trường Bình thì Thượng Đảng đã bị quân Tần tấn công chiếm được rồi.
Khi đó Vương Hột còn muốn tiếp tục tiến quân đánh Trường Bình, thế là nhiều lần khiêu chiến quân Triệu. Dù quân Tần khiêu chiến thế nào đi chăng nữa thì Liêm Pha cũng không giao chiến trực diện với quân Tần, trái lại ông chuẩn bị dự tính chống cự trường kỳ. Hai bên giằng co nhau mãi, Vương Hột đành phải sai người trở về báo cáo với Tần Chiêu Tương Vương. Tần Vương mời Phạm Tuy cho kế sách. Phạm Tuy nói: “Muốn đánh bại nước Triệu thì trước tiên phải khiến cho nước Triệu thay tướng Liêm Pha”.
Mấy ngày sau, Triệu Vương nghe thấy tả hữu bàn tán xôn xao rằng: “Nước Tần sợ nhất là nhân tài trẻ tuổi Triệu Quát cầm quân. Liêm Pha đã già rồi, không đáng sợ”.
Triệu Quát mà họ nói đến chính là con trai của danh tướng Triệu Xa. Triệu Quát từ nhỏ đã thích học binh pháp, nói đến đạo lý dụng binh thì lời nào cũng rất có đạo lý. Triệu Quát tự cho rằng mình là thiên hạ vô địch, ngay cả phụ thân anh ta cũng chẳng coi ra gì.
Triệu Vương nghe vậy liền tin vào lời đồn thổi này, lập tức cho tìm Triệu Quát đến, hỏi anh ta có thể đánh lui quân Tần hay không. Triệu Quát nói: “Chỉ khi quân Tần phái Bạch Khởi đến thì thần mới phải suy xét. Hiện nay tướng Tần là Vương Hột, ông ta chẳng qua cũng chỉ là đối thủ của Liêm Pha mà thôi. Nếu thay bằng hạ thần thì đánh bại Vương Hột không phải chuyện cần bàn”.
Triệu Vương nghe vậy rất vui mừng liền mệnh Triệu Quát làm đại tướng đi thay thế Liêm Pha. Lạn Tương Như nói với Triệu Vương rằng: “Triệu Quát chỉ biết đọc binh thư của phụ thân, không biết lâm trận ứng biến, không thể phái anh ta làm đại tướng được”. Nhưng Triệu Vương không nghe theo lời khuyến cáo của Lạn Tương Như.
Mẫu thân của Triệu Quát cũng dâng một tấu chương lên Triệu Vương, thỉnh cầu Triệu Vương đừng phái con trai bà đi. Nhưng Triệu Vương vẫn khăng khăng giữ ý phái Triệu Quát làm chủ tướng.
Sau đó, Triệu Quát thanh thế rầm rộ dẫn 40 vạn quân. Triệu Quát phế bỏ tất cả những quy định mà Liêm Pha đã đặt ra trước đây, hạ lệnh rằng: “Nếu quân Tần lại đến khiêu chiến thì phải lập tức nghênh chiến đánh lại. Quân địch thua chạy thì phải truy đuổi, phải đánh cho chúng không còn mảnh giáp nào mới được”.
Nước Tần biết tin Triệu Quát đã thay Liêm Pha, biết rằng kế phản gián đã thành công, liền bí mật phái Bạch Khởi làm tướng. Bạch Khởi đến Trường Bình, bố trí xong mai phục, cố ý đánh mấy trận thua. Triệu Quát không biết là cái bẫy, hạ lệnh dốc sức truy đuổi, kết quả rơi vào trận mai phục của quân Tần, 40 vạn quân bị chia cắt làm hai. Triệu Quát lúc này mới biết quân Tần lợi hại như thế nào, đành phải chờ cứu viện. Nào ngờ nước Tần lại sai quân cắt đứt đường cứu viện và đường vận chuyển lương thực của quân Triệu.
Cuối cùng, quân đội của Triệu Quát bên trong thì hết lương thực, bên ngoài thì không có quân cứu viện, sau khi giữ được hơn 40 ngày, binh sỹ kêu khổ vang trời. Triệu Quát dẫn quân đột phá vòng vây, nhưng bị quân Tần bắn chết. Quân Triệu nghe tin chủ tướng đã bị giết liền nháo nhác ném vũ khí đầu hàng. Hơn 40 vạn quân Triệu đã bị tiêu diệt chỉ vì nằm trong tay chủ tướng Triệu Quát vốn chỉ biết đánh trận trên giấy.
Phụ chú
– Đánh trận trên giấy: Nguyên văn gốc Hán là “Chỉ thượng đàm binh”, nghĩa là đàm luận chuyện quân sự, binh pháp trên giấy. Câu thành ngữ này bắt nguồn từ câu chuyện lịch sử trên.
1. Nguyên văn Đệ tử quy
不 力 行 但 學 文
長 浮 華 成 何 人
但 力 行 不 學 文
任 己 見 昧 理 真
2. Âm Hán Việt
Bất lực hành, đãn học văn
Trưởng phù hoa, thành hà nhân
Đãn lực hành, bất học văn
Nhậm kỷ kiến, muội lý chân.
3. Pinyin Hán ngữ
Bú lì xíng ,dàn xué wén
Zhǎng fú huá ,chéng hé rén
Dàn lì xíng ,bù xué wén
Rèn jǐ jiàn ,mèi lǐ zhēn.
4. Chú thích:
– Lực hành: đích thân thực hiện, gắng sức làm.
– Đãn: chỉ có, duy, chỉ.
– Học văn: học tập tri thức sách vở.
– Trưởng: tuổi trưởng thành.
– Phù hoa: không thiết thực, không hợp với thực tế.
– Nhậm (nhiệm): nghe theo.
– Kỷ kiến: ý mình, ý nghĩ của bản thân mình.
– Muội: mơ hồ, hồ đồ, không rõ đạo lý.
– Lý: quy luật, ý chỉ của sự vật.
– Chân: thuần chính, không hư giả.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch