(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Đông ấm, hạ mát
Diễn giải
Mùa đông cần ủ ấm chăn chiếu cho cha mẹ, mùa hè cần quạt mát giường chiếu cho cha mẹ. Buổi sáng dậy phải hỏi thăm, vấn an cha mẹ, buổi tối phải sửa soạn chăn màn giường chiếu cho cha mẹ.
Đi ra ngoài cần bẩm báo với cha mẹ, về nhà phải trình báo với cha mẹ. Sinh hoạt ăn ở ngủ nghỉ phải có quy luật, trật tự thường nhật không được tùy ý sửa đổi.
Câu chuyện tham khảo:
Hiếu hạnh với cha mẹ được biểu dương lên Hoàng đế
Hoàng Hương là người Giang Hạ thời Đông Hán. Khi Hoàng Hương 9 tuổi thì mẹ cậu qua đời, cậu vô cùng nhớ thương mẹ, người làng đều nói cậu là một người con hiếu thảo.
Hoàng Hương làm việc rất chăm chỉ cần cù chịu khó, không sợ khổ, một lòng một dạ hiếu kính với cha, nghĩ mọi cách để cha được nghỉ ngơi, được thoải mái dễ chịu.
Mùa hè nóng nực, muỗi nhiều, Hoàng Hương biết cha sợ nóng, thường không ngủ được, lại bị muỗi đốt. Do đó, mỗi buổi tối trước khi cha đi ngủ, Hoàng Hương đều dùng quạt quạt mát giường chiếu, xua đuổi muỗi đi rồi mới mời cha đi ngủ. Đến mùa đông, trời lạnh giá, Hoàng Hương sợ cha bị giá rét nên đã nằm vào giường trước ủ ấm chăn chiếu, sau đó mới mời cha lên giường đi nghỉ.
Sau đó, hiếu hạnh của Hoàng Hương truyền khắp kinh thành, không ai là không biết. Thái thú Giang Hạ nghe được chuyện này, cảm thấy thật là hiếm có, ông bèn dâng biểu lên Hoàng đế biểu dương nết hiếu hạnh của Hoàng Hương.
Hoàng Hương còn nhỏ tuổi đã đọc thuộc các kinh điển, học rộng văn hay, văn chương của cậu nổi tiếng cả kinh thành, mọi người đều khen ngợi là: “Cậu bé Hoàng Hương, thiên hạ vô song”.
(Nguồn: “Nhị thập tứ hiếu”)
Phụ chú
1. Nguyên tác
冬 則 溫 夏 則 凊
晨 則 省 昏 則 定
出 必 告 反 必 面
居 有 常 業 無 變
2. Âm Hán Việt
Đông tắc ôn, hạ tắc sảnh.
Thần tắc tỉnh, hôn tắc định.
Xuất tất cáo, phản tất diện.
Cư hữu thường, nghiệp vô biến.
3. Pinyin Hán ngữ
Dōng zé wēn,xià zé qìng;
Chén zé xǐng,hūn zé dìng.
Chū bì gào,fǎn bì miàn;
Jū yǒu cháng,yè wú biàn.
4. Chú thích:
– Sảnh: mát.
– Tỉnh: thăm viếng, hỏi thăm.
– Hôn: hoàng hôn, tối.
– Định: an định, ở đây nghĩa là sắp xếp chuẩn bị giường chiếu.
– Tất: nhất định, phải.
– Phản: quay lại, trở về.
– Diện: gặp mặt, gặp, diện kiến.
– Cư: cư trú, chỉ lễ tiết sinh hoạt thường nhật.
– Thường: cố định không thay đổi.
– Nghiệp: thứ tự, trình tự.
– Vô: chớ, không được.
Theo zhengjian.org
Kiến Thiện biên dịch