(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Nhận cho, phân biệt
Diễn giải
Hễ nhận được đồ vật hoặc cho người khác đồ vật thì điều tối quan trọng là phải nhận biết rõ ràng: Cho người khác thì phải nhiều, nhận của người khác thì phải ít.
Khi đối đãi với người khác thì trước tiên tự hỏi mình có thích như thế này hay không. Nếu ngay cả mình cũng không muốn thì phải lập tức dừng ngay, không làm như thế với người ta nữa.
Nhận được ân huệ của người khác thì phải ghi nhớ báo đáp. Oán hận đối với người khác thì phải quên đi, chớ để trong tâm. Báo đáp oán thù đối với người khác thì phải ngắn và ít. Báo đáp ân huệ của người khác thì phải lâu dài và nhiều.
Câu chuyện tham khảo:
“Nhà hai bầu”
Xưa kia có một thôn nhỏ tên là Huệ Thiên. Trong thôn có Dương viên ngoại thường vui thích giúp đỡ người khác.
Đối với những đạo sỹ, hòa thượng đến hóa duyên, Dương viên ngoại luôn dùng bát lớn đơm đầy cơm và thức ăn chay đem cho họ. Hàng xóm hỏi ông vay mượn lương thực, ông thấy bà con xóm làng sống nghèo khổ thì cũng không yêu cầu họ hoàn trả. Khi hàng xóm cứ nhất định trả, Dương viên ngoại bèn lấy quả bầu khô ra cắt làm đôi, một nửa to một nửa nhỏ. Khi hàng xóm vay lương thực thì ông lấy bầu to đong, đến khi trả thì ông lấy bầu nhỏ tính, chỉ thu về một chút là được rồi. Vì thế mọi người gọi ông là “Nhà hai bầu”.
Khi Dương viên ngoại 80 tuổi, ông ra ruộng thấy lúa mạch đã chín. Bỗng nhiên thấy sấm sét vang rền. Ông không chạy nổi nữa bèn nghĩ, chết ở ruộng vậy. Lúc này ở trong ruộng bỗng vang lên một âm thanh lớn: “Ông Sấm, bà Sét, thủy long hãy nghe đây, nhà hai bầu gạo (Dương viên ngoại) đang ở trên ruộng mạch nhà ông ấy, các ngươi không được để hạt nước nào rơi xuống lúa mạch nhà ông ấy nhé”.
Một lúc lâu sau, mưa to sấm sét mới dừng, Dương viên ngoại bò dậy xem thấy ruộng mạch ông đang nằm không có một giọt mưa nào, nhưng lúa mạch những nhà khác bị đổ rạp hết xuống bùn nước. Trở về nhà, ông kể cho con trai con gái nghe, rồi cùng các con quỳ xuống hợp thập (chắp tay bái lạy), cảm tạ ân điển của Thượng Thiên.
Phụ chú
1. Nguyên văn Đệ tử quy
凡 取 與 貴 分 曉
與 宜 多 取 宜 少
將 加 人 先 問 己
己 不 欲 即 速 已
恩 欲 報 怨 欲 忘
報 怨 短 報 恩 長
2. Âm Hán Việt
Phàm thủ dữ, quý phân hiểu
Dữ nghi đa, thủ nghi thiểu
Tương gia nhân, tiên vấn kỷ
Kỷ bất dục, tức tốc dĩ
Ân dục báo, oán dục vong
Báo oán đoản, báo ân trường.
3. Pinyin Hán ngữ
Fán qǔ yǔ,guì fēn xiǎo
Yǔ yí duō,qǔ yí shǎo
Jiāng jiā rén,xiān wèn jǐ
Jǐ bú yù,jí sù yǐ
ēn yù bào,yuàn yù wàng
Bào yuàn duǎn,bào ēn cháng.
4. Chú thích:
– Phàm: từ khái quát, chỉ tất cả. Phàm, hễ, tất cả.
– Thủ dữ: lấy (nhận) và cho.
– Quý: quan trọng.
– Phân hiểu: rõ ràng, minh bạch.
– Nghi: nên.
– Tương: sắp, chuẩn bị.
– Gia nhân: đối đãi với người khác. Gia nghĩa là thực hiện cho, để cho.
– Dục: muốn, phải.
– Tức: thì, là, liền.
– Tốc dĩ: mau chóng dừng lại. Tốc nghĩa là nhanh chóng. Dĩ nghĩa là dừng lại.
– Ân: ân huệ.
– Báo: hồi báo, báo đáp.
– Oán: oán hận.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch