(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Nghe lỗi giận

Diễn giải

Nếu nghe thấy người khác phê bình những lầm lỗi của mình mà tức giận, nghe thấy người khác ca ngợi mình thì vui sướng, như thế này thì những bạn bè xấu biết nói lời lấy lòng bạn sẽ gần gũi bạn, còn bạn bè tốt có ý tốt chỉ lỗi giúp bạn sửa sai quy chính sẽ không góp ý nữa, sẽ rời xa bạn.

Nếu khi nghe người khác khen ngợi mình, trong lòng cảm thấy bất an; khi nghe người khác nói đến khuyết điểm của mình thì lại vui lòng tiếp thu, như thế thì những người chính trực thành thật sẽ dần dần gần gũi bạn, trở thành những người bạn tốt của bạn.

Câu chuyện tham khảo:

Ngoài cổng như chợ

Thời Chiến Quốc, nước Tề có một đại phu tên là Trâu Kỵ, ông cảm thấy dung mạo của mình vô cùng tuấn tú. Một hôm, sau khi rửa mặt xong, mặc áo đội mũ chỉnh tề, ông liền hỏi vợ: “Tôi so với Từ Công ở thành bắc thì người nào đẹp hơn?”

Trâu Kỵ hỏi người thiếp: “Tôi và Từ Công ở thành bắc thì ai đẹp hơn?”. (Ảnh minh hoạ qua: bing.net)

Vợ ông cười và nói: “Đương nhiên là ông đẹp hơn rồi, Từ Công làm sao mà sánh bằng ông được?”

Trâu Kỵ nghe rồi, tuy trong lòng cảm thấy phơi phới nhưng vẫn còn có chút chưa tin, thế là ông lại đi hỏi người thiếp: “Tôi và Từ Công ở thành bắc thì ai đẹp hơn?”

Người thiếp không do dự trả lời ngay: “Từ Công so với ông thì kém quá xa”.

Sau đó có một người bạn có việc đến thăm Trâu Kỵ, ông lại hỏi: “Tôi so với Từ Công ở thành bắc thì ai đẹp hơn?”

Người bạn kia vừa nghe xong lập tức trả lời ngay: “Từ Công sao có thể sánh với ông được”.

Hôm sau, Từ Công ở thành bắc đến tìm Trâu Kỵ. Trâu Kỵ nhân cơ hội này ngắm kỹ Từ Công từ đầu đến chân một lượt, ông cảm thấy mình thế nào đi nữa cũng không thể tuấn tú bằng Từ Công. Điều khiến ông buồn rầu là tại sao vợ ông, người thiếp và người bạn đều nói ông đẹp hơn Từ Công? Đêm hôm đó, Trâu Kỵ nằm trên giường, trăn trở suy nghĩ mãi về vấn đề này, cuối cùng ông cũng đã minh bạch.

Sáng hôm sau, Trâu Kỵ vào cung yết kiến Tề Uy Vương. Đầu tiên, ông đem chuyện này kể với Tề Uy Vương, sau đó ông nói tiếp: “Dung mạo của thần thực ra không sánh được với Từ Công ở thành bắc, nhưng vợ thần lại nói thần đẹp hơn Từ Công, đó là cô ấy yêu thần. Người thiếp cũng nói thần đẹp hơn bởi vì cô ấy sợ thần. Người bạn thần nói thần đẹp hơn bởi vì ông ấy có việc cầu xin thần. Họ đều không nói lời thật lòng, kết quả đã lừa dối thần. Từ điểm này khiến thần nghĩ đến những mỹ nhân và thị tùng trong cung của đại vương, không người nào là không yêu ngài. Văn võ đại thần trên dưới trong triều, không ai là không sợ ngài. Người dân trong nước Tề thậm chí ở quốc gia lân cận, không ai là không có việc cầu xin ngài. Nếu họ đều không nói lời thật lòng với ngài, thế thì những điều lừa dối mà ngài nhận được sẽ vô cùng nghiêm trọng”.

Trâu Kỵ vào cung yết kiến Tề Uy Vương. (Ảnh minh hoạ qua: sohu.com)

Tề Uy Vương nghe xong lập tức ra chỉ lệnh cho trên dưới toàn quốc rằng: “Bất kể người nào, nếu có thể chỉ ra những sai lầm của ta, hoặc dâng tấu chương khuyên bảo ta thì đều được trọng thưởng”.

Mệnh lệnh này được ban bố ra, các đại thần, quan lại tranh nhau đến cung đình đề xuất ý kiến với Tề Uy Vương, ngoài cổng cung đình tấp nập ồn ào, dòng người như nước chảy không ngớt. Từ đó, thế lực nước Tề càng ngày càng lớn mạnh.

Phụ chú

1. Nguyên văn Đệ tử quy

聞 過 怒 聞 譽 樂
損 友 來 益 友 卻
聞 譽 恐 聞 過 欣 
直 諒 士 漸 相 親

2. Âm Hán Việt

Văn quá nộ, văn dự lạc
Tổn hữu lai, ích hữu khước
Văn dự khủng, văn quá hân
Trực lượng sĩ, tiệm tương thân.

3. Pinyin Hán ngữ

Wén guò nù,wén yù lè
Sǔn yǒu lái,yì yǒu què
Wén yù kǒng,wén guò xīn
Zhí liàng shì,jiàn xiāng qīn.

4. Chú thích:

– Văn quá nộ: nghe thấy người khác phê bình lỗi lầm của mình thì tức giận. Văn nghĩa là nghe thấy. Quá nghĩa là lỗi lầm. Nộ nghĩa là tức giận.
– Dự: ca ngợi, khen.
– Tổn hữu: bạn có hại đối với bản thân mình.
– Ích hữu: bạn giúp ích cho mình.
– Khước: lùi, rút lui, lui bước.
– Khủng: bất an, sợ.
– Hân: vui mừng.
– Trực lượng sỹ: Người chính trực thành thực. Trực nghĩa là chính trực. Lượng nghĩa là thành thực giữ chữ tín. Sỹ là tôn xưng người khác.
– Tiệm: dần dần.
– Tương thân: gần gũi nhau.

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch