>> Xem trọn bộ: “Phép tắc người con”

(Đệ Tử Quy)

“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.

Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.

Cha mẹ gọi

Diễn giải

Khi cha mẹ có việc gọi thì chúng ta phải trả lời ngay, không được trì hoãn. Khi cha mẹ sai bảo làm việc thì chúng ta lập tức hành động, không được lười nhác. Những đạo lý cha mẹ dạy bảo hướng dẫn thì chúng ta phải cung kính lắng nghe, ghi nhớ trong tâm. Những lỗi lầm mà cha mẹ trách mắng, uốn nắn thì chúng ta phải nghe theo, tiếp nhận, thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm, không được cãi lại, tranh cãi, không được che giấu lỗi lầm.

Câu chuyện tham khảo:

Chu Bạt ngỗ nghịch với cha mẹ bị đọa thành lừa

Chu Bạt vì ngỗ ngịch với cha mẹ mà bị Diêm Vương đoạ xuống thành lừa. (Ảnh minh hoạ: DKN.tv)

Chu Bạt là người huyện Bình Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, từ nhỏ đã là một tiểu Thần đồng, sách đã xem qua là ghi nhớ, 7 tuổi đã biết ngâm thơ làm văn. Năm 16 tuổi thơ văn Chu Bạt đã nổi tiếng, được ca ngợi là ‘tài tử Bình Dương’. Bởi vì được mọi người ca ngợi, được cha mẹ sủng ái, Chu Bạt càng ngày càng cuồng vọng tự cao tự đại, không coi ai ra gì. Cha mẹ, anh em và hàng xóm của Chu Bạt thường xuyên phải nhẫn chịu những cơn nóng nảy tức giận của anh.

Một năm, Chu Bạt phải lên kinh dự thi. Để lo lộ phí cho Chu Bạt, cha mẹ anh đã phải đôn đáo ngược xuôi vay mượn, còn mời thợ may may cho anh bộ y phục mới. Nhưng Chu Bạt không biết đủ, chê lộ phí quá ít, chê y phục quá rộng, chê quần quá dài, chê mũ kiểu dáng cũ kỹ, chê giày màu sắc quá đậm. Bao vất vả khổ tâm của cha mẹ lại được báo đáp bằng nỗi oán hận của Chu Bạt.

Cha mẹ không nhẫn nhịn nổi đã dạy bảo anh rằng: “Con à, con không được chê cái này chê cái kia, con phải biết vì con đi thi lần này, giúp con lo lộ phí, may quần áo mới, cha mẹ đã vắt óc suy nghĩ, khiến đầu đã bạc hết cả rồi, mà con vẫn chưa biết hài lòng như thế này, cha mẹ cũng đã hết cách rồi”.

Những lời nói này của cha mẹ cũng chẳng khiến Chu Bạt động lòng, trái lại Chu Bạt gầm thét lớn rằng: “Tôi là Văn Xương tinh ở trên Trời hạ xuống phàm trần, là một đại quý tử. Các người là ông bà già quê mùa như bao cỏ kia, có tư cách làm cha mẹ của tôi không?”.

Cha Chu Bạt bị làm cho tức giận đến nỗi ngất ngay tại chỗ.

Đêm hôm đó, Chu Bạt bị bắt đến Âm phủ. Diêm Vương nói với anh rằng: “Ngươi thường ngày ngỗ nghịch với cha mẹ, tuy có cái vỏ thân xác con người nhưng lại là lòng dạ của súc sinh, hạt giống súc sinh trong tâm địa đã kết quả rồi, ngươi sẽ phải mất đi cái thân người mà đọa thành súc sinh”.

Chu Bạt biện giải: “Con đối với cha mẹ chỉ là đúng lý mà nói trực ngôn, sao lại tính là ngỗ nghịch bất hiếu được? Hơn nữa con là một tài tử thông minh tuyệt đỉnh, sao có thể biến thành súc sinh ngu ngốc được? Lời nói của Ngài không khiến con tín phục”.

Diêm Vương hiền từ giải thích: “Ngươi đời này thông minh là do đời trước có thiện hạnh. Nhưng đời này những ác hạnh của ngươi như bừa bãi cuồng vọng, ngạo mạn vô lễ, nóng nảy, ngỗ nghịch… đã nuôi dưỡng hạt giống súc sinh; hạt giống thiện lương đời trước đã bị hủy hoại hết rồi. Ngươi cuồng vọng đến mức không coi ai ra gì, báo ứng của ngươi sẽ là đọa xuống thành lừa, bị mọi người bịt mắt kéo cối xay, chịu roi vọt”.

Chu Bạt nghe xong cảm thấy rất có đạo lý, tự biết mình sẽ bị ác báo khó mà thoát được, kinh hoàng tỉnh dậy. Hôm đó liền mắc bệnh hiểm nghèo, mở miệng ra rất khó khăn, hai hàm răng ngậm chặt lại, cổ họng phát ra tiếng lừa kêu. Các danh y đều không thể nào chẩn đoán ra bệnh gì, không đến 2 ngày, Chu Bạt chết trong lúc kêu thét như lừa.

(Nguồn: “Án thất đăng” đời Thanh)

Phụ chú

1. Lừa kéo cối xay: Khi lừa kéo cối xay, nếu nhìn thấy thức ăn trên cối xay sẽ khiến nó muốn ăn mà dừng lại, không chịu kéo cối xay nữa, do đó phải bịt hai mắt nó lại.

2. Nguyên tác

父 母 呼 應 勿 緩
父 母 命 行 勿 懶
父 母 教 須 敬 聽
父 母 責 須 順 承

3. Âm Hán Việt

Phụ mẫu hô, ứng vật hoãn
Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn
Phụ mẫu giáo, tu kính thính
Phụ mẫu trách, tu thuận thừa.

4. Pinyin Hán ngữ

Fù mǔ hū,yìng wù huǎn
Fù mǔ mìng,xíng wù lǎn
Fù mǔ jiào,xū jìng tīng
Fù mǔ zé,xū shùn chéng.

5. Chú thích:

– Hô: gọi
– Ứng: trả lời, đáp lời
– Vật: không được, chớ, đừng
– Hoãn: chậm rãi, chậm chạp
– Mệnh: mệnh lệnh, sai bảo
– Hành: hành động, làm, thực hiện
– Lãn: lười nhác, không nỗ lực
– Giáo: dạy bảo hướng dẫn, răn dạy
– Tu: phải
– Kính thính: cung kính lắng nghe
– Trách: Trách mắng, đòi hỏi
– Thuận thừa: tiếp thu, nghe theo.

Theo zhengjian.org
Kiến Thiện biên dịch