(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Áo quý sạch
Diễn giải
Quần áo cần chú trọng gọn gàng sạch sẽ, không được cầu kỳ hoa lệ đắt tiền. Ăn mặc trước tiên xem xét thân phận của mình và trường hợp hoàn cảnh tham dự, sau đó cân nhắc tình hình kinh tế gia đình.
Ăn uống hàng ngày cần chú ý cân bằng dinh dưỡng, không được kén chọn thức ăn. Ba bữa ăn cần vừa đủ là dừng, không được ăn uống no nê bừa phứa.
Người trẻ tuổi không được uống rượu bởi vì uống rượu say sẽ ăn nói bừa bãi lung tung, sẽ xuất hiện đủ các loại trạng thái xấu xí khó coi.
Câu chuyện tham khảo:
Tư Mã Quang dạy con
Tư Mã Quang (1019 – 1086) tên tự là Quân Thực, là nhà sử học và chính trị gia nổi tiếng thời Bắc Tống. Cuộc đời ông có nhiều câu chuyện xúc động được lưu truyền đến nay.
Tư Mã Quang là một viên quan thanh liêm, phẩm cách cung kính khiêm nhường chính trực, không thích hoa lệ của ông được ca ngợi nhiều nhất. Thậm chí đối thủ chính trị của ông là Vương An Thạch cũng rất khâm phục phẩm đức của ông, nguyện ý làm hàng xóm với ông.
Đương thời, để hoàn thành bộ lịch sử lớn là “Tư trị thông giám”, ông không những tìm những người như Phạm Tổ Vũ, Lưu Thứ, Lưu Ban làm trợ thủ, mà còn yêu cầu con trai là Tư Mã Khang tham gia công việc này. Khi ông trông thấy con trai đọc sách dùng móng tay để kẹp giở trang sách thì vô cùng tức giận. Vì thế, ông đã nghiêm túc truyền thụ cho con trai kinh nghiệm và phương pháp yêu quý giữ gìn sách:
– Trước khi đọc sách phải lau sạch bàn, trải tấm phủ bàn.
– Khi đọc sách phải ngồi ngay ngắn.
– Khi lật trang sách, trước tiên dùng cạnh ngón tay cái bên phải lật mép trang sách lên, sau đó dùng ngón tay trỏ kẹp nhẹ để giở trang sách.
Ông còn răn dạy con trai rằng: “Người kinh doanh buôn bán thì phải tích lũy thêm tiền vốn, người đi học đọc sách thì phải yêu quý giữ gìn sách”.
Trong cuộc sống, Tư Mã Quang tiết kiệm, thuần khiết, chất phác. Ông “cả đời mặc chỉ để che thân, khỏi lạnh, ăn chỉ để no bụng”, nhưng lại “không dám ăn mặc bẩn thỉu rách rưới, cố ý trái với thế tục để cầu cái danh”. Ông thường giáo dục các con rằng, ăn ngon sẽ sinh ra xa hoa, giàu sang sẽ sinh ra xa xỉ. Ông phản đối mạnh mẽ phong tục bại hoại của xã hội đương thời như: làm việc coi trọng hình thức hoành tráng, hào hoa xa xỉ, sai nha binh sỹ cũng ăn mặc như quan lại, nông dân cày ruộng cũng đi giày lụa. Tư Mã Quang dốc sức đề xướng tiết kiệm chất phác, đến nay vẫn còn lưu truyền câu nói nổi tiếng của ông: “Từ tiết kiệm sang xa hoa rất dễ, từ xa hoa sang tiết kiệm rất khó” (nguyên văn: Do kiệm nhập xa dị, do xa nhập kiệm nan).
Dưới sự giáo dục của Tư Mã Quang, con trai ông là Tư Mã Khang từ nhỏ đã hiểu được tầm quan trọng của tiết kiệm, chất phác, đồng thời tự giác kỷ luật tuân theo tiết kiệm chất phác. Tư Mã Khang cũng đảm nhiệm các chức Hiệu thư lang, Trước tác lang kiêm Thị giảng, cũng là người học rộng bác cổ thông kim, liêm khiết và sống cần kiệm chất phác, được người đời sau ca ngợi.
Phụ chú
– Nhà Nho: người nghiên cứu học thuật Nho gia, sau này chỉ những người đi học.
1. Nguyên tác
衣 貴 潔 不 貴 華
上 循 分 下 稱 家
對 飲 食 勿 揀 擇
食 適 可 勿 過 則
年 方 少 勿 飲 酒
飲 酒 醉 最 為 醜
2. Âm Hán Việt
Y quý khiết, bất quý hoa
Thượng tuần phận, hạ xứng gia
Đối ẩm thực, vật giản trạch
Thực thích khả, vật quá tắc
Niên phương thiếu, vật ẩm tửu
Ẩm tửu túy, tối vi xú.
3. Pinyin Hán ngữ
Yī guì jié,bú guì huá
Shàng xún fèn,xià chèng jiā
Duì yǐn shí,wù jiǎn zé
Shì kě zhǐ,wù guò zé
Nián fāng shào,wù yǐn jiǔ
Yǐn jiǔ zuì,zuì wéi chǒu.
4. Chú thích:
– Quý: chú trọng, coi trọng.
– Khiết: sạch sẽ gọn gàng.
– Hoa: xa hoa, đắt tiền.
– Thượng: trước tiên, trước.
– Tuần phận: tuân theo bổn phận bản thân. Tuần nghĩa là tuân thủ, chiểu theo. Phận nghĩa là bổn phận.
– Hạ: sau.
– Xứng gia: tương xứng với điều kiện, địa vị của gia đình. Xứng có nghĩa là tương xứng. Gia có nghĩa là gia cảnh.
– Giản trạch: kén chọn. Giản nghĩa là lựa chọn. Trạch nghĩa là chọn.
– Thích: hợp, thích hợp.
– Quá tắc: vượt quá tiêu chuẩn, quá lượng. Quá có nghĩa là vượt quá. Tắc nghĩa là chuẩn tắc, phép tắc.
– Thiếu: tuổi nhỏ, tuổi trẻ.
– Xú: trạng thái xấu xí khó coi.
Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch