(Đệ Tử Quy)
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Phép tắc người con” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, vun trồng đức hạnh, có thể giữ gìn phẩm giá trong thời buổi đạo đức suy thoái, dưỡng thành gia phong trung hậu.
Trên hành trình thực thi sứ mệnh phục hưng văn hoá truyền thống, Đại Kỷ Nguyên xin được kính cẩn giới thiệu trọn bộ kinh điển “Phép tắc người con” tới quý bạn đọc và gia đình. Giáo trình này được biên dịch từ tài liệu giáo khoa văn hoá của mạng Chánh Kiến, chia làm 32 bài, mỗi bài đều có bản dịch, diễn giải, câu chuyện tham khảo và phần phụ chú dành cho các thầy cô và bậc phụ huynh tham khảo.
Phép người con
Diễn giải
“Phép tắc người con” (Đệ tử quy) là quy phạm đạo đức của cổ Thánh tiên hiền dạy bảo hướng dẫn mọi người. Trong đó, điều then chốt nhất là hiếu thuận với cha mẹ, kính nhường anh chị bạn bè, tiếp đến là làm người, hành xử phải cẩn thận và thành tín.
Cần phải yêu thương tất cả mọi người trong thiên hạ, đồng thời nên thường xuyên gần gũi với những người nhân đức để học tập họ. Khi thực hiện những điều trên rồi mà vẫn còn dư thời gian, tinh thần và sức lực thì mới có thể học các loại học vấn, văn hóa.
Câu chuyện tham khảo:
Vua Thuấn – Ông tổ của đạo đức
Vua Thuấn là một trong Ngũ Đế thời thượng cổ, ông họ Diêu, tên là Trọng Hoa, hiệu là Ngu Thị, sử sách gọi ông là Ngu Thuấn.
Khi Thuấn còn rất nhỏ thì mẹ qua đời, người cha là Cổ Tẩu (nghĩa là Ông Mù) bị mù hai mắt lấy vợ kế, sinh được người em tên là Tượng. Cha của Thuấn là người ngoan cố không đếm xỉa gì đến nghĩa lý, cộng thêm mẹ kế tính tình hung dữ thô bạo, em trai ngang ngược. Mẹ kế và Tượng được Cổ Tẩu sủng ái, 3 người đều ghét Thuấn, thường xuyên nghĩ cách hạ sát ông.
Một lần, Cổ Tẩu gọi Thuấn sửa kho thóc, đợi đến khi Thuấn leo lên đỉnh kho, Cổ Tẩu liền châm lửa đốt kho thóc. Thuấn cầm hai cái nón lá như con chim nhỏ hạ xuống, Cổ Tẩu không thể hại chết được ông.
Sau này, Cổ Tẩu lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở sâu trong giếng, Cổ Tẩu và Tượng hợp sức lấp đất vào giếng. Tượng vốn cho rằng lần này không thể có sơ suất, sẽ độc chiếm gia sản của Thuấn. Không ngờ Thuấn rất thông minh, khi đào giếng đã đào trước một đường thông ở bên nên đã thoát được ra ngoài. Khi thấy Thuấn trở về nhà, mọi người sợ hãi lắm. Nhưng Thuấn khoan hồng độ lượng vẫn dùng đức báo oán, vẫn hiếu kính cha mẹ, yêu thương em trai như cũ.
Người xưa nói: “Trăm nết hiếu đứng đầu” (nguyên văn: Bách thiện hiếu vi tiên). Năm 20 tuổi, Thuấn nổi tiếng khắp thiên hạ bởi hiếu hạnh. Năm Thuấn 30 tuổi, vua Nghiêu tìm người hiền tài, quần thần khắp nơi đều tiến cử Thuấn.
Vua Nghiêu đã gả con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn, đồng thời cho 9 người con trai sống cùng với Thuấn để quan sát phẩm đức của Thuấn. Nga Hoàng, Nữ Anh đều được đức hạnh của Thuấn cảm hoá, không dám vì thân phận tôn quý mà có thái độ kiêu căng ngạo mạn, đối xử với mọi người đều vô cùng khiêm tốn cung kính. 9 người con trai của vua Nghiêu được Thuấn cảm hóa thấm nhuần một cách vô tri vô giác, cũng đã trở thành những người nhân hậu cẩn thận.
Thuấn đến núi Lịch Sơn cày ruộng, người vùng đó chịu ảnh hưởng của Thuấn cũng trở nên tấm lòng rộng mở, nhường đất làm địa giới ruộng. Thuấn đến đầm Lôi Trạch bắt cá, người Lôi Trạch tranh nhau nhường nơi ở. Thuấn đến bên sông Hoàng Hà làm gốm, đồ gốm ở đó làm ra đều trở nên vô cùng tinh tế. Mọi người đều thích sống cùng với Thuấn. Do đó, những nơi mà ông ở thì chỉ một năm trở thành thôn làng, 2 năm thành thị trấn, 3 năm thành đô thị lớn. Trải qua khảo sát, vua Nghiêu vô cùng hài lòng, đã truyền ngôi vua cho Thuấn.
Vua Thuấn đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, ông tuyên dương giáo dục ngũ thường: cha nhân nghĩa, mẹ nhân từ, anh hiền từ, em cung kính, con hiếu thuận (nguyên văn: phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu). Ông thúc đẩy đạo đức nhân luân, khai sáng nền đạo đức truyền thống các dân tộc Á Đông, trở thành mẫu mực cho muôn đời sau.
Phụ chú
1. Tam Hoàng Ngũ Đế: Thời viễn cổ, vua Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế gọi là Tam Hoàng. Các vua Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn gọi là Ngũ Đế. Các văn hiến cổ ghi chép, Hoàng Đế là một trong Tam Hoàng, cũng đứng đầu Ngũ Đế.
2. Nguyên tác
弟 子 規 聖 人 訓
首 孝 弟 次 謹 信
汎 愛 眾 而 親 仁
有 餘 力 則 學 文
3. Âm Hán Việt
Đệ tử quy, Thánh nhân huấn
Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín
Phiếm ái chúng, nhi thân nhân
Hữu dư lực, tắc học văn.
4. Pinyin Hán ngữ
Dì zǐ guī, Shèng rén xùn
Shǒu xiào tì, cì jǐn xìn
Fàn ài zhòng, ér qīn rén
Yǒu yú lì, zé xué wén.
5. Chú thích:
– Đệ tử: người con, người em, con em
– Quy: quy phạm, phép tắc
– Thánh nhân: Bậc cổ Thánh tiên hiền có phẩm đức cao siêu, nhân cách hoàn mỹ.
– Huấn: Dạy bảo hướng dẫn
– Thủ: đầu, quan trọng hàng đầu
– Hiếu đễ: Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị. Chữ đễ 弟 còn viết là 悌, nghĩa là kính trọng thuận theo anh chị.
– Thứ: quan trọng thứ nhì
– Cẩn tín: cẩn thận thận trọng, thành thật giữ chữ tín.
– Phiếm ái chúng: Yêu thương tất cả mọi người. Phiếm nghĩa là rộng rãi.
– Nhi: mà lại, hơn nữa
– Thân nhân: thân cận gần gũi người có lòng nhân ái. Nhân nghĩa là lòng nhân từ khoan hậu, là đạo đức cơ bản yêu người, yêu vật.
– Dư lực: tâm sức dư thừa.
– Tắc: thì, thì mới
– Học văn: nghiên cứu học vấn. Khổng Tử nói “Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn”, nghĩa là thực hành các việc trên mà còn dư tâm sức thì mới nghiên cứu học vấn. Ông chủ trương đức dục quan trọng hơn trí dục, phải trước tiên gây dựng nên phẩm đức tốt đẹp, vẫn còn thời gian thì mới học tập các học vấn khác.
Theo zhengjian.org
Kiến Thiện biên dịch