gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

GỐM CHI

Sự tĩnh lặng là sức sống nội tại bền bỉ theo năm tháng…

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Không sở hữu vẻ ngoài mượt mà, bóng mịn và nuột nà như bao sản phẩm gốm được sản xuất theo công nghệ hiện đại, Gốm Chi cuốn hút bởi chính nét duyên dáng, mộc mạc mà tinh tế và trên hết là tinh thần của người nghệ sĩ truyền tải vào trong mỗi từng sản phẩm. Trong dòng chảy của thời cuộc, người thợ gốm nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Hồng Tân lại chọn cho mình một lối đi riêng, nhưng cũng nhiều thách thức, ấy là giữ gìn phong cách làm gốm truyền thống từ đời cha anh và thổi vào dòng gốm ấy là những ngôn ngữ của cuộc sống hiện đại.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Vào những năm 1970, có một người thợ gốm tên là Nguyễn Văn Chi tự mình lập một lò gốm và làm ra những sản phẩm gốm lạ biệt so với những các mẫu gốm từ các làng nghề truyền thống ở miền bắc. Thời đấy, đất nước khó khăn, nhà nhà đều chỉ lo đủ ăn đã khó, còn nghĩ chi đến nghệ thuật. Nhưng người thợ gốm ấy, với vốn nghề tự học từ nhỏ cùng với sự am hiểu nghệ thuật, vẫn miệt mài sáng tạo ra những chiếc chén đĩa, bình lọ phá cách, nhưng mộc mạc, tự nhiên và có một nét duyên ngầm có thể gọi là sự tinh tế. Dòng Gốm Chi cũng được tạo dựng từ đó.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Anh Nguyễn Hồng Tân, chủ xưởng Gốm Chi.

Gốm Chi đẹp, lạ và kén người thích nó dần có tiếng trên đất Hà Thành. Trải theo năm tháng cho đến nay, nằm lặng lẽ trong một góc nhỏ của con phố Vạn Kiếp, Gốm Chi vẫn giữ nguyên được phong cách đẹp mộc mạc cùng tạo hình lạ mắt mà không bị trộn lẫn, dù thị trường gốm giờ sôi động và đa dạng hơn nhiều. Ấy là nhờ có sự tiếp nối của thế hệ kế tiếp – anh Nguyễn Hồng Tân và các anh, em trai.

Theo anh Tân, yếu tố truyền nghề đến một cách tự nhiên như hơi thở vậy. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường mà đồ chơi chỉ là những nắm đất như anh bỗng tự lúc nào không hay đã “bị” nhiễm nghề của bố. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa thích trò bắn bi bắn thun thì cậu bé Hồng Tân lại thích hí hoáy nhào nặn đất và cho ra thành phẩm là những cái bát, cái bình có muôn trạng hình thù.

Trong một lần tan học về nhà, Hồng Tân ngẫu hứng nhặt một cục đất rồi nhào nặn ra một cái bình. Chẳng có gì để nói về chiếc bình ấy nếu như không có cuộc triển lãm gốm của bố, vì nó cũng giống như bao “sản phẩm” mà cậu vẫn thường tập tành thử tay nghề mỗi lúc rảnh rỗi sau giờ học. Điều ngạc nhiên là, chiếc bình gốm của người thợ “nghiệp dư” 13 tuổi ấy lại là sản phẩm được khách hàng “kết” và mua đầu tiên trong cuộc triển lãm ấy.

Nên với những người thợ gốm thủ công như anh Tân, anh quan niệm rằng, Gốm rất bình đẳng, chưa bao giờ phân biệt cao thấp, mà chỉ là một cuộc rong chơi bất tận, ở đó lòng nhiệt tâm, sự thăng hoa và quá trình lao động bền bỉ đã tạo cho Gốm Chi một bản sắc riêng không thể pha trộn.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Theo anh Hồng Tân, mọi sản phẩm gốm đều cùng chung một công thức về quy trình sản xuất, nên chúng có sự tương đồng nhưng lại cũng có sự khác biệt. Sự khác biệt chính là nằm ở yếu tố con người.

Một sản phẩm gốm ra đời là nhờ sự giao thoa của đất, nước và lửa, nhưng nhờ khối óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của người thợ gốm, đã thổi hồn cho những nắm đất thô sơ tưởng chừng vô tri vô giác ấy thành những sản phẩm độc đáo, có ngôn ngữ và chạm được đến trái tim con người. Vì thế, với những người lỡ yêu môn nghệ thuật sáng tạo thủ công truyền thống này, họ coi gốm là một tặng phẩm của vũ trụ.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Dù công nghệ làm gốm hiện nay đã phát triển và tiên tiến hơn rất nhiều, nhưng Gốm Chi cho đến nay vẫn bảo tồn phong cách của bậc tiền bối Nguyễn Văn Chi: Đó là sự pha trộn giữa yếu tố thẩm mỹ đương đại và yếu tố nghề truyền thống.

Mọi sản phẩm gốm Chi đều được làm thủ công nên sự khác biệt thể hiện rõ rệt ở mỗi sản phẩm: Màu men vừa hiện đại, vừa phảng phất sự hoài cổ. Tạo hình vật phẩm lạ mắt nhưng vô cùng tinh tế. Tuy nhiên theo anh Tân, màu men cũng chỉ là một yếu tố góp phần làm nên vẻ đẹp của gốm Chi: “Nếu nước men đẹp mà không phù hợp với kiểu dáng thì cũng không làm nên một sản phẩm ưng ý, mà phải là tổng hòa chi tiết mọi khâu mới định hình được giá trị của một sản phẩm”.

Gốm Chi mê đắm lòng người không chỉ bởi kỹ thuật làm gốm mà bởi cách nó truyền tải được tinh thần của người nghệ sĩ vào trong đó. Những vật phẩm nhỏ xinh như chén trà mang nét duyên ngầm đặc trưng chỉ có ở gốm Chi. Kiểu dáng vật phẩm của gốm Chi không cầu kỳ nhưng hút mắt, thô ráp mà tự nhiên, màu men không bóng bẩy mà rất mộc mạc. Tựu chung chúng đều toát lên vẻ đẹp ẩn dụ thoát tục, không chút ganh đua với đời, khiến người dùng trà không chỉ được thưởng thức vị trà, mà còn cảm thấu được giá trị nhân văn mà người thợ gốm truyền tải vào chén trà đó.

Anh Nguyễn Hồng Tân, người thợ gốm thủ công và cũng là nhà điêu khắc được đào tạo chuyên nghiệp, quan niềm rằng điều giản dị làm nên thành công của gốm Chi là thông qua các sản phẩm gốm như lọ hoa, ấm trà…, khách hàng có thể tìm thấy sự bình yên, thư thái trong cuộc sống. Giữa nhịp sống hiện đại xô bồ, gấp gáp, những vật phẩm nhỏ bé, bình dị ấy đưa người ta trở lại nếp sống truyền thống thuở xưa, sống chậm rãi và chiêm nghiệm nhiều hơn. Tinh thần của Gốm Chi toát lên sự tĩnh lặng của sức sống nội tại bền bỉ theo năm tháng và ẩn chứa thông điệp giá trị nhân văn của cuộc sống.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Anh Tân quan niệm rằng, mỗi sản phẩm làm ra không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn thể hiện tâm huyết, đam mê với nghề của người thợ làm gốm thủ công. Chỉ khi sản phẩm chạm tới được trái tim của khách hàng thì sản phẩm ấy mới được “cắt nghĩa” là thành công.

Vì vậy, gốm Chi không xuôi theo dòng chảy của xu hướng thời trang, mà thay vào đó, gốm Chi tự tìm khách hàng cho mỗi sản phẩm của mình, bởi khách tìm đến thương hiệu này chỉ vì trót mê phong cách thủ công mộc mạc và thấm đượm yếu tố văn hóa truyền thống.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Khi được hỏi làm thế nào để duy trì thương hiệu Gốm Chi trong thị trường gốm đa dạng và cạnh tranh như hiện nay, anh Nguyễn Hồng Tân chia sẻ: “Tôi không duy trì tên thương hiệu Gốm Chi của cha tôi để lại, mà chúng tôi duy trì phong cách đặc trưng vốn có của Gốm Chi. Cứ đặt tâm làm sản phẩm thật tốt thì sẽ duy trì được thương hiệu. Còn nếu chỉ thổi thương hiệu mà không chăm chút nền tảng sản xuất thì có bao nhiêu tiền cũng chẳng thể duy trì được cái thương hiệu ảo”.

Đối với các sản phẩm gốm được làm hoàn toàn bằng thủ công, không sản phẩm nào là bản sao của nhau, có người ví rằng chúng đều là “đứa con tinh thần của người nghệ sĩ có được từ cảm xúc thăng hoa và ngẫu hứng”. Nhưng anh Tân lại cho rằng, “để làm ra một sản phẩm thì đó là cả một quá trình lao động kéo dài, thực sự nghiêm túc và bền bỉ, từ đấy tạo ra được sự hăng say và sáng tạo. Mỗi sản phẩm là cả một quá trình đầu tư công sức miệt mài, và kết quả cuối cùng là tạo ra được vật phẩm mang lại cảm xúc cho khách hàng”.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Phải chăng với các sản phẩm gốm thủ công, không có cái nào đẹp, cái nào xấu, mà chỉ là phụ thuộc vào gu thẩm mỹ của khách hàng? Để trả lời câu hỏi ấy, anh Tân ví von rằng, bao năm làm nghề chưa có mẻ nào gốm Chi phải đem bỏ xuống ao: “Gốm Chi chưa bao giờ có lô hàng ế tồn, đôi khi có những sản phẩm mình làm ra chưa ưng ý, nhưng khách hàng lại thích cứ nằng nặc đòi mua”.

Thành công nào mà chẳng có trải đường của thất bại. Nhưng đôi khi thất bại cũng đem lại những giá trị nhất định.

“Làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống nên có lúc có những lô hàng rất đẹp, nhưng có lúc rất bấp bênh. Chính sự bấp bênh trong những chuyến lò cũng đem lại cảm xúc thật thú vị, khiến người thợ thăng hoa”.

-Anh Nguyễn Hồng Tân
Chủ xưởng Gốm Chi

Anh hé lộ, có những sản phẩm vô cùng khó, làm nản lòng người thợ, nhưng chính khách hàng lại là nguồn động lực cổ vũ anh tiếp tục sáng tạo. Anh kể, có lần Gốm Chi nhận được hợp đồng làm bồn tắm bằng gốm cho một khách hàng là chủ nhân khu nghỉ dưỡng. Anh cùng anh em bắt tay nghiên cứu rồi sáng tạo, nhưng sản phẩm làm ra cứ bị rạn, nứt, nung nổ… Loay hoay khắc phục và cải tiến đến chiếc thứ… 20 mà vẫn chưa thành nên anh quyết định dừng lại và mời chủ đầu tư đến để xin kết thúc hợp đồng. Nào ngờ, khách hàng không những ưng ý sản phẩm đó, mà còn động viên: “Có cái gì trên đời là hoàn hảo đâu, Gốm Chi đặc biệt ở điểm đó”.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Với anh, đó là một khó khăn lớn, tính biến động trong mỗi từng sản phẩm thủ công là rất lớn, đôi khi có thể đem lại hiệu quả bất ngờ vì nó quá đẹp trong mắt người thợ, nhưng đôi khi lại không vừa lòng với tiêu chí khách hàng. Tuy vậy, thất bại chưa bao giờ làm Nguyễn Hồng Tân nản lòng, bởi con đường mà Gốm Chi lựa chọn và đi theo ấy – là bảo tồn nét tinh hoa của nghề gốm thủ công truyền thống – vẫn được coi là nền tảng căn bản của thương hiệu Gốm Chi trong tương lai.

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Tôi trót mê Gốm Chi 6 năm rồi. Dòng sản phẩm Gốm Chi rất kén đối tượng khách hàng, chỉ những ai thực sự yêu và am hiểu gốm truyền thống mới thích Gốm Chi, bởi mỗi sản phẩm của thương hiệu này đều có ngôn ngữ riêng, và đặc biệt không sản phẩm nào giống sản phẩm nào.

Mỗi cái bát, cái cốc, hay bình hoa nếu ngắm kĩ đều khác nhau, từ chất men đến kiểu dáng, vì nó được làm nên hoàn toàn từ tâm huyết, trí óc và đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ. Sản phẩm Gốm Chi mang nhiều giá trị decor, tính hữu ích còn hạn chế nên người chơi phải biết yêu và biết cách sử dụng Gốm, thì mới cảm thụ được tinh thần của người nghệ sĩ muốn truyền tải vào trong sản phẩm”.

– Chị Nguyễn Thu Hường
(Làm việc trong ngành Quản lý Du lịch)

gom-chi-su-tinh-lang-la-suc-song-ben-bi-theo-nam-thang

Địa chỉ Gốm Chi: 43 Vạn Kiếp, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phong Vũ