Đến cửa hàng POP KẸO một buổi chiều tháng 7, Victor Ceano đón tôi bằng một nụ cười ấm áp cùng câu chào tiếng Việt trìu mến khiến tôi có phần bất ngờ. Trò chuyện nhiều hơn, chàng trai Tây Ban Nha sinh năm 1994 này càng khiến tôi đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Victor và ông ngoại.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống 5 đời làm kẹo, từ nhỏ Victor đã bị cuốn hút bởi những viên kẹo đủ màu sắc. Gia đình anh từng sở hữu một cửa hàng bánh kẹo có tên Pastelería Reñé ở trung tâm Barcelona và nhanh chóng trở thành biểu tượng của thành phố kể từ khi mở cửa vào năm 1892.

Từ nhỏ, Victor luôn cảm thấy thích thú mỗi khi bước qua cánh cửa có phong cách Art Nouveau của cửa hàng, nơi bà ngoại luôn đón anh bằng cái ôm ấm áp cùng thế giới cổ tích với những ice cream cakes (bánh và kem), bánh Sacher (làm từ sôcôla), marrons glacés (hạt dẻ phủ đường), các loại bánh tart và kẹo làm từ hàng ngàn loại trái cây…

Cửa hàng kẹo của gia đình Victor tại Barcelona năm xưa.

Cách đó không xa là xưởng sản xuất, nơi ông ngoại và những người thợ làm bánh tạo ra những “phép màu”. Ông ngoại chính là người thầy đầu tiên đánh thức đam mê làm bánh cho chàng trai nhỏ Victor. Từ đó đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, dù biết bao biến cố xảy đến, cậu bé ấy vẫn kiên định giữ trọn truyền thống của gia đình trong từng chiếc kẹo, từng thỏi sôcôla…

Năm 2001, Victor cùng bố mẹ đến Việt Nam du lịch. Hành trình xuyên Việt ấy đã khiến anh bất ngờ và thích thú bởi những điều mới lạ nhưng cũng rất đỗi bình dị của dải đất hình chữ S xinh đẹp này.

Mỗi miền đất đều để lại trong anh những ấn tượng riêng, đặc biệt là Hội An. Khu phố nhỏ cổ kính đã chiếm trọn tình cảm của cậu bé 7 tuổi bấy giờ. Cũng từ đó, nơi đây trở thành điểm dừng chân yêu thích nhất của gia đình Victor trong các kỳ nghỉ.

Victor đang chế tác kẹo trong cửa hàng của mình tại Đà Nẵng.

Như một nhân duyên, cũng ngay tại Hội An, Victor đã gặp đầu bếp Đức Trần (chủ nhà hàng Mango Rooms) – người sau này đã dạy anh rất nhiều điều hữu ích.

Năm 2012 được xem là bước ngoặt của cuộc đời Victor khi anh nhận lời mời trở thành đầu bếp làm bánh chính ở nhà hàng mới của chú Đức. Mùa hè năm ấy, chàng trai trẻ quyết định đến Việt Nam và bắt đầu công việc.

Victor đã được chú Đức giới thiệu các nguyên liệu và gia vị đặc trưng của Việt Nam, dạy anh bí quyết cũng như kỹ thuật làm bếp của chú. Không những vậy, chú còn giúp anh hiểu về con người, lối sống và văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Trong suốt quá trình làm việc tại Việt Nam, Victor vẫn luôn nuôi dưỡng ước mơ một ngày nào đó sẽ tạo ra được những sản phẩm kẹo bằng cách kết hợp công thức gia truyền của gia đình với những nguyên liệu truyền thống của Việt Nam.

Năm 2016, Victor quyết định chuyển đến Đà Nẵng thành lập công ty sản xuất kẹo và sôcôla của riêng mình.

POP KẸO đã ra đời như vậy.

Victor có thể giới thiệu cho độc giả của Đại Kỷ Nguyên một chút về công ty của mình không?

Ông ngoại của tôi đã lớn tuổi và không thể chăm sóc cho cửa hàng của chúng tôi ở Barcelona được nữa. Tôi muốn tiếp tục truyền thống của gia đình nhưng cũng muốn tìm cảm hứng và trải nghiệm những điều mới lạ. Vì vậy, tôi đã quyết định thành lập công ty tại Việt Nam.,

Pop Kẹo là công ty sản xuất kẹo và sôcôla ở Đà Nẵng được thành lập vào năm 2016. Sản phẩm của chúng tôi được làm thủ công, theo công thức gia truyền 120 năm của gia đình tôi, kết hợp với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên của Việt Nam. Chúng tôi luôn đảm bảo các sản phẩm được làm ra với chất lượng hoàn hảo và tốt nhất cho sức khoẻ của mọi người.,

Hiện tại, chúng tôi chủ yếu nhận sản xuất theo đơn đặt hàng của các khách sạn, resort và các Đại sứ quán tại Việt Nam.

Vì sao Victor đặt tên công ty là “POP KẸO”?

Tên của cửa hàng gia đình chúng tôi ở Barcelona là “Reñé”. Ở Việt Nam, tôi đặt tên cho công ty là Pop Kẹo. “Pop” là một từ dễ phát âm và mang ý nghĩa hạnh phúc. “Kẹo” là một từ thuần Việt bởi vì đây là nơi sản xuất kẹo dành cho người Việt Nam.

Giống như tên gọi, tôi mong rằng những viên kẹo và sôcôla này sẽ mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người thưởng thức chúng.

Victor chọn Đà Nẵng chứ không phải là một thành phố nào khác để gắn bó cuộc đời mình?

Đến Việt Nam từ khi còn là một cậu bé 7 tuổi, tôi đã cảm thấy mình có một mối liên hệ sâu sắc với mảnh đất này. Đà Nẵng là một thành phố xinh đẹp với những ngọn núi và bãi biển thơ mộng giống như Barcelona. Ở đây, tôi có cảm giác gần gũi như đang ở chính quê hương mình.

Là một người yêu nghệ thuật, ẩm thực và âm nhạc, tôi đặc biệt rất thích sáng tạo. Như bạn cũng biết, công việc hàng ngày luôn đòi hỏi tôi phải sáng tạo, trau chuốt và tỉ mỉ.

Để sáng tạo ra một sản phẩm kẹo hay sôcôla, chỉ có kỹ thuật thôi là chưa đủ. Tôi cần phải tạo ra sự khác biệt từ chính những nguyên liệu đầu vào. Thật tuyệt vời khi đất nước các bạn có một nền ẩm thực rất phong phú, nhờ đó tôi đã học hỏi và tạo ra những công thức mới cho các sản phẩm của mình. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được sống ở Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp đa phần đều sản xuất công nghiệp. Tại sao Victor lại chọn cách làm truyền thống cho những sản phẩm của mình?

Lợi nhuận là điều quan trọng nhưng tôi luôn tôn trọng giá trị truyền thống của gia đình và làm việc với phương châm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất chứ không chạy theo số lượng.

Để gìn giữ cách làm truyền thống, chúng tôi gần như phải đấu tranh để tồn tại. Nhưng tôi biết rõ rằng:

Giá trị truyền thống là chìa khoá cho chúng ta biết mình thực sự là ai. Nó sẽ không bao giờ bị lãng quên bởi thời gian. Đó cũng chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa công ty chúng tôi và các công ty khác.

Trước đây, mỗi khi tạo ra một loại kẹo mới và mời mọi người thưởng thức, tôi luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc qua nụ cười của họ. Tôi rất thích cảm giác đó. Vì vậy, tôi muốn mang nụ cười tới cho tất cả mọi người.

Với mỗi sản phẩm, từ công đoạn sơ chế, đóng khuôn cho đến khi thành phẩm đều được làm hoàn toàn thủ công với sự trau chuốt, tỉ mỉ cùng tình yêu thương của những người thợ làm bánh.

Là một người nước ngoài, trong quá trình sống và làm việc tại Việt Nam anh có gặp phải khó khăn trở ngại nào không?,

Lúc đầu, khi còn làm việc tại Hội An, vì mọi người luôn xem tôi như một khách du lịch chứ không phải một nhân viên nên mọi chuyện có chút hơi bất tiện. Nhưng khi tôi chuyển đến Đà Nẵng, nơi có rất nhiều người nước ngoài sống và làm việc, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, mọi người rất thân thiện và nhiệt thành chào đón tôi. Đặc biệt, trong công ty các nhân viên luôn đối xử với nhau như một gia đình, vì vậy tôi luôn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi làm việc với họ.

Ngoài ra, để có thể hiểu hơn về con người và văn hoá Việt Nam tôi cũng đã cố gắng học tiếng Việt. Tuy nhiên, hầu hết một từ đều có nhiều nghĩa và đôi khi một người nước ngoài như tôi hơi khó phân biệt và diễn đạt. Vì vậy, dù rất nỗ lực nhưng cũng khá khó khăn để tôi có thể giao tiếp tốt như một người bản địa thực thụ.

Tôi thấy Victor sử dụng các chất liệu khá đặc biệt để đóng gói sản phẩm kẹo và sôcôla của mình?

Tôi rất yêu thích các sản phẩm truyền thống của đất nước các bạn. Vì vậy tôi quyết định chọn gốm sứ Bát Tràng, hộp gỗ, giỏ tre… để đóng gói. Đồng thời chúng tôi cũng tự thiết kế mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Tất cả những chất liệu này đều hoàn toàn thân thiện với môi trường đồng thời mang đậm nét đặc trưng văn hoá truyền thống của Việt Nam.

Sản phẩm của Pop kẹo được đựng trong bao bì chất liệu bằng gốm, tre, gỗ…

Được biết, sản phẩm của Victor đang được khách hàng đón nhận rất tốt. Anh có ấn tượng nào về một vị khách đặc biệt của mình không?

Tất nhiên là có chứ. Tôi còn nhớ năm 2017, khi diễn ra Tuần lễ cấp cao Apec tại Đà Nẵng, sản phẩm của Pop kẹo được vinh dự làm quà tặng cho thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto. Đó thực sự là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi.

Bạn biết đấy, các nguyên thủ quốc gia vốn đi rất nhiều nơi và đã được nếm thử rất nhiều loại sôcôla nổi tiếng. Khi giới thiệu sản phẩm sôcôla của Pop kẹo, họ hoàn toàn không biết gì về nó nhưng sau khi thưởng thức, họ đã đánh giá rất cao về chất lượng và rất thích sản phẩm của tôi. Điều đó khiến tôi rất tự hào và càng tự tin rằng, con đường tôi đang đi là đúng đắn.

Anh thích điều gì ở văn hoá Việt Nam?

Tôi thích nhất là cách Việt Nam làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng các nguyên liệu như lá dừa, tre…

Tôi cũng rất thích ẩm thực đường phố của đất nước các bạn, cách kết hợp các nguyên liệu để tạo ra hương vị hài hoà và độc đáo của các món ăn. Sự kết hợp hương vị tài tình đó là điều tôi luôn muốn học hỏi.

Ngoài ra, tôi cũng rất thích Tết Nguyên Đán của Việt Nam. Dịp Tết mang mọi người đến gần nhau hơn, đồ ăn rất ngon, thời tiết cũng rất đẹp và hình ảnh mọi người sum họp bên gia đình cho tôi cảm giác rất ấm cúng. Đó là điều tôi rất trân quý.

Các thành viên của Pop kẹo.

Anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ Việt muốn theo đuổi đam mê và gây dựng sự nghiệp riêng không?

Tôi luôn tâm niệm mình phải làm ra những sản phẩm với chất lượng tốt nhất cùng sự trau chuốt, tỉ mỉ và đam mê trong đó. Tôi nghĩ bạn cũng nên có những giá trị quan của riêng mình và kiên định theo đuổi nó, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa.

Đồng thời, bạn cũng nên hợp tác và học hỏi từ các chuyên gia và những người có kinh nghiệm trong nghề. Họ sẽ cho bạn lời khuyên tốt nhất, giúp bạn vững tin trên con đường mình đã chọn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú trọng việc sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giúp cộng đồng địa phương cùng phát triển.

Kết thúc câu chuyện, bên ngoài trời cũng dần tối. Victor đưa tôi nếm thử những chiếc kẹo và sôcôla do chính tay anh làm. Sự kết hợp của hạt điều, gạo lứt, dừa,… cùng vị đắng nhẹ của sôcôla chưa bao giờ lại hài hoà và ngon đến thế.

Trước khi về, anh không quên tặng tôi những cây kẹo đủ màu sắc và hương vị. Bất giác, tôi thấy mình trở lại là một cô bé, hạnh phúc như khi được bố mẹ cho kẹo…

(Ảnh trong bài viết từ POP KẸO và ĐKN)