Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Gia Cát Lượng chọn phò tá Lưu Bị chứ không phải Tôn Quyền hay Tào Tháo?

Trong khi Tào Tháo, Tôn Quyền đều có thực lực hùng mạnh, vì sao một Lưu Bị xuất thân áo vải lại trở thành lựa chọn duy nhất của nhà quân sự tài ba Gia Cát Lượng? Đó chính là một bí mật thiên cổ mà chúng ta sẽ cùng giải mã trong bài viết này.

Có nhiều ý kiến cho rằng, Khổng Minh – Gia Cát Lượng lựa chọn phò tá Lưu Bị không chỉ vì phù hợp với lý tưởng chính trị của ông, mà còn bởi Lưu Bị cho Gia Cát Lượng đầy đủ không gian phát huy sở học bình sinh của mình.

Lại có một luồng quan điểm khác cho rằng, việc Lưu Bị trở thành lựa chọn cuối cùng của Gia Cát Lượng hoàn toàn không đơn thuần chỉ là vấn đề “không gian” phát huy hết tài năng. Gia Cát Lượng chọn Lưu Bị bởi vô cùng cảm kích trước ân tri ngộ của Lưu Bị 3 lần đến lều cỏ.

Lưu Bị 3 lần đến lều cỏ mời Khổng Minh tiên sinh hạ sơn giúp thành đại nghiệp.

Chúng ta hãy cũng lật lại thời gian, truy lại thời điểm cách đây 1800 năm về trước, trở về thời kỳ Tam Quốc để biết được ngọn ngành, trả lời gãy gọn những câu hỏi lớn ấy. Rốt cuộc, Gia Cát Lượng đã làm những gì, đã để lại gì cho hậu thế, tại sao ông lại xuất hiện vào thời điểm đó và lựa chọn Lưu Bị chứ không phải Tào Tháo hay Tôn Quyền?

Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như: Mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn… Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…

Trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển quân lương cho 10 vạn quân ngoài sa trường, và chiến xa phá thành vô cùng dũng mãnh của Khổng Minh.

Nhưng con người hôm nay có thể sẽ cho rằng đó chỉ là khoa trương trong tác phẩm nghệ thuật mà thôi, còn tình huống thực tế chắc không hẳn là như vậy. Duy chỉ có “Mã Tiền Khóa” là được đông đảo mọi người thừa nhận là do Gia Cát Lượng viết, cũng là quyển sách tiên tri vô cùng chuẩn xác.

Dự ngôn “Mã Tiền Khóa” (马前课) là do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam Quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, có thể nói là nhà nhà đều biết, nhưng không nhiều người biết về “Mã Tiền Khóa”. Tương truyền Gia Cát Lượng vào lúc nhàn hạ trong quân đã sáng tác “Mã Tiền Khóa” (tên “Mã Tiền Khóa” có nghĩa là “quẻ bói gieo trước ngựa”).

Tiên tri “Mã Tiền Khoá” của Gia Cát Lượng đã lưu truyền gần 2000 năm nay, chưa từng sai.

“Mã Tiền Khóa” ngắn gọn súc tích phi thường, chỉ có 14 khóa, mỗi khóa dự ngôn một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.

Trong cõi huyền diệu đã tự có an bài

Quẻ đầu trong “Mã Tiền Khóa”:

“Vô lực hồi thiên, cúc cung tận tụy; âm cư dương phất, bát thiên nữ quỷ”

(Tạm dịch: Không sức đổi trời, còng mình gắng sức; âm tồn dương phất, tám nghìn nữ quỷ).

Điều này đã nói rõ một điều rằng Gia Cát Lượng quả thực đã biết phò tá Lưu Bị thống nhất giang sơn là điều không thể. Đây chính là thiên ý, bản thân chỉ có thể gắng sức cho đến lúc chết mà thôi. Cách nói này không khỏi khiến người ta có phần thương cảm nhưng đó lại là sự thật.

Rất nhiều người cho rằng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị là vì báo đáp ân tri ngộ. Nói như vậy cũng không phải là không có đạo lý. Nhưng nếu như hết thảy mọi huyền diệu đều đã có an bài cả rồi thì việc này không chỉ vỏn vẹn là vì báo ân đơn giản như vậy. Điều này nhất định là có liên quan đến chuyện đại sự khác nữa.

Tào Tháo và Tôn Quyền, 2 đại thế lực ở Trung Nguyên lại không thể nào thu phục được Gia Cát Lượng.

Đó là lý do vì sao mà mặc dù Tào Tháo nắm một nửa thiên hạ, hiệu triệu quần hùng Trung Nguyên dưới lá cờ nhà Hán và Tôn Quyền, một minh chúa của Đông Ngô, lại không tài nào khiến Khổng Minh dao động. Ông đến là để tạo thành thế chân vạc thời Tam Quốc, cùng diễn chữ “Nghĩa” với các anh hùng hào kiệt, chứ không phải đến để thống nhất thiên hạ, đó chính là “thiên ý”.

Tấm màn lịch sử dần dần hạ xuống, chân tướng ngày càng sáng tỏ

Quẻ 13 trong “Mã Tiền Khóa”:

“Hiền bất di dã, thiên hạ nhất gia; vô danh vô đức, quang diệu Trung Hoa.”

(Tạm dịch: Người hiền đức không rơi mất, thiên hạ một nhà; vô danh vô đức, chói lọi Trung Hoa).

Những gì được miêu tả rốt cuộc sẽ xảy ra trong thời gian nào, là do ai đến chủ đạo, đối với con người hôm nay mà nói thì vẫn còn là một ẩn đố. Tuy nhiên có một điểm chắc chắn, đây mới là mục đích chân thật mà “Mã Tiền Khóa” được truyền ra.

Gia Cát Lượng xuất sơn có một mục đích tối quan trọng, đó là để lưu lại cho hậu thế những lời “sấm” của mình về tương lai của Thế giới trong thời loạn thế. (Ảnh: Internet)

Nếu như đã là mục đích chân thật của “Mã Tiền Khóa” thì đây cũng là mục đích xuống núi thật sự của Gia Cát Lượng. Ông xuất sơn tham gia cuộc cờ lịch sử kia vốn không phải là vì để báo đáp cái ân tri ngộ, cũng không phải vì quang tông diệu tổ, mà chính là vì để lưu lại đoạn văn hóa này, đặt nền tảng văn hóa nhất định cho lịch sử của ngày hôm nay, chuẩn bị cho một sự kiện lớn của nhân loại.

Hiểu về diễn biến hành trình của Gia Cát Lượng cùng đoạn sử sách hào hùng mà ông cùng các anh kiệt đương thời tạo dựng nên, người ta càng hiểu hơn về chữ “Nghĩa”. Tam quốc tranh bá tranh hùng để cuối cùng diễn về một chữ “Nghĩa”, ấy chính là nội hàm xuyên suốt được thể hiện trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

Đối với Gia Cát Lượng, làm người thành bại ở đời vốn là chuyện đã định, tài năng thuộc hàng thần sầu quỷ khốc, cũng không thoát khỏi “thiên ý”. Điều quan trọng vẫn là cái “Nghĩa” để lại trong đời. Mục đích cuối cùng mà Gia Cát Lượng đến là để viết ra cuốn tiên tri “Mã Tiền Khoá” cảnh tỉnh hậu thế, rằng hết thảy mọi sự đều có định số, đều được an bài vô cùng chu toàn cẩn mật, kể cả việc phò tá Lưu Bị chứ không phải Tào Tháo hay Tôn Quyền, đó đều là hành sự thuận theo “thiên ý”.

“Cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi” – Đó chính là tôn chỉ của Khổng Minh khi phò tá nhà Thục Hán, đó không phải là ngu trung, mà thực ra đó mới chính là một người thấu hiểu mệnh trời và biết rõ sứ mệnh thật sự của mình. (Ảnh: Internet)

Giống như Lão Tử đã từng giảng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên“. Gia Cát Lượng và một người tu Đạo từ bé nên hết sức thấu hiểu được điều này. Vậy tiên tri Mã Tiền Khoá của ông rốt cuộc là để cảnh tỉnh hậu thế về điều gì? Quý vị có thể đọc bài “Vì sao Gia Cát Lượng có thể biết được thiên tượng 2000 năm sau” ở ngay phía dưới.

 

 

Exit mobile version