Sau khi Tần Thuỷ Hoàng nghị luận đế hiệu và ‘phế thuỵ pháp’, ông còn làm một việc nữa đó là: thúc đẩy ‘ngũ hành chung thuỷ’ (ngũ hành trước sau như một). 

Giáo sư Chương Thiên Lượng đánh giá sự việc này rất quan trọng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nó thể hiện được tính hợp pháp ‘Thụ mệnh ư Thiên’ (受命於天: Nhận mệnh tử Trời) của triều Tần. 

Triều Tần mang hành Thuỷ

Giáo sư Chương giải thích, cái gọi là ‘ngũ hành chung thuỷ’ (五行終始) chính là chỉ vào thời Chiến Quốc có học thuyết Bách gia như Nho gia, Đạo gia, Binh gia, Pháp gia… thì trong đó có một học thuyết là Âm dương gia. Đại biểu của Âm dương gia là Trâu Diễn (鄒衍), ông đề xuất ra một bộ lý luận là: giữa các vương triều có sự thay thế, và sự thay thế này có quan hệ với ngũ hành. 

Tần Thuỷ Hoàng căn cứ theo ‘ngũ hành chung thuỷ’ của Trâu Diễn mà suy đoán, cho rằng nước Tần đắc được hành Thuỷ trong ngũ hành, thuộc thuỷ vận. 

Chúng ta biết rằng Thuỷ và Hoả, một cái chủ Dương, một cái chủ Âm, cho nên Tần Thuỷ Hoàng cho rằng nước Tần thuộc Thuỷ là chủ Âm. Chủ Âm thì như thế nào? Pháp luật rất nghiêm khắc. Pháp lệnh của triều Tần sở dĩ nghiêm khắc là để phù hợp yêu cầu của Thuỷ chủ Âm.

Đồng thời chúng ta biết rằng trong bát quái, thì Thuỷ thuộc quái (quẻ) số 6. Bát quái là: Càn Đoài Ly Chấn Tốn Khảm Cấn Khôn, Thuỷ là quẻ Khảm số 6. Do đó tất cả quy định thời nhà Tần, phàm là đếm số hoặc liên quan đến con số đều có quan hệ đến số 6. 

Trước khi đi tiếp, chúng ta nói một chút về đo lường thời cổ đại. Một thốn (寸) bằng khoảng 3,3cm, 3 thốn bằng 10cm; một xích (尺) bằng khoảng 33,3cm, 3 xích bằng 1m; một trượng (丈) bằng khoảng 3,3m, 3 trượng bằng 10m.

Nói tiếp về con số 6, khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất lục quốc, ông phân thiên hạ thành 36 quận (6×6 36). Mũ đội (quan – 冠) cao bao nhiêu? 6 thốn (20cm). Một ‘bộ’ (步) thời xưa chỉ 2 bước chân, thì một bộ thời Tần dài 6 xích (2m). Còn số ngựa để kéo xe là 6 con. Sau này Tần Thuỷ Hoàng còn thống nhất khoảng cách 2 bánh xe, cũng là 6 xích (2m). Tần Thuỷ Hoàng thu tất cả vũ khí trong thiên hạ (bởi vì không cần đánh trận nữa), nung chảy đúc thành 12 bức tượng hình người bằng đồng (đồng nhân – 銅人). Mỗi đồng nhân này nặng 12 vạn cân. 

Sau này Tần Thuỷ Hoàng đi tuần du, mỗi lần đến địa phương nào để khắc chữ về phong công vĩ nghiệp của Hoàng đế, số chữ đều là bội của 6. Chúng ta thấy rằng những con số trên đều liên quan đến 6 (là 6 hoặc bội 6).

Giáo sư Chương đánh giá, Tần Thuỷ Hoàng thúc đẩy ‘ngũ hành chung thuỷ’ là muốn truyền đạt một thông tin vô cùng minh xác rằng: Thụ mệnh ư Thiên (受命於天: Nhận mệnh tử Trời). Vì sao Tần Thuỷ Hoàng làm Hoàng đế, bởi vì chiểu theo ngũ hành mà giảng: ông có thuỷ đức nên ông làm Hoàng đế.

Cải chính sóc (thay đổi ngày đầu năm)

Ngoài thúc đẩy ‘ngũ hành chung thuỷ’ ra, Tần Thuỷ Hoàng còn ‘cải chính sóc’ (改正朔). Cái gọi là ‘cải chính sóc’ chính là ‘chính nguyệt’ (正月: tháng đầu, tháng Một) bắt đầu lúc nào. 

Trước thời Tần Thuỷ Hoàng có 3 triều Hạ – Thương – Chu, Chu thì có phân Tây Chu với Đông Chu, trong Đông Chu lại phân thành Xuân Thu và Chiến Quốc. Mỗi vương triều này khi cải triều hoán đại đều ‘cải chính sóc’. 

  • Triều Hạ lấy tháng Một là bắt đầu của một năm.
  • Triều Thương thì lấy tháng Mười hai làm bắt đầu một năm.
  • Đến triều Chu thì lấy tháng Mười một.
  • Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, ông lấy tháng Mười để bắt đầu một năm.

Đây gọi là ‘cải chính sóc’, thông qua việc thay đổi lịch pháp (phương pháp tính lịch) để biểu đạt tính quyền uy của hoàng quyền.

Đến triều Hán thì không có cải chính sóc, bởi vì mỗi Hoàng đế nhà Hán khi đăng cơ (từ thời Hán Vũ Đế) họ không ‘cải chính sóc’ mà là ‘cải niên hiệu’ (thay đổi niên hiệu). Ví dụ như Khang Hy, Càn Long, Hồng Vũ, Vĩnh Lạc… đều là niên hiệu của Hoàng đế. Thông qua phương thức ‘cải niên hiệu’ để truyền đạt thông tin Hoàng đế đăng cơ, hoặc là thông tin về tính hợp pháp.

Giáo sư Chương còn phát hiện một điểm rất độc đáo nữa của Tần Thuỷ Hoàng, đó là những thứ ông dùng đều là những ‘xưng vị’ (稱謂: danh xưng, xưng hô) mang tính ‘chuyên môn’. Ví như Tần Thuỷ Hoàng định ra một chế độ gọi là ‘chế’ (制), ông phát đi một công cáo gọi là ‘chiếu’, ông tự gọi mình là ‘trẫm’. Trước đây chữ ‘trẫm’ có nghĩa là ‘tôi’, ai cũng có thể xưng mình là ‘trẫm’, từ thời Tần Thuỷ Hoàng thì chỉ có Hoàng đế mới xưng mình là ‘trẫm’. Tiếp nữa, đại ấn của Hoàng đế gọi là ‘tỷ’ hoặc ‘ngọc tỷ’ (玉璽), trên đó có khắc 8 chữ:

Thụ mệnh ư Thiên
Ký thọ vĩnh xương

Hán tự:

受命於天
既壽永昌

Tạm dịch:

Nhận mệnh từ Trời
Đã lâu dài mà còn vĩnh viễn hưng thịnh

Những điều trên chỉ để nói rằng, Tần Thuỷ Hoàng thông qua phương thức như ‘cải chính sóc’, thúc đẩy ‘ngũ hành chung thuỷ’, nghị luận đế hiệu v.v. là muốn truyền đạt thông tin: Thụ mệnh ư Thiên.

8 chữ khắc trên ngọc tỷ của nhà Tần: Thụ mệnh ư Thiên, ký thọ vĩnh xương. Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.

Phế phân phong, trí quận huyện 

Lời bạchTần Thuỷ Hoàng dùng lý luận Âm dương Ngũ hành để suy đoán nước Tần hành Thuỷ đã đến thời chấp chính, do đó quy định: Phàm là những con số đều lấy quẻ Thuỷ số 6 làm cơ số, từ đó biểu thị tính hợp pháp ‘Thụ mệnh ư Thiên’ của nước Tần. Lại thông qua việc sáng lập Hoàng đế để xác lập được quyền uy của người thống trị ‘một đế quốc đại thống nhất’.

‘Danh chính thì ngôn thuận’, Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu sáng lập và hoàn thiện chế độ chính trị ảnh hưởng đến hậu thế 2000 năm sau. Chế độ này không phải là ‘chế độ phong kiến’. Vậy thì Tần Thuỷ Hoàng đã kiến lập chế độ chính trị nào?

Tần Thuỷ Hoàng còn làm một việc nữa, về mặt chính trị thực thi chính sách: phế phân phong, trí quận huyện (非分封, 置郡縣: phế bỏ chế độ phân đất phong hầu, thiết lập chế độ quận huyện).

Chúng ta biết rằng trước thời Tần, Trung Quốc thực hiện chế độ phong kiến. Cái gọi là ‘phong kiến’ chính là ‘phong thổ’ và ‘kiến quốc’, cũng tức là thiên tử hoạch định một miếng đất, đây gọi là ‘phong thổ’ (đất phong); sau đó chỉ định một quốc quân, còn đây gọi là ‘kiến quốc’. ‘Phong thổ’ và ‘kiến quốc’ hợp lại với nhau thành ‘phong kiến’.

Chữ Phong – 封 trong chữ Giáp cốt và Kim văn đều giống một tay đang đắp đất trồng cây. Người xưa dùng phương thức này để xác định biên giới. Ảnh chụp từ cuốn ‘Tìm về cội nguồn chữ Hán’ của tác giả Lý Lạc Nghị.

Chế độ phong kiến, trên thực tế là một quốc quân trong phạm vi lãnh thổ của họ có cả ‘chủ quyền’ và ‘trị quyền’, vừa hưởng được tất cả quyền lợi của lãnh thổ, vừa phụ trách quản lý nhân dân trên mảnh đất đó.

Tần Thuỷ Hoàng phế trừ phong kiến, tức là phế trừ ‘chủ quyền’ của người đó chỉ cho ‘trị quyền’; tức là bạn chỉ là người quản lý chứ không phải là người sở hữu mảnh đất này; giống như trong một công ty, bạn chỉ là CEO quản lý vận hành, nhưng người nắm giữ công ty là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ở đây cũng như thế, Tần Thuỷ Hoàng đã thay đổi chế độ phân phong trong quá khứ thành chế độ quận huyện. 

Khi thảo luận chế độ của quốc gia, đại thần có một số tranh luận, đặc biệt là Thừa tướng Vương Oản. Vương Oản cho rằng có một số địa phương cách chính phủ trung ương quá xa. 

Nước Tần nằm ở phía tây Trung Quốc, còn nước Yên (nay là Bắc Kinh, thường gọi là Yên Kinh) lại ở phía bắc. Nước Tề (hiện nay thuộc tỉnh Sơn Đông) nằm ở phía đông Trung Quốc, giáp biển Bột Hải; còn có nước Ngô (hiện nay thuộc tỉnh Chiết Giang), nước Sở (hiện nay thuộc tỉnh Hồ Bắc)… Những nơi này cách trung ương quá xa, cho nên Vương Oản cho rằng không phù hợp với việc trung ương quản lý trực tiếp. Vậy phải làm thế nào? 

Từ trung ương là đô thành Hàm Dương nước Tần đến các địa phương như nước Yên, Tề, Ngô, Sở rất xa. Ảnh chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 1.

Vương Oản khuyên Tần Thuỷ Hoàng rằng: ‘Hãy đem con cái và công thần của ngài đến địa phương ấy làm quốc quân, giống như những năm đầu triều Chu phong Chu Công đến nước Lỗ, Thiệu Công đến nước Yên, Khương Tử Nha đến nước Tề… thay thiên tử để quản lý nơi đó’. Tần Thuỷ Hoàng trả lời: ‘Ta thật không dễ dàng thống nhất thiên hạ, quét sạch lục quốc, hiện nay ngươi bảo ta phong quân vương đến các quốc gia, thế chẳng phải khôi phục lại cục diện chiến loạn thời Chiến Quốc hay sao?’. Do đó Tần Thuỷ Hoàng không đồng ý. 

Khi đó còn có một người không đồng ý nữa đó là Đình uý Lý Tư. Lý Tư cũng có cùng chủ trương với Tần Thuỷ Hoàng: ‘Thật không dễ để bình định thiên hạ, không còn quốc gia, nay lại phong quốc gia. Hà tất phải làm như thế!’. 

Tần Thuỷ Hoàng mới tiếp nạp kiến nghị của Lý Tư, đó là phế trừ phân phong, nhà Tần sẽ thực hiện chế độ quận huyện, chia thiên hạ thành 36 quận (tương đương với 36 tỉnh), mỗi quận phân thành một số huyện, sau đó phái Quận thú (Thái thú Quận, tương đương tỉnh trưởng) đến phụ trách quản lý quận đó, phái Huyện lệnh hoặc Huyện trưởng để quản lý huyện. 

Điều này tương đương với việc thay đổi hình thái chính trị từ ‘có chủ quyền, có trị quyền’ của chế độ phong kiến trong quá khứ, thành ‘có trị quyền nhưng không có chủ quyền’, hơn nữa ‘trị quyền’ cũng không thể kế thừa. Quá khứ quốc vương mất thì con trai kế vị vẫn là quốc vương, nhưng hiện nay Quận thú mất thì con trai cũng không được kế vị. Cách làm này đã gia tăng sự khống chế của trung ương đối với địa phương. 

‘Phế phân phong, trí quận huyện’ là biện pháp chính trị mà Tần sử dụng để gia tăng ‘trung ương tập quyền’. Nhưng chỉ chế độ chính trị ‘trung ương tập quyền’ thôi chưa đủ, mà còn cần sự đảm bảo về các phương diện khác như kinh tế, văn hoá, quân sự v.v. Vậy thì Tần Thuỷ Hoàng đã dùng phương thức gì để đảm bảo chế độ ‘trung ương tập quyền’ vận hành thuận lợi, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Đế quốc hồng nghiệp. 

Mạn Vũ