Đại Kỷ Nguyên

Xem ‘Tam Quốc diễn nghĩa’ đừng chỉ biết đến một mình Khổng Minh

Vào cuối triều đại nhà Hán, quân Khăn Vàng nổi dậy như ong vỡ tổ khắp nơi. Các vị tướng quân, nhờ vào việc đánh bại quân nổi loạn đã ngày càng trở nên lớn mạnh, mỗi sứ quân cát cứ một nơi, đều lăm le cướp ngai vàng.

Khi xem “Tam Quốc diễn nghĩa”, người đọc thường bị thu hút bởi nhân vật Khổng Minh Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán. Không phủ nhận ông là một nhân vật quan trọng bậc nhất thời Tam Quốc, nhưng thời đại có một không hai trong lịch sử Trung Hoa ấy cũng xuất hiện rất nhiều anh hùng, mà hậu thế hãy còn nhớ mặt, thuộc tên.

Ba nhân vật chính trong cuộc chiến giành quyền cai trị Trung Nguyên khi ấy là Tào Tháo – nắm giữ kỵ binh trong cuộc dẹp loạn quân Khăn Vàng, Lưu Bị – một người họ hàng xa của vua nhà Hán và Tôn Quyền – người được biết đến với danh hiệu vị tướng chinh phục những kẻ man rợ.

Vào năm 205, sau khi tiêu diệt toàn bộ tập đoàn Viên Thiệu, Tào Tháo trở thành bá chủ, cai trị toàn bộ miền đất phía bắc, có thế lực mạnh nhất trên toàn cõi Trung Hoa. Thành trì của Lưu Bị ở gần tỉnh Tứ Xuyên ngày nay trong khi Tôn Quyền đóng giữ ở miền Đông Nam. Với tham vọng làm bá chủ toàn Trung Nguyên, Tào Tháo bắt đầu xua quân Nam tiến.

Nam hạ Trung Nguyên, Tào Tháo mơ giấc mơ thống nhất Trung Hoa. (Ảnh: Internet)

Năm 208, Tào Tháo mang quân bản bộ tiến đánh xuống phía Tây Nam, lăm le đánh chiếm Kinh Châu và Đông Ngô. Tôn Quyền và Lưu Bị kết thành liên minh Tôn-Lưu, 5 vạn quân đối đầu với 20 vạn quân Tào ở Xích Bích trên sông Dương Tử vào mùa đông năm 208. Trận chiến này đã thiết lập ‘thế chân vạc’ trên lãnh thổ Trung Hoa trong suốt 50 năm sau đó.

Trận Xích Bích nổ ra trên sông. Quân Tào đuối sức sau cuộc viễn chinh, buộc phải thu về phía bờ Bắc của sông Dương Tử. Quân sư của Lưu Bị là Gia Cát Lượng và đô đốc phía Tôn Quyền là Chu Du để ý thấy các chiến thuyền của Tào Tháo được cột chặt vào nhau để tránh cho binh sỹ bị say sóng. Họ nảy ra kế hoạch đốt cháy hạm đội quân Tào.

Tuy nhiên, kế hoạch của họ chỉ thành công nếu có gió trời ủng hộ. Thời điểm này đang là mùa đông, gió Tây Bắc thổi mạnh, trong khi quân liên minh lại đóng ở mặt Đông Nam. Khi nghe các mưu sĩ của mình cảnh báo về việc quân địch có thể dùng hỏa công tiến đánh, Tào Tháo đã cười lớn cho rằng như thế chẳng khác nào quân liên minh Tôn Lưu tự thiêu cháy mình.

Liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị quyết chiến với Tào Tháo.

Chu Du vì chuyện đó mà lo phiền, thất vọng rồi đổ bệnh. Khi ấy, Gia Cát Lượng đã viết cho Chu Du một bức thư, kê một đơn thuốc đánh trúng tâm bệnh của Chu Lang:

“Muốn phá Tào công, phải dùng hỏa công

Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông”

Tài năng quân sự tuyệt vời của Gia Cát Lượng đã khiến Chu Du lo sợ, dần trở nên mất kiên nhẫn và nhiều lần mưu giết ông. Tuy vậy, trước trí tuệ của Gia Cát Lượng, Chu Du đã buộc phải từ bỏ ý định của mình.

Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người. Ông vốn đã biết trước được rằng hướng gió sẽ thay đổi. Và quả thực, gió Đông đã tới. Chu Du mau chóng bày mưu, cho lão tướng Hoàng Cái trá hàng để đánh úp thủy trại quân Tào.

Đại chiến Xích Bích. (Ảnh: Internet)

Tào Tháo tin ngay Hoàng Cái. Khi đội “hàng binh” bơi đến giữa sông thì Hoàng Cái ra lệnh châm lửa đốt thuyền. Những hỏa thuyền cháy rực đâm vào thủy trại quân Tào. Do chiến thuyền của Tào Tháo đều đã bị cột chặt vào nhau, quân Tào không sao dập lửa được, tử thương vô số. Bản thân Tào Tháo cũng phải tháo chạy và suýt mất mạng ở ải Hoa Dung, nơi Quan Vũ lượng tình xưa và tha chết cho ông vào phút chót.

Đòn hỏa công đã giành thắng lợi. Tào Tháo buộc phải rút quân, từ bỏ hoàn toàn tham vọng tiến chiếm miền nam, thống nhất Trung Hoa. Cũng từ đây, thời đại Tam Quốc bắt đầu, thế chân vạc chia ba thiên hạ tiếp tục duy trì suốt hơn nửa thế kỷ sau đó.

Video: Tam Quốc diễn nghĩa (NTD Tiếng Việt)

Trận chiến Xích Bích mở ra số phận cho cả ba tập đoàn Tào, Lưu, Tôn. Tào Tháo trở về xưng vương và được coi là người mở đầu cho quyền lực của nước Ngụy ngay trong lòng nhà Đông Hán ở miền Bắc. Lưu Bị chiếm được Kinh Châu, bắt đầu có chỗ đứng chân trước khi tiến vào đất Thục rồi mở ra nhà Thục Hán sau đó. Còn Tôn Quyền thắng trận, vừa giữ vững được giang sơn Đông Ngô, vừa phát triển lực lượng mạnh mẽ nhờ số lượng tù binh quân Tào.

Sau hàng thập kỷ chiến loạn, chinh phạt lẫn nhau, ba nước Ngụy (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị) và Ngô (Tôn Quyền) cuối cùng cũng thu về một mối. Nước Ngụy, với dân số đông nhất trong ba nước, trước tiên tiêu diệt nước Thục vào năm 263. Sau cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, họ Tào bị phế truất, họ Tư Mã lên nắm quyền lực, Ngụy đổi tên thành Tấn và đánh bại Ngô vào năm 280. Một lần nữa Trung Hoa được thống nhất. Thời đại Tam Quốc đáng nhớ trong lịch sử cũng trôi vào dĩ vãng.

Tam Quốc Diễn nghĩa – Nơi anh hào tụ hội, cùng diễn một vở kịch chấn động lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Internet)

Thế nhưng di sản của thời kì vĩ đại này thì vẫn còn sống mãi với hậu thế nhờ một cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn La Quán Trung: “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Suốt hàng trăm năm sau, “Tam Quốc diễn nghĩa” đã trở thành món ăn tinh thần được nhân dân đón nhận nồng nhiệt. Bản thân cuốn tiểu thuyết cũng lọt vào hàng “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa.

Sau này, câu nói của Gia Cát Lượng: “Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió Đông“, đã trở thành thành ngữ nổi tiếng trong tiếng Trung, nghĩa là tất cả mọi việc đã sẵn sàng, chỉ cần một yếu tố quyết định.

Vào thời nhà Minh, nhà thơ Dương Thận (1488 – 1559) có làm một bài từ tên là “Lâm Giang Tiên”, chất chứa những tâm sự của hậu thế về một thời đại huy hoàng:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Bao độ ánh chiều hồng
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng“.

Thanh Ngọc – Hữu Bằng (Theo NTD Tiếng Việt)

Xem thêm:

Exit mobile version