Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Gia Cát Lượng có thể biết được thiên tượng 2.000 năm sau?

Có rất nhiều điều mà con người không lý giải được. Lúc nhỏ xem Tam quốc diễn nghĩa, điều khiến tôi khó hiểu nhất là vì sao người ta có thể qua bói toán mà biết trước được những sự việc chưa xảy ra.

Đối với tôi, đó là những chi tiết thú vị nhất nhưng cũng khó hiểu nhất. Gia Cát Lượng sống ở vùng Long Trung, ông chưa từng bước chân khỏi quê nhà của mình nhưng đã biết được việc thiên hạ sẽ chia ba. Thời bấy giờ không có báo chí, đài phát thanh hay điện báo, sao ông có thể biết được rõ ràng những chuyện đại sự trong thiên hạ đến vậy?

Tam Quốc diễn nghĩa, “hồi thứ 57”: Lại nói Khổng Minh ở Kinh Châu, ban đêm quan sát thiên văn thấy sao rơi xuống đất, liền cười nói: “Chu Du đã chết rồi.” Đến sáng, nói lại với Huyền Đức. Huyền Đức cử người đi thám thính, quả nhiên đã chết rồi. Huyền Đức hỏi Khổng Minh rằng: “Chu Du đã chết, mọi chuyện sẽ thế nào?” Khổng Minh nói: “Người lãnh binh thay Chu Du ắt là Lỗ Túc. Lượng quan sát thiên tượng, thấy sao Tương tụ ở phương đông. Lượng sẽ lấy cớ viếng lễ tang sang Giang Đông một chuyến để tìm hiền sĩ phò trợ chúa công.” Huyền Đức nói: “Chỉ e là tướng sĩ quân Ngô sẽ hãm hại tiên sinh.” Khổng Minh nói: “Khi Du còn sống Lượng còn chẳng sợ, nay Du đã chết còn lo gì nữa?”

Sau liền cùng Triệu Vân dẫn theo 500 quân sĩ, chuẩn bị lễ vật, xuống thuyền đến Ba Khâu đưa tang. Trên đường đi, thám thính được Tôn Quyền đã phong Lỗ Túc làm đô đốc, linh cữu Chu Du đã đưa về Sài Tang. Đoạn này nói Gia Cát Lượng nhìn thấy sao Tương rơi liền biết được Chu Du đã chết, đồng thời, trước chuyến đi sang Đông Ngô lần này ông không hề lo sợ cho tính mạng của mình. Tại sao như vậy, bởi ông đã biết trước rằng lần này đến Đông Ngô, dẫu cho bao nhiêu người căm hận ông nhưng mạng sống của ông vẫn bảo toàn.

“Hồi thứ 63”: Lại nói khi Khổng Minh ở Kinh Châu, vào dịp tết Thất tịch, chúng quan mở hội yến tiệc cùng bàn về việc thu hồi Kinh Châu. Bỗng thấy một ngôi sao to như cái đầu xuất hiện ở phía tây, từ trên trời rơi xuống, ánh sáng tỏa ra bốn phía. Khổng Minh thất kinh, ném ly xuống đất, ôm mặt khóc rằng: “Bi ai thay! Đau xót thay!” Chúng quan hoảng hốt hỏi duyên cớ. Khổng Minh nói: “Trước đây ta đoán rằng năm nay sao Thiên Cương ở hướng tây sẽ bất lợi cho quân sư; Thiên Cẩu xâm phạm quân ta, sao Thái Bạch ở gần Lạc Thành, ta đã gửi thư cho chúa công dặn phải đề phòng cẩn thận. Ngờ đâu đêm nay sao rơi phía tây, mạng sống của Bàng Sĩ Nguyên ắt đã chấm hết rồi!” Nói xong, lớn tiếng khóc rằng: “Hôm nay, chúa công chúng ta đã mất đi một cánh tay rồi!” Chúng quan đều thất kinh, chưa tin lời ông. Khổng Minh nói: “Trong mấy ngày nữa, ắt có tin tức.” Tiệc rượu chưa kịp vui đã tàn cuộc. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin báo rằng quân sư Bàng Thống bị tên bắn chết trước gò Lạc Phượng. Người viết nghĩ rằng nếu như Gia Cát Lượng không có khả năng đoán chính xác, việc chưa xảy ra mà đã khóc lớn, nếu sau này Bàng Thống không chết thì chẳng phải tự làm mình mất mặt sao, sau này sao có thể duy trì quân lệnh như sơn được nữa? Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng cũng đều thông qua quan sát tinh tượng mà biết trước được cái chết của Quan Vũ và Trương Phi.

“Hồi thứ 103”: Đang đêm, Khổng Minh đang ốm vẫn ra khỏi lều, ngẩng đầu quan sát thiên văn, ông vô cùng kinh hãi liền vào lều bảo với Khương Duy rằng: “Mệnh ta nội trong sớm tối nay mà thôi!” Duy nói: “Thừa tướng sao lại nói những lời như vậy?”. Khổng Minh nói: “Ta thấy trong sao Tam Đài, sao khách sáng lạn gấp bội, sao chủ u tối, các chòm sao tương phụ nhau, ánh sáng của nó đã mờ tối: thiên tượng như vậy, mệnh ta có thể tự rõ được!” Cùng lúc đó, Tư Mã Ý—một đối thủ đang cố thủ trong một doanh trại khác—bỗng một đêm ngẩng đầu quan sát thiên văn, vô cùng mừng rỡ nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta thấy sao Tương mất vị trí, Khổng Minh ắt đang mắc bệnh nặng, không lâu sẽ chết.”… Khổng Minh vứt kiếm mà than rằng: “Sống chết có số, không thể cưỡng cầu được!” Ngay đêm hôm đó, Khổng Minh lệnh cho người dìu ra ngoài, ngẩng đầu nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ về một ngôi sao xa xôi nói: “Kia là tướng tinh của ta đó.” Mọi người nhìn theo, thấy ngôi sao đó màu sắc u tối, le lói sắp tắt. Quả nhiên đêm đó, Gia Cát Lượng quy tiên.

Nếu như nói Tam quốc diễn nghĩa chỉ là cuốn tiểu thuyết, vậy thì Mã Tiền Khóa của Gia Cát Lượng khẳng định là dự ngôn thực sự, ý nghĩa thâm sâu khó lường. Hai nghìn năm nay, dự ngôn Mã Tiền Khóa chuẩn xác phi thường. Thế nên, người ta bèn hoài nghi rằng Mã Tiền Khóa là do người đời sau dựa vào lịch sử đã qua mà biên tạo thành. Nhưng đến cuối triều Minh, đầu triều Thanh đại văn hào Kim Thánh Thán đã đưa ra chú giải cho Mã Tiền Khóa. Lúc đó, khóa thứ 9 đến khóa thứ 14 trong Mã Tiền Khóa vẫn chưa thành hiện thực. Khóa thứ 9 viết rằng: “Thủy nguyệt hữu chủ, cổ nguyệt vi quân, thập truyền tuyệt thống, tương kính như tân” (nước trăng có chủ, trăng cổ làm vua, truyền mười tuyệt sạch, kính nhau như khách). Khóa thứ 10 viết rằng: “Chư hậu ngưu tiền, thiên nhân nhất khẩu, ngũ nhị đảo trí, bằng lai vô cữu” (lợn sau trâu trước, nghìn người một miệng, năm sau đảo ngược, bạn đến không trách). Kim Thánh Thán đã đưa ra rất nhiều suy đoán về chữ “thống” trong “thập truyền tuyệt thống”, nhưng ông đâu ngờ rằng chữ “thống” này tức chỉ Hoàng đế Tuyên Thống. Triều Mãn Thanh kết thúc bởi hoàng đế Tuyên Thống, thật tuyệt diệu! “Thiên nhân nhất khẩu” trong khóa thứ 10, chính xác là chữ “hòa”. Như vậy, năm 1911 là năm Hợi, năm 1913 là năm Sửu, năm ở giữa chẳng phải là năm 1912 hay sao? Mà nước cộng hòa đầu tiên ở châu Á lại thành lập vào năm 1912, không sai lệch chút nào (1912, Tôn Dật Tiên chính thức tuyên bố thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Đây là một chính thể tiếp nối sau triều đình nhà Thanh năm 1912, chấm dứt hơn 2.000 năm phong kiến Trung Quốc). Lúc đó, Gia Cát Lượng đã mất gần 2,000 năm rồi, sao ông có thể đoán được chuẩn xác đến vậy?

Sự thành lập của nước cộng hòa đầu tiên ở châu Á vào năm 1912 khiến người đời sau được tận mắt kiểm chứng sự tiên đoán thần diệu của Gia Cát Lượng. Mấy nghìn năm nay, người ta đều biết có các loại thần cơ, nhưng không ai có thể giải thích rõ căn nguyên của nó. Trong giới tu luyện có một công năng gọi là Túc mệnh thông. Đây là loại công năng cho phép người ta có thể nhìn thấy quá khứ vị lai của đời người, lớn nữa là của xã hội và lớn hơn nữa là của toàn thiên thể vũ trụ. Nếu ai có được loại công năng này thì không khó có thể đưa ra những dự ngôn chính xác như những gì Gia Cát Lượng đã tiên đoán. Chỉ có điều vì nhiều điều phát sinh sau này của nhân loại mà thời xưa chưa có ngôn từ để diễn giải, nên khi đọc tiên đoán sự việc của tương lai, chúng ta cảm thấy rất khó hiểu và khó có thể lý giải trên câu chữ. Một lý do khác nữa là mà trong giới tu luyện cũng hiểu rõ, thiên cơ thì không thể tuỳ tiện tiết lộ cho con người thế gian, nên các lời dự ngôn đều mang trong đó đầy những sự khó hiểu huyền hoặc.

Nhiều dự ngôn báo trước thế giới sẽ có sự thay đổi đáng sợ, có thể là trong mấy năm một trận đại ôn dịch sẽ bao trùm toàn thế giới như trong lời dự ngôn của Lưu Bá Ôn: “Một vạn người giàu lưu lại hai, ba người, một vạn người nghèo lưu lại 1.000 người.” Ngoài ra còn có rất nhiều dự ngôn báo trước sẽ có tai nạn cực lớn xảy ra.

Đã có rất nhiều dự ngôn khác cũng cảnh báo cho con người sẽ có một cuộc đại đào thải diễn ra ở thế gian. Gia Cát Lượng thậm chí có thể biết trước được sự việc sau 2.000 năm. Nếu những gì được nói đến là sự thật, vậy thì khi đại kiếp nạn xảy ra sẽ giống như thời La Mã cổ đại, người người hễ gặp mặt là tử vong, thật đáng sợ biết nhường nào. Trong thời đại mà đạo đức nhân loại bại hoại chưa từng có trong lịch sử này, có lẽ cũng nên suy nghĩ một cách thấu đáo về những lời dự ngôn và cảnh tỉnh kia?

Biên tập theo chanhkien.org

Xem thêm:

Exit mobile version