Tặng người khác hoa hồng, trên tay vẫn còn lưu lại chút hương thơm, đó là lời nhắn nhủ văn hóa cổ xưa của Ấn Độ và cũng là một câu tục ngữ của Anh.
Ý nghĩa bên trong của câu nói rất sâu sắc, ngay cả khi bạn đưa ai đó một món quà rất đỗi bình thường nhưng khi thành tâm trao tặng, nó sẽ lan tỏa sự ấm áp giữa người tặng và người nhận, sự ấm áp ấy sẽ dần dần khuếch tán trong xã hội.
Tuy nhiên, nhiều lúc chúng ta rất dễ đặt tất cả tấm lòng của chúng ta ở dưới những thứ mà ta đang cho rằng có ý nghĩa hơn. Đầu óc liên tục nghĩ, làm những việc này có thể có được lợi ích gì? Có thể hưởng thụ thành quả gì? Rất ít khi ta đặt tâm ý và đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ sẽ có thể cảm thấy phiền hà gì không và có thể vì những chuyện này mà “mất đi” thứ gì hay không?
Cũng có một câu chuyện nhỏ như thế này:
Người ta nói rằng có một ngôi đền trên núi Nam Sơn, Trung Quốc, ở đấy thờ riêng một vị Phật Tổ. Truyền thuyết nói rằng Đức Phật ở đây rất linh nghiệm, chỉ cần tín đồ thành tâm thành ý cầu nguyện, Đức Phật đầy lòng từ bi sẽ giúp hoàn thành điều ước. Có một tín đồ nghe được chuyện này, để thể hiện lòng thành kính của mình, vào ngày sinh của Đức Phật, anh ta cõng theo lợn, gà, cá từng bước từng bước trèo lên núi Nam Sơn, cầu nguyện trước mặt Đức Phật.
Anh ta trèo từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, khi lưng đẫm mồ hôi, anh ta sợ mất đi lòng tôn kính, ai nói thế nào cũng không đặt lễ vật trên lưng xuống, đến nghỉ một chút cũng không dám ngồi xuống. Anh ta sợ lỡ mất thời gian sinh nhật của Đức Phật, ai nói gì cũng không đi chậm lại, chỉ nghỉ ngơi một lúc rồi lại đi tiếp. Trải qua trăm nghìn khổ ải, cuối cùng anh ta cũng đến được ngôi đền. Nhìn vậy mà nói, thì sẽ có người nói anh ta rất có tấm lòng thành tâm hướng Phật.
Anh ta kính cẩn đặt vật hiến tế lên bàn, quỳ xuống chắp tay thành tâm cầu nguyện: “Đức Phật hiển linh, tôi đã đi thi 10 năm để đạt chút công danh, đều không được như ước nguyện. Ngài có pháp lực vô biên, xin hãy soi xét để tôi năm nay được ghi danh bảng vàng”. Sau khi thành tâm cầu nguyện, tín đồ này thu dọn đồ lễ chuẩn bị về nhà.
Khi anh ta bước ra khỏi ngôi đền thì thấy một người ăn xin đang ngồi xổm trên mặt đất, chắp tay hướng về phía anh ta cầu xin: “Thí chủ rộng lượng, tôi đã nhịn đói ba ngày ba đêm, xin hãy thương xót tôi, cho tôi chút đồ lễ để tôi qua cơn đói!”.
Tín đồ nhìn dáng điệu bẩn thỉu của người ăn xin, liền xua tay với thái độ kinh tởm, nói: “Đi đi! Nhìn ông xem vừa rách rưới vừa bẩn thỉu, đừng làm bẩn đồ cúng của tôi. Đồ cúng của tôi phải mang về nhà cho vợ tôi, cho con trai, con gái tôi ăn, ở đâu ra có phần của ông”.
Người ăn xin không ngừng dập đầu cầu xin: “Thí chủ hào phóng, tôi sắp chết đói rồi, chỉ cần cho tôi một chút ít là được, xin anh đấy”.
Tín đồ sợ người ăn xin cướp đồ cúng nên vội vã ôm đồ cúng chạy xuống núi. Người ăn xin đói đến mức toàn thân không chút sức lực, trên người chỉ quấn một chiếc chăn mỏng, nằm co ro bên cạnh cột đền. Đêm xuống, sương càng dày đặc, không khí càng ngày càng lạnh, người ăn xin dùng chăn quấn chặt quanh cơ thể mình.
Không biết từ lúc nào xuất hiện một con chó bị bệnh chốc đầu, toàn thân mưng mủ, lở loét, chân đi cà nhắc tiến lại bên cạnh người ăn xin, cắn lấy một góc của chiếc chăn trên người người ăn xin, đắp lên người mình, thậm chí nó còn cố tình nằm gần người ăn xin để lấy chút hơi ấm. Vết thương trên người chú chó bị vỡ ra khiến chiếc khăn bị dính mủ và có mùi hôi.
Nhìn ăn xin thấy thế vô cùng tức giận, nói: “Cút, cút đi, nhìn mày xem trên người toàn mủ và lở loét, đừng làm bẩn chăn của tao. Ở đây không có chỗ của mày”.
Chú chó vô cùng đau đớn, đôi mắt ngập nước mắt từ từ bỏ chạy, đêm hôm đó, nó chết cóng trước cổng lớn của ngôi đền. Ngày hôm sau, người ăn xin có được chiếc chăn nên không chết cóng nhưng không có đồ ăn nên chết đói.
Nửa năm sau, tín đồ sùng kính Phật nọ đến kinh đô thi khoa bảng lại một lần nữa nhưng vẫn không được ghi danh bảng vàng. Anh ta vô cùng tức giận lên núi Nam Sơn, oán trách Đức Phật: “Cái gì mà Pháp lực vô biên, tại sao chỉ có một kỳ thi nhỏ nhoi cũng không giúp tôi, còn làm tôi thì rớt?”.
Phật Tổ liền hiển linh hỏi tín đồ: “Tại sao ta phải giúp người?”. Tín đồ trả lời: “Tôi thành tâm mang theo đồ cúng lên núi, vì kịp lúc sinh thần của người, một chút cũng không dám nghỉ ngơi, tấm lòng thành ý nhiều như thế, người phải giúp tôi mới phải”.
Phật Tổ liền gọi linh hồn người ăn xin. Vừa xuất hiện, người ăn xin liền hướng về tín đồ lớn tiếng trách: “Tôi chỉ xin anh một chút đồ cúng để lót bụng, anh cũng không cho, ngay cả một chút bố thí này anh cũng không có lòng, thì tại sao Phật Tổ phải giúp anh. Nhưng mà Phật Tổ à, ngài cũng thật nhẫn tâm, mắt nhìn tôi chết đói, cũng không cho tôi chút gì để ăn, chẳng lẽ ngài không có một chút thương cảm nào sao?”.
Phật Tổ lại gọi linh hồn của chú chó nhỏ xuất hiện. Chú chó cũng lớn tiếng chất vấn người ăn xin: “Tôi chỉ xin ông một góc chăn, để tôi có chút ấm áp, chuyện này với ông mà nói chẳng có mất mát gì, nhưng ông nhất định không cho. Tín đồ tại sao phải cho ông đồ ăn, Phật Tổ tại sao phải thương xót ông?”.
Cuối cùng Phật Tổ chỉ tay vào vị tín đồ nói: “Để ngươi ghi danh bảng vàng”, lại chỉ tay vào người ăn xin rồi nói: “để người cơm no áo ấm, đối với ta mà nói chỉ là một cái phất tay, nhưng đến cả các ngươi vốn dĩ có thể giúp đỡ người khác một cách dễ dàng nhưng cũng không giúp, các ngươi có gì xứng đáng để ta phất tay một cái đây?”.
Đức Phật nói xong liền vứt bảng danh của tín đồ nọ xuống vực sâu…
Thành tâm thật sự, không phải là ở việc hình thức biểu hiện ra bên ngoài như thế nào, mà còn là tấm lòng hướng Thiện, có thể đối đãi với tất cả mọi người như chính bản thân mình. Khi đã không thể giúp người như giúp mình, thì sao hy vọng người khác sẽ giúp mình như giúp họ đây. Thành tâm hướng Phật, chính là có thể nghe lời Phật dậy, tu xuất lòng từ bi của mình, bỏ đi những thói hư tật xấu, nhân tâm ích kỷ. Tín Phật mà không nghe lời Phật, lại còn muốn Phật độ cho, đó chỉ là mong muốn ngốc nghếch của con người mà thôi.
Ngọc Linh
Theo Soundofhope
Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?