Đại Kỷ Nguyên

Thưởng trà ngày xuân: Các Hoàng đế cổ đại đặt tên trà như thế nào?

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Thưởng trà là một trong bảy nét đẹp văn hóa truyền thống của phương Đông huyền bí (cầm, kỳ, thư, họa, thi, tửu, trà), không chỉ đơn giản là uống mà nội hàm tu dưỡng của việc thưởng trà tới từ tất cả các bước như thu hoạch, thế (ngâm) trà và ẩm trà. Câu chuyện đằng sau cái tên của các loại trà nổi tiếng nhất cũng mang nhiều tình tiết ly kỳ.

Hoàng đế Khang Hy và nguồn gốc trà Bích Loa Xuân

Bích Loa Xuân là một trong những loại trà nổi tiếng trên thế giới và được phong với cái tên đệ nhất của trà xanh. Bích Loa Xuân trong lịch sử cổ đại được gọi với cái tên thô tục ”Hách sát nhân hương” hay “Trà trăng nước”. Trà được lan truyền rộng rãi và đi vào kho tàng lịch sử trà trên thế giới với danh hiệu “Trà Trung tiên tử” (trà cõi tiên của Trung Hoa). Tên gọi Bích Loa Xuân có liên quan tới Khang Hy đại đế nổi tiếng.

Khang Hy là vị Hoàng đế đặc biệt thích thưởng trà. Tương truyền, ở núi Động Đình có khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng tơi xốp, kết hợp Thái Hồ mênh mông, sương mù dày đặc, rất tốt cho cây trà sinh trưởng. Phía đông núi Động Đình có đỉnh Bích La, cây trà mọc hoang dã trên vách đá dựng đứng. Người dân trong vùng thường tới hái lá về uống. Một lần, vào tiết hái trà, mọi người lên núi, thấy cây trà cành lá xum xuê, ai cũng thi nhau lấy, giỏ tre đựng không đủ, bèn cài thêm vào ngực áo. Lá trà ấp vào ngực, gặp hơi nóng tỏa ra từ cơ thể, phát ra hương thơm kỳ lạ. Mọi người nhất loạt thốt lên: “Hách Sát Nhân hương”. Từ đó về sau, mỗi lần hái trà, người ta không dùng giỏ tre mà đều ôm vào ngực.

Vùng này có người tên là Chu Chính Nguyên rất giỏi pha chế loại trà này. Lần nọ khi Hoàng đế Khang Hy vi hành xuống phía nam, sau khi được thưởng thức loại trà do Chu Chính Nguyên pha chế thì vô cùng yêu thích. Nhận thấy tên gọi của trà hơi có phần thô tục và chưa phù hợp với địa danh nơi sản xuất trà bèn đặt lại tên cho loại trà là Bích Loa Xuân. Từ đó cây chè hoang dã được người dân canh tác nhân tạo và sản lượng cũng tăng lên rất nhiều, trở thành một loại trà nổi tiếng trong nhiều thế kỷ.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Bích Loa Xuân thường được thu hái và đầu xuân nên có sắc xanh biếc, những búp trà Bích Loa Xuân xanh non, tụ phấn phơn phớt trắng kết chặt rất đẹp, uốn cong như con ốc, có chút trắng xen xanh, búp trà non nớt. Trà vang danh thiên hạ bởi những yếu tố: nước trong mà xanh biếc, mùi thơm ngát, vị thuần khiết ngọt lạnh, cho người uống cảm giác thư thái, sảng khoái, vị trà sau khi pha từ từ tỏa ra, bay lượn trong không khí, nước trà trong mà xanh biếc, mùi thơm ngát hợp lại, vị ngọt lạnh, khiến cho người uống cảm thấy thư thái, thoải mái, từ triều Đường, Tống đã liệt vào hàng cống phẩm. Bích Loa Xuân khi uống, nước đầu màu nhạt, mùi thơm, tươi mát, nước thứ 2 xanh biếc, thơm, vị thuần khiết, nước thứ 3 xanh ngọc bích, hương mùi thơm nồng, quay về vị ngọt, thật sự là quý như trân bảo.

Bích Loa Xuân được làm vào hai vụ xuân và đông, được chọn từ những búp trà non trên cây và được hái bằng tay, làm héo trong nhà. Trà được sơ chế đơn giản, có hình hao hao ốc xoắn, có màu xanh bích diệp lục hay xanh bích ngọc .

Trà Long Tỉnh và Hoàng đế Càn Long

Trà Long Tỉnh nghĩa là trà rồng nằm trong giếng, được chế biến tại Hàng Châu. Nơi đây thiên nhiên rất đặc trưng, khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào, do đó trở thành một nơi rất thích hợp cho trà xanh sinh trưởng.

Trà được vua Khang Hy thời Mãn Thanh phong là Hoàng trà, loại trà biểu trưng cho Hoàng đế. Cũng có tương truyền, vua Càn Long từng ghé thăm một vườn trà Long Tỉnh. Thoạt đầu khi thử trà, vua chưa ấn tượng… nhưng rồi một lúc sau ngài cảm thấy vị thanh ngọt ngấm trong cổ và rất thích. Cũng từ đó trà Long Tỉnh trở thành phẩm vật tiến cung. Tên của trà theo truyền thuyết cũng do vua Càn Long đặt, khi ông nhìn xuống một giếng nước gần đó và thấy bóng của cây trà lung linh dưới nước, giống hình một con rồng đang bay lượn trong giếng, nên Càn Long đặt tên là Long Tỉnh Trà.

Trung bình mỗi hộp trà Long Tỉnh có khoảng 25.000 đọt lá. Người ta thường phải hái trà vào buổi sáng. Công việc sấy trà cũng rất khác biệt, người làm công việc này không dùng bất kỳ một dụng cụ nào ngoài hai bàn tay của họ.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trà Long Tỉnh nước xanh mát, thoang thoảng hương thơm, thường được đựng trong hộp giấy sang trọng để dùng làm quà tặng cao cấp. Trà Long Tỉnh được phân loại như sau:

Tây Hồ Long Tỉnh: Là loại tiêu chuẩn theo quy ước tên gọi, bởi Tây Hồ là nơi loại trà đặc thù này phát triển. Trà Long Tỉnh Tây Hồ sinh sôi và phát triển trong một vùng xác định rộng khoảng 168 km² ở tỉnh Chiết Giang gần Tây Hồ. Trong lịch sử, Long Tỉnh Tây Hồ được chia làm 4 loại cho 4 vùng nhỏ hơn là: Sư (Sư Tử), Long (Rồng), Vân (Mây), và Hổ. Nhưng theo thời gian, sự phân biệt này dần bị quên lãng, cho đến hiện nay được sửa lại thành các loại trà Sư Phong Long Tỉnh, Mai Gia Long Tỉnh và tên gọi chung là Tây Hồ Long Tỉnh. Tuy nhiên giới sành điệu vẫn xem loại trà Sư Tử là thượng hảo hạng.

Long Tỉnh trước Thanh Minh: Loại trà được uống vào những tháng đầu tiên trong năm trước tiết thanh minh. Được làm từ những ngọn trà rất non hái trước tiết Thanh minh, ngày 5 tháng 4 (âm lịch) hàng năm. Chu trình chế biến diễn ra rất ngắn, chỉ trước Thanh minh hàng năm 10 ngày. Trà được hái trước thời điểm này là loại trà thuộc cấp thấp tên là Vũ Tiền Long Tỉnh – Long Tỉnh trước mưa. Trong 10 ngày ngắn ngủi, những nhánh trà non trên đỉnh cây trà sẽ chỉ được hái bởi những người hái có kinh nghiệm, sau đó được chế biến rất đặc biệt, do đó, Long Tinh trước Thanh Minh luôn đắt hơn những loại trà Long Tỉnh thông thường.

Tứ Phương Long Tỉnh: Một loại trong nhóm Tây Hồ Long Tỉnh. Loại trà này được đánh giá là loại trà có chất lượng cao nhất Trung Quốc, có vị tươi, hương thơm nồng và lưu lại rất lâu, có sắc xanh hơi vàng.

Mai Gia Ô Long Tỉnh: Một loại trong nhóm Tây Hồ Long Tỉnh. Loại trà này nổi tiếng với màu xanh ngọc bích rất hấp dẫn.

Bạch Long Tỉnh: Không phải là một loại trà Long Tỉnh thật sự nhưng có những nét giống đặc tính thông thường của Long Tỉnh. Loại trà này có xuất xứ từ An Cát, thuộc tỉnh Chiết Giang. Được chế biến từ những năm 80 thế kỷ trước từ một loại cây trà trắng và do đó rất khác thường, nhiều người nói rằng nó chứa hàm lượng axit amin cao hơn các loại trà xanh thông thường.

Tiền Đường Long Tỉnh: Loại trà này sinh trưởng ngoài vùng loại trà Tây Hồ Long Tỉnh sinh sống, tại Tiền Đường. Loại trà này không cao cấp bằng loại trà Tây Hồ.

Trà Quân Sơn Ngân Châm và Hoàng đế thời Hậu Đường

Vào thời nhà Đường, loại trà Quân Sơn Ngân Châm sản xuất tại đảo Quân Sơn thuộc khu vực hồ Động Đình rất nổi tiếng, thuộc địa cấp thị Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Tương truyền, đó là vật phẩm hồi môn của công chúa Văn Thành khi tới Tây Tạng thành thân. Một lần nọ, khi Lý Tự Nguyên (10/10/867 – 15/12/933) Hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Đường thiết triều, được thái giám dâng một chén trà vô cùng đặc biệt. Lần đầu tiên Hoàng đế uống loại trà này, thấy từ cốc trà bốc lên một làn khói trắng, dần dần trong làn khói xuất hiện một con hạc trắng, quay đầu về phía ông, cúi đầu ba cái rồi bay đi. Khi nhìn vào cốc trà, ông thấy từng búp trà dựng thẳng đứng, giống như mầm chồi non đang vươn ra khỏi cốc, cứ chìm xuống lại nổi lên 3, 4 lần trông rất đẹp mắt.

Hoàng đế vô cùng ngạc nhiên, bèn thỉnh giáo cận thần đang đứng cạnh. Vị cận thần trả lời nguyên nhân Hoàng đế nhìn thấy những điều mỹ diệu này vì đã dùng nước Quân Sơn Bạch hạc tuyền (ở giếng Liễu Nghi) pha với Hoàng Linh Vũ (Trà Ngân Châm). Bạch hạc bay từ trong nước lên trời xanh là bày tỏ sự tôn kính với Vạn tuế gia, Hoàng Linh dần dần lắng xuống đáy cốc là bày tỏ sự phục tùng mong muốn trung thành với vua, cầu mong Hoàng đế sống lâu trăm tuổi.

Đương nhiên đức vua vô cùng yêu thích loại trà này và đặt tên cho là Quân Sơn Ngân Châm. Nghe những lời vị đại thần nói cảm nhận như ông ta đang cố tình lấy lòng hoàng thượng, trên thực tế lại là lấy vua làm người quảng cáo trà Quân Sơn. Người xưa không có quảng cáo, chỉ một câu nói làm Hoàng đế động lòng, là quảng bá lan truyền tốt nhất.

Cây hoa Trà Ngân Châm thường nở vào tháng 6, cũng là lúc trà ngân châm đạt chất lượng nhất trong năm, trà thường được hái vào lúc sáng sớm khi những giọt sương chưa tan, kết thúc khi mặt trời vừa lên. Công việc sấy trà cũng rất khác biệt, người làm công việc này không dùng bất kỳ một dụng cụ nào ngoài hai bàn tay.

Trà Ngân Châm chia thành “trà búp” và “trà tơ” tùy theo thủ pháp hái trà và phương hướng. Như trà bên mạn phía đông đảo Quân Sơn sẽ đón ánh sáng mặt trời trước và lúc ấy sương vẫn còn đọng trên lá nên sẽ có ít tơ hơn, trà cũng ngon hơn. Cây trà phía tây đón ánh sáng sau nhưng cường độ ánh ánh sáng mạnh hơn và ban đêm chịu nhiều sương nên búp trà nhiều tơ hơn.

Công phu pha trà Ngân Châm cũng lắm mẹo, như với ‘’trà tơ’’ nhiều lông trắng, thì phải pha sắc nét hơn trà ‘’búp’’. Nên dùng Ấm tử sa Nghi Hưng hoặc ấm sứ. Làm nóng ấm pha trà bằng cách tráng nước sôi. Sau khi bỏ nước tráng trà, rót nước sôi vào ấm trà sau khoảng 1 phút rót trà ra chén tống rồi rót ra chén con để thưởng thức. Trà vẫn còn nguyên hương vị sau 6 – 8 nước. Khi không dùng trà, tuyệt đối không ngâm trà trong nước. Pha trà bằng ấm tử sa để tạo hương vị thơm ngon hơn, uống trà khi nóng.

Kiên Định
Theo Secretchina

Video: Trong cuộc đời, điều gì mới là trân quý nhất?

Exit mobile version