Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 8): Vì sao Tào Công thua trận Xích Bích?

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5, Kỳ 6 , Kỳ 7

Nam hạ chiếm Kinh Châu, đuổi Lưu Bị

Tháng giêng, năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo về Nghiệp Thành, xây hồ Huyền Vũ, huấn luyện thủy quân. Mùa hạ, tháng 6, nhà Hán bãi bỏ Tam công, đặt chức Thừa tướng, Ngự sử đại phu, lấy Tào Tháo làm Thừa tướng. Tào Tháo phong Biệt giá tòng sự Ký Châu là Thôi Diễm làm Tây tào duyện, Trần Lưu làm Tư không Đông tào duyện, Mao Giới làm Đông tào duyện, Nguyên thành lệnh Hà Nội Tư Mã Lãng làm Chủ bạ. Em trai Tư Mã Ý là Tư Mã Phu cũng được phong làm Văn học duyện. Ký Châu chủ bạ Lư Dục làm Pháp tào nghị lệnh sử. Diễn, Giới cũng đều được đề cử. 

Những nhân sĩ thanh chính được đề bạt tuy cũng có lúc đắc ý mà làm ra điều trái với bản thân nhưng sau cùng vẫn trung hậu, thành thật, khiêm nhường, làm quan thanh liêm tạo phúc cho dân. Tả hữu dưới trướng Tào Tháo ai nấy cũng đều liêm khiết, cần kiệm, tự quản bản thân. Tuy các quan được sủng ái nhưng ai nấy đều không phóng túng, hưởng thụ quá độ. Ngay cả quan Trưởng lại cũng mặc quần áo cũ sờn, ngồi xe củi. Quan lại vào phủ, lên triều đều cuốc bộ.

Cuối cùng, Tào Tháo phải thốt lên rằng: “Dùng những người như vậy có thể khiến cho người trong thiên hạ tự trị lấy mình, ta biết phải phúc đáp thế nào đây?“. Tào Tháo dùng người, tín nhiệm hiền tài, trong triều thanh minh, Trung Nguyên đại trị.

TàoTháo Nam hạ chiếm Kinh Châu, đuổi Lưu Bị. (Ảnh: youtube.com)

Tháng 7, Tào Tháo thống lĩnh ba quân Nam hạ tiến đánh Lưu Biểu ở Kinh Châu. Tháng 8, đại quân Tào Tháo chưa đến Kinh Châu, Lưu Biểu bệnh nặng qua đời. Con út Lưu Biểu là Lưu Tông lên thay, đóng ở Tương Dương. Vừa tháo yên ngựa xong, có người báo Tào Tháo dẫn đại quân tiến thẳng đến Tương Dương.

Tông thất kinh, bèn mời lũ Khoái Việt, Sái Mạo đến bàn. Đông tào duyện là Phó Tốn nói: “Không những phải lo Tào Tháo đem quân đến mà thôi, nay đại công tử ở Giang Hạ, Huyền Đức ở Tân Dã ta đều không cho đến báo tang. Nếu họ đem quân về hỏi tội thì Kinh Tương nguy mất. Tôi có một kế làm cho dân Kinh Tương vững như núi Thái Sơn, lại giữ toàn được danh tước cho chúa công”. 

Tông hỏi: “Kế gì?“. Tốn nói: “Chi bằng đem chín quận Kinh Tương dâng Tào Tháo, Tào Tháo chắc trọng đãi chúa công“. Tông mắng rằng: “Ngươi chỉ nói càn. Ta mới nối cơ nghiệp của tiên quân, ngồi chưa yên chỗ, lẽ đâu đã bỏ cho người khác“. 

Khoái Việt lại nói: “Phó Công Đễ nói phải lắm. Thuận hay nghịch đều phải theo tình hình chung. Khỏe hay yếu, đều có thế hẳn hoi. Vả lại Tào Tháo đánh nam dẹp bắc đều lấy danh nghĩa triều đình. Nếu chúa công chống lại thì vẫn mang tiếng phản nghịch. Hơn nữa chúa công mới lên, việc lo bên ngoài chưa xong, việc lo bên trong lại sắp đến. Dân Kinh Tương nghe quân Tào Tháo đến, chưa đánh đã mất vía rồi, thì còn địch thế nào được?“. 

Tông nói: “Lời các ông đều phải cả, không phải tôi không nghe theo. Nhưng cơ nghiệp của tiên quân để lại cho, phút chốc phải sang tay cho người khác, chỉ e thiên hạ chê cười cho!”. 

Tháng 9, Tào Tháo  đến Tân Dã, Lưu Tông hàng Tào, mang ấn Kinh Châu ra nghênh đón. Lấy được Kinh Châu, Tào Tháo phong Lưu Tông làm Thứ sử Thanh Châu, cho Khoái Việt làm liệt hầu. Có được Kinh Châu nhưng Tào Tháo nói với Tuân Úc rằng: “Được Kinh Châu còn không mừng bằng có được Khoái Việt“. 

Tào Tháo nhận định Giang Lăng có quân lương đầy đủ, e rằng Lưu Bị cứ đóng ở đó sẽ củng cố lại được lực lượng, nay mai tiến về Tương Dương, là mối họa lâu dài. Tào Tháo lập tức truyền lệnh huy động 50 vạn quân, sai Tào Nhân và Tào Hồng làm đội thứ nhất, Trương Liêu và Trương Cáp làm đội thứ nhì, Hạ Hầu Đôn và Hạ Hầu Uyên làm đội thứ ba, Vu Cấm và Lý Điển làm đội thứ tư. Tào Tháo tự lĩnh các tướng làm đội thứ năm.

Mỗi đội dẫn 10 vạn quân, Hứa Chử làm Chiết xung tướng quân, dẫn ba nghìn quân đi tiên phong, lại chọn ngày Bính Ngọ, tháng bảy, năm thứ 13 Kiến An (tức 208) xuất phát, ngày đêm truy đuổi hơn 300 dặm đến Trường Bản, Đương Dương. Lưu Bị bỏ lại vợ con cùng Gia Cát Lượng, Trương Phi và kỵ binh, rời bỏ Tân Dã tháo chạy về Giang Hạ. Tào Tháo thắng trận, thu rất nhiều quân nhu khí giới.

Đại chiến Xích Bích

Tào Tháo “cưỡi ngựa làm văn, múa kiếm đề thơ“, đại khí ngút trời, chấn động thiên cổ, được danh sĩ hậu thế nhiều đời ca tụng. Tô Đông Pha viết trong “Tiền Xích Bích phú“: “Si tửu lâm giang, hoành sóc phú thi, cố nhất thế chi hùng dã” (rót chén rượu đứng trên mặt sông, cầm ngang ngọn giáo ngâm câu thơ, thực là một đời anh hùng). Trong “Thi khái, Lưu Hi Tải” cũng khen thơ Tào Tháo: “Khí lực hùng tráng bao trùm tất thảy, chư tử Kiến An chưa ai được như vậy“. “Thi phẩm, Chung Vinh” cũng khen đánh giá thơ ông: “cổ trực hùng hồn, nhiều câu bi tráng” hay “lời như búa bạt đỉnh núi” (“Thi kính tổng luận, Thời Ung”). 

Năm Kiến An thứ 13, mùa đông, ngày 15/11, khí trời quang đãng, sóng gió êm lặng, Tào Tháo sai mở một tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng. Trời tối dần, vầng trăng hiện trên đỉnh núi phía Đông, vằng vặc như ban ngày. Dải sông Trường Giang nằm vắt ngang như tấm lụa. 

Tào Tháo sai mở một tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng. (Ảnh: youtube.com)

Tào Tháo ngồi trên thuyền, tả hữu vài trăm người, mặc toàn gấm vóc, vác qua, cầm kích đứng hầu hai bên. Các quan văn võ ngồi theo ngôi thứ. Tào Tháo đứng ngắm bốn phương trời mênh mông, bát ngát, rồi lấy rượu tế Trường Giang, sau uống liền ba ly lớn, nói rằng: “Từ khi ta cầm ngọn giáo này, phá Khăn Vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, thọc sâu vào Tái Bắc, xuôi thẳng đến Liêu Đông, tung hoành bốn bể, thật không phụ ý chí của kẻ đại trượng phu!“, sau đề bài “Đoản ca hành”:

對酒當歌, Đối tửu đương ca Trước rượu nên hát
人生幾何: Nhân sinh kỷ hà? Đời người bao lâu?
譬如朝露, Thí như triêu lộ Giống như sương sớm
去日苦多。 Khứ nhật khổ đa Ngày qua khổ đau
慨當以慷, Khái đương dĩ khảng Nghĩ tới ngậm ngùi
憂思難忘。 Ưu tư nan vong Buồn lo suốt đời
何以解憂: Hà dĩ giải ưu? Lấy gì quên được?
惟有杜康。 Duy hữu đỗ khang Chỉ rượu mà thôi?
青青子衿, Thanh thanh tử khâm Xanh xanh áo ai
悠悠我心。 Du du ngã tâm Lòng ta bồi hồi
但為君故, Đãn vị quân cố Chỉ vì ai đó
沉吟至今。 Trầm ngâm chí câm Trầm ngâm đến nay
呦呦鹿鳴, Ao ao lộc minh Hươu kêu rao rao
食野之蘋。 Thực dã chi bình Cùng ăn quả bình
我有嘉賓, Ngã hữu gia tân Ta có khách quý
鼓瑟吹笙。 Cổ sắt xuy sinh Gảy đàn thổi sênh
明明如月, Minh minh như nguyệt Vằng vặc như trăng
何時可輟? Hà thời khả xuyết? Lấy được lúc nào?
憂從中來, Ưu tùng trung lai Trong lòng lo lắng
不可斷絕。 Bất khả đoạn tuyệt Dứt được làm sao?
越陌度阡, Việt mạch độ thiên Lội ruộng giẫm bờ
枉用相存。 Uổng dụng tương tồn Tiếc nỗi sống thừa
契闊談宴, Khế khoát đàm yến Bạn bè hội họp
心念舊恩。 Tâm niệm cựu ân Lòng nhớ ơn xưa
月明星稀, Nguyệt minh tinh hy Sao thưa trăng sáng
烏鵲南飛, Ô thước nam phi Về nam quạ bay
繞樹三匝, Nhiễu thụ tam táp Ba vòng cây lượn
無枝可依。 Vô chi khả y? Đậu cành nào đây?
山不厭高, Sơn bất yếm cao Núi không ghét cao
水不厭深。 Thủy bất yếm thâm Biển không ghét sâu
周公吐哺, Chu Công thổ bộ Chu Công thả cơm
天下歸心。 Thiên hạ quy tâm Thiên hạ về theo

Bài “Đoản ca hành” này của Tào Tháo tự thuật lại việc mình đã thu phục được hiền tài trong thiên hạ, dùng lễ hiền của mình để cầu hiền tài như nắng hạ cầu mưa. Bài hành dùng thể thơ tứ tuyệt, câu văn tự nhiên, hào khí ngút trời, ngàn năm truyền tụng.

Lại nói, Đông Ngô lúc này nghe nói Tào Tháo đang đến Kinh Châu, Tôn Quyền triệu tập chúng tướng bàn kế ứng phó. Lỗ Túc hiến cho Tôn Quyền sách lược “Dùng thế chân vạc, Giang Đông ẩn mình quan sát thiên hạ đua tranh” để chờ thời hùng bá thiên hạ, xưng nghiệp đế vương. Kế ấy rất được Tôn Quyền hưởng ứng.

Túc nói: “Kinh Châu tiếp giáp nước ta, giang sơn hiểm trở, nhân dân giàu có, nếu chiếm được đất ấy thì đủ để xây nghiệp đế vương. Nay Lưu Biểu mới chết, Lưu Bị mới thua, tôi xin phụng mệnh sang Giang Hạ viếng tang, nhân tiện bảo Lưu Bị phủ dụ các tướng của Lưu Biểu, đồng tâm hiệp lực với ta để phá Tào Tháo, nếu Lưu Bị nghe theo thì việc lớn ắt thành“. 

Tôn Quyền lập tức sai Lỗ Túc đi bái kiến Lưu Bị để dò la tình hình Tào Tháo, cũng lại muốn thăm dò chủ trương của Lưu Bị. Lúc này Lưu Bị cũng đang cùng Gia Cát Lượng bàn bạc kế sách kháng Tào. Gia Cát Lượng hiến kế liên minh với Đông Ngô. Nhưng Lưu Bị sợ Đông Ngô hùng mạnh, không chịu kết minh với mình. Giữa lúc ấy thì được tin Lỗ Túc đến cầu kiến.

Tôn Quyền lập tức sai Lỗ Túc đi bái kiến Lưu Bị để dò la tình hình Tào Tháo, cũng lại muốn thăm dò chủ trương của Lưu Bị. (Ảnh: youtube.com)

Lỗ Túc theo lệnh Tôn Quyền đến, luận thế sự thiên hạ, ngỏ ý khuyên Lưu Bị cử người tâm phúc sang phía Đông Ngô kết giao hai nhà, đồng lòng nhất ý liên kết đánh Tào Tháo. Gia Cát Lượng đoán biết được Lỗ Túc là phái chủ chiến phía Đông Ngô nên lợi dụng cơ hội Lỗ Túc đến bái kiến Lưu Bị, thuyết phục Lỗ Túc, thông qua ông mà khiến Tôn Quyền kiên định với chủ trương liên minh kháng Tào. 

Lúc này, Tào Tháo từ Giang Lăng thuận buồm tiến xuống Giang Đông. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị: “Việc quân cấp bách, xin được phụng mệnh đi cầu cứu Tôn tướng quân“, sau đó cùng Lỗ Túc đi bái kiến Tôn Quyền. Đến nơi, Gia Cát Lượng phân tích tình thế hai nhà:

“Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh. Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cả cũng mỏi mệt. Mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương bắc không quen đánh thuỷ, đây chính là điều tối kỵ trong binh pháp. Hơn nữa quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào Tháo, chứ không phải là tự nguyện.

Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về Bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội thành hay bại, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kĩ mà quyết đi kẻo muộn!”. 

Tôn Quyền nghe phân tích của Gia Cát Lượng xong thì hết sức mừng rỡ, cùng với chúng tướng bàn mưu lược kháng Tào Tháo.

Lúc này, Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền nói: “Ta phụng mệnh vua, đánh kẻ có tội. Cờ trỏ về nam, Lưu Tông phải bó tay, dân Kinh Tương nghe thấy tin răm rắp hàng phục. Nay thống lĩnh trăm vạn hùng binh, nghìn viên thượng tướng, muốn cùng với tướng quân họp săn ở Giang Hạ”. 

Tôn Quyền hỏi ý quần thần, thấy ai nấy đều thất kinh sợ hãi. Trưởng sử Trương Chiêu thì chủ trương hàng xin hàng. Duy chỉ có Lỗ Túc trầm ngâm một hồi rồi nói với Tôn Quyền: “Vừa rồi, bọn họ nói như thế, là không hiểu bụng chủ công. Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có chủ công thì không hàng được“.

Tôn Quyền hỏi: “Sao vậy?

Lỗ Túc nói: “Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tào Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Chủ công mà hàng Tào Tháo thì về đâu? Chức tước bất quá phong hầu là cùng, xe một cỗ, ngựa một con, đầy tớ vài ba người, muốn ngồi ngoảnh mặt về nam mà xưng cô còn được nữa không? Xem như thế, ý họ ai cũng chỉ biết thân người nấy mà thôi, có nghĩ gì đến chủ đâu! Xin chủ công chớ nghe, nên sớm định kế lớn“. 

Tôn Quyền than rằng: “Ta nghe họ nghị luận thật là thất vọng. Tử Kính mới ngỏ kế lớn, chính hợp ý với ta. Quả thật trời đem Tử Kính cho ta đó!“, nói đoạn Tôn Quyền vui mừng sai người đến Phiên Dương mời Chu Du về bàn việc. 

Chu Du trở về phân tích thực lực của Đông Ngô và thế lực phía Tào Tháo: “Tào Tháo tuy giả danh là tướng nhà Hán, thật ra là giặc nhà Hán. Mà Tôn tướng quân là bậc thần võ hùng tài, nhờ cơ nghiệp của cha anh, binh giỏi lương nhiều, sao lại phải hàng giặc? Vả lại, Tào Tháo đi chuyến này mắc phải nhiều điều kỵ trong binh pháp.

đất Bắc chưa yên, còn cái hoạ Mã Đằng, Hàn Toại sau lưng, mà Tào Tháo dám ở lâu để đánh phương Nam, là một điều kỵ. Quân Bắc không quen đánh dưới nước, mà Tào Tháo dám bỏ yên ngựa dùng thuyền bè, tranh giành với Đông Ngô, là hai điều kỵ. Đang mùa đông rét mướt, ngựa không có cỏ khô ăn, mà dám khởi binh, là ba điều kỵ. Đem quân ở lục địa tiến sâu vào chỗ sông hồ, không quen thuỷ thổ, nhiều người đau ốm, là bốn điều kỵ. Quân Tào Tháo phạm bốn điều kỵ ấy, dẫu nhiều cũng phải thua. Tướng quân bắt được Tào Tháo ở chính lúc này. Chu Du chỉ xin ba vạn tinh binh, đến đóng ở Hạ Khẩu, đủ phá được Tào Tháo cho tướng quân xem”.

Tôn Quyền nghe xong vui mừng ra mặt rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này“. Nói xong, tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Chu Du làm Đại đô đốc, Trình Phổ làm phó đô đốc, Lỗ Túc làm tân quân hiệu uý. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, dùng thanh gươm ấy chém đi. Chu Du, Lỗ Túc, Trình Phổ thống lĩnh 3 vạn tinh binh ngược dòng Trường Giang cùng với Lưu Bị hợp sức đánh Tào Tháo, hai bên đối mặt tại Xích Bích. 

Chu Du nói Tôn Quyền nghe xong vui mừng ra mặt rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này”. (Ảnh: youtube.com)

Lại nói về đại quân của Tào Tháo lúc này dịch bệnh hoành hành, lính chết vô số, mới đầu giao chiến quân Tào Tháo bại trận rút về Ô Lâm bờ Bắc Trường Giang, còn khu vực chiến thuyền của Chu Du lại ở bờ Nam, Xích Bích. Đại quân Tào Tháo không quen thủy chiến, lại trúng mưu Bàng Thống nên cho quân dùng dây buộc ghép các chiến thuyền lớn nhỏ lại với nhau nhằm tránh thuyền nhỏ sóng to để người và ngựa đỡ say sóng. Ai ngờ gặp ngay Chu Du cùng Hoàng Cái hợp mưu lấy khổ nhục kế dùng hỏa công đánh liên hoàn.

Hôm ấy nổi gió Tây Bắc, buồm vải kéo lên, các thuyền xông pha sóng gió vững chắc như đi trên mặt đất. Quân sĩ trên thuyền nhảy nhót ra oai, kẻ phóng giáo, người múa gươm tả hữu, trước sau, đội nào cơ ấy, rất là nghiêm chỉnh. Lại có hơn năm chục chiếc thuyền nhỏ ở ngoài, đi lại tuần phòng, đốc thúc. Tào Tháo đứng trên đài quan sát quân tập luyện, trong bụng vui mừng, cho rằng quân tướng thế này đánh đâu chẳng được thì đột nhiên gió Đông xuất hiện.

Hoàng Cái tướng quân phía Giang Đông tập trung hơn chục chiến thuyền hỏa công đến trá hàng, tiếp đó điều bốn đội thuyền đi theo để tiếp ứng. Đội nhất là Hàn Đương, đội nhì là Chu Thái, đội ba là Tưởng Khâm, đội tư là Trần Vũ. Mỗi đội mang ba trăm chiếc thuyền, hai chục chiếc hoả thuyền đi hàng đầu. Chu Du cùng với Trình Phổ ngồi trên chiếc thuyền to đốc chiến. Từ Thịnh, Đình Phụng làm tả hữu hộ vệ.

Khi đoàn thuyền ra giữa sông Trường Giang thì nhất loạt căng buồm nổi lửa, thuyền theo gió Đông đi như tên bắn áp sát đại trại quân Tào, thiêu trụi đội chiến thuyền của Tào Tháo. Cùng lúc đó, Lưu Bị, Chu Du thủy bộ cùng công đánh, đẩy quân Tào về Nam Quận. Tào Tháo thất thế cho quân thiêu trụi toàn bộ chiến thuyền còn sót lại, dùng đường bộ lui binh. Về đến Nam Quận được Tào Nhân nghênh đón rồi nghỉ ngơi.

Hôm sau, Tào Tháo gọi Tào Nhân vào bảo rằng: “Ta nay phải về Hứa Đô, thu xếp quân mã, để báo thù. Ngươi cần giữ vững lấy Nam Quận. Ta có một mật kế trong phong giấy này, khiến Đông Ngô không dám nhòm ngó Nam Quận nữa“. Tào Nhân bẩm: “Còn Hợp Phì, Tương Dương, thì nên giao cho ai giữ?“. 

Tào Tháo nói: “Kinh Châu giao cho ngươi trông nom. Tương Dương ta đã sai Hạ Hầu Đôn đến giữ rồi. Còn Hợp Phì là nơi hiểm yếu nhất ta sai Trương Liêu làm chủ tướng, Lý Điển, Nhạc Tiến làm phó tướng, trấn thủ đất ấy. Nếu có việc gì nguy cấp thì phi báo cho ta biết“.

Tào Tháo dặn dò đâu đấy, rồi dẫn các tướng lên ngựa về Hứa Đô, lại đem theo cả các quan văn võ đã hàng ở Kinh Châu đi, Tào Nhân sai Tào Hồng giữ Di Lăng và Nam Quận, đề phòng Chu Du đến cướp.

Tào Tháo đứng trên đài quan sát quân tập luyện, trong bụng vui mừng, cho rằng quân tướng thế này đánh đâu chẳng được thì đột nhiên gió Đông xuất hiện. (Ảnh: youtube.com)

Trận chiến Xích Bích, quân Tào Tháo bị đại dịch hoành hành, chiến lực hao tổn, thiên tượng đột nhiên thay đổi, gió Đông xuất hiện, trợ lực cho quân Chu Du tăng thêm thế lực hỏa công hùng mạnh. Đây là trời muốn diệt Tào Tháo hay là do Tào Tháo mắc lỗi gì chăng? Trời không toại lòng người, không cho Tào Tháo tiến thêm một bước, vượt sông Trường Giang mà thống nhất Trung Hoa. Nhưng người anh hùng ấy vẫn nói cười ngạo nghễ, binh tướng trăm vạn, hô mưa gọi gió, chí khí ngút trời thật không thể không khiến cho đời sau thán phục. 

Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Chu Du, Tôn Quyền, năm nhân vật anh hùng thiên cổ cùng diễn một vở kịch trên đại vũ đài lịch sử. Trận chiến Xích Bích để để lại trang sử hào hùng đầy màu sắc về một thời Tam Quốc “thời thế tạo anh hùng” có một không hai trong lịch sử. Thi nhân hậu thế bao đời đã không ít người phải cảm khái, vịnh thán. Thi Tiên Lý Bạch cũng từng tức cảnh sinh tình mà làm bài “Xích Bích ca tống biệt”:

Nhị long tranh chiến quyết thư hùng
Xích Bích lâu thuyền tảo địa không
Liệt hoả trương thiên chiếu vân hải
Chu Du vu thử phá Tào Công
Quân khứ thương giang vọng trừng bích
Kình nghê đường đột lưu dư tích
Nhất nhất thư lai báo cố nhân
Ngã dục nhân chi tráng tâm phách

Dịch thơ (bản dịch từ thivien.net): 

Hai rồng giao chiến quyết thư hùng
Xích Bích thuyền lầu đất sạch không
Lửa dữ xông trời chiếu mây biển
Chu Du nơi ấy phá Tào công
Người ngắm sông dài màu trong bích
Đường Đột nghê kình còn dấu tích
Thư về nhất nhất báo cố nhân
Khiến mỗ vì đây động hùng phách

Minh Vũ

Exit mobile version